BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

1962. TRUNG QUỐC NÊN TỪ BỎ CHIẾN LƯỢC NĂNG LƯỢNG Ở CÁC NƯỚC TIỂU VÙNG SÔNG MEKONG

Posted by adminbasam trên 16/08/2013

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Tư, ngày 14/8/2013

TTXVN (Niu Yoóc 24/7)

Mạng tin East by Southeast” ngày 24/7 cho biết, cuối năm nay các loại xe ô tô và xe tải chở đầy hàng hóa từ Trung Quốc và Thái Lan có thể đi qua một chiếc cầu bắc qua sông Mekong, nối liền tỉnh Chiang Rai của Thái Lan với tỉnh Bokeo của Lào và nối liền với các tuyến đường cao tốc trong nội địa Trung Quốc.

Nhờ các khoản đầu tư của chính phủ Trung Quốc và Thái Lan, chiếc cầu được hoàn thành sau 10 năm lập kế hoạch và 2 năm xây dựng đã gây nhiều tranh cãi ở các nước và khu vực. Nhiều năm qua, Thái Lan lưỡng lự đầu tư xây dựng chiếc cầu do nhận thấy lợi ích không đồng đều giữa Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Về phía Thái Lan, một tổ chức phi chính phủ (NGO) có tên “Rak Chiang Khong” nhiều lần cảnh báo chiếc cầu sẽ có nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế của khu vực Tam giác Vàng và phá hủy các ngư trường trên sông Mekong. Chiếc cầu Tam giác Vàng tạo nên nhiều thách thức cho Trung Quốc, khi các nhà lãnh đạo mới của nước này có ý định cân bằng nền kinh tế hiện không ổn định và tăng trưởng chậm, đồng thời tạo sự ổn định trong nước bằng cách duy trì các mối quan hệ kinh tế hài hòa với các nước láng giềng.

Chiến lược khu vực của Trung Quốc

Ông Xu Ningning, chủ tịch Hội đồng Kinh doanh của Tiểu vùng Mekong Lớn hơn (GMS), nói: “Trong năm 2012 mức tăng trưởng thương mại và đầu tư bên ngoài của Trung Quốc với 5 nước khác thuộc khu vực sông Mekong, Mianma, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, đã vượt mức tăng trưởng thương mại và đầu tư của tất cả các nước thành viên Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Chắc chắn tốc độ tăng trưởng thương mại và đầu tư lớn hơn sẽ tiếp tục cùng với sự đẩy mạnh hợp tác và các cơ hội đầu tư cùng thắng trong khu vực. Trong 3 năm qua, các tỉnh GMS Trung Quốc như Vân Nam và Quảng Tây đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 12-15%, mức cao nhất so với các địa phương ở Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ở các nước khu vực sông Mekong. Chiến tranh Lạnh chấm dứt trong những năm 1990 đã tạo môi trường thuận lợi cho Trung Quốc phát triển các chiến lược hợp tác kinh tế với khu vực sông Mekong. Tình trạng không rõ ràng và mở cửa các đường biên giới trước kia đã khuyến khích các nhà kinh doanh Trung Quốc cũng như các nước Đông Nam Á đề nghị các chính quyền địa phương và trung ương tạo điều kiện tốt hơn cho các hoạt động thương mại và di cư. Chính phủ Trung Quốc đã đáp lại bằng 20 năm thực hiện các chính sách đầu tư và tự do hóa thương mại do nhà nước lãnh đạo nhằm thúc đẩy hợp tác cả ở khu vực nhà nước lẫn tư nhân. Các chiến lược hợp tác kinh tế của Trung Quốc với 4 nước láng giềng Mekong đã trở thành một chiến lược phù hợp với nhu cầu phát triển hiện nay của Trung Quốc. Ông Liu Jinxin, nhà phân tích chính sách và là chuyên gia hậu cần ở Trung Quốc, cho biết không giống như Mỹ hiện đang dẫn đầu thế giới về lĩnh vực tài chính và công nghệ thông tin, các ngành công nghiệp theo hướng dịch vụ giá trị cao, Trung Quốc, công xưởng của thế giới, đang đẩy mạnh sản xuất hàng hóa để thúc đẩy tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và phục vụ các thị trường xuất khẩu trên thế giới. Để tồn tại, “công xưởng” Trung Quốc cần có nguồn đầu vào như năng lượng và nguyên liệu thô. Hiện nay Trung Quốc đã và tiếp tục xây dựng nhiều đường ống dẫn dầu và khí đốt chiến lược đi qua các nước châu Á, trong đó đặc biệt là dự án đường ống dẫn dầu khí của công ty PetroChina bắt đầu từ bờ biển Ấn Độ Dương của Mianma chạy đến Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc, cũng như một hệ thống năng lượng thủy điện mở rộng đến Lào và Mianma. Ông Liu nói: “Chúng tôi xây dựng mạng lưới điện này để đảm bảo ổn định năng lượng. Nguồn đầu vào mạnh mẽ đó chỉ có thể được đảm bảo bằng cách duy trì quan hệ hòa bình với tất cả các nước láng giềng”. Nhưng liệu cách tiếp cận dựa trên cơ sở hợp tác địa-kinh tế sẽ là chiến lược lâu dài và bền vững cho Trung Quốc và các nước láng giềng Mekong hay không? Đường ống dẫn dầu của công ty PetroChina chạy qua Mianma sẽ là một sự thử thách cam kết của khu vực đối với chiến lược địa- kinh tế của Trung Quốc. Không những Chính phủ Mianma có quyền ngăn chặn nguồn năng lượng chiến lược đến Trung Quốc, mà một công ty Nhật Bản hiện đang nắm giữ quyền sở hữu phần lớn bến cảng của Mianma ở cuối đường ống dẫn dầu Ấn Độ Dương. Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của người dân Trung Quốc có thể tố cáo Chính phủ Trung Quốc bị Nhật Bản và Mianma “nắm thóp”, do đó đe dọa sự ổn định được đảm bảo bằng đường hướng địa-kinh tế của Trung Quốc. Trong cuộc trò chuyện năm ngoái, một quan chức làm việc cho cơ quan Chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Mekong tỏ ra thất vọng trước thực trạng hiện nay. Quan chức này nói: “Chúng tôi đã tài trợ cho các quốc gia này rất nhiều để phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy thương mại, nhưng họ tiếp tục muốn lợi dụng chúng tôi hoặc đe dọa xóa bỏ các thỏa thuận của chúng tôi”. Thực tế, quan hệ Trung Quốc-Mianma đã lạnh nhạt trong những năm gần đây từ khi Mianma chuyển sang chế độ dân chủ và đình chỉ một dự án đập thủy điện được Trung Quốc tài trợ vốn. Bên cạnh đó, quan hệ Việt Nam- Trung Quốc cũng đang trong tình trạng tương tự do Việt Nam áp dụng nhiều hạn chế thương mại đối với một số mặt hàng nhất định của Trung Quốc. Năm nay, các đoàn đại biểu cấp bộ trưởng của Việt Nam không đến dự hội chợ thương mại khu vực của Côn Minh.

