2007. LIỆU CHÍNH SÁCH TRỞ LẠI CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG CỦA NGA SẼ TRỞ THÀNH HIỆN THỰC?
Posted by adminbasam trên 31/08/2013
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Hai, ngày 26/8/2013
TTXVN (Niu Yoóc 22/8)
Theo “Tạp chí Các vấn đề Đối ngoại” của Mỹ ngày 4/8, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg tháng 6/2013, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ thực hiện chính sách trở lại phía Đông. Hiện nay, Chính phủ Nga đang chú trọng thúc đẩy các kế hoạch quân sự cũng như kinh tế tham vọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương lớn hơn khu vực châu Âu truyền thống.
Gần đây Lực lượng Vũ trang Nga đã tiến hành một cuộc diễn tập quân sự lớn nhất từ trước đến nay kể từ khi Liên Xô sụp đổ ở Quân khu Đông. Cuộc diễn tập bao gồm các kế hoạch tái triển khai 160.000 binh sĩ và sĩ quan, 130 máy bay chiến đấu và trực thăng các loại, 70 tàu chiến trực thuộc Hạm đội Thái Bình Dương,.. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu cho biết cuộc diễn tập liên quan đến các hoạt động tẩy trừ chất bức xạ và chiến tranh hóa học, hải quân thực hành bắn tên lửa và pháo binh và cứu Hộ trên biển. Cuộc diễn tập, dưới sự theo dõi trực tiếp của Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Shoygu, cho thấy tầm quan trọng và rõ ràng đây là tín hiệu gửi đến các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù Nga cho biết cuộc diễn tập chỉ là một phần kế hoạch huấn luyện quân sự thường xuyên, nhưng quy mô diễn tập chứng tỏ Nga muốn thể hiện sức mạnh của quân đội hiện đại với các nước bạn bè và kẻ thù của Nga. Trong thế kỷ 19, Sa hoàng Alexander III có một tuyên bố nổi tiếng: “Nga chỉ có 2 đồng minh: lục quân và hải quân”. Cũng như thời đại của Alexander III, hiện nay Nga không có nhiều đồng minh ngoài một số nước không quan trọng như Bêlarút, Êcuađo, Xyri và Vênêxuêla. Nhưng quân số và các quân binh chủng của quân đội Nga khá hùng mạnh gồm: Lực lượng Tên lửa Chiến lược, Lực lượng Phòng thủ Không gian vũ trụ và gần đây nhất các đơn vị chiến tranh mạng đã được thành lập. Cuộc diễn tập quân sự là dấu hiệu của cách tiếp cận chiến lược “Pháo đài Nga” của Tống thống Putin. Theo nhận định của ông Konstantin Sivkov, cựu sĩ quan của Bộ Tổng Tham mưu Các Lực lượng Vũ trang Nga, cuộc diễn tập mô phỏng phản ứng của Nga trước một cuộc tấn công tiềm tàng của Mỹ hay Nhật Bản. Khu vực diễn tập cũng bao gồm các hòn đảo. Sakhalin và Kurile – một chuỗi đảo mà Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc và nơi diễn ra tranh chấp lâu nay giữa Mátxcơva và Tôkyô. Nhưng bên cạnh đó cuộc diễn tập cũng nhằm ngăn chặn Trung Quốc mặc dù hai nước hiện đang có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ và hợp tác quân sự sâu sắc, nhưng Nga rất lo ngại triển vọng chiến lược ở khu vực Viễn Đông. Mặc dù Bắc Kinh và Mátxcơva tiến hành cuộc tập trận chung gần đây trên vùng biển Nhật Bản và Nga đang có ý định bán các máy bay SU-35 và tàu ngầm lớp Lada hiện đại cho Trung Quốc, nhưng sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc đang là mối lo ngại cho nước láng giềng phương Bắc. Thực tế, một quân đội Nga yếu kém sẽ thúc đẩy Trung Quốc lấn chiếm các khu vực lãnh thổ mới cho dân số đang tiếp tục tăng của Trung Quốc. Năm 2004, Nga và Trung Quốc ký một hiệp ước biên giới mới, theo đó cho phép Trung Quốc kiểm soát đảo Tarabarov và một nửa hòn đảo Bolshoy Ussuriyskiy. Nhưng sau đó Mátxcơva tuyên bố các nhượng bộ phải chấm dứt. Nhà phân tích quân sự độc lập Aleksandr Khramchikhin tại Mátxcơva cho biết các cuộc diễn tập là một “tín hiệu nghiêm túc” được gửi đến Bắc Kinh để răn đe Trung Quốc không được âm mưu sử dụng bất cứ hành động quân sự nào chống Nga trong tương lai. Các cuộc diễn tập quân sự của Nga không những liên quan đến kho vũ khí hạt nhân mà cả lực lượng thông thường. 160.000 binh sỹ tham gia diễn tập đã thể hiện khả năng triển khai một lực lượng lớn của Nga dọc biên giới Trung Quốc trong vài ngày. Đây cũng có thế là cuộc diễn tập của Nga nhằm chuẩn bị cho một hành động can thiệp quy mô lớn ở Trung Á sau khi NATO rút quân khỏi khu vực năm 2014.
Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg tháng 6/2013, Tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ chi các khoản đầu tư lớn để phát triển cơ sở hạ tầng, kể cả nâng cấp tuyến đường sắt xuyên Siberia nhằm kết nối Nga với khu vực Thái Bình Dương. Ông cũng đánh giá cao việc công ty dầu lửa “Rosneft” trực thuộc nhà nước Nga ký một hợp đồng xuất khẩu dầu lửa quan trọng với Trung Quốc. Bài phát biểu đó của Tổng thống Putin diễn ra chưa đầy một năm sau khi ông chủ trì hội nghị thường niên của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố Vladivostok – nơi bị Chính phủ Nga bỏ rơi về chiến lược và kinh tế sau nhiều năm thuộc Viễn Đông Nga. Việc thay đổi sự chú trọng quân sự và kinh tế của Nga có vẻ giống chính sách trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Chính quyền Tổng thống Barack Obama và thực tế Nga bắt đầu tái khẳng định sự hiện diện quân sự của họ ở châu Á-Thái Bình Dương như MỸ và các cường quốc khu vực khác. Nhưng điều khác biệt là Mátxcơva khẳng định mục tiêu chủ yếu của Nga là hợp tác chứ không cạnh tranh với Bắc Kinh. Mátxcơva bác bỏ những tin đồn đoán cho rằng Nga đang tìm cách bao vây ngăn chặn Trung Quốc bằng chính sách khu vực của họ. Thực tế, trong một cuộc họp báo có đông đủ các phóng viên và các nhà phân tích quốc tế tại thành phố nghỉ mát Sochi ở biển Đen của Nga tháng 9/2010, Tổng thống Putin chỉ trích “các chuyên gia nước ngoài luôn lấy Trung Quốc để đe dọa chúng tôi”, ông Putin khẳng định: “Chúng tôi không sợ. Trung Quốc không làm chúng tôi lo sợ… Trung Quốc và Nga sẽ hợp tác trên nhiều lĩnh vực”, ông Putin hài lòng với thực trạng của các mối quan hệ và Bắc Kinh dường như cũng có đường lối tương tự của Nga. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Nga trên cương vị chủ tịch vào tháng 3/2013. Tiếp đó, tháng 7/2013 Bắc Kinh và Mátxcơva tăng cường hợp tác bằng các cuộc diễn tập hải quân chung trên biển Nhật Bản. Động cơ hướng Đông của Nga tương đối minh bạch. Cũng như Mỹ và nhiều nước khác, Nga nhận thấy sự thay đổi sức mạnh toàn cầu về phía Đông đang diễn ra và sự phát triển của Trung Quốc không có lợi cho Mỹ và phương Tây. Nhưng không giống Mỹ và các nước châu Âu khác, chính sách trở lại châu Á của Nga chủ yếu do lo ngại sự yếu kém ở vùng phía Đông có dân cư thưa thớt khi Nga muốn gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Ngoài ra, Mátxcơva cũng đang tìm biện pháp nhằm bảo vệ vùng đất rộng lớn của họ, tăng cường hiện diện ở Thái Bình Dương, thu hẹp khoảng cách lớn giữa chính sách của Nga với châu Á và châu Âu và tìm ra con đường để hợp tác với Trung Quốc cũng như các nước khác trong khu vực.
Nhưng thật đáng tiếc cho Tổng thống Putin, Nga có khả năng rất hạn chế để biến giấc mơ trở lại châu Á thành hiện thực. Chủ trì hội nghị thượng đỉnh APEC chỉ quan trọng hơn sự kiện Olympic đôi chút chứ không thể làm thay đổi mô hình. Bất chấp hàng loạt hoạt động gần đây, châu Á vẫn chỉ là khu vực thứ yếu trong chính sách đối ngoại và an ninh của Nga. Bằng tất cả nỗ lực nhằm biến Nga thành một trung tâm hợp tác và thương mại của khu vực châu Á, nhưng trọng tâm chiến lược của Mátxcơva vẫn bị kẹt ở phương Tây vì nhiều nguyên nhân như: dân số của Nga chủ yếu ở phía Tây, các mối quan hệ kinh tế phần lớn với phương Tây và học thuyết quân sự chính thức của Nga vẫn gắn liền với mối đe dọa Mỹ và NATO. Những thực tế đó sẽ tiếp tục đúng với Nga trong tương lai gần. Các mô hình cũ khó có thể bị phá vỡ và những nỗ lực mới của Nga tỏ ra không thể kéo dài. Ví dụ như vấn đề năng lượng: hơn hai thập kỷ qua, Nga phát triển mạnh các nguồn tài nguyên dầu khí ở khu vực đảo Sakhalin để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của các nước láng giềng Đông Bắc Á. Nga đã xây dựng xong một đường ống xuất khẩu dầu lửa lớn xuyên qua Siberia đến bờ biển Thái Bình Dương và có thể đến Trung Quốc. Gần đây nhất, Nga đồng ý xuất khẩu 365 triệu tấn dầu cho Trung Quốc trong 25 năm tới. Nhưng 20 triệu tấn dầu xuất khẩu trong năm 2011 của Nga chỉ chiếm khoảng 6% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc, kém xa Arập Xêút và Ănggôla. Mặc dù thỏa thuận mới nhất vừa ra đời, nhưng Nga khó có thể tăng mạnh thị phần trong toàn bộ khối lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc. Thậm chí xuất khẩu khí đốt của Nga sang thị trường Trung Quốc còn khó khăn hơn nhiều. Từ năm 2004-6/2013, hai nước đã ký 6 thỏa thuận thương mại khí đốt, nhưng đến nay chưa đạt được một thỏa thuận giao hàng thực sự. Nhìn chung, sức mạnh kinh tế của Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cực kỳ khiêm tốn. Khối lượng thương mại của Nga chỉ chiếm 1% tổng thương mại khu vực và chiếm hơn 2% thương mại nước ngoài của Trung Quốc. Tổng thống Putin có thể áp dụng nhiều biện pháp để tăng các con số đó nhưng đặc điểm thực dân chủ nghĩa kiểu mới ngày càng tăng của mối quan hệ thương mại giữa Mátxcơva với Bắc Kinh đang là một vấn đề nhức nhối. Hầu hết thương mại của Nga với Trung Quốc là xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên để đổi lấy các loại hàng hóa nhập khẩu tiêu dùng và công nghiệp của Trung Quốc. Bắc -Kinh tỏ ra ít quan tâm đến các sản phẩm công nghiệp của Nga, trừ các loại vũ khí và thậm chí nhu cầu vũ khí Nga của Trung Quốc cũng giảm trong những năm gần đây (Hai nước không ký hợp đồng vũ khí lớn nào từ năm 2006 đến nay, mặc dù lĩnh vực này có thể thay đối nếu Trung Quốc đặt mua 24 máy bay SU-35 và 4 tàu ngầm lớp Lada). Trung Quốc cũng thất vọng vì Nga thường không cho phép các công ty Trung Quốc mua cổ phần lớn trong các dự án năng lượng của Nga. Thực tế, Kremlin dường như thường coi Bắc Kinh là nhà đầu tư trong các lựa chọn cuối cùng và “đối tác Trung Quốc” chỉ được “ưu tiên” khi tất cả các khả năng khác không còn.
Thực tế Nga không hề có ảnh hưởng rõ rệt trong việc ra các quyết định an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các quyết định như vậy chủ yếu vẫn chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Bất chấp chuyến thăm Nga của Thủ tướng Shinzo Abe vào tháng 4/2013, chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản trong một thập kỷ, nhưng các mối quan hệ của Nga với Nhật Bản vẫn tiếp tục căng thẳng. Trong cuộc diễn tập quân sự quy mô gần đây của Nga ở khu vực Viễn Đông, Nhật Bản và Mỹ vẫn được coi là những kẻ thù xâm lược giả định trong các tình huống diễn tập. Mátxcơva và Tôkyô vẫn chưa ký một hiệp ước hòa bình chính thức sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai và chưa giải quyết các tranh chấp lãnh thổ về khu vực phía Nam quần đảo Kurile. Đối với bán đảo Triều Tiên, Nga là nước có ảnh hưởng ít nhất trong cái gọi là các cuộc đàm phán 6 bên về Bắc Triều Tiên. Thực tế, trước đây các nhà ngoại giao khu vực mô tả sự đóng góp của Nga là “tiêu cực nhiều hơn tích cực”. Nga gần như hoàn toàn đóng vai trò thứ yếu trong các nỗ lực giải quyết tình trạng bế tắc giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Mátxcơva chưa bao giờ tận dụng được sự yêu mến của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il trong các chuyến thăm Nga dài ngày để gây ảnh hưởng đến chính sách của Bình Nhưỡng, còn ông Kim Jong Un dường như không kế thừa chút nào sự yêu mến Nga của bố ông. Tóm lại, chính sách trở lại châu Á của Nga không phải là chính sách quan trọng như đã tuyên bố. Mátxcơva rất chậm đa dạng hóa các mối quan hệ ở châu Á. Các nhà lãnh đạo châu Á – kể cả Trung Quốc – không coi Nga là đối tác tin cậy trong khu vực. Họ cho rằng Nga vẫn là nước châu Âu, hoặc chỉ một phần ở Trung Á và Mátxcơva ít đóng góp cho sự phát triển ở phương Đông ngoài các nguồn tài nguyên thiên nhiên và vũ khí. Để giải quyết vấn đề, Tổng thống Putin áp dụng cách tiếp cận đặc biệt trong chính sách đối ngoại, theo đó ông và các nhà lãnh đạo Nga đang tăng cường quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo của các nước khác. Kiểu hoạt động đó khó có thể thâm nhập châu Á, bởi vì ông Putin và các cộng sự của ông có rất ít quan hệ thân thiện và ít hiểu biết cũng như kinh nghiệm hoạt động ở châu Á. Không như Mỹ, Nga không có sự hiện diện, khả năng, hoặc thậm chí mức độ quan tâm để biến chính sách trở lại châu Á-Thái Bình Dương thành thực tiễn chiến lược và kinh tế. Trong những năm gần đây, mối quan hệ song phương của Nga với Trung Quốc đã gặt hái được nhiều lợi ích quan trọng. Nhưng những căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh và các cuộc xung đột vũ trang dọc biên giới Trung-Xô trong quá khứ và triển vọng của một Trung Quốc quá mạnh vẫn còn mang tính chất dự đoán. Hơn nữa, một Trung Quốc nói chung thân thiện với Nga đã đóng góp cho an ninh của Viễn Đông cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga. Trung Quốc thường ủng hộ Nga trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Và sự liên kết của hai nước cho phép Mátxcơva được hưởng đôi chút vinh quang của Bắc Kinh. Mối quan hệ của hai nước cũng tăng cường tính hợp pháp quốc tế của chế độ Putin, khi Mátxcơva thúc đẩy ý tưởng như một nước cân bằng địa chính trị hoặc chiếc cầu nối nền văn minh giữa Đông và Tây. Như nhà bình luận hàng đầu của Nga Vyacheslav Nikonov phát biểu khi Mátxcơva lần đầu tiên đưa ra ý tưởng về chính sách trở lại châu Á-Thái Bình Dương tháng 9/2010: Nhờ địa lý Âu-Á độc đáo và sự kết hợp của các nền văn hóa của Nga và sự gia tăng dân số cũng như kinh tế không tránh khỏi của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chính sách phát triển về phía Đông mang tính lịch sử sẽ giúp Nga trở thành một cường quốc châu Âu-Thái Bình Dương và triển vọng đó sẽ làm cho Tổng thống Putin hài lòng. Mục tiêu hiện nay của ông Putin là bảo vệ các tuyên bố ban đầu của Nga trong một trật tự thế giới mới – nơi sân chơi của các cường quốc được coi là châu Á chứ không phải châu Âu. Nhưng về lâu dài, khoảng cách kinh tế và chính trị giữa một nước Trung Quốc năng động và một nước Nga không hiện đại hóa sẽ rộng tới mức Mátxcơva khó có thể thu hẹp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Những vấn đề mới như phát triển các nguồn tài nguyên Bắc Cực và các tuyến đường vận chuyển có thể tăng thêm căng thẳng cho các mối quan hệ song phương giữa Nga và Trung Quốc. Cuối cùng, Nga không thích một nước Trung Quốc bá quyền giống như không thích một nước Mỹ theo chủ thuyết thế giới đơn cực hoặc bất cứ sự liên kết nào khác có thể cô lập Nga – kể cả “mô hình quan hệ cường quốc kiểu mới” mà ông Tập Cận Bình nhắc đến khi tới thăm Tổng thống Obama tháng 6/2013. Nhìn về triển vọng chính sách trở lại châu Á hiện nay của Nga, nếu trở thành hiện thực, nó sẽ giúp Mátxcơva không cảm thấy thất vọng một lần nữa và không bị kẹt giữa phương Đông, nơi Nga không thuộc về, và phương Tây, trong đó Mátxcơva không dễ dàng hội nhập.
***
TTXYN (Niu Đêli 24/8)
Mạng tin của Viện nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) Ấn Độ, số ra ngày 3/8, đã đăng bài bình luận của nhà phân tích chính trị Sadhavi Chauhan về quan hệ họp tác giữa Nga và Việt Nam tại khu vực châu Á-Thái Bình Dưong, có nội dung như sau:
Trong bối cảnh sự chuyển hướng được tranh luận nhiều của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương (CA-TBD), cũng có nhiều cuộc tranh luận về “sự chuyển hướng” của Nga ở CA-TBD, đặc biệt là những diễn biến rõ nét xuất hiện vào tháng 7/2013 khi những động thái mới nhằm tăng cường sự can dự của Nga ở khu vực châu Á. Các cuộc tập trận bất ngờ ở phía Đông ngoài khơi của Nga ngay sau cuộc tập trận chung ngoài biển định kỳ giữa hải quân hai nước Nga-Trung. Hai sự kiện xảy ra cùng thời điểm thật khó hiểu. Việc tập trận chung với Trung Quốc được cho là “một tín hiệu” của Mátxcơva nhằm tăng cường quan hệ với Bắc Kinh còn cuộc tập trận đầy bất ngờ sau này được cho là một “biếu hiện lạ”. Những chính sách bê ngoài có vẻ không rõ ràng của Nga về khu vực CA-TBD cho thấy vai trò quan trọng đối với những lợi ích hàng hải của Nga ở khu vực này. Trong bối cảnh hiện nay, giới quan sát cho rằng những xu hướng gần đây về sự hợp tác hàng hải giữa Nga và Việt Nam, một trong những đồng minh lâu đời nhất của Nga ở khu vực CA-TBD và việc Việt Nam đón tiếp một trong những con tàu lớn của Nga ở nước ngoài, cho thấy “sự định hướng” về phía Nam của Nga đang tăng lên. Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga, tướng Sergei Shoigu, đến Hà Nội (tháng 4/2013) đã chứng tỏ tầm quan trọng của mối quan hệ về hợp tác hải quân giữa Nga và Việt Nam, cả Nga và Việt Nam đều chính thức đồng ý để Nga giúp đỡ Việt Nam phục hồi cảng Cam Ranh ở miền Trung Việt Nam. Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã cố gắng “giảm nhẹ” sự liên quan của Nga bằng tuyên bố:. “Đó là một vấn đề bình thường, các nước khác cũng muốn hợp tác với hải quân Việt Nam”, nhưng tầm quan trọng mang tính chiến lược và quân sự của cảng Cam Ranh vẫn không thể bị bỏ qua. Nằm gần đường biển trọng yếu của khu vực Biển Đông và gần khu vực giàu dầu mỏ của quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vịnh Cam Ranh có tầm quan trọng chiến lược lớn. Về mặt lịch sử, vị trí chiến lược của cảng Cam Ranh được đánh giá bằng thực tế nhiều nước kể cả Nhật Bản, Pháp, Mỹ và các nước thuộc Liên Xô trước đây từng có căn cứ quân sự đóng tại đây. Lợi ích được khôi phục của Nga ở cảng quan trọng và mang tính chiến lược này là một yếu tố quan trọng trong việc cân nhắc và tính toán nhằm khôi phục quan hệ hải quân Nga-Việt. Để chứng minh tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam đối với Mátxcơva, Phó đô đốc hải quân Nga, tướng Viktor Kravchenko, từng cho rằng: “Nếu Nga vẫn coi mình là một cường quốc hải quân, thì việc phục hồi các cảng như cảng Cam Ranh là một điều chắc chắn”. Cùng với một thoả thuận về việc sử dụng nhân sự Nga và các tàu hỗ trợ cho việc nâng cấp các trang bị hải quân, lãnh đạo hai nước cũng quyết định thành lập một cơ sở sửa chữa thương mại tại cảng Cam Ranh. Theo tuyên bố chính thức, công ty Tân Cảng, thuộc Hải quân Việt Nam, sẽ xây dựng một cơ sở sửa chữa thương mại. Sự hợp tác của Nga đối với dự án này sẽ do Tập đoàn Vietsopetro, một tập đoàn liên doanh giữa Zarubezhneft, Nga và PetroVietnam góp vốn. Mặc dù cơ sở này chủ yếu là phục vụ lực lượng hải quân Việt Nam song Việt Nam hy vọng rằng các dịch vụ cung cấp cho các tàu hải quân nước ngoài có thể sẽ giúp bù đắp chi phí cho các hoạt động của cơ sở này.
Bên cạnh đó, việc ký kết một thỏa thuận về việc Nga cung cấp cho Việt Nam 6 tàu ngầm lớp Kilo vào năm 2012 đã cho thấy “một bước ngoặt” trong sự hợp tác hải quân giữa Nga và Việt Nam. Với giá trị lên đến 3,2 tỷ USD, đây được coi là hợp đồng lớn nhất trong lịch sử xuất khẩu quốc phòng của Nga. Động thái này được cho là quan trọng vì thỏa thuận trên được ký trong bối cảnh của sự tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông, một trong những tuyến đường biển huyết mạch ở khu vực CA-TBD. Thoả thuận quốc phòng này đã có ảnh hưởng đến những tranh chấp tại Biển Đông. Khả năng kiểm soát tài nguyên dưới đáy biển của Việt Nam được tăng lên đáng kể và tạo sự cân bằng trước hải quân Trung Quốc đang phát triển mạnh ở khu vực Biển Đông, cần lưu ý rằng Trung Quốc đã có tàu Kilo từ những năm 1990 và do đó, việc sở hữu tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam sẽ không tạo ra được “thách thức” lớn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, một sự thật không thể bác bỏ là những quan ngại hiện nay đối với các nhà hoạch định hải quân Trung Quốc, những người mà trước đây không tính đến khả năng kiểm soát đáy biển của hải quân Việt Nam.
Có thể hiểu rằng Việt Nam đang muốn thúc đẩy và tăng cường hợp tác quân sự với Nga và đây là một lĩnh vực được ưu tiên cao độ. Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh từng nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục mua vũ khí, phần lớn là từ Nga. Về chính trị, Nga là một đối tác đáng tin cậy. Về công nghệ, vũ khí của Nga hiện đại và chúng tôi từng sử dụng. Nga vẫn là một trong những nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Hơn nữa, vũ khí của Nga cũng rẻ hơn của các nước phương Tây”. Bắc Kinh cảm thấy “khó chịu” đối với sự hợp tác tự nhiên giữa Mátxcơva và Hà Nội. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Trung Quốc hy vọng các bên ngoài khu vực Biển Đông tôn trọng và ủng hộ những nỗ lực đàm phán giữa các nước liên quan trực tiếp và rằng các bên nên tránh những hành động can thiệp đối với những nỗ lực trên”.
Trong chừng mực nào đó, Nga tỏ ra rất thận trọng, không chống lại Trung Quốc, nước đang nổi lên như một đối tác thương mại lớn thứ hai của Mátxcơva ở khu vực CA-TBD. Năm 2011, tổng kinh ngạch thương mại Nga-Trung đạt 83,5 tỷ USD. Hơn nữa, với nhu cầu năng lượng đang gia tăng mạnh mẽ, Trung Quốc nổi lên như là một thị trường lớn đối với lĩnh vực xuất khẩu năng lượng của Nga. Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc đã ký một thoả thuận quan trọng nhập khẩu, ít nhất 743.000 thùng dầu thô/ngày, từ Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga từ nay đến năm 2018. Rõ ràng Trung Quốc đã trở thành đối tác rất quan trọng đối với sự hội nhập kinh tế của Nga ở khu vực này. Đồng thời Việt Nam cũng đang nổi lên như là một đối tác kinh tế quan trọng của Nga ở khu vực CA-TBD. Năm 2012, Nga đứng thứ 18 trong số 101 nước và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào Việt Nam, với số vốn đăng ký trên 2 tỷ USD vào 93 dự án. Để thúc đẩy mạnh mối quan hệ kinh tế thương mại song phương, việc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh hải quân Nga, Bêlarút và Cadắcxtan đã được khởi xướng từ tháng 3/2013. Các quan chức Nga giải thích lý do của sự hợp tác hải quân Nga-Việt dựa trên cơ sở của việc Nga ủng hộ Luật quốc tế về tự do hàng hải, được quy định tại điều 87, khoản 1 của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển. Trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Tướng Sergei Shoigu đã “giải thích” quan điểm của Nga rằng: “Cũng giống như các cường quốc hải quân khác, Nga ủng hộ tự do hàng hải. Nga sẽ chống lại bất kỳ mối thách thức nào đối với tự do hàng hải cùng như cách mà Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã làm nhằm thực hiện quyền của Nga được quy định trong luật pháp quốc tế”.
Mặc dù những giải thích và tuyên bố chính thức về quan điểm của Nga là đứng ngoài các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông hiện nay, nhưng mối quan hệ tự nhiên của Nga, cụ thể là sự hợp tác hải quân với Việt Nam, đã cho thấy một chiều hướng khác. Rõ ràng, Nga đang hướng đến khu vực CA-TBD nhằm quyết tâm hội nhập kinh tế với các cường quốc kinh tế thế giới cũng như việc tìm đối tác mới trong khu vực đang nối lên tranh cãi về địa lý này./.
Sorry, the comment form is closed at this time.