BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

1871. Khi nào có "làn sóng mới" trong báo chí Việt?

Posted by adminbasam trên 01/07/2013

Đôi lời: Muốn có mấy lời bình về bài báo, toàn những dấu hỏi từ cái tựa cho tới câu kết, nhưng chưa kịp nghĩ ra, đã có một độc giả phản hồi đôi ý đáng bàn:

.

“Tôi chưa thấy tác giả Vi Thùy Linh 8x này có những bài viết về Biển Đông, về nguy cơ giặc Tầu xâm phạm lãnh hải lãnh thổ của Tổ quốc, về những người nông dân lâm vào cảnh người cầy không có ruộng do nạn cướp đất của một tầng lớp mới nảy nòi ‘tư bản đỏ’. Tác giả 8X giọng kẻ cả, dạy dỗ, cô tuyên dương bạn trẻ Đỗ Doãn Hoàng, bạn này cũng có máu hay dạy dỗ như cô. Hôm nọ đọc một bài của ĐDH thấy bạn ấy lên giọng ‘muốn trở thành nhà báo tử tế thì phải bỏ ngay Facebook”(?)”

TuanVietnam.net

Tác giả: VI THÙY LINH

Bài đã được xuất bản: 01/07/2013 02:00 GMT+7
.
Đội hình phóng viên trẻ hôm nay không dễ tìm người “máu nghề”, xả thân, chưa nói “hết mình” tận lực?
.

“Làn sóng mới” chính là những người viết trẻ dồi dào bút lực và khát vọng cống hiến, khẳng định tài năng. Câu hỏi này không sợ “chậm thời sự”, dù ngày Báo chí Việt Nam 21/6 đã qua một tuần. Báo chí là nhu cầu xã hội, công việc hàng ngày của những người làm báo, nên câu hỏi trên lúc nào cũng thời sự và… khó trả lời.

Không có “đinh”, không thấy “đỉnh”

Đừng vội “mắng” người viết hỏi thừa, cũng chớ vội trả lời: Phóng viên (PV) trẻ rất đông, được gia tăng lực lượng mỗi năm, nhất là ở các thành phố lớn. Đến Cung văn hóa Việt Xô- Hà Nội dự lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ bẩy, tối 21/6, tôi buồn ngay ở đó và đến bây giờ. Ngày Báo chí VN, đỉnh điểm là cuộc trao giải, thành ngày hội của cả nghìn nhà báo tại chỗ và hàng vạn nhà báo toàn quốc, sao lại  nặng lòng lâu thế?

Hàng đoàn nhà báo xếp hàng tại lối đi bên phải khán phòng theo sắp xếp của nhà Đài, chờ lên nhận giải kịp thời vì truyền hình trực tiếp VTV1, giải C, giải B rồi giải A. Hàng đoàn tác giả, ken nhau đứng đầy sân khấu, ngồi bên dưới, không nhìn rõ, nhìn hết các gương mặt.

Lễ trao giải lần sáu có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến dự và lần bẩy có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, biểu lộ rõ sự quan tâm, kỳ vọng của các vị lãnh đạo cao cấp với nền báo chí đương đại. Giải Báo chí QG lần bẩy có 78 tác phẩm thuộc 11 loại giải được trao: Năm giải A, 28 giải B, 45 giải khuyến khích. Lần đầu tiên, giải Báo chí QG có tới năm giải A!

“Toàn cảnh” danh sách tác giả, chủ yếu là loạt bài của nhóm tác giả hoặc một tác phẩm của “chùm” tên PV. Không có “đinh”, không thấy “đỉnh”, không tác giả trẻ nào đáng chú ý – lột tả một giải thưởng Báo chí QG như thế là buồn xa xót cho nghề. Như có nhiều đồng ca hợp xướng mà không ai solo, lĩnh xướng. Lắm giải A mà vắng “sao”, thật đáng tiếc.

Trao đổi với nhà báo Hà Minh Huệ – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN, kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng giải Báo chí QG 2013, ông cho biết:

Chúng tôi mong muốn và luôn nỗ lực tìm kiếm những cây bút nổi bật chứ không phải xu hướng chấm giải năm nay là theo nhóm tác giả. Ngặt nỗi tác phẩm đưa lên từ các chi hội cơ sở toàn là loạt bài. Các hội đồng chỉ có thể chấm trong số những bài được đưa lên, tức là đánh giá theo phong trào, tìm tác phẩm khá nhất trong số đã có, chứ không phải là những tác phẩm xuất sắc nhất của Báo chí VN năm quaĐúng là quá thiếu những cây bút trẻ tài năng, đam mê,thể hiện qua những tác phẩm gây dư luận xã hội.

Tôi đã hỏi những nhà báo uy tín: Ai là cây bút nổi bật giải Báo chí QG 2013? Không ai có câu trả lời. Bất cứ cuộc thi nào, ở lĩnh vực nào, dù “đãi cát tìm vàng” hay “bó đũa chọn cột cờ”, đều nhằm tìm ra người nổi bật nhất để tôn vinh.

1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao giải cho các tác giả đoạt giải cao trong giải báo chí quốc gia lần 7. Ảnh: Nghebao.org

Giọng hát, sắc đẹp, thành tích kỷ lục thể thao hay sáng tạo các loại hình nghệ thuật đều chọn tác phẩm, chính là tôn vinh tài năng tác giả. Giải Báo chí QG 2013 là cái cớ để những người tâm huyết với nghề báo suy nghiệm về đội ngũ những bây bút trẻ hôm nay, thế hệ 8X, 9X. Báo chí là lĩnh vực tiếp xúc trực tiếp từng phút từng giờ với xã hội, là loại hình nhạy cảm, nhạy bén nhất.

Tính tương tác phản biện giữa xã hội và báo chí là trục xuyên suốt của nhu cầu thông tin và xây dựng đất nước. Mà vận hành vũ bão của truyền thông có tác động, thay đổi, góp phần xây dựng nền kinh tế, mọi mặt của đời sống xã hội và chính nó.

Như thế, ở thời đại nào, báo chí cũng đều giữ vai trò xung kích… Làm báo vất vả, vắt sức tận lực, lăn lộn vào những  “mảng nóng” vùng sâu xa, các bài điều tra gai góc hay phóng sự gây chấn động, buộc người viết phải quyết liệt, xả thân.

Đòi hỏi tiên quyết và căn bản nhất của báo chí là sự thật, và sự thật được tìm hiểu, đưa đến bạn đọc nhanh, hay, ấn tượng, không chỉ cần lòng nhiệt tình, mà còn là sự tìm tòi, tâm huyết và tài của PV. Những cây bút cự phách của làng báo trong mọi thể loại, hầu hết thuộc báo viết, báo in, nay đã lớn tuổi. Thế hệ kế tiếp đâu? Trao giải  cho loạt bài hay nhóm tác giả, không phải là xu thế của giải Báo chí QG. Hay xu hướng bây giờ là “ê – kíp”, hoạt động theo nhóm?

Nếu báo hình luôn đòi hỏi người thực hiện là nhóm PV (cần quay phim, biên tập và kỹ thuật, dựng băng), thì báo viết là khu vực dễ nhận ra tài năng thực sự của người viết – chủ thể chịu trách nhiệm tác phẩm rõ nhất, vì hoạt động tương đối độc lập.

Loạt bài, nhóm tác giả theo xu hướng “công trình tập thể” là hiện thực “trống vắng” cây bút có tài, dám đương đầu, nhất là với thế hệ 7X, 8X, 9X – lực lượng sung sức nhất của làng báo VN. Vẫn biết, sức trẻ còn do tâm lý, tư duy, song tuổi tác quyết định khá lớn đến phạm vi tác nghiệp của nhà báo, dù có những cây bút lớn tuổi mà tâm hồn vẫn trẻ, song lực bất tòng tâm, không đủ sức đi xa, vất vả.

Mảng phóng sự báo in, tôi tìm sau Đỗ Doãn Hoàng (sinh năm 1976, báo Lao động), PV “máu nghề” có Nguyễn Hữu Phùng Nguyên (báo Tiền phong), Trần Việt Dũng, Võ Văn Thành (báo Tuổi trẻ) chịu đi. Còn ai nữa tên tuổi? Tìm tiếp những cây bút trẻ có năng lực viết phóng sự – đội quân “tiên phong” của đội ngũ làm báo sao ít thế!

Sự thực cần báo động

Học viện Báo chí – Tuyên truyền, lò đào tạo lớn nhất nước, mỗi năm cho ra trường 200 cử nhân báo chí hệ chính quy. Lúc cần điểm danh, dồn mấy khóa, lại chẳng quá được một tá nhân tài?! Nhà báo, chức danh “tĩnh”, gọi là “phóng viên”, tính năng động cao hơn. Đội hình PV trẻ hôm nay không dễ tìm người “máu nghề”, xả thân, chưa nói “hết mình” tận lực?

Không dễ điểm tên những “cây viết” của các thể loại. Có người viết được nhiều thể loại, có người viết mãi vẫn không ra hồn một… loại nào. Vì ít yêu nghề, hay ngày ngày nặng mưu sinh cơm áo, tham vọng trước mắt làm họ chai mòn, nhát gan, lười biếng?

Dám trả giá là sự đầu tư cho một sự nghiệp lâu bền: Từ thức đêm, chịu khó, trăn trở nghề đến những đối mặt nguy hiểm khi tác nghiệp. Không thể gọi PV xào xáo thông tin từ Facebook, cop nhặt trên mạng thành bài đều đều không biết ngượng là “phóng viên salon”, gọi thế quá sang cho kẻ thiếu đạo đức nghề.

Tôi cũng không thấy việc những bài báo, PV tâm huyết viết cho báo in, báo in đưa lên Web của chính mình, rồi bị các báo điện tử, các trang mạng xã hội lấy lại, cắt xén, thay đổi tít bài hay để nguyên mà bỏ tác giả, nghiễm nhiên không xin phép báo gốc và không trả nhuận bút tác quyền, là biểu hiện của sự “phát triển tin học”!

Số lượng “bồi bút” háo danh, chụp giật ngày càng tăng. Họ săn rình, hóng hớt, cắt xén thông tin, “đạo văn” ngang nhiên như cơm bữa. Đừng đổ hết tội cho đám ca sĩ, người mẫu tự phong là dễ dãi, rẻ tiền, khi có sự phối hợp, đón lõng của cả hai bên cùng có lợi: Sự hợp  tác của PV “lá cải” với một bộ phận của giới showbiz là phối hợp “ăn ý”. Một bộ phận PV làm việc kiểu “ăn xổi”, “hớt váng” như thế mà không bị xử lý.

Sự “hot” từ chuỗi tin đồn, tít giật gân, những câu chuyện, phát ngôn gây sốc bị đổ đồng là “nổi tiếng”, khiến từ này trở nên mất giá trị. Ngày càng thiếu hiếm những bài báo gây xúc động, hiệu ứng xã hội, góp phần thay đổi những số phận khốn khổ, nhỏ nhoi, những tác phẩm đấu tranh vì lẽ phải, công bằng! Vì đâu?

Chế độ đãi ngộ ít, nhuận bút chưa tương xứng hay vì không có lửa nghề, không chịu cực nhọc, hy sinh mà ngay những bài viết về đề tài đô thị, làm ngay tại thành phố, các PV cũng biếng nhác từ việc thẩm định thông tin, tìm hiểu nhân vật đến kiếm các chi tiết độc đáo, chọn cách thể hiện mới? Tính sáng tạo, dấn thân, dự báo là những đòi hỏi xa xỉ?

Không đem đòi hỏi của lý thuyết báo chí và kỳ vọng của xã hội, của các vị lãnh đạo cao cấp đặt vào lực lượng làm báo để phán quyết tổng thể, nhưng sự thực cần báo động là nền báo chí đương đại hiện nay, với 1,7 vạn nhà báo có thẻ hành nghề của Bộ Thông tin Truyền thông, 1,9 vạn nhà báo có thẻ hội viên Hội Nhà báo VN, thiếu vắng nghiêm trọng  “làn sóng mới” những người viết say nghề, hăng hái lao động?

Định danh, khẳng định của một cây bút không chỉ duy nhất đánh dấu bằng giải thưởng, mà phải được nhớ bởi độc giả, được bạn đọc tín nhiệm, đón tìm đọc.

Tôi, một cây viết thế hệ 8X, vẫn hy vọng về lửa nghề và tâm huyết của thế hệ đồng lứa lẫn sau mình. Không ít em thi vào trường báo để “khớp lệnh” cha, mẹ truyền con nối, khi chẳng có năng khiếu gì, do không thi vào đó cũng không biết thi trường nào cho đỗ. Thi vào để ra trường còn có người nhà nâng đỡ, xin việc làm. Mục đích cơm áo thực dụng ấy là sự thật, hơn là vì năng khiếu, đam mê. Quá mức “xa thực tế”, xa xỉ ư, khi đợi chờ lý tưởng nghề ở đội ngũ những người viết báo rất đông mà vẫn thấy thiếu trên một đất nước dân số trẻ đang phát triển?

 

20 bình luận trước “1871. Khi nào có "làn sóng mới" trong báo chí Việt?”

  1. Trần Quốc said

    Lướt đọc, chả thiết đi sâu quá quá cho tỏ tường sai đúng. Chỉ nghĩ vào cái thân già, mình thất thập rồi mà vẫn ngu ngơ nhiều lắm, cho nên thấy “nó” 8x hay 7x gì đó viết vậy, thì thôi, “nó” có dậy dỗ kẻ cả với mình, mình vẫn đành lòng OK. Có lẽ dẫu gì, “nó” vẫn thuộc loại phượng hoàng hậu sinh khả úy đấy nhỉ?!

  2. binhboong said

    Một nền báo chí theo định hướng chứ không lấy trung thực làm tôn chỉ thì làn sóng mới thực sự làm sao có

  3. Huynh said

    Khi nào có mùa xuân Việt Nam, khắc có làn sóng mới báo chí.
    Phải chờ đợi thôi.

  4. […] Khi nào có “làn sóng mới” trong báo chí Việt? (TVN/Basam) –  Đôi lời: Muốn có mấy lời bình về bài báo, toàn những dấu hỏi từ cái tựa cho tới câu kết, nhưng chưa kịp nghĩ ra, đã có một độc giả phản hồi đôi ý đáng bàn:  “Tôi chưa thấy tác giả Vi Thùy Linh 8x này có những bài viết về Biển Đông, về nguy cơ giặc Tầu xâm phạm lãnh hải lãnh thổ của Tổ quốc, về những người nông dân lâm vào cảnh người cầy không có ruộng do nạn cướp đất của một tầng lớp mới nảy nòi ‘tư bản đỏ’. Tác giả 8X giọng kẻ cả, dạy dỗ, cô tuyên dương bạn trẻ Đỗ Doãn Hoàng, bạn này cũng có máu hay dạy dỗ như cô. Hôm nọ đọc một bài của ĐDH thấy bạn ấy lên giọng ‘muốn trở thành nhà báo tử tế thì phải bỏ ngay Facebook”(?)” […]

  5. Sát thát said

    Có phải cô Vi Thùy Linh này là tác giả :
    Trời trong vắt như bình vang trắng
    Cơn gió đực
    Làm tình một mình trên mái (1)
    Anh tô son môi em chín chín lần trong một buổi tối bằng môi anh
    …”

    không Basam nhỉ ?

  6. Koon said

    Sau những vụ như Hoàng Khương, các nhà báo và toà soạn chắc cũng đã rút kinh nghiệm. Trách nhiệm tập thể bao giờ cũng dễ thở hơn trách nhiệm cá nhân. Tình, tiền tù tội, giết hiếp … các bài báo hầu hết ký tên cá nhân. Ban tuyên giáo hẳn là hài lòng?

  7. Một độc giả said

    Đọc bài này tôi cảm thấy sự không “rõ ràng”, giọng “nước đôi” giống như một tay nhà sử.
    Xin hỏi tác giả :muc đích của “Làn sóng mới” là gì ?
    Chẳng hạn :“Làn sóng mới” chính là những người viết trẻ dồi dào bút lực và khát vọng cống hiến, khẳng định tài năng.
    Cống hiến cho ai?
    Nếu có “làn sóng mới” thì tác giả sẽ ở đâu trong làn sóng đó?

  8. montaukmosquito said

    “Lúc cần điểm danh, dồn mấy khóa, lại chẳng quá được một tá nhân tài”

    Vi Thùy Linh sai, vấn đề là cách nhìn nhận nhân tài là như thế nào ? Nếu định nghĩa nhân tài theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa và đạo đức Hồ Chí Minh thì làng báo nhà ta, nhân tài lủ khủ .

    Đây là một minh chứng, hoàn toàn không cá biệt .

    “Báo Đại Đoàn Kết vừa đạo văn vừa bịa thêm? Sau khi viet-studies link bài Người Việt ở Italia trên báo Đại Đoàn Kết hôm qua (lưu giữ ở đây trong trường hợp báo này phi tang) một thân hữu nhận ngay là bài này xào lại bài Gặp người Việt ở nước Ý (RFA 15-8-2006). Khác biệt lớn nhât là trong bài của RFA, tác giả nhắc về những người vượt biên tị nạn, còn Đại Đoàn Kết thì bịa ra chuyện người Việt ở Italia cùng tụ hop vui chơi với nhau trong… ngày sinh nhật Bác Hồ!!!”

    Muốn biết chuyện gì thật sự xảy ra ở VN, ta nên đọc báo, nhưng không nên đọc những gì được in mà phải đọc những gì không được (phép) in .

  9. Hoa Cải said

    Quá dễ! Cử hết thảy tổng biên tập + Đinh Thế Huynh qua CNN, New York Time, BBC, RFA, RFI tái đào tạo khóa báo chí trung thực là có “làn sóng mới” ngay ấy mà. Chứ làm báo chí mà hễ mở mắt chỉ thấy “búa liềm”, suốt đời vì “báo chí cách mạng”, thì mơ “làn sóng mới” để “phản cách mạng”, để nhóm lò nung chảy búa liềm à? Quên sự kiện hai nhà báo VOV đi tìm làn sóng mới Văn Giang mà mặt mũi sưng chà bá, rồi à? Tội nghiệp sáp nhỏ. Quả là ngây thơ chính trị đến ngớ ngẩn. Ở truồng mà tưởng đang có quần.

  10. Duy Châu said

    Nếu cộng đồng mạng tổ chức trao giải báo chí, tôi đề nghị :
    – Giải nhất : Nguyễn Đắc Kiên
    – Giải nhì : Trương Duy Nhất

    • Đồng ý với bạn duy châu said

      Giải vàng: Nguyễn Đắc Kiên
      Giải Bạc: Trương Duy Nhất
      Giải Đồng: Phạm Viết Đào

  11. Ẩn danh said

    Qua rồi, thời “báo chí cách mạng” quen và thi nhau nịnh Đảng và nịnh lãnh tụ. vì vậy “Toàn cảnh” danh sách tác giả, chủ yếu là loạt bài của nhóm tác giả hoặc một tác phẩm của “chùm” tên PV; để được “đoạt giải” thì phải làm bút nô, phải bẻ cong công lý và sự thật, phải viết trái với lương tâm… Vì làm bút nô nên không thể đề đích danh tên của mình được, mà phải lấy là “nhóm PV”, thật nhục cho một nền báo chí nô bộc, “chỉ biết còn đảng còn mình”.
    Chính vì thế cho nên: Tôi đã hỏi những nhà báo uy tín: Ai là cây bút nổi bật giải Báo chí QG 2013? Không ai có câu trả lời. Bất cứ cuộc thi nào, ở lĩnh vực nào, dù “đãi cát tìm vàng” hay “bó đũa chọn cột cờ”, đều nhằm tìm ra người nổi bật nhất để tôn vinh.; vậy là vẫn còn may cho cái đất nước này, vì chưa có mấy ai giám công khai làm nô bộc cho nền báo chí kiểm duyệt này. Tuy nhiên, vẫn còn có loại TS đểu kiểu XHCN: Tam quyền phân lập không phù hợp với Việt Nam
    http://www.tapchiqptd.vn/van-de–su-kien/tam-quyen-phan-lap-khong-phu-hop-voi-viet-nam/3707.html
    Người viết bài này là: Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN QUANG/ Viện Khoa học XHNVQS – BQP.
    Không ít em thi vào trường báo để “khớp lệnh” cha, mẹ truyền con nối, khi chẳng có năng khiếu gì, do không thi vào đó cũng không biết thi trường nào cho đỗ. Thi vào để ra trường còn có người nhà nâng đỡ, xin việc làm. Cái này thì phải hỏi, cô con gái rượu Tô Linh Hương của ông Tô Huy Rứa, cô từng làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex, hiện đang làm gì, đã viết được (dù chỉ một bài) báo nào hay chưa, hay đang chuẩn bị được “cơ cấu” lảm Phó TBT của một tờ báo nào chăng? Nhân Dân, hoặc QĐND chẳng hạn… để “tăng cường sức chiến đấu” cho đảng.
    Thôi thì, “để cho lành” thì các nhà báo cứ tiếp tục các đề tài: cướp, giết, hiếp, lộ hàng, khóa môi… mà diễn vậy.

  12. […]  Khi nào có “làn sóng mới” trong báo chí Việt? […]

  13. dân chủ là để người dân được mở cái mồm ra said

    Xin hỏi basam hiện nay tại sao tôi không gửi còm được, anh kiểm duyệt hơn cả hệ thống tuyên truyền của đảng và nhà nước à?

  14. buồn thay những thân phận bút nô said

    “Đối lập với báo chí tự do là báo chí bị kiểm duyệt. Báo chí bị kiểm duyệt là “con quái vật được văn minh hóa, cái quái thai được tắm nước hoa“. Karl Marx
    “Mãi tới bây giờ chưa có một người Việt Nam nào được phép xuất bản một tờ báo nào cả. Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở Châu Âu và các nước Châu Á khác chứ không phải một tờ báo do chính quyền thành lập…” – Nguyễn Ái Quốc
    “Dân chủ là để cho dân mở mồm ra nói. Dân chủ là đừng bịt miệng dân”. – Hồ Chí Minh
    Còn chú ba X thì sao:
    ”Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại lợi ích đất nước“. – Nguyễn Tấn Dũng
    Đúng ra, “nhân quyền” trong xã hội VN hôm nay, nếu có, chính là lời tuyên bố cũng của ông Hưởng (trong phút nói thật và nói toạc) dịp hè năm ngoái, khi dư luận xôn xao về vụ Thủ tướng CS kí quyết định cấm đoán các trung tâm nghiên cứu độc lập phản biện công khai về các vấn đề chính sách (do đó mà Viện IDS đã phản đối bằng cách tuyên bố tự giải thể): “Nước ta Đảng lãnh đạo, không có phản biện gì cả, phản biện là phản động! Các anh muốn phản biện hả ? Nhà tù còn nhiều chỗ lắm, mà cũng chẳng cần bắt bớ tù đày làm gì! Thời buổi này, tai nạn giao thông là chuyện cơm bữa, mà cũng chẳng cần tông xe làm gì! Buổi sáng các vị đi uống cà phê, về tới nhà cứng đơ, không làm gì được nữa. Các nước người ta đều biết kĩ thuật này, chúng tôi cũng chẳng thua đâu”. “Nhân quyền” đó cũng chính là cán bộ cao cấp hiếp dâm trẻ vị thành niên, gây lỗ lã đến 80.000 tỷ, nhưng không bị truy tố mà chỉ bị đình chỉ chức vụ. Đó cũng chính là các “ông trời con” mặc sức cướp đất của nông dân, thị dân khắp cả nước mà vẫn vững chắc trên ghế ngồi. Đó cũng chính là công an có thể giết dân lành ở Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Giang, Đà Nẵng… hay áp dụng vô số kỹ xảo tra tấn (như lời Lm Nguyễn Văn Lý tố cáo) mà vẫn bình chân như vại…
    còn người đứng đầu đảng cầm quyền VN: tổng bí thư Nguyễn phú Trọng thì huấn thị cho cán bộ dưới quyền mình phải “Xử lý” người đòi tự do dân chủ, ngang nhiên quy chụp người đòi tự do dân chủ, gọi người yêu nước chống xâm lược là thế lực thù địch:
    o “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chứ gì nữa? Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang cónhững quan điểm đấy. Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì…ì? Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này.”
    […]

  15. Nhi Mai said

    Khi nào báo chí không có tự do thì đừng mong gì có nhà báo như bạn mong muốn. Hàng ngà tờ báo lề phải có mấy người đọc. Nếu là nhà sản xuất mà không có khách mua thì Doanh nghiệp ấy có tồn tại không? Ấy vậy mà hàng ngà tờ báo vẫn phải tồn tại, buồn cười lắm thay…

  16. Cục Đất said

    Bạn này chưa giác ngộ rõ về xã hội hiện thời. Tại không nhà báo không thể “máu lửa” ? Câu trả lời rất đơn giản: vì nếu máu lửa thì bản thân sẽ bị đốt cháy. Thời đại đồ đểu này, không thể đi đến cùng sự thật, mà chỉ có thể nửa vời mà thôi. Vậy nên phần đông nhà báo cam phận làm bút nô để sống qua ngày, còn một vài kẻ đốn mạt có thể làm giàu bất chính khá dễ dàng bằng nghề báo.
    P/S: “kỳ vọng của xã hội, của các vị lãnh đạo cao cấp…” đọc muốn ói !

  17. Ẩn danh said

    Tôi chưa thấy tác giả Vi Thùy Linh 8x này có những bài viết về Biển Đông,về nguy cơ giặc tầu xâm phạm lãnh hải lãnh thổ của Tổ quốc,về những người nông dân lâm vào cảnh người cầy không có ruộng do nạn cướp đất của một tầng lớp mới nảy nòi”tư bản đỏ”
    Hôm nay đọc bài này thấy tác giả 8X giọng kẻ cả,dạy dỗ,cô tuyên dương bạn trẻ Đỗ Doãn Hoàng,bạn này cũng có máu hay dạy dỗ như cô,hôm nọ đọc một bài của DDH thấy bạn ấy lên giọng “muốn trở thành nhà báo tử tế thì phải bỏ ngay Facebook”(?)
    Bây giờ lắm cô chiêu cậu ấm thích trở thành cụ non thế nhỉ !

    • Hoàng Lan said

      Cái còm nhiều lỗi tư duy như này mà BTV cũng mang lên treo đầu trang được, xin hỏi có phải là vì bị động chạm cá nhân? Chuyện lời một người phát biểu, ra khỏi miệng người ta thì nó trở thành một thực thể riêng, đúng hay sai tự thân nó có chỗ đứng. Người nghe có thể tham chiếu tư cách, vị trí, lịch sử cống hiến của người nói như một thông tin tham khảo thêm, chủ yếu là để có tư liệu thêm về người nói, chứ không thể dùng identity của người nói để đánh giá lời nói. Ví như cho dù thực tế ông Dũng có là kẻ lật lọng thất tín đến đâu chăng nữa, thì những lời phát biểu từ miệng ông về lòng tin chiến lược (cho dù được chấp bút bởi vài chục thằng cố vấn, được đóng góp đánh giá bởi vài trăm người khác nữa) thì cũng vẫn là những lời hay mà người ta không bẻ được. Thế thì tại sao lại mang chuyện tác giả đã làm được gì, để đánh giá bài viết của người ta?

      Nhắn tới anh ba sàm và chị biên tập ở đây cùng thế. Việc các anh chị làm là rất tốt rồi, rất đáng hoan nghênh rồi, bao nhiêu độc giả ở đây rõ cả. Cái quan trọng là cái mục đích cuối cùng các vị làm gì? Khai sáng, mở đường, phá vòng nô lệ … cái đó không nhất thiết phải là chỉ có một cách lăn lộn chiến trường, trăn trở viết bài như đòi hỏi của tác giả. Anh Vinh cũng đã lăn lộn chiến trường nhiều lần ví như ở các cuộc biểu tình chẳng hạn. Rồi cũng có bao nhiêu là nguy hiểm rập rình cho cả anh ba lẫn chị biên. Thế thì không nên vì tác giả bài báo viết như thế mà lại động lòng. Còn nếu các vị có kiến giải khác, tranh luận về nội dung bài báo, thì nên chăng nói rõ, bàn vào chi tiết, chứ không nên theo cái cách của bạn vô danh ở trên mang nhận định cá nhân đi đánh giá sản phẩm.

  18. trankhoan said

    Khi nào có “làn sóng mới”trong báo chí Việt?
    Một câu hỏi rất dễ trả lời nhưng thực hiện là bất khả.
    Còn ai nữa tên tuổi ?
    Sao tác giả lại quên những Nguyễn Việt Chiến(Báo thanh niên )Nguyễn Văn Hải , Hoàng Khương (Báo tuổi trẻ).

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

 
%d người thích bài này: