1869. TOÀN CẦU HÓA CẦN PHẢI KHÔI PHỤC LẠI NIỀM TIN
Posted by adminbasam trên 29/06/2013
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Tư, ngày 26/6/2013
TTXVN (Giơnevơ 25/6)
(Tổng hợp tài liệu của Phòng Quan hệ Đối ngoại và Thông tin của Ban thư ký WTO)
Thế kỷ 21 được cho là kỷ nguyên mà chủ nghĩa tư bản, sáng tạo và toàn cầu hóa sẽ định hình các quy định và phát triển theo bướng đi lên. Tuy nhiên, kết quả cuộc nghiên cứu đầu tháng 3/2013 của tập đoàn tư vấn McKinsey cho thấy niềm tin vào toàn cầu hóa đang bị lung lay.
Cuộc đua toàn cầu hóa
Lịch sử thế giới chưa từng xuất hiện một nền kinh tế được toàn cầu hóa với tốc độ phát triển cao và mức độ kết nối nhanh như hiện nay. Tuy nhiên, không thể hiểu toàn cầu hoá một cách đơn giản, phiến diện, mà cần nhìn nhận nó như là một quá trình phức tạp, đầy mâu thuẫn, chứa đựng cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực, cả thời cơ và thách thức đối với tất cả các quốc gia.
Toàn cầu hoá là phương thức phát triển tất yếu của một thế giới hiện đại, nó đem lại cho tất cả các quốc gia cơ hội được phát triển mạnh mẽ về mọi mặt mà trước hết là về kinh tế. Tiến trình này đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên thế giới với sự gia tăng GDP toàn cầu từ 2,7 lần vào nửa đầu thế kỷ 20 đến 5,2 lần vào nửa cuối thế kỷ 20. Làn sóng toàn cầu hoá đã tạo thêm nhiều đặc trưng mới như: các loại thị trường mới (thị trường chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm…); các công cụ mới (máy fax, điện thoại di động, máy tính, mạng Internet, vận tải đường không …); các thể chế mới (các tập đoàn kinh tế đa quốc gia liên kết chi phối nền sản xuất thế giới, tổ chức thương mại thế giới ngày càng có ảnh hưởng và quyền lực lớn đối với các quốc gia…); các quy tắc và chuẩn mực mới (các hiệp định đa phương, song phương xuất hiện ngày càng nhiều và có vai trò to lớn trong việc điều chỉnh hàng loạt chính sách của các quốc gia, hành vi ứng xử giữa các quốc gia…Sự ra đời của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Âu (EU), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM)… hay các khu vực thương mại tự do (FTA) và các thỏa thuận thương mại khu vực (RTA) là những minh chứng của tiến trình này.
Có thể nói quá trình toàn cầu hóa được bắt đầu từ cuối những năm 1970 đã đạt được một số tiến triển trong những năm 1980. Nhưng toàn cầu hóa chỉ thu hút nhiều sự quan tâm đặc biệt kể từ thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh (sau 1989 khi bức tường Béclin sụp đổ) nhờ các nước xích lại gần nhau hơn trong khía cạnh hợp tác kinh tế. Toàn cầu hóa đã giúp tăng hơn gấp đôi lực lượng lao động trên thị trường tự do toàn cầu từ 2,7 tỷ lên 6 tỷ. Riêng ở Mỹ, toàn cầu hóa đã tạo ra 40 triệu việc làm mới dưới thời các Tổng thống của cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Gary Hugbauer thuộc Viện Peterson tính toán rằng Mỹ đã thu được 1.000 tỷ USD mỗi năm nhờ quá trình toàn cầu hóa thương mại. Trong giai đoạn này, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã tăng từ 800 điểm năm 1979 lên trên 13.000 điểm vào cuối năm 2007, sau đó bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính. Nếu quy theo tỷ lệ phần trăm về tốc độ phát triển của thị trường chứng khoán, chỉ số Dow Jones sẽ vượt trên 175.000 điểm trong 3 thập kỷ tới. Năm 2003, giai đoạn đỉnh điểm của kỷ nguyên toàn cầu hóa tài chính, tỷ lệ phần trăm lợi nhuận của các dịch vụ tài chính còn cao hơn cả lợi nhuận của các thị trường chúng khoán Mỹ mang lại và chiếm tới 40% lợi nhuận của các công ty Mỹ.
Do lo ngại có thể bị tụt hậu trong cuộc chạy đua này, chính phủ các nước đã nhanh chóng mở cửa nền kinh tế để tận dụng khoa học công nghệ, tăng cường thương mại và đầu tư. Toàn cầu hóa tạo cơ hội cho sự phát triển kinh tế thông qua việc tự do hóa thương mại, thu hút đầu tư, chuyển giao khoa học-công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế sang kinh tế thị trường.
Trong những tác động tích cực mà toàn cầu hoá đem lại phải kể đến lĩnh vực giáo dục đã được nhiều sinh viên hưởng ứng. Quá trình này tạo lợi thế cho hệ thống giáo dục thích ứng với những sinh viên giỏi ngoại ngữ có được môi trường hội nhập và hợp tác quốc tế. Các trường đại học có thể hưởng lợi từ việc đề cao quan điểm mang tính quốc tế, trong khi tận dụng khả năng phát triển của công nghệ. Tác động của toàn cầu hóa tới các lĩnh vực khác nhau cũng mang lại những kết quả khác nhau. Trong xã hội, toàn cầu hóa kinh tế có thể mang lại nhiều cơ hội lựa chọn với giá cả thấp hơn cho người tiêu dùng và có thể buộc các ngành công nghiệp được ưu đãi phải tham gia cạnh tranh. Toàn cầu hóa thông tin với sự ra đời của Internet có thể làm thu hẹp khoảng cách địa lý, giảm chi phí giao dịch kinh doanh.
Mặt trái của “tấm huy chương”
Kinh tế thế giới hiện đối mặt với vô vàn khó khăn trước tình trạng đan xen nguy hiểm giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao. Tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ chỉ dao động quanh ngưỡng 2%, trong khi châu Âu vẫn trong cơn suy thoái kinh tế. Kinh tế Nhật Bản có thể bị suy thoái như đã từng gặp trong những năm 1990, còn các nền kinh tế mới nổi có thể dừng ở mức 3-4%.
Tốc độ toàn cầu hóa chậm lại cùng với xu hướng bảo hộ ngày càng hiện rõ khi dần dần từng nước nối nhau cảm nhận được sức nóng của cuộc khủng hoảng. Tùy theo đặc điểm khủng hoảng mà mỗi nước đều cố gắng đưa ra những gói cứu trợ riêng cho mình và lo tự cứu mình trước. Tại các nước phát triển, khó khăn chồng chất khiến các nước này tìm cách in tiền, hạ lãi suất và tìm lợi thế của đồng tiền rẻ để xuất khẩu và thoát hiểm, gây thêm vấn đề ngoại thương và trước hết thu hẹp nguồn tư bản có thể đầu tư vào các nước đang phát triển. Kinh tế khó khăn khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và người lao động có thể bị sa thải bất cứ lúc nào. Khi dân chúng mất công ăn việc làm hàng loạt thì khuynh hướng bảo hộ mậu dịch lại tăng mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi của từng quốc gia, bảo vệ việc làm cho dân chúng và khuyến khích dùng hàng trong nước. Và như vậy, hệ thống thị trường tự do cùng với quá trình toàn cầu hóa sẽ bị cản trở. Đầu tư trực tiếp giảm sút càng làm các nước nghèo gặp trở ngại khi thị trường xuất khẩu vào các nước giàu cũng co cụm dần. Tranh chấp thương mại vì thế chỉ tăng chứ không giảm và toàn cầu hóa bị đẩy lui.
Trong bối cảnh như vậy, những ý kiến phản đối quá trình toàn cầu hoá càng hiện lên rõ nét. Một số chuyên gia cho rằng toàn cầu hoá có thể làm gia tăng nợ nước ngoài của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia chậm phát triển và đang phát triển. Toàn cầu hoá dẫn các nước chậm phát triển tới nguy cơ xói mòn quyền lực nhà nước dân tộc, thu hẹp đáng kể quyền lực, phạm vi và hiệu quả tác động của nhà nước do vai trò kinh tế của nhà nước có thể bị giảm sút bởi sự chi phối của các công ty xuyên quốc gia, bởi sức ép của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WBI, và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)… từ chỗ phụ thuộc về kinh tế sẽ dẫn đến phụ thuộc về chính trị.
Ngoài ra, toàn cầu hóa kinh tế cũng có thể đem đến nguy cơ ô nhiễm môi trường sinh thái do sử dụng các công nghệ lạc hậu mà các nước phát triển loại ra, hoặc có thể phải hứng chịu những bệnh tật, những rủi ro môi trường khác từ bên ngoài đưa vào. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng phải đối mặt với các tệ nạn như di cư – nhập cư bất hợp pháp, cá cược – bài bạc, tin tặc, mua bán ma túy, khủng bố, mãi dâm hay rửa tiền. Một điều khiến các nhà lãnh đạo đau đầu là những tệ nạn này, trực tiếp hay gián tiếp, đều đóng góp vào GDP của họ và tạo nên một “nền kinh tế ngầm”.
Ngay cả tại Mỹ – một trong những quốc gia cổ xúy mạnh mẽ nhất cho quá trình toàn cầu hóa – cũng đã xuất hiện nhiều quan điểm trái chiều. Ngày càng nhiều nhà kinh tế cho rằng toàn cầu hóa là một nguyên nhân chính gây ra suy giảm việc làm và đình trệ thu nhập cho người Mỹ. Một thách thức đặt ra là toàn cầu hóa biến đồng USD thành đồng dự trữ ngoại tệ của thế giới khiến Mỹ rơi vào tình trạng thâm hụt thương mại khổng lồ… Cùng với đó, toàn cầu hóa dẫn đến cuộc đua giành lợi thế xuất khẩu giữa các quốc gia bằng việc định giá đồng nội tệ thấp hơn giá trị của nó.
Theo một khảo sát gần đây của The Times về nguyên nhân gây ra đình trệ thu nhập, nhiều nhà kinh tế đề cập đến toàn cầu hóa như một nguyên nhân hàng đầu. Sản lượng sản xuất tại Mỹ không còn tăng nhanh như trước kia. Sản lượng sản xuất thực tế chỉ tăng 15% trong những năm 2000, so với tốc độ hơn 35% những năm 1970 và 1980 và hơn 50% những năm 1990. Các nhà kinh tể cũng nhận ra rằng các khu vực có càng nhiều áp lực cạnh tranh với Trung Quốc thì càng có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, tỷ lệ tham gia lao động và lương thấp hơn. Đáng ra với tốc độ phát triển nhanh của tầng lớp trung lưu nước ngoài, nhiều người Mỹ phải có thêm cơ hội việc làm cũng như thu nhập, nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Chuyên gia Gail Tverberg thuộc Học viện Kế toán Mỹ đã đề cập tới những mặt trái của toàn cầu hóa khi đưa ra hàng chục lý do khiến toàn cầu hóa là thách thức nghiêm trọng đối với kinh tế thế giới, bao gồm việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn ngày càng nhanh hơn; làm tăng lượng khí thải C02 trên thế giới; khiến lãnh đạo các quốc gia gần như không thể dự đoán được những tác động trên phạm vi toàn cầu từ các quyết định chính sách của họ; đẩy giá dầu thế giới lên cao; chuyển nhu cầu tiêu thụ dầu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển; chuyển việc làm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển; khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển; xu hướng chuyển các khoản thuế phải nộp từ các tập đoàn sang các cá nhân; khiến nhiều quốc gia phụ thuộc vào hàng nhập khẩu; có khả năng gây ra hiệu ứng đôminô lan truyền sang các quốc gia khác.
Quá trình toàn cầu hóa đã đạt được nhịp độ tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng thương mại gần gấp hai lần so với tốc độ tăng GDP toàn cầu và các công ty đa quốc gia đang là những đối tượng được hưởng lợi lớn của quá trình này. Việc theo đuổi tối đa hóa lợi nhuận của các công ty đa quốc gia đã dẫn đến tốc độ tăng trưởng thương mại vượt bậc và do vậy họ vẫn bình yên bất chấp cuộc khủng hoảng toàn cầu gia tăng. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 sớm trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế và có thể trở thành cuộc khủng hoảng chính trị. Việc tái phân phối thu nhập thông qua thuế đã trở thành điểm mấu chốt của hầu hết các nước phương Tây. Trong hai thập kỷ qua, quá trình toàn cầu hóa tạo ra nhiều người thua thiệt, nhưng nó cũng mang lại sự thịnh vượng bởi vì bong bóng bao phủ cả xuống tầng lớp dưới. Tại Mỹ, Phố Uôn đã tạo ra các công cụ tài chính cho phép những người bình thường có thể kiếm tiền từ giá trị đã bị thổi phồng của tài sản. Ở châu Âu, bong bóng tài chính cho phép các chính phủ ở Nam Âu vay tiền với mức lãi suất thấp để cung cấp cho người dân trong nước. Bong bóng thu nhập thúc đẩy các hoạt động kinh tế của họ và tạo việc làm cho những người bị loại ra trong quá trình toàn cầu hóa. Tỷ lệ thất nghiệp cao đã dẫn đến bong bóng tài chính ở phương Tây nổ tung. Nó thực sự thể hiện mặt sau của tấm huy chương trong quá trình toàn cầu hóa.
Đi tìm mô hình thay thế
Toàn cầu hóa là một xu hướng nổi trội và đã trở thành môi trường của các cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nước trên phạm vi toàn thế giới. Do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, nền kinh tế thế giới hiện nay đang chuyển thành một hệ thống liên kết ngày càng chặt chẽ thông qua các mạng lưới công nghệ thông tin. Tình trạng suy giảm trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu làm dấy lên câu hỏi liệu mô hình toàn cầu hóa trong suốt 30 năm qua có đứng trước nguy cơ thoái trào.
Các hoạt động của ngành dịch vụ thương mại toàn cầu (chiếm tới 2/3 tổng sản lượng kinh tế thế giới) như du lịch và đi lại bằng hàng không đều đã tăng trưởng chậm lại. Không riêng lĩnh vực thương mại, tự do hóa tài chính, bao gồm các luồng vốn tự do lưu thông, đang rơi vào tầm ngắm bị công kích trên toàn thế giới. Chính phủ các nước cũng phải chú ý hơn đến hoạt động của các ngân hàng trong nước, Xu hướng này ngày càng được tăng cường trước làn sóng khủng hoảng tài chính toàn cầu và những hậu quả của cuộc khủng hoảng Khu vực đồng euro (Eurozone). Giờ đây việc di chuyển các luồng vốn đầu tư xuyên biên giới trở nên khó khăn hơn. Dòng vốn xuyên biên giới trên toàn cầu đã giảm hơn 60% so với mức đỉnh trước cuộc khủng hoảng tài chính. Các khoản cho vay và đầu tư giữa các quốc gia trong năm 2012 chỉ đạt 4.600 tỷ USD, giảm nhiều so với mức 11.800 tỷ USD trong năm 2007.
Eurozone đang trở thành trung tâm của xu hướng phi toàn cầu hóa. Trước đây, các ngân hàns châu Âu thường có truyền thống cung cấp 80% nguồn tài chính cho thương mại ở các thị trường mới nổi. Nhưng hiện nay các ngân hàng này bị kiểm soát chặt chẽ buộc phải chuyển vốn về trong nước. Hiện vẫn chưa rõ liệu các ngân hàng Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc có thể thay vị trí lấp được khoảng trống hay không. Tình trạng khan hiếm tiền mặt cộng thêm với nhu cầu các ngân hàng phải bổ sung thêm vốn đang gây cản trở việc cung cập tài chính cho thương mại toàn cầu và đẩy xu hướng phi toàn cầu hóa lên bậc thang cao hơn.
Tuy không thể phủ nhận những thành quả do quá trình toàn cầu hóa mang lại, nhưng có điều chắc chắn rằng những lợi ích đó không được phân phối công bằng. Tự do hóa tài chính cũng đã dẫn đến những bong bóng ngoài tầm kiểm soát. Cho dù mô hình toàn cầu hóa có bị rạn nứt, nhưng trước mắt vẫn chưa có được mô hình nào thay thế. Đó là lý do tại sao chính phủ các nước trên thế giới đã chi 15.000 tỷ USD và các ngân hàng trung ương tăng thêm 5.000 tỷ USD trong bảng quyết toán của họ để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính, hay cũng chính là cố cứu lấy bộ máy đang có dấu hiệu rệu rã này.
Toàn cầu hóa luôn là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm và là một xu thế không thể đảo ngược liên quan đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong ngắn hạn, tốc độ toàn cầu hóa sẽ chậm lại khi những khó khăn kinh tế hiện rõ. Nếu căng thẳng kinh tế và chính trị tiếp tục gia tăng thì lại dẫn