Trung Quốc xuất khẩu mô hình “tăng trưởng đầu tiên” sang các nước Mê Kông

Bằng nhiều cách, Trung Quốc đã xuất khẩu mô hình tăng trưởng bằng mọi giá do nhà nước lãnh đạo sang các nước khu vực sông Mekong. Các nước kém phát triển được hưởng lợi kinh tế nhờ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng được Trung Quốc hỗ trợ vốn như dự án đường sắt cao tốc trị giá 7,2 tỷ USD chạy từ Bắc Lào đến Viêng Chăn và các dự án thủy điện trên sông Mekong tại Lào và Campuchia. Tuy nhiên, sự phân chia công bằng các lợi ích đó chỉ có thể được thực hiện một khi Lào và Campuchia trả hết các khoản nợ khổng lồ của họ cho Trung Quốc. Hơn nữa, việc Trung Quốc xây dựng 8 dự án thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong ở tỉnh Vân Nam đã khẳng định với Lào rằng Trung Quốc có thể phớt lờ sự phản đối của các nước khu vực hạ nguồn sông Mekong về tác động tiêu cực từ các con đập của Trung Quốc, bất chấp các dự án có thể gây nhiều rủi ro môi trường cho các nước láng giềng Mekong. Tại Trung Quốc, các nhà phát triển thủy điện có thể dễ dàng bỏ qua luật môi trường và đưa ra các đánh giá tác động môi trường sai lệch. Tiến sĩ Zhou Dequn, nhà nghiên cứu bảo tồn sinh học của trường Đại học Khoa học và Công nghệ Côn Minh, lập luận rằng những hành động xấu như vậy cũng đã xảy ra đối với các dự án thủy điện do Trung Quốc tài trợ tại Lào. Ông nói: “Trung Quốc đang xuất khẩu hành vi kinh doanh và không chấp hành các quy định luật pháp ngang các nước láng giềng ở khu vực sông Mekong. Các nhà kinh doanh giàu có của Trung Quốc ở nước ngoài không quan tâm hoặc không có khả năng kỹ thuật để thúc đẩy các hoạt động bền vững. Họ cũng không coi trọng tính pháp lý của các hành động của họ”.

Thủy điện đe dọa an ninh lương thực

Lào có kế hoạch phát triển 11 con đập trên dòng chảy chính của sông Mekong và hơn 70 con đập trên các nhánh phụ của nó để xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc và Thái Lan. Mặc dù kế hoạch này sẽ thúc đẩy danh mục đầu tư nguồn năng lượng của Lào, nhưng sẽ có nguy cơ hủy hoại các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các loại thủy sản. ông Eric Baran thuộc Viện nghiên cứu Cá Thế giới cho biết sông Mekong là nguồn cá nội địa lớn nhất thế giới và hiện đang chiếm gần 10% toàn bộ sản lượng cá nước ngọt của thế giới. 60% dân số Lào và Campuchia dựa vào nguồn cá để bảo đảm 100% lượng đạm hàng ngày của họ. Do đó các con đập trên sông Mekong tại Lào có thể phá hủy các mô hình đi cư tự nhiên của hơn 110 loài cá và gây thất thoát tới 800.000 tấn cá được đánh bắt (42% sản lượng đánh bắt cá của sông Mekong) mỗi năm, từ đó gây khó khăn rất lớn cho an ninh lương thực tại Lào và Campuchia. Hơn nữa, việc Trung Quốc nhập khẩu thủy điện của các nước Đông Nam Á là một phần nỗ lực cắt giảm lượng khí thải cácbon ở trong nước bằng cách đầu tư vào các nguồn năng lượng mới. Nhưng để bù đắp sự thiếu hụt về chất đạm từ các loại thủy sản của sông Mekong, Lào và Campuchia phải đầu tư cho các chương trình chăn nuôi gia súc công nghiệp chứa nhiều cácbon, do đó lượng khí thải cácbon của Trung Quốc sẽ được đưa xuống khu vực hạ nguồn sông Mekong. Trong cuộc hội thảo về an ninh lương thực ở khu vực sông Mekong tại Chiang Rai vào tháng 3/2013, cựu thượng nghị sĩ Thái Lan Kraisak Choonhavan tuyên bố: “Những gì chúng ta phải làm là bảo đảm an ninh lương thực trong suốt các giai đoạn phát triển nhanh và đưa ra các quyết định khôn ngoan và bền vững về tương lai của khu vực Mekong”.

Chiến lược do nhà nưóc lãnh đạo đang ngăn chặn các giải pháp bền vững

Người ta chỉ trích chiến lược địa-kinh tế do nhà nước lãnh đạo của Trung Quốc là mặc dù Bắc Kinh ủng hộ an ninh và phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên cơ sở các mối quan hệ kinh tế sâu sắc, nhưng không thể thúc đẩy sự gắn kết giữa các mối quan hệ phức tạp của các bên liên quan ở Trung Quốc và khu vực nói chung. Việc loại bỏ các bên liên quan trong các cuộc thảo luận chính sách tạo ra một sân chơi không bình đẳng không chỉ phân bổ sai các nguồn tài nguyên dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả mà còn tước đi quyền của các cá nhân và tổ chức có thể mang lại các giải pháp bền vững nhằm giải quyết các thách thức khu vực. Tiến sĩ Yu Xiaogang, giám đốc tổ chức NGO “Green Watershed” có ảnh hưởng ở Trung Quốc chuyên đánh giá tác động của các dự án thủy điện đối với các cộng đồng địa phương, nói: “Nhiệm vụ cơ bản của cáo NGO là đảm bảo các bên tham gia dự án quan tâm đánh giá các tác động xã hội, môi trường và bồi thường thỏa đáng trước khi công việc xây dựng bắt đầu. Các NGO phải điều tra chắc chắn, chính xác và xác định các vấn đề mâu thuẫn trong việc thực hiện chính sách. Chúng ta nên coi chính phủ như một đối tác và báo đảm các nhà hoạch định chính sách bị thuyết phục trước các bằng chứng thực tế”. Nếu Trung Quốc muốn cải thiện hình ảnh đang xấu đi trong khu vực, nước này sẽ phải xem xét lại chiến lược địa-kinh tế của mình. Một trong những yếu tố đó là Trung Quốc cần thúc đẩy các hoạt động có phạm vi rộng của các bên liên quan và cho các nước láng giềng Mekong thấy mình thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, đặc biệt khi tiến hành đánh giá các tác động xã hội và môi trường của các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Nếu không thực hiện những thay đổi đó, chiến lược khu vực của Trung Quốc và sự bền vững của khu vực sông Mekong sẽ bị thách thức nghiêm trọng./.

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

 
%d người thích bài này: