TS Nguyễn Sỹ Phương – CHLB Đức
04-11-2013
*Phần I- Thước đo nào cho một văn bản Hiến pháp ?
Một con sói xuống uống nước phía thượng nguồn, nhác thấy một con cừu uống nước phía hạ nguồn liền quát, sao mày dám làm đục dòng nước ta uống, ta sẽ ăn thịt mày. Câu chuyện ngụ ngôn chân lý thuộc về kẻ mạnh của phương Tây trên cho một hình ảnh giữa khoa học (ở đây là quy luật dòng chảy) và cách thức xử sự đối với khoa học đó tùy thuộc lợi ích sử dụng nó (ăn thịt con cừu). Khác với loài vật chỉ hành động bản năng theo lợi ích, loài người có ý thức, lợi ích chỉ mới là điều kiện cần đạt tới, muốn thành công phải bảo đảm khoa học tức điều kiện đủ, không thể bất chấp khoa học như sói coi nước chảy ngược được. Hậu hoạ có thể rút ra từ câu chuyện cổ tích “Bộ quần áo mới của Hoàng đế“. Để đạt được lợi ích buộc ai cũng phải thừa nhận bộ quần áo mới, Hoàng Đế dựa vào “học thuyết“, chỉ những ai trung thành hoặc không trễ nại mới có thể nhìn thấy nó. Học thuyết đó bị phá sản làm lợi ích bộ quần áo mới cũng mất nốt, khi trẻ em vốn không bị chi phối bởi lợi ích nào cả, trông thấy, reo lên, “Hoàng Đế cởi truồng“ bác bỏ học thuyết trên. Ý nghĩa câu chuyện này còn minh chứng cho nguyên lý, thực tế là thước đo của khoa học, chứ không phải quyền lực hay lợi ích. Thừa nhận khoa học, nhưng sử dụng nó không tính kỹ tới tương quan lợi ích đạt được chắc chắn thất bại. Thuyết tương đối Einstein tới nay được cho là đúng, nhưng công thức tính vận tốc, quãng đường, thời gian của nó thực tế không dùng, ngoại trừ nghiên cứu khoa học, bởi vô nghĩa.