BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2126. NHỮNG ẨN HỌA LỚN CỦA QUÂN ĐỘI TRUNG QUỐC

Posted by adminbasam trên 25/11/2013

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Sáu, ngày 22/11/2013

TTXVN (Hong Kong 19/11)

Tạp chí “Tranh Minh” của Hồng Công cho biết trước thềm kỉ niệm ngày thành lập quân đội Trung Quốc (1/8), Trung ương Đảng, Chính phủ và Quân ủy Trung ương lần lượt đưa ra 4 thông tri liên quan tới lĩnh vực quân sự, xây dựng đảng trong hệ thống quốc phòng và xây dựng quân đội.

Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình và Thủ tướng Chính phủ Lý Khắc Cường, ủy viên trưởng Nhân đại Toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội) Trương Đức Giang, Trưởng Ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn và Phó Chủ tịch nước Lý Nguyên Triều lần lượt 6 lần dự hội nghị công tác chính trị của Quân ủy Trung ương và hội nghị đảng trong hệ thống quốc phòng. Cụ thể:

Ngày 5/7, Trung ương Đảng, Chính phủ và Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã đặt ra thông tri “Liên quan tới quy định lãnh đạo Quân ủy Trung ương, 4 cơ quan cấp tổng cục (Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Trang bị và Bộ Tổng Tham mưu), các quân binh chủng, các đại quân khu, bộ quốc phòng và cảnh sát vũ trang phải liêm khiết, tự khép mình vào kỉ luật, không được thực hiện đặc quyền, không được đặc thù hóa, không được làm những điều không đúng” xuống đảng ủy cấp 1 cấp quân khu. Việc Trung ương Đảng, Chính quyền và Quân đội truyền đạt thông tri nhằm vào cán bộ cao cấp hàng đầu của quân đội là chuyện rất hiếm thấy ở Trung Quốc trong gần 10 năm qua.

Tiếp đó vào tối ngày 7/7, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã ra văn kiện “Liên quan tới một số yêu cầu toàn quân sát cánh bên Đảng thực hiện mục tiêu xây dựng quân đội lớn mạnh trong tình hình mới” xuống 4 cơ quan cấp tổng cục, các quân binh chủng, các đại quân khu, các quân khu tỉnh và đảng ủy cấp 1 cấp sư đoàn. Bốn ngày sau, Quân ủy Trung ương và Chính phủ Trung Quốc đã ra văn kiện “Liên quan tới một số ý kiến về việc lãnh đạo các cấp trong toàn quân phải tăng cường, nâng cao bồi dưỡng bản thân, thực thi chức trách sứ mệnh” xuống đảng ủy cấp 1 trong hệ thống quân sự quốc phòng, ngành sản xuất khoa học công nghệ quân sự và học viện, nhà trường quân sự, quốc phòng. Đến ngày 15/7, Quân ủy Trung ương và Chính phủ Trung Quốc lại ra văn kiện “Liên quan tới việc hệ thống, đơn vị, ban ngành quân sự, quốc phòng phải thể hiện sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng và kiên định bảo vệ quyền uy của Trung ương Đảng, quyền uy của Quân ủy Trung ương” xuống đảng ủy cấp 1 cấp quân khu tới đảng ủy cấp 1 cấp trung đoàn. Văn kiện yêu cầu phải thực hiện “một tuyệt đối” và “hai quyền uy” (được nêu ra trong văn kiện), triển khai sinh hoạt dân chủ.

Cũng trong ngày 15/7, Quân ủy Trung ương Trung Quốc triệu tập hội nghị mở rộng. Đây là hội nghị mở rộng lần thứ 9 của Quân ủy Trung ương khóa này với sự tham gia của lãnh đạo 4 cơ quan cấp tổng cục, lãnh đạo các quân binh chủng, các đại quân khu, lãnh đạo 35 đơn vị nghiên cứu khoa học kĩ thuật quân sự và 9 học viện nhà trường quân sự, quốc phòng trực thuộc Quân ủy Trung ương. Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường và các nhà lãnh đạo khác đều tham dự hội nghị. Tại hội nghị, Tập Cận Bình đã có bài phát biểu với tiêu đề “Quân ủy phải liêm khiết, tự khép mình vào kỉ luật, phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội ta”.

Tập Cận Bình cho biết: “Qua điều tra nghiên cứu, khảo sát tương đối toàn diện, tương đối sâu, tương đối thiết thực là tổng kết, phân tích, thảo luận tình hình, tư liệu mà các nơi phản ánh và thu thập được, Quân ủy Trung ương khóa này không có bất cứ lý do gì, không có bất cứ quyền gì và không còn thời gian để tiếp tục coi nhẹ các vấn đề xuất hiện, nẩy sinh trong hệ thống quân sự, quốc phòng, tự giác hoặc không tự giác tiếp tục che đậy, tiếp tục thả lỏng, thỏa hiệp hay để tích tụ các vấn đề bị coi nhẹ, tồn đọng trong thời gian dài ở hệ thống quân sự, quốc phòng. Nói thẳng ra rằng nếu chúng ta tiếp tục che đậy những vấn đề này, tiếp tục thả lỏng để chúng xấu đi, tiếp tục để chúng tích tụ là chúng ta phạm tội và đi ngược lại sự nghiệp của đất nước, sự kỳ vọng của nhân dân và sự ủy thác của Đảng”.

Tập Cận Bình tiếp tục nhấn mạnh: “Quân đội, đặc biệt là hiện trạng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao một lần nữa chứng minh không phải cứ sống trong chân không, cũng không thể sống trong chân không, là một hạt bụi không dính. Chúng ta phải dũng cảm, tự tin đối mặt với hiện thực khắc nghiệt, tức là tình trạng lực lượng quân sự, quốc phòng chia rẽ, mềm yếu, uể oải và sa đọa biến chất. Nếu quân đội tiếp tục đánh mất thời cơ, không nắm chắc lấy thời cơ, tiếp tục không nắm sát, nắm chắc và nắm tốt bản thân lãnh đạo các đơn vị như ở Quân ủy Trung ương, 4 cơ quan cấp tổng cục, các quân binh chủng, các đại quân khu… thì sẽ muộn. Nếu quân đội, biến chất, thì không thể trụ vững trước sóng gió, từ cổ tới kim, cả trong nước và ngoài nước đều đã có tiền lệ như vậy”.

Tạp chí Tranh Minh cho biết thêm tại hội nghị mở rộng lần thứ 9 của Quân ủy Trung ương, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Thượng tướng Phạm Trường Long đã thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ và Quân ủy Trung ương tuyên bố tặng thưởng cho tập thể 28 cơ quan thuộc lực lượng pháo binh 2 (tên lửa chiến lược), không quân, hàng không vũ trụ, trang bị…Ông Phạm Trường Long cũng công bố hiện trạng quân đội và các ẩn họa, nguy cơ chủ yếu và nói rằng một số vấn đề trong đó đã tồn đọng nhiều năm, hiện nay đang xấu đi và lan rộng. Dưới đây là các nguy cơ, ẩn họa lớn của quân đội Trung Quốc mà ông Phạm Trường Long nêu ra:

Thứ nhất, địa vị lãnh đạo của tổ chức đảng trong hệ thống quân đội, quân sự, quốc phòng bị can thiệp, ảnh hưởng, thậm chí là thách thức và bài trừ từ nội bộ.

Thứ hai, lâu nay, các ban ngành, đơn vị thuộc hệ thống quân đội, quân sự, quốc phòng thực hiện đặc quyền, tiến hành đặc thù hóa, làm điều không đúng đắn, coi thường kỉ luật quân đội và pháp luật.

Thứ ba, trong thời kỳ tương đối hòa bình, sĩ quan cấp cao thuộc hệ thống quân đội, quân sự, quốc phòng thiếu niềm tin lý tưởng và thiếu cảm giác sứ mệnh.

Thứ tư, ở chừng mực khác nhau, các sĩ quan trung, cao cấp thuộc hệ thống quân đội, quân sự, quốc phòng đã bị tiêm nhiễm chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa hưởng lạc, theo đuổi danh lợi và lối sống xa hoa.

Thứ năm, tình hình kỉ luật quân đội bị buông lỏng trong hệ thống quân đội, quân sự, quốc phòng là nghiêm trọng và phổ biến.

Thứ sáu, sự quản lý của các ban ngành, đơn vị trong hệ thống quân đội, quân sự, quốc phòng lỏng lẻo, phân tán, để xẩy ra hàng loạt sự cố lớn.

Thứ bẩy, quan hệ giữa sĩ quan và binh lính, quan hệ giữa cấp trên và câp dưới thuộc các ban ngành, đơn vị trong hệ thống quân đội, quân sự, quốc phòng căng thẳng, để nẩy sinh tình hình “cướp cò” (không kiểm soát, gây đánh lộn, bắn giết lẫn nhau) nghiêm trọng.

Thứ tám, trình độ, tố chất và yêu cầu đại cương về huấn luyện, diễn tập và sát hạch của các ban ngành, đơn vị quân đội, quân sự tồn tại khoảng cách.

Thứ chín, do tranh chấp lợi ích, quan hệ giữa các ban ngành, đơn vị trong hệ thống quân đội, quân sự, quốc phòng và cơ quan, ban ngành đảng chính quyền địa phương trở nên căng thẳng, thậm chí nẩy sinh xung đột gây ảnh hưởng tiêu cực.

Khi đánh giá về tình trạng lười biếng, phân tán, mềm yếu, uể oải và sa đọa biến chất của quân đội Trung Quốc hiện nay, tạp chí Tranh Minh dẫn lời nhân sĩ chính giới chỉ rõ nguy cơ lớn nhất của quân đội Trung Quốc chính là do chính Trung Quốc tạo ra. Theo nhân sĩ này, đảng không quản lý đảng thì không thể quản lý được quân đội. 

* * *

TTXVN (Tokyo 20/11)

Theo mạng tin “Sankei”, mới đây có thông tin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã mua tên lửa đất đối không tầm xa Hồng Kỳ 9 loại FD2000 do Trung Quốc sản xuất để trang bị cho hệ thống phòng không của nước này. Trong số các ý kiến quan ngại của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) người ta phát hiện Trung Quốc sử dụng các sản phẩm do Nhật Bản sản xuất dùng cho loại tên lửa này. Ngoài ra, ngay cả rađa phòng không đặt trên tàu khu trục tên lửa Thanh Đáo của Trung Quốc cũng sử dụng ăngten “made in Japan”. Một nhà bình luận quân sự của Trung Quốc khẳng định “đây là nguy cơ tiềm ẩn đối với quốc phòng”. Trong khi Bắc Kinh đang đối đầu với Nhật Bản xung quanh vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (thành phố Ishigaki, Okinawa) thì trên thực tế Trung Quốc lại phụ thuộc chặt chẽ vào nước này về mặt quân sự.

Linh kiện “made in Japan” dùng cho vũ khí

Đơn vị tiếp nhận đơn đặt hàng tên lửa là một công ty Trung Quốc có tên là Công ty xuất nhập khẩu cơ khí chính xác Trung Quốc (CPMIEC). Công ty này nằm trong danh sách đen của Chính phủ Mỹ, thuộc diện các công ty có dính líu đến chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên. Trong cuộc mời thầu cạnh tranh trị giá 4 tỷ USD, công ty này đã đưa ra gói thầu rẻ nhất 3,44 tỷ USD. Với việc áp đảo các công ty của Mỹ và châu Âu, CPMIEC được dư luận trong nước đánh giá là một “thắng lợi” quan trọng.

Mạng “Hoàn cầu” thuộc “Nhân dân Nhật báo”, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng “bức ảnh chứng cứ” cho thấy quân đội nước này đã sử dụng mạch điện do một công ty Nhật Bản sản xuất. Ngoài ra, tờ báo này cũng đăng tải ảnh chụp rađa hàng hải của hãng điện tử Nhật Bản trên tàu ngầm hải quân Trung Quốc.

Mạng “Hoàn cầu ” cho rằng: “Việc các hãng sản xuất linh kiện điện tử Nhật Bản và Hàn Quốc độc chiếm thị trường trở thành nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc phòng của Trung Quốc”. Nhà bình luận quân sự đặc biệt Lôi Trạch đã thừa nhận rằng: “Ngành công nghiệp quốc phòng của bất kỳ quốc gia nào cũng phải dựa vào chính năng lực công nghiệp và thông tin hoá của quốc gia đó. Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ to lớn trong lĩnh vực công nghiệp nặng và công nghiệp hoá song việc sản xuất các linh kiện điện tử vi mạch như bóng bán dẫn và thiết bị điện tử chính xác cũng như ứng dụng vật liệu mới hay trong lĩnh vực gia công thiết bị, Trung Quốc vẫn còn tụt lại một khoảng cách khá xa so với Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ”.

Cấm nhập thì đe doạ nền quốc phòng

Do vậy, ông Lôi khẳng định: ‘Trong một thời gian dài, Trung Quốc phụ thuộc mạnh mẽ vào việc nhập khẩu sợi cácbon, linh kiện điện tử và chất bán dân từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu cấm nhập những thứ này thì hậu quả sẽ khôn lường. Việc giải quyết cho kỳ được nhược điểm này là vấn đề quan trọng giúp Trung Quốc có thể ngẩng cao đầu”. Ông này cũng cho biết: “Không chỉ xét trên góc độ công nghiệp và phát triển kinh tế quốc gia, Trung Quốc cần phải giải quyết vấn đề này trên phương diện an ninh quốc phòng và chiến lược quốc gia. Việc thoát khởi sự phụ thuộc vào công nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc là vấn đề có ý nghĩa hết sức cấp bách”.

Trên mạng Internet của Trung Quốc xuất hiện nhiều ý kiến bầy tỏ nghi ngờ về tính xác thực của thông tin trên khi cho rằng đây có thể là “chiêu bài tuyên truyền của Nhật Bản và Hàn Quốc”. Song, vào trung tuần tháng 10/2013, báo giới đã công bố bức ảnh cho thấy ăngten của công ty điện tử Nhật Bản được dùng cho rađa trên tàu khu trục tên lửa Thanh Đảo của hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn một nửa cư dân mạng “bán tín bán nghi” rằng “làm sao lại có thể dán logo của công ty lớn như thế trên một tàu khu trục của quân đội?” nhưng sau khi nhìn vào danh sách các linh kiện do Nhật Bản sản xuất trong số các thiết bị của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) thì không còn nghi ngờ gì nữa.

Đối mục đích sử dụng từ dân sự sang quân sự

Năm 1967, Nhật Bản tuyên bố không xuất khẩu vũ khí sang các nước có tranh chấp hoặc những nước thuộc diện cấm nhập vũ khí theo Nghi quyết của Liên hợp quốc và các quốc gia Cộng sản. Năm 1976, Tokyo giữ quan điểm “tránh” xuất khẩu sang cả những nước ngoài danh sách cấm này. Năm 2011, Nội các Thủ tướng Yoshihiko Noda đã bãi bỏ lệnh cấm sản xuất, xuất khẩu và cùng phát triển vũ khí trên quy mô quốc tế vì mục đích hoà bình. Và rồi đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã đề ra phương châm tạo nền móng cho ngành công nghiệp quốc phòng và tăng trưởng kinh tế mở đường cho việe xuất khẩu và sử dụng các thiết bị quốc phòng với mục đích dân sự mà không vi phạm “ba nguyên tắc xuất khấu vũ khí”.

Tuy nhiên, quay trở lại với vấn đề vừa nêu, Trung Quốc đã phát triển vũ khí bằng cách chuyển đổi mục đích sử dụng sang quân sự sau khi nhập thiết bị theo con đường dân sự. Bắc Kinh không thể nói rằng họ không hề sử dụng thiết bị “made in Japan” cho các tàu công vụ đang có hành động uy hiếp Nhật Bản ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku. Rõ ràng, là doanh nghiệp làm ăn, các công ty Nhật Bản có thể xuất khẩu phù hợp với các quy định để nâng cao lợi nhuận từ hoạt động này nhưng nếu chứng kiến hành vi trong những năm qua của Trung Quốc thì sẽ chẳng có lời giải thích nào đủ để khiến dư luận thực sự hài lòng./.

 

 

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: