BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2050. LIỆU CÓ CẦN ĐỊNH GIÁ THẤP ĐỒNG EURO?

Posted by adminbasam trên 01/10/2013

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Bẩy, ngày 21/09/2013

TTXVN (Paris 20/9)

Phn lớn giới chính trị và một bộ phận các nhà sn xuất công nghiệp cho rằng đồng euro mạnh gây thiệt hại cho Pháp. Sự thật có phần phức tạp hơn nhiu và việc định giá tháp đồng tiền này liệu có làm giảm các nguy cơ hay không? Tạp chí của Pháp “Challenges” số ra mới đây có bài phân tích v vn đề này như sau:

Vấn đề giá trị của đồng euro thường xuyên được đưa ra thảo luận mỗi khi nền kinh tế, công nghiệp của Pháp gặp vấn đề: Liệu đồng euro có phải là thủ phạm? Hay nói chính xác hơn là tỉ giá đồng euro có phải là nguyên nhân chính? Ngay khi tỉ giá 1 euro vượt ngưỡng 1,33 USD, thì giói chuyên gia kinh tế Pháp đã cho rằng đồng tiền chung có thể gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của Pháp. Ngày 5/2/2013, trước Nghị viện châu Âu, Tổng thống Pháp François Hollande đã nêu lại vấn đề định giá thấp đồng euro với việc kêu gọi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) xem xét vấn đề này.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici nhấn mạnh việc đồng euro duy trì ở mức 1 euro đổi được 1,35 USD trong khoảng hơn một năm, thì Pháp đã mất 0,3% tăng trưởng. Trước Hội đồng Bộ trưởng, ông Moscovici đã cảnh báo “không thể lơi là vấn đề này”. Còn Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Arnaud Montebourg thường xuyên nói rằng “khi đồng euro tăng 10 xu so với đồng USD, thì Tập đoàn Công nghiệp hàng không và quốc phòng châu Âu (EADS) mất một tỉ euro”.

Theo các chuyên gia kinh tế Pháp, do những lựa chọn đặc thù của ngành công nghiệp nước này, nên các sản phẩm tiêu dùng và hàng công nghiệp của Pháp xuất khẩu sang nước khác có chất lượng tương đối cao, do vậy liên quan trực tiếp đến việc giá sản phẩm cũng cao. Do đó, khi đồng euro tăng giá, khách hàng của Pháp có xu hướng ưu tiên mua các sản phẩm tương đương song rẻ hơn, được sản xuất từ các nước châu Á hoặc Mỹ. Ví dụ, khách hàng sẽ thích chọn mua xe ôtô Hyundai hơn là Peugeot…

Trái lại, Đức, nước có ngành công nghiệp với những sản phẩm chất lượng cao lại tỏ ra ít chịu biến động bởi việc tăng giảm đồng euro. Với những sản phẩm chất lượng của Đức, khách hàng tiếp tục chọn mua dù mức giá có thể tăng từ 10% đến 15%. Theo các tính toán của ngân hàng Morgan Stanley, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức có thể chịu đựng mức tỉ giá 1 euro đổi 1,53 USD, trong khi doanh nghiệp Pháp đã cảm thấy khó khăn ngay khi 1 euro vượt ngưỡng 1,23 USD. Đó cũng là lý do tại sao Tổng thống Pháp Francois Hollande muốn thảo luận việc định giá lại đồng euro cùng với các đối tác châu Âu.

Tuy nhiên, việc định giá thấp đồng euro không phải là một liều thuốc diệu kỳ. Trong trường hợp đồng euro yếu hơn mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu, thì đồng thời giá của các sản phẩm nhập khẩu sẽ tăng lên: dầu lửa, hàng tiêu dùng, nguyên liệu… Giá hàng nhập khẩu tăng không chỉ gây bất lợi cho các doanh nghiệp Pháp đầu tư phát triển trong thị trường nội địa, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của các hộ gia đình và sức tiêu dùng. Tiêu dùng nội địa cũng là động lực chính cho đà tăng trưởng của Pháp. Năm 2012, việc tỉ giá đồng euro giảm 7,7% so với đồng USD đã khiến năng lực cạnh tranh về giá của Pháp tăng 2,1% so với các nước còn lại trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Tuy nhiên, cùng với tác động tích cực đó, giá năng lượng của người dân Pháp cũng tăng 7 tỉ euro…

Trong trường hợp định giá thấp đồng euro, cần phải biết rằng các yếu tố tích cực luôn đi đôi với yếu tố tiêu cực. Vẫn chưa có lời giải cuối cùng và rất khó tìm thấy sự đồng thuận trong nhận định của các chuyên gia kinh tế. Những chuyên gia bảo vệ đồng euro yếu cho rằng việc phá giá tạm thời đồng euro có thể giúp doanh nghiệp Pháp tái đầu tư, tuyển dụng nhân công và phục hồi năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, Pháp hiện chỉ có 117.106 doanh nghiệp xuất khẩu, so với con số 198.404 doanh nghiệp của Italy và 248.165 doanh nghiệp xuất khẩu của Đức. Vậy nên theo chuyên gia tài chính Patrick Artus thuộc Ngân hàng Natixis, “nền công nghiệp của Pháp giờ đây quá nhỏ để những tác động tích cực của việc định giá thấp đồng euro chiếm ưu thế hơn so với những tác động tiêu cực. Pháp cần phải sử dụng các đòn bẩy khác nếu muốn thúc đẩy năng lực cạnh tranh”.

Sau cùng, cũng phải thừa nhận rằng về trung hạn và dài hạn, hiệu quả của việc định giá thấp đồng euro vẫn không có gì chắc chắn. Trong một nghiên cứu về chủ đề này, Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Pháp (INSEE) cho rằng việc tăng giá ổn định 10% của đồng euro so với các ngoại tệ khác sẽ khiến Pháp mất đi 0,5% tăng trưởng trong ba năm. Tuy nhiên, về dài hạn, các cơ chế điều chỉnh có thế sẽ được thực hiện. Hơn nữa, việc giảm lạm phát do tăng giá đồng euro cũng sẽ thúc đẩy khả năng tăng trưởng kinh tế…

Vậy việc giảm giá đồng euro có lợi cho toàn khu vực Eurozone hay không? Câu trả lời còn phức tạp hơn. Nhìn tổng thể, Eurozone duy trì một cán cân thương mại thiếu sự cân bằng: nếu là một thực thể duy nhất, việc định giá lại đồng euro sẽ không được đặt ra.

Các nước thành viên Eurozone có tình trạng kinh tế rất khác nhau. Một số nước thặng dư thương mại như Đức, một số khác thâm hụt thương mại (Pháp). Một số khác còn trong giai đoạn quá độ như Tây Ban Nha, ở đó xuất khẩu đang trên đà phục hồi… Nhìn tổng thể, các nền kinh tế châu Âu sẽ không thể hưởng lợi từ việc định giá thấp đồng euro.

Vấn đề dường như phức tạp thêm khi các nước thành viên Eurozone duy trì nhiều quan điểm khác nhau về đồng euro, vì những lý do lịch sử, văn hóa và chính trị. Trái ngược với những gì người ta nghĩ, Đức không bị ám ảnh bởi đồng euro mạnh. Hơn hết, họ muốn một đồng euro ổn định và một đồng tiền duy trì mức lạm phát hợp lý, bởi lạm phát là nỗi ám ảnh của người Đức. Pháp, với chính sách kinh tế từ lâu muốn định giá thấp đồng euro để tăng khả năng cạnh tranh, dường như kỳ vọng nhiều vào một đồng euro yếu. Với các nước phía Nam, đứng đầu là Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Tây Ban Nha, họ đã khởi động chính sách định giá thấp đồng euro ở trong nước. Ngoài ra, họ cũng hành động dựa trên những yếu tố khác như chi phí lao động với việc giảm đáng kể số lượng nhân công và tiền lương…

Vậy Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã làm gì để quản trị đồng euro? Trái với Ngân hàng trung ương Nhật Bản, Ngân hàng trung ương Mỹ (FED) hay Ngân hàng trung ương Anh (BoE), trên phương diện chính thức, ECB không có chức năng tác động điều chỉnh đến vấn đề tỉ giá. Tuy nhiên, một khi ECB muốn thực hiện vai trò này, thì họ cần duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp, can thiệp đến thị trường ngoại tệ với việc mua đi bán lại một lượng lớn ngoại tệ. Đây là sự lựa chọn mà ECB chưa sẵn sàng. Bởi vì, cho dù các nước thành viên có chấp nhận điều này, thì cũng cần có sự đồng thuận về mức độ tối ưu liên quan đến tỉ giá đồng euro: trường hợp 1 euro đổi 1,50 USD, thì sẽ có lợi hơn với Đức; còn tỉ giá 1:1 thuận lợi cho Hy Lạp; trường hợp 1 euro đổi 1,23 USD là tỉ giá tối ưu mà Pháp muốn.

Vì không thể khiến tất cả cùng đồng thuận, nên ECB muốn sử dụng luật cung cầu của đồng euro để hành động. Điều các chuyên gia không muốn nói ra là thể chế tiền tệ này hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề tỉ giá. Thực vậy, những tuyên bố mới đây của Chủ tịch ECB Mario Draghi cho thấy rằng ông rất thận trọng khi nói tới đồng euro, với một mục tiêu duy nhất: sự ổn định của đồng tiền này. Sau cùng, một điểm nhận được nhiều sự đồng thuận nhất là để có thể kinh doanh an toàn, các doanh nghiệp châu Âu trước hết cần một đồng tiền ổn định.

Vậy đâu là những giải pháp đan xen với chính sách định giá thấp đồng euro? Vấn đề này rất nhạy cảm bởi sự khác biệt giữa các nước. Việc một nước thành viên Eurozone tự định giá thấp đồng euro trong nội bộ nước này thông qua việc giảm lương, có thể mang lại những kết quả không chắc chắn. Ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nơi chính phủ các nước thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, dẫn tới một sự sụt giảm nghiêm trọng về sức mua trong nước.

Tại Pháp, sự suy giảm của ngành công nghiệp không chỉ gắn với vấn đề về giá, mà còn liên quan đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Phải chăng Pháp cần theo gương Đức tăng số lượng các kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật và trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm việc một cách có hệ thống? Thúc đẩy phối hợp nghiên cứu ứng dụng giữa doanh nghiệp và trường đại học như ở Mỹ. Hoặc tiến hành giảm thuế cho những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới thành lập để giúp họ có thể trở thành những Google hay Apple trong tương lai. Mọi khả năng đều để ngỏ…/.

Sorry, the comment form is closed at this time.

 
%d người thích bài này: