2090. TRUNG QUỐC: CHIA RẼ CHÍNH TRỊ GIA TĂNG
Posted by adminbasam trên 04/11/2013
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Sáu, ngày 01/11/2013
TTXVN (Algiers 31/10)
“Giấc mộng Trung Hoa” liệu có thành hiện thực?
Khi chỉ còn vài tuần lễ nữa là diễn ra Hội nghị trung ương 3 (khóa 18) Đảng cộng sản Trung Quốc, nhiều câu hỏi được đặt ra về động lực cho chính sách đối nội của Trung Quốc, độ gắn kết trong chính phủ, triển vọng cải cách trong bối cảnh sau Đại hội 18, thống nhất chính trị ở cấp lãnh đạo cao nhất dường như không vững chắc. Theo tạp chí “Tin Trung Hoa ”, trước tình hình khó khăn đó, một số nhà quan sát dự báo Hội nghị trung ương lần này sẽ gây “thất vọng”,nền kinh tế sẽ chững lại do bị cản trở bởi các cuộc cải cách chính trị vốn rất cần thiết cho công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc.
Ai cũng biết Thủ tướng Lý Khắc Cường quyết tâm đi theo con đường cải cách nền công nghiệp, bộ máy hành chính và hệ thông tài chính, với một số hệ quả có thể gây tác động về phương diện chính trị làm suy yếu quyền lực của các ngân hàng và các tổ hợp kinh tế Nhà nước lớn. Cùng lúc đó Ban tuyên truyền của Đảng được Chủ tịch Tập Cận Bình hỗ trợ, lại phát đi tín hiệu trái ngược: kiểm soát Internet chặt chẽ hơn, quấy nhiễu số trí thức có tư tưởng phản kháng, kiểm duyệt báo chí, khuynh hướng chính trị đi xuống phản đối quyền ưu tiên được Hiến pháp bảo đảm và trở lại phong cách chính trị khiến người ta nhớ lại các chiến dịch tuyên truyền kiểu Maoít, như thể ban lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy mình buộc phải trả giá cho trào lưu dân túy của Bạc Hy Lai.
Về các vấn đề cho thấy trước hết Trung Quốc đang gặp khó khăn trên con đường cải cách, nhà Trung Quốc học Joseph Fewsmith, giáo sư quan hệ quốc tế tại trường Đại học Boston, mới đây đưa ra những phân tích rất hay được Hoover Institutionthuộc Trường đại học Stanford công bố trên mạng. Phương châm “giấc mộng Trung Hoa” được Tập Cận Bình đưa ra từ khi lên nắm quyền, đáng lẽ phải quy tụ được sức người và sức của, song ngược lại, gây chia rẽ khác thường liên quan đến Hiến pháp và vai trò của nó. Tình trạng phân cực tư tưởng đó cho thấy có những mối nghi ngại về tính hợp pháp chính trị của chính quyền, đồng thời bộc lộ rạn nứt ở cấp lãnh đạo cao nhất và cho thấy chế độ Bắc Kinh là không vững chắc.
Các nhà quan sát bi quan nhất nhận thấy cả phái ủng hộ cải cách chính trị và phe kiên quyết bác bỏ cải cách đều củng cố lập trường của mình về vấn đề đó. Xơ cứng về tư tưởng không những không tạo cơ hội cho thỏa hiệp mà còn làm chậm lại cải cách kinh tế và xã hội và, tệ hơn thế, còn có thể gây ra chấn động chính trị.
Giữa tháng 7/2013, một số người mang theo ảnh Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình bơi qua sông Dũng Giang ở tỉnh Chiết Giang. Sự việc này diễn ra sau khi Truyền hình trung ương Trung Quốc phát đi trong hơn 40 phút hình ảnh chuyến bơi vượt sông Trường Giang của Mao Trạch Đông ngày 6/7/1966. Việc phát sóng lại sự kiện đó không phải không có ý nghĩa vì, theo ông Zhang Xuezhong, giáo sư luật tại trường Đại học Luật và Khoa học chính trị Thượng Hải, có thể chính quyền đang chuyển sang lập trường thiên tả.
Hiện nay, chiếc hố ngăn cách ngày càng sâu thêm giữa một bên là những người ủng hộ một Nhà nước pháp quyền dựa trên Hiến pháp được tất cả thừa nhận và đặt cao hơn Đảng, đồng thời bản thân Đảng cũng buộc phải khép mình vào khuôn khổ luật pháp, và bên kia là những người viện cớ “Trung Quốc có đặc điểm riêng” để bác bỏ “tư tưởng lập hiến”. Phái này cho rằng ở phương Tây, xã hội dân sự vừa là đôi tác của chính phủ, vừa là yếu tố đối trọng với chính quyền, song ở Trung Quốc dường như bị thay thế bởi một “xã hội quần chúng” quy tụ chính phủ và quân chúng mà không hề có khả năng bị phá vỡ hay phản đối.
Phái tả Mới – thịnh hành từ nhiều năm nay và bác bỏ mọi cuộc cải cách được Đặng Tiểu Bình khởi xướng và dẫn đến sự ra đời của “chủ nghĩa tư bản quan liêu” gây ra nhiều tác động kinh tế xấu và mất cân đối ghê gớm trong xã hội – lần đầu tiên từ năm 1989 thành công trong việc hỗ trợ tư tưởng của ông bằng sự tồn tại của một phái dân túy trong thời gian qua thể hiện ở hành động của Bạc Hy Lai tại Trùng Khánh. Hơn thế nữa, trào lưu tư tưởng của Phái tả Mới, theo nhà phân tích Fewsmith, cách đây không lâu vẫn không trụ vững được về phương diện tư tưởng, nay dần dần tự khẳng định mình như trào lưu bảo thủ hùng mạnh nhất có khả năng cản trở cải cách chính trị.
Thế bế tắc chính trị đó thể hiện rõ hơn từ đầu năm 2013 qua một loạt các sự vụ. Đụng độ bắt đầu vào tháng 2/2013 khi bài xã luận đăng trên tuần báo “Sud Week-End” đề cập đến mối liên hệ giữa việc tôn trọng Hiến pháp và “giấc mộng Trung Hoa” trước đó đã được Ban tuyên truyền của Đảng viết lại và biến thành một bài ca tụng Đảng. Sau đó, các phóng viên của tạp chí trên gửi kiến nghị đến chính quyền tỉnh và bãi công. ít lâu sau, để tỏ ra rộng lượng và cho thấy ý kiến về báo chí tự do là không được chấp nhận, tờ “Thời báo hoàn cầu” đăng một bài viết và được truyền đi trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, khẳng định rằng “người nào có ý thức ít nhất cũng sẽ hiểu rằng ở Trung Quốc không có chỗ cho tự do báo chí và truyền thông không được nuôi hy vọng hão huyền mình có thể sẽ là một khu vực chính trị đặc biệt”.
Vụ việc trên chặn đứng niềm hy vọng có được sau khi Tổng bí thư mới ngày 30/12/2012, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày ban hành Hiến pháp, tuyên bố sẽ “giải quyết công việc của đất nước phù hợp với Hiến pháp” và “bảo vệ quyền lực của Hiến pháp nghĩa là bảo vệ tính hợp pháp của nhân dân và Đảng”. Cuộc cãi lộn đó cũng đi ngược lại trào lưu điều chỉnh luật pháp theo chủ trương của Đảng sau thời kỳ hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa. Ý muốn dựa vào luật pháp hơn là tư tưởng và thao túng quần chúng, được ghi trong Hiến pháp năm 1982, trong đó Phần mở đầu khẳng định rằng “công dân thuộc mọi sắc tộc, các cơ quan Nhà nước, quân đội, các chính đảng, doanh nghiệp phải tôn trọng Hiến pháp và bảo đảm thực hiện Hiến pháp, đồng thời coi Hiến pháp là nền tảng cho mọi hành động của mình”. Tính hợp pháp của luật pháp và Hiến pháp được Giang Trạch Dân khẳng định vào năm 1997, rồi được Hồ cẩm Đào nhắc lại vào năm 2002. Cách đây hơn 10 năm, Hồ cẩm Đào cũng khẳng định “không một tổ chức và cá nhân nào có quyền bỏ qua Hiến pháp”.
Nhưng trên thực tế, sự việc hoàn toàn không phải như vậy. Trong những năm gần đây, lý tưởng luật pháp và Hiến pháp luôn bị chèn ép bởi nỗi ám ảnh ổn định xã hội. vốn là phiên bản mềm của các chiến dịch “đánh mạnh” được Đặng Tiểu Bình cho thực hiện vào năm 1990 và lấn át quyền cá nhân được phong trào bảo vệ luật pháp bảo vệ. Tất cả diễn ra trong bối cảnh ngân sách dành cho bộ máy cảnh sát gia tăng đều đặn, từ 135 tỷ nhân dân tệ (năm 2002) lên 769 tỷ (năm 2013), tương đương 93 tỷ euro. Các khuynh hướng đó khẳng định ý muốn – không bao giờ bị phủ nhận – bảo vệ Đảng trước mọi hành động quá đà có thể không kiểm soát được của các phong trào phản kháng xã hội, đôi khi là chính trị, trong khi nẩy sinh cảm giác dễ bị đánh gục của bộ máy vốn lo ngại trước tâm trạng bất bình gia tăng trong nội bộ và các phong trào phản kháng liên tiếp phản đối sức mạnh của Nhà nước ở khắp nơi trên thế giới.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn giữa bảo vệ Nhà nước pháp quyền trong lời nói và hành động không theo hướng đó của Chính phủ Trung Quốc dường như diễn ra ngày 22/5/2013 khi bà Yang Xiaoqing, giáo sư luật tại trường Đại học nhân dân, viết bài bác bò ý kiến của những người đánh đồng “giấc mộng Trung Hoa” với quyền tối thượng của Hiến pháp. Theo vị giáo sư này, nỗi ám ảnh đặt luật pháp lên trên hết là “mẹo của phái theo tư tưởng tự do kiểu phương Tây để làm suy yếu chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”. Bà nói thêm rằng hệ thống chính trị của Trung Quốc ưu tiên vai trò của người dân dưới sự lãnh đạo của Đảng- và không thể chấp nhận một số khái niệm của phương Tây không thích hợp với đặc tính của dân tộc. Thành công của bài viết này, mặc dù chỉ đăng trên một tờ báo có số phát hành thấp, được nhân lên qua các cuộc tranh luận trong nội bộ giữa số trí thức ủng hộ pháp luật và những người thuộc Phái tả Mới ca ngợi tư tưởng dân túy của Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh, đồng thời trùm lên làn sóng dân tộc chủ nghĩa đôi khi có tính chống phương Tây của những người đi trước.
Người ta còn nhớ ý kiến này từng được nêu lên trong cuốn sách được xuất bản năm 1996 với tên gọi “Trung Quốc có thể nói không. Lựa chọn chính trị và tư tưởng thời hậu Chiến tranh Lạnh”. Như vậy, lần đầu tiên kể từ khi xẩy ra sự kiện Thiên An Môn, một trào lưu xuất hiện và trở thành vật cản đối với cải cách chính trị, đồng thời cùng tồn tại với trào lưu dân túy theo khuynh hướng bảo thủ lúc này phản đối các hành động quá đà của công cuộc hiện đại hóa theo bản năng, nhưng thường gây thất bại cho công cuộc hiện đại hóa về chính trị.
Tiếp theo bài viết của bà Yang Xiaoqing là một loạt bài khác của một số trí thức thuộc Phái tả Mới trên báo của quân đội, Ban Tuyên truyền, và tờ “Thời báo hoàn cầu” hay “Nhân dân nhật báo”. Tất cả đều muốn chỉ ra mâu thuẫn giữa lợi ích của nước Trung Quốc và ý tưởng đặt Hiến pháp lên trên Đảng. Thành công của các bài viết này – vốn mang tính tư tưởng cao và rất trừu tượng – có được trước hết vì được công bố vào thời điểm niềm tin chính trị bị lung lay mạnh. Ngoài vụ thanh trừng Bạc Hy Lai, người đứng đầu trào lưu dân túy, còn có thêm những câu hỏi được đặt ra khiến chế độ Bắc Kinh phải suy nghĩ về con đường tốt nhất mà Trung Quốc phải đi, trong bối cảnh người., nào cũng ý thức được rằng không muốn đi tới sẽ nguy hiểm trong khi chính cải cách chính trị chứa đựng nguy cơ đối với sự trường tồn của chế độ.
Phái tả Mới cũng tận dụng việc Tập Cận Bình có bước chuyển về chính trị khi, vào mùa Xuân năm 2013, ông chấp nhận phong cách làm việc của một chính phủ hay dậy đời và dường như ít nói đến việc ưu tiên thực hiện Hiến pháp hơn. Bối cảnh dẫn đến bước tiến triển đó là Ban tuyên truyền của Lưu Vân Sơn, nhân vật số 5 trong Đảng, phụ trách Ban bí thư Trung ương Đảng, nắm lại việc kiểm soát về tư tưởng. Tháng 4/2013, theo đề nghị của nhân vật này, Thường vụ Bộ Chính trị thông qua báo cáo về tình hình trong lĩnh vực tư tưởng, cảnh báo về “7 vấn đề nghiêm trọng” liên quan đến những “giá trị của phương Tây” trong đó một số được nêu đích danh như “độc lập của ngành tư pháp” và “xã hội dân sự”.
Ngày 1/6, tờ báo mang tính chuẩn mực tư tưởng của Đảng – “Tim kiếm sự thật” – đăng bài giải thích rằng trào lưu dư luận phản đối Hiến pháp nhận được sự hỗ trợ ít nhất của một bộ phận trong bộ máy lãnh đạo vì “nếu tư tưởng chính trị bị phương Tây hóa, Đảng và Nhà nước có thể sẽ đi vào con đường sai lệch”. Tuy nhiên, câu đáp trả về tư tưởng ngay lập tức cũng được đưa ra từ bộ máy lãnh đạo. Bà Cai Xia, giáo sư Trường Đảng trung ương, tức giận trước những ý kiến phê phán Hiển pháp và nói rằng “áp dụng Hiến pháp và mở rộng dân chủ, trái lại, phải là sứ mệnh chủ chốt của Đảng. Tiến bộ chính trị và con người phụ thuộc vào dân chủ và Nhà nước pháp quyền”. ít lâu sau, khi phát biểu tại một hội nghị ở trường Đại học Băc Kinh, bà cho rằng “dấu ấn một chính phủ hợp hiến là bảo vệ nhân quyền”. Ý kiến này được nhiều người ủng hộ, trong đó có Zhang Qianfan, một giáo sư luật coi việc phản đối Hiến pháp là mưu đồ của những người có ý định bảo vệ lợi lộc được chia chác.
Như vậy, tình trạng chia rẽ về chính trị đã được khẳng định, giữa một bên là những người ủng hộ Nhà nước pháp quyền và bên kia là trào lưu trong đó Chủ tịch Tập Cận Bình có ý định bảo đảm sự kết hợp giữa trào lưu dân túy ưa nói về đạo đức chống tham những vốn là kẻ thù của những hành động quá đà của tư bản Nhà nước – xương sống về tư tưởng của Phái tả Mới – và trào lưu bảo vệ “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”, bác bỏ nền tảng hợp hiến của các hệ thống chính trị, với mục tiêu chính là bảo vệ “vai trò lãnh đạo của Đảng”, được đa số các thành viên Bộ Chính trị ủng hộ. Một trong những triệu chứng rõ rệt nhất cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình chuyển sang quay lưng lại với Nhà nước pháp quyền là, nhằm mục đích điều chỉnh những sai lệch về đạo đức trong xã hội Trung Quốc, có thể ông có xu hướng hỗ trợ chiến dịch tái tạo giá trị xã hội truyền thống của mình bằng cách phát triển không những đạo Khổng – bị Đảng cộng sản Trung Quốc thao túng từ lâu – mà cả đạo Phật và đạo Lão.
Tình trạng thoái hóa trong cán bộ quả thực bùng nổ đến mức, theo một báo cáo được Tòa án tối cao đệ trình lên Quốc hội vào tháng 3/2013, trong thời kỳ 2008-2012, gần 150.000 viên chức bị khẳng định tham nhũng và ứng xử không đúng. Các nhà quan sát thực tiễn nhắc lại rằng chỉ có cải cách chính trị – dù khó khăn – mới có thể chấm dứt được những sai lệch về đạo đức đang đè nặng lên xã hội Trung Quốc. Điều chắc chắn là lập trường chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ cản trở chính sách cải cách của Thủ tướng Lý Khắc Cường nhằm làm lành mạnh hệ thống tài chính và giảm quyền lực của các ngân hàng và tổ hợp kinh tế Nhà nước lớn. vốn nắm giữ một phần đáng kể trong chính quyền, các tổ hợp và ngân hàng này quả thực trở thành nơi trú ngụ của các quyền lực cũ, đồng thời là nguyên nhân gây lãng phí lớn, với ảnh hưởng không thể giảm nếu ngành tư pháp vẫn phải tuân lệnh, Quốc hội vẫn chỉ là nơi ghi nhận ý kiến và Hiến pháp vẫn nằm dưới ảnh hưởng của Đảng.
Trào lưu chủ trương cải cách chính trị vẫn hoạt động mạnh, song các điểm tiếp sức của nó trong cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc – từ Lý Nguyên Triều bị loại- khỏi Thường vụ Bộ Chính trị trước khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch nước đến Uông Dương bị loại khỏi ban lãnh đạo tối cao do có lập trường theo khuynh hướng tự do trong thời kỳ 2010-2011 – lúc này đều tỏ ra rất kín đáo. Không phải vì số trí thức muốn thiết lập Nhà nước pháp quyền không nói năng gì, kể cả trong bộ máy lãnh đạo, như phản ứng của Trường Đảng trung ương hay trào lưu của các giáo sư luật thuộc các trường đại học lớn cho thấy, mà vì ảnh hưởng của họ thực tế đã suy giảm.
Đồng thời, theo chuyên gia Fewsmith, lập trường của phái cải cách và đối thủ của họ ngày càng được củng cố vững chắc hơn, từ đó khó có thể đạt được thỏa hiệp và tiến tới được con đường cải cách trung dung. Tình hình này trước đây đã xẩy ra và có thể cho thấy sẽ nổ ra chấn động chính trị trên diện rộng. Dẫu sao, tình hình đó cũng cản trở việc tiến hành cải cách kinh tế và hệ thống tài chính, cuộc đấu tranh chống bổng lộc của các ngân hàng và tổ hợp kinh tế Nhà nước lớn, từ đó kéo dài thêm dự án phát triển gây mất cân bằng xã hội quy mô lớn.
Đòn cảnh báo của Ôn Gia Bảo
Các sự kiện xẩy ra trong thời gian gần đây liên quan đến chính sách đối nội của Trung Quốc một lần nữa cho thấy bầu không khí sôi sục trong lĩnh vực tư tưởng và kình địch đang diễn ra trong bộ máy lãnh đạo và giới trí thức.
Trong khi chế độ Bắc Kinh truy quét nạn tham nhũng ở các cấp rất cao trong hệ thống chính trị, với quyết tâm và sự bền bỉ hiếm thấy, đồng thời với việc thăm dò con đường “riêng của Trung Quốc” có thể cho phép bỏ qua những chuẩn mực dân chủ nguy hiểm đối với sự sống còn của mình, cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo – người mà ai cũng biết là mụôn mở cửa mạnh hơn nữa – vừa phát biểu trên truyền hình, một việc làm không mấy quen thuộc đối với một nhà lãnh đạo đã về hưu, trong đó ông cảnh báo ngầm nhưng rất trang trọng đối với nguy cơ quá đà theo khuynh hướng dân túy.
Về hình thức, hết sức ca ngợi Tập Trọng Huân, cha đẻ của vị Chủ tịch nước đương nhiệm – cũng như nội dung – vấn đề được đề cập đến ám chỉ thảm họa Cách mạng Văn hóa, sáng kiến của Ôn Gia Bảo được hiểu như một sự hỗ trợ rõ ràng đối với Thủ tướng đương nhiệm đang dẫn thân vào cuộc chiến chống bổng lộc và quyền lực, cũng như lời cảnh báo ngầm đối với Tập Cận Bình, người đang rất quan tâm đến tư tưởng của Phái tả Mới, trong khi chính cha đẻ của ông, một trong số các cán bộ sáng lập ra Đảng Cộng sản Trung Quốc, bị Mao Trạch Đông, rồi cuộc Cách mạng Văn hóa đầy ải.
Người ta còn nhớ phong trào tư tưởng của Phái tả Mới đứng ra bảo lãnh cho cuộc thử nghiệm của Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh, với mức độ phản dân chủ rất cao vì tập trung toàn bộ quyền lực vào tay chỉ một vài người. Nhưng cuộc thử nghiệm đó lại được một số người nhìn nhận như một ví dụ có hiệu quả về một con đường riêng của Trung Quốc không bị tác động bởi ảnh hưởng chính trị của phương Tây. Phái tả Mới tuy bác bỏ các nguyên tắc dân chủ được các phần tử cực đoan nhất coi như một hành động thao túng của phương Tây để làm suy yếu Trung Quốc, nhưng không loại trừ việc lập lại trật tự về phương diện đạo đức ở Trung Quốc và đấu tranh chống nạn tham nhũng vốn là một trong những động lực chủ yếu của trào lưu này. Phái tả Mới quả thực lên án không những việc bắt chước một cách nguy hiểm các hệ thống chính trị của phương Tây, mà cả những hành vi quá đà của “tư bản quan liêu” với dấu ấn là nạn tham nhũng, lạm dụng của cải xã hội, thói độc đoán và lợi dụng ảnh hưởng. Đó là hậu quả của tình trạng đan xen không thể tháo gỡ được giữa kinh doanh và chính trị, từ đó tạo ra một xã hội rất bất công, bị chi phối bởi bầu không khí cực kỳ căng thẳng và thường thể hiện qua cách hành xử thiếu đạo đức đáng lo ngại trong giới cán bộ.
Cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo hiểu rất rõ tình hình đó vì gia đình ông và có thể cả bản thân ông dường như là mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra. Hơn nữa, có người nói rằng việc ông phát biểu trên truyền hình có thể nhằm mục đích vạch ra ranh giới cho các cuộc điều tra bắt đầu nhằm vào gia đình các nhà lãnh đạo cấp cao nhất. Nhưng Ôn Gia Bảo cũng biết – và đó là điều chủ chốt trong thông điệp chính trị của ông – rằng nếu ngành tư pháp không được độc lập và nếu các cơ quan dân cử không có được quyền tự chủ tối thiểu, được tập trung xung quanh nguyên tắc tam quyền phân lập, thì sẽ không thể hiện đại hóa được đất nước Trung Quốc, trong khi cuộc chiến chống nạn tham nhũng và các hành vi quá đà về đạo đức, vốn không được pháp luật bảo vệ, có thể sẽ tương đối dễ dàng biến thành các vụ thanh toán chính trị lẫn nhau.
Cho dù nhiều nhà phê bình hoài nghi tính hữu hiệu của hành động “thanh lọc” đang được thực hiện mà họ cho là cảnh cuối của vai diễn diễn ra từ nhiều thập kỷ nay với hiệu quả chắc chắn là hạn chế, song cũng cân phải thấy rằng phong cách và nhịp độ được áp đặt bởi Vương Kỳ Sơn, người được mệnh danh là “đại quan tòa” của chế độ Bắc Kinh, khiến người ta có cảm giác đó đúng hơn là quyết tâm sắt đá chứ hoàn toàn không có tâm hồn về chính trị. Như thể lần này, các vụ tấn công chống tham nhũng không hề có ẩn ý đấu đá giữa các phe phái như mọi khi, đến mức người ta có cảm giác tất cả đều bị đe dọa. Nhận xét này tuy không được nhiều nhà quan sát tin, song sẽ được khẳng định.
Mục tiêu đề ra quả thực mang tính đạo đức, nhưng trên thực tế, chính sự sống còn của Đảng đang bị đặt lên bàn cân, trong một bầu không khí không lành mạnh. Cơn bão táp do các mạng xã hội và Internet tạo ra tiếp tục đặt lại vấn đề đối với tính hợp pháp của chế độ đang phải đối mặt với nhũng lời phê phán không thương tiếc, khinh bỉ hay thẳng thừng đến mức ác độc của cư dân mạng. Trong bầu không khí đó, Vương Kỳ Sơn, người ít nhất trong lúc này được Tập Cận Bình hỗ trợ vì cả hai đều ý thức được tính cấp bách của tình hình, nhằm vào nhiều tầng nấc. Đó là lãng phí tiền bạc Nhà nước hay hành vi phô trương lố bịch đến mức gây phản cảm, cách hành xử không đúng thường liên quan đến các vụ rắc rối tình cảm mà những cô bạn gái bị bỏ mặc hay bất bình bị tiết lộ, và yếu tố nhậy cảm hơn là hệ thống bổng lộc đã kết nang trong bản chất của chế độ.
Không thể nêu hết được tên những nạn nhân mới nhất của chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc, nhưng có thể nói ra số quan chức hiện không còn thẻ VIP để tham gia các câu lạc bộ thời thượng hay không còn đi xe gắn biển ưu tiên, các quan chức bị khai trừ khỏi Đảng và có khi bị trừng phạt nặng nề vì phô trương một cách ló bịch đồ dùng xa xỉ, sử dụng công quỹ vào mục đích cá nhân hay có cách hành xử gây bê bối, vì các trường hơp này thường là hệ quả của các vụ tố cáo của cư dân mạng, đôi khi được chính chính quyền khích lệ.
Trong bối cảnh đó, không thể đếm xuể số cán bộ cấp trung bị điều tra bị khai trừ khỏi Đảng và bị kết án. Nhưng ai cũng nhận thấy rằng vũ khí chống tham nhũng gần đây đã bắn vào các nhân vật cao cấp trong Đảng Người ta còn nhớ các vụ điều tra mới đây đối với Lưu Thiết Nam, chủ tịch ủy ban Năng lượng quốc gia và là nhân vật số hai trong Ủy ban quốc gia nghiên cứu và phát triển, rồi vụ điều tra đối với Tưởng Khiết Mẫn, nhân vật số một trong ủy ban giám sát cổ phiếu Nhà nước (SASAC). Lúc này đến lượt Phó thị trưởng Nam Kinh, Quý Kiến Nghiệp , bị cách chức vì tội tham nhũng. Nhưng vụ lớn nhất đang gây xáo động trong chính giới liên quan đến nhân vật số 9 trong Đảng là Chu Vĩnh Khang. Trước đây, nhân vật này phụ trách Nội chính, tùng là người đứng đầu CNPC, công ty dầu khí có quyền lực rất lớn của Trung Quốc, và sau khi về hưu vẫn là ông trùm ngầm của phái các nhà công nghiệp dầu mỏ. Chu Vĩnh Khang đang là đối tượng của một mẻ lưới lớn dường như nhằm vào hơn 400 nhà lãnh đạo lớn nhỏ trong ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt Trung Quốc. Trong số đố có Guo Yongxiang, một trong số thư ký riêng của Chu Vĩnh Khang, rồi Wu Bing, một doanh nhân giầu có ở Tứ Xuyên gần gũi với Chu, và 4 nhà lãnh đạo cao cấp đương nhiệm khác của CNPC, và gần đây nhất là Wei Zhigang, nhân vật số một của CNPC tại Indonesia.
Đặc biệt, một bài báo đăng ngày 21/10 trên tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” cho rằng để điều tra về các vụ tham nhũng trong phái của Chu Vĩnh Khang, Tập Cận Bình dường như đã lập ra một ủy ban đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Phó Chính Hoa, Giám đốc Công an Bắc Kinh, ủy viên Thành ủy và Thứ trưởng Bộ An ninh công cộng, và được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch nước và như vậy, không chịu sự lãnh đạo của cấp Đảng. Sẽ không vô ích nếu nói rằng Phó Chính Hoa, vốn là chuyên gia về pháp y, tại cuộc họp mùa Hè ở Bắc Đới Hà vào tháng 8/2013, được bổ nhiệm vào thời điểm có tin đồn cho rằng đã có quyết định xem xét vấn đề của Chu Vĩnh Khang. Phó Chính Hoa được giao nhiệm vụ giúp Đảng tổ chức phản công số cư dân mạng bị cáo buộc tung tin đồn nhảm và, từ thời Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đến nay, là người từng tổ chức chiến dịch tấn công vào các hộp đêm và nạn mại dâm ở Bắc Kinh trong năm 2010.
Tính chất đặc biệt của các quy định này trao cho cảnh sát trách nhiệm điều tra về một nhà lãnh đạo chính trị, vốn bình thường thuộc lĩnh vực của ủy ban kiểm tra trung ương Đảng, cho thấy tính chất nhậy cảm của trường hợp Chu Vĩnh Khang cũng như mối quan tâm của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với vụ này. Điều này là dễ hiểu vì đây là lần đầu tiên kể từ năm 1976 đến nay, một ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị trở thành đối tượng của công tác kiểm tra của Đảng. Tuy vậy, dù tính hiệu quả của các chiến dịch chống tham nhũng mới – phải thừa nhận rằng các chiến dịch này đẩy Đảng vào thế phải sẵn sàng hành động trong một bầu không khí nghi kỵ không mấy thuận lợi cho tâm trạng thanh thản – là như thế nào, không chắc các chiến dịch đó sẽ loại trừ được nạn tham nhũng.
Những người chống đối bầy tỏ ý kiến trên Internet nghi ngờ điều đó và chế giễu chiến dịch của Tập Cận Bình, trong đó có một số vấn đề đôi khi biến thành các buổi tự phê bình khiến người ta nhớ đến thời Mao. Theo tờ “Nhân dân nhật báo ”, việc một số cán bộ bị đồng nghiệp công khai phê phán đôi khi “đầm đìa nước mắt” làm sống lại những hình ảnh tưởng như đã được quên đi ở một nước Trung Quốc hiện đại đang hướng tới Nhà nước pháp quyền. Một cư dân mạng viết rằng sự phô trương đạo đức như vậy chỉ là trò diễn sẽ thất bại của thói quan liêu đang tìm kiếm tính hợp pháp trong con mắt của dân chúng. Có người còn mỉa mai về số tài khoản lớn trong ngân hàng của cán bộ. Nhưng đối với những người thuộc thế hệ trước nữa, ký ức về thời Mao gắn liền với những kỷ niệm xót xa khi Mao hành hạ một bộ phận lớn số cán bộ, kể cả các nhà lãnh đạo ở cấp cao nhất.
Cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc vẫn còn nhớ rằng từ Chu Ân Lai đến Bành Đức Hoài hay Lưu Thiếu Kỳ và Dương Thượng Côn, kể cả Đặng Tiểu Bình và nhiều nhà lãnh đạo khác, tất cả số lãnh đạo cao cấp nhất đều bị Mao đối xử tàn tệ. Ông bị ám ảnh bởi thứ quyền lực của riêng một người và kích thích bởi tính ác độc không thương tiếc đối với những người phản đối giấc mơ vinh quang và những cơn mê sảng mang tính tập thể chủ nghĩa của mình. Đó lại chính là những lý do chính gây ra nạn nghèo khổ ở các vùng nông thôn Trung Quốc trong thời kỳ 1959-1962.
Một trong những trường hợp đó là Tập Trọng Huân, cha đẻ của Chủ tịch Trung Quốc đương nhiệm, người anh hùng trong cuộc nội chiến ở vùng Tây-Bắc, nổi tiếng về lập trường chống cực đoan tư tưởng cộng sản và tính thực tiễn đối với vùng Tây Tạng, nhưng bị cáo buộc là “thiên tả” và bị thất sủng năm 1962. Không ai quên rằng trong những năm tháng Cách mạng Văn hóa, trong đó Tập Trọng Huân cũng như nhiều nhà lãnh đạo khác một lần nữa bị ngược đãi và bỏ tù, nước Trung Quốc cộng sản rung chuyển mạnh bởi tình trạng hỗn loạn kinh hoàng, bởi hệ thống giáo dục và sản xuất bị tê liệt, bởi người dân phải chịu đụng nỗi thống khổ không thể tả xiết, suýt nữa bùng nổ và đánh mất thành quả có được sau cuộc chiến chống Tưởng Giới Thạch trước đó 20 năm.
Năm 1962, Ôn Gia Bảo mới 20 tuổi. Nhưng ông ý thức được rõ ràng về tác hại do không có pháp luật và những nguy cơ mà Đảng có thể phải đối mặt nếu chủ nghĩa dân túy Maoít quay trở lại với Phái tả Mới như trong cuộc thử nghiệm ở Trùng Khánh. Vị cựu Thủ tướng tỏ ra cực kỳ hoài nghi đối với Phái tả Mới và là một trong những kẻ thù cuồng điên nhất của Bạc Hy Lai, đến mức tại Bắc Kinh, ông phản đối việc bổ nhiệm Bạc Hy Lai. Do đó, có thể hiểu được nỗi lo sợ và tâm trạng hoảng loạn của ông, nhất là khi Tập Cận Bình khiến người khác có cảm giác rằng ông đưa ra bảo đảm đối với một trào lưu chủ trương giải pháp chính trị mang “đặc sắc Trung Quốc” xa rời những nguyên tắc vốn là nền tảng của Nhà nước pháp quyền.
Ngày 16/10, cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo xuất hiện trên truyền hình quốc gia với trang phục màu sẫm, vẻ mặt nghiêm nghị và, như mọi khi, hơi căng thẳng, nói một cách chậm rãi có tính toán và nhấn từng âm một, để biện hộ cho Tập Trọng Huân, cha đẻ của Chủ tịch nước đương nhiệm, nhân kỷ niệm ngày ông 100 tuổi. Đó không phải là lần đầu tiên Ôn Gia Bảo dùng một chính khách cũ nổi tiếng về tư tưởng tự do và thực tiễn để chuyển tải một thông điệp chính trị. Người ta còn nhớ ngày 15/4/2010, ông viết bài đăng trên “Nhân dân nhật báo” bầy tỏ sự ủng hộ đối với Hồ Diệu Bang. Việc nhân vật này lại được Ôn Gia Bảo nhắc đến khi nói về Tập Trọng Huân càng tăng cường bức thông điệp mang tính tự do mà ông đưa ra và khiến bức thông điệp đó có vẻ giống như lời cảnh báo đối với Chủ tịch nước đương nhiệm trước các khuynh hướng thoái bộ của những người ủng hộ Phái tả Mới.
Một số người nói rằng sáng kiến rất không bình thường của Ôn Gia Bảo, người xuất hiện trở lại 7 tháng sau khi về hưu, trước hết nhằm mục đích tự bảo vệ mình và gia đình mình trước chiến dịch chống tham nhũng có thể không loại trừ ông mặc dù ông rất được lòng dân. Đối với ông, đó có thể là để bảo vệ danh tiếng của mình, hình ảnh nhà cải cách của mình và đặc biệt là “hậu phương” của mình, bằng cách xác định cho các nhà điều tra giới hạn không; được vượt qua trong chiến dịch làm trong sạch xã hội của họ. Quả thực là khi phân tích sơ bộ và nếu tin vào bài viết của tờ “New York Times” ngày 26/10/2013 về gia đình Ôn Gia Bảo, vị cựu Thủ tướng này có thể liên đới đến một vụ xung đột lợi ích quy mô lớn và làm lộ bí mật thương mại thông qua một nhân vật môi giới cũng xuất thân ở thành phố Thiên Tân như ông và có thể lấy danh nghĩa gia đình để đầu tư vào tổ hợp bảo hiểm khổng lồPine An của Trung Quốc. Nhưng, bài viết của tờ “New York Times “ mà giới cầm quyền ở Bắc Kinh giả bộ coi như một sự xúc phạm, quên nói đến một mâu thuẫn rất độc đáo.
Đó là từ năm 2009, cuộc chiến chính trị của Ôn Gia Bảo – người nghe nói không còn mặn mà với người vợ của mình làZhang Beili, làm giàu một cách không rõ ràng nhờ vị thế ưu đãi là chuyên gia địa chất phụ trách kiểm tra trong ngành công nghiệp kim cương – chắc chắn nhằm mục đích phá vỡ hệ thống bổng lộc, đặt ngành tư pháp đứng trên Đảng và buộc giới tinh hoa phải có trách nhiệm hơn nữa. Do nhiễm quá nặng tâm lý không bị trừng phạt trong một Đảng cho đến nay gần như lúc nào cũng đứng trên pháp luật, nhiều cán bộ không chấp nhận minh bạch và chịu trách nhiệm, cố tình bác bỏ ý kiến phải đối mặt với rủi ro trong bầu cử, thậm chí ở cả số cán bộ cấp thấp tại các làng, nơi các thủ lĩnh nhỏ luôn can thiệp để thao túng các cuộc bầu cử tự do. Chỉ thế thôi cũng đủ để vào thời điểm bài báo được đăng xuất hiện giả thiết – quả thực là đáng tin cậy trong mê hồn trận tìm kiếm ở Trung Quốc của một người phương Tây – cho rằng cuộc điều tra của tờ “New York Times ” có lẽ chí ít cũng được tạo điều kiện thuận lợi nếu không phải là được gợi ý bởi phái thù địch với Ôn Gia Bảo.
Ai cũng biết rằng trong số thành viên ít ỏi của phái này có một số người trong bộ máy an ninh thời đó nằm dưới sự kiểm soát của Chu Vĩnh Khang và một số người thân cận của Giang Trạch Dân, cũng như những người ủng hộ Bạc Hy Lai. cần nhắc lại rằng hành vi chính trị theo khuynh hướng Maoít của Bạc Hy Lai – tập trung tất cả quyền lực vào tay chỉ một nhóm người- chắc chắn gây ra hậu quả phụ – chính xác là trái ngược với tham vọng của Phái tả Mới – là bảo vệ hệ thống bổng lộc mà phái cải cách muốn phá bỏ và đặc biệt là giúp Đảng tránh được thách thức có nguy cơ gây rối cao trong các cuộc bầu cử rộng rãi hơn, đặc biệt là cởi mở hơn và không bị thao túng.
Nhà báo của tờ “New York Times” có thể thực sự tiến hành điều tra độc lập. Nhưng cái được cho là sự thao túng của kẻ thù của Ôn Gia Bảo, mặc dù không thể kiểm chứng được, lại đáng tin hơn vì việc Đảng phê phán các vụ tham nhũng với tham vọng công khai làm trong sạch đội ngũ của mình, cũng thường trở thành một thứ vũ khí chính trị được dùng để loại bỏ một số nhân vật quá cứng đầu. Đó cũng chính là lý do giải thích tại sao Ôn Gia Bảo luôn kiên quyết ra mặt bảo vệ tính độc lập của ngành tư pháp và Nhà nước pháp quyền, rất lâu trước khi bản thân ông và gia đình ông lọt vào tầm ngắm. Trong hai năm 2009 và 2010, vị cựu Thủ tướng quả thực thường xuyên phát biếu ủng hộ việc tăng cường các thể chế và tôn trọng Hiến pháp của nền cộng hòa. Ai cũng biết bản Hiến pháp đó là trung tâm gây ra các mâu thuẫn ở Trung Quốc như thế nào, vì nó đưa ra nguyên tắc luật pháp là tối thượng, nhưng lại không được Đảng tôn trọng thường xuyên.
Cần nhắc lại rằng đối thủ của Triệu Tử Dương và người rất hâm mộ Hồ Diệu Bang đó – hai nhân vật biểu tượng cho khuynh hướng tự do được bổ nhiệm rồi bị sa thải bởi Đặng Tiểu Bình, nhân vật bao giờ cũng chùn bước mỗi khi gặp phải chướng ngại cải cách chính trị – sau khi viết bài ca ngợi Hồ Diệu Bang trên tờ “Nhân dân nhật báo” ngày 15/4/2010 khiến người khác phải ngạc nhiên, thường xuyên phát biểu theo hướng cần minh bạch hơn, cần áp dụng pháp luật thường xuyên hơn và cần thực hiện tam quyền phân lập. Năm 2010, phát biểu trước sinh viên tại lễ kỷ niệm ngày mùng Bốn tháng Năm tại trường Đại học Beida, ông đề cập đến nền giáo dục, dân chủ và độc lập của ngành tư pháp và nói rằng “tư pháp phải sáng tỏ hơn Mặt Trời”. Năm tháng sau, tại Thẩm Quyến, Ôn Gia Bảo nhắc đến sự cấp thiết phải cải cách chính trị để bảo vệ quyền bình đẳng và dân chủ của người dân, cho phép họ tham gia hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa, và tiến hành tam quyền phân lập thực sự, công nhận quyền của các cơ quan dân cử địa phương được kiểm soát chính sách công và bảo đảm độc lập cho ngành tư pháp vì đó là phương cách duy nhất đểlấy lại lòng tin và đấu tranh chống tham nhũng một cách có hiệu quả.
Tháng 3/2013, khi rời khỏi quyền lực, Ôn Gia Bảo công bố một “bản di chúc” chính trị rõ ràng trong đó ông khẳng định tính cấp thiết phải tiến hành cải cách kinh tế và chính trị, “chủ yếu để cải thiện công tác lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”, ông nói thêm rằng Trung Quốc đã đi đến điểm tận cùng và khẳng định nếu không cải cách chính trị, cải cách cơ cấu nền kinh tế sẽ thất bại, gâynguy hại cho thành quả có được trong những năm qua, trong khi tính cấp thiết và độ nhậy của các vấn đề xã hội có thể tạo điều kiện thuận lợi cho thảm họa quay trở lại như cuộc Cách mạng Văn hóa.
Lần phát biểu mới đây của ông trên kênh truyền hình CCTV1 là nhắc lại những lời cảnh báo đó. Hành động đó cũng có thểđược coi là câu đáp trả của phái tự do đối với những hành vi dân túy quá đà và các khuynh hướng muốn xiết chặt kiểm soát đối với xã hội và truyền thông đang được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Lưu Vân Sơn, nhân vật số 5 của chế độ, phụ trách Ban bí thư Trung ương Đảng và Giám đốc Trường Đảng trung ương cũng như Ủy ban phụ trách tuyên truyền “nền văn minh tinh thần”. Vấn đề còn lại lúc này là làm sao biết được cú đòn của Ôn Gia Bảo có hiệu quả và được làm theo hay không, hay trái lại, kẻ thù của ông có thành công trong việc làm ông bị chao đảo bằng cách sử dụng thứ vũ khí đấu tranh chống tham nhũng mà ông cũng như tuyệt đại đa số thành viên trong ban lãnh đạo đều không thể chống đỡ được, hay không. Câu trả lời đầu tiên có thể sẽ xuất hiện rất sớm, tại Hội nghị trung ương 3 (khóa 18) của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quôc vào tháng 11 tới.
***
Dưới đầu đề “Bàn tay sạch kiểu Trung Quốc ”, trong đó “Bàn tay sạch ” liên hệ đến chiến dịch quét sạch tham nhũng và bỏ tù một loạt quan chức của Chính phủ Italy trong những năm đầu thập niên 90, tuần báo “il Venerdl ” đã có bài bình luận dài về chiến dịch làm trong sạch Đảng của Tập Cận Bình Dưới đây là một góc nhìn phương Tây về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc trong bài viết của Federico Rampini, phóng viên Italy kì cựu đang thường trú ở Bắc Kinh.
Một trận động đất theo kiểu “Bàn tay sạch” ở Bắc Kinh đang làm rung chuyển thế giới của những quan chức cao cấp của Đảng cộng sản. Nhưng ai mới là những cái đích trực tiếp của chiến dịch tìm kiếm, bắt bớ và xét xử này? Những phiên tòa lớn, những cuộc xét xử ngoạn mục, từng là bước ngoặt lớn trong lịch sử Trung Quốc và có thể giải thoát đất nước khỏi nạn tham nhũng? Hay chúng ta đang đứng trước một cuộc chiến theo kiểu cổ điển và truyền thống, một cuộc đối đâu giừa những phe phái khác nhau trong Đảng, với mục đích duy nhất là củng cố vị trí cho nhân vật đang rất mạnh vào thời điểm này, tân Chủ tịch Tập Cận Bình?
Có một điều chắc chắn là những gì đang xẩy ra là hết sức đặc biệt. Những phiên tòa xét xử tham nhũng ở Trung Quốc không phải là điều mới mẻ nhưng các vụ xét xử những nhân vật chính trị cao cấp vì tội danh này thì phải bao năm nay, kể từ thời Bè lũ bốn tên, mới diễn ra. Nhưng phiên tòa ấy đã đánh dấu sự chấm dút của cuộc Cách mạng Văn hóa và chủ nghĩa Mao. Đó là năm 1981. 32 năm đã trôi qua kể từ ngày hàng loạt nhân vật cao cấp trong Đảng đứng trước vành móng ngựa. Tội danh tham nhũng thường mang tính biểu tượng (với mức án cao nhất là tử hình) và chủ yếu nhắm vào hàng ngũ quan chức ở cấp thấp hoặc tầmtrung, có mục đích làm gương cho công chúng về những biện pháp mà chế độ thực hiện chống lại những kẻ cơ hội. Nhưng những kẻ tham nhũng ở cấp cao hơn thì hầu như từ lâu đã được hưởng quy chế miễn trừ tố tụng.
Bây giờ, không một ai là không thể động đến được nữa. Mới đây, Bạc Hy Lai, ủy viên Bộ chính trị và là Bí thư Trùng Khánh, đã bị kết án chung thân. Ngay sau đó, người ta mở tiếp một cuộc điều tra lớn khác nhằm vào một nhân vật còn có ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Đó la Chu Vĩnh Khang, người đứng đầu tất cả các lực lượng thực thi pháp luật ở Trung Quốc (cảnh sát, mật vụ, tòa án). Ở tuổi 70, Chu Vĩnh Khang đã nghỉ hưu. Nhưng gần cuối năm 2012, ông vẫn còn là người đứng đầu của Ủy ban Chính trị-Pháp luật trung ương Trung Quốc, một cơ quan đầy quyền lực. Không chỉ là ủy viên Bộ chính trị mà còn là một nhân vật then chốt trong Văn phòng ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang nằm trong nhóm những người có quyền lực tối cao trong việc điều hành đất nước từ Bắc Kinh. Trước đó, những nhân vật có ảnh hưởng lớn như Chu Vĩnh Khang chưa bao giờ bị điều tra về tội tham nhũng. Thế nhưng vào cuối tháng 8 vừa rồi, một cuộc điều tra gây sốc đã bắt đầu tiến gần đến Chu Vĩnh Khang. Hiện tại, ông chưa bị động chạm đến, nhưng cấp dưới ông đã bị “sờ gáy”.
Cuộc điều tra hướng đến những “vi phạm kỉ luật” – từ nói giảm nhẹ để chỉ những cuộc điều tra vào tầng lớp quan chức cao cấp của Đảng – của 4 lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (Petro China). Nhân vật quan trọng nhất trong nhóm này là Tưởng Khiết Mẫn, từng là Tổng giám đốc Petro China, đã bị thẩm vấn. Nhưng cả Tưởng Khiết Mần và ba lãnh đạo còn lại đang bị điều tra đều trưởng thành dưới trướng của Chu Vĩnh Khang. Trước khi trở thành nhân vật cao cấp nhất nắm toàn bộ lực lượng bảo vệ luật pháp của Nhà nước vào năm 2007, sự nghiệp của Chu Vĩnh Khang cất cánh chính từ tập đoàn dầu khí này. Đối với nhũng người trong cuộc và đang ở Trung Quốc, mục tiêu của cuộc điều tra lớn nay chính là Chu Vĩnh Khang. Dù có bị đưa ra trước vành móng ngựa hay không thì hình ảnh của Chu Vĩnh Khang trước dư luận đã trở nên xấu đi. Và tất cả đều coi Chủ tịch Tập Cận Bình là người chỉ đạo trực tiếp và thực sự của chiến dịch này. Vì ở Trung Quốc chưa có hệ thống tư pháp độc lập, nên mọi cuộc điều tra đối với tầng lớp chính trị cao cấp này đều phải có sự thông qua của nhân vật số 1 của Đảng, chính là Chủ tịch nước. Với quốc dân, Tập Cận Bình khẳng định ông sẽ tiến hành một cuộc chiến chống tham nhũng mà không loại trừ bất cứ nhân vật nào, dù lớn hay bé.
Đối với đa số dân chúng, sự kiện gây chú ý nhất đối với họ chính là việc xét xử Bạc Hy Lai. Người đàn ông này cũng là một nhân vật cấp cao của Đảng, một “tiểu hoàng tử”, hậu duệ trực tiếp của những người từng là thanh viên sáng lập Đảng, như chính Chủ tịch Tập Cận Bình. Tập Cận Bình và Bạc Hy Lai cùng có những người cha từng sát cánh bên nhau chiến đấu cùng Mao Trạch Đông. Sự kết dính mang tính lịch sử với chủ nghĩa Mao đã có ảnh hưởng lớn trong việc xây dựng hình ảnh của Bạc Hy Lai. Sau khi leo lên vị trí trong số những nhân vật hàng đầu của Đảng và giữ vai trò chủ chốt của Đảng ở Trùng Khánh, thành phố đông dân nhất Trung Quốc, Bạc Hy Lai được coi là một nhân vật đang khơi gợi lại chủ nghĩa Mao. Ông đã kêu gọi phát hiện và đánh giá lại những tư duy cộng sản. Bằng cách này, Bạc Hy Lai đã lấy được cảm tỉnh của một bộ phận dân số lớn cảm thấy mình bị gạt ra khỏi sự bùng nổ kinh tế và bị trừng phạt bởi sự bất công xã hội. Bạc Hy Lai chân thành đến đâu thì còn phải bàn. Nhưng uy tín của ông có thời điểm rất cao. Mặc dù sử dụng những cách tranh luận theo kiểu cộng sản, nhưng Bạc Hy Lai lại là nhân vật trung tâm của một chiến dịch tiếp thị hình ảnh chính trị rất hiện đại. Điều đó nguy hiểm cho chế độ. Thay vì tạo lập hình ảnh của mình trong tầng lớp lãnh đạo cấp cao, Bạc Hy Lai lại phát triển uy tín của mình ở bên ngoài, dựa vào uy tín ở cấp quốc gia, trong công chúng. Đó được coi là một cuộc chiến chống lại các quy định của chế độ, khi các nhà lãnh đạo được đưa lên từ trong hàng ngũ của họ, chứ không phải do dân bầu ra.
Chính vì thế, cuộc xét xử Bạc Hy Lai trở thành một trường hợp chưa có tiền lệ ở Trung Quốc. Chắc chắn có những người đồng chí lẫn kẻ thù trong Đảng của Bạc Hy Lai, đứng đầu là Tập Cận Bình, muốn cuộc xét xử này diễn ra. Lúc đầu, công luận cho rằng vụ án này thực ra là để bôi nhọ hình ảnh của Bạc Hy Lai, khi người ta đưa ra những ví dụ điển hình về cuộc sống xa hoa theo kiểu phương Tây của ông. Vợ của Bạc Hy Lai, bà Cốc Khai Lai, bị tố cáo là được chồng tặng cho một biệt thự trị giá 3 triệu USD 10 năm trước. Con trai ông Bạc Hy Lai, Bạc Qua Qua, hiện đang học tại Đại học Columbia ở New York, vào năm 2011 được cho là đã chi 131 nghìn USD để đi nghỉ ở châu Phi. Bạc Hy Lai bị tố cáo là có những khoản tiền lớn do mối quan hệ thân thiết với những doanh nhân rửa tiền. Tham nhũng, giàu có, suy đồi về đạo đức và ngoại tình (trong đó có chuyện tình ngoài hôn nhân của bà Cốc Khai Lai) là những “món ăn” quan trọng được đưa vào “bữa ăn” của người Trung Quốc nhằm lật đổ biểu tượng Mao-ít và chủ nghĩa bình quân mà Bạc Hy Lai theo đuổi. Nhưng trên thực tế, chiến dịch này mới thành công có một nửa, Uy tín của Bạch Hy Lai vẫn cao. Chính vì thế, các vị quan tòa đã lựa chọn sự bí mật, và từ phiên tòa không còn lọt ra những chi tiết nóng bỏng nữa, cho đến khi họ ra thông báo cuối cùng về mức án tù chung thân.
Những người lạc quan hy vọng rằng các phiên tòa như thế sẽ là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy Nhà nước thực sự muốn chống lại nạn tham nhũng. Nhưng bên cạnh những phiên xét xử lớn như vậy, Tập Cận Bình lại tiến hành những chiến dịch mang ý nghĩa khác. Ông đã đưa ra cái gọi là 7 điều nguy hiểm từ phương Tây, trong đó có vấn đề “dân chủ theo Hiến pháp”, “các giá trị cơ bản về nhân quyền” và “nhà nước pháp quyền”. Bằng cách đưa ra tài liệu đó, Tập Cận Bình không hề có ý định mang lại sự minh bạch, thông tin cho công dân cũng như sự độc lập cho giới tư pháp. Trước khi lên đến đỉnh cao quyền lực của mình, Tập Cận Bình đã bị nhật báo Mỹ “The New York Times “ vạch trần về các hoạt động thương mại của gia đình ông, với tài sản nên tới hàng trăm triệu USD./.
Sorry, the comment form is closed at this time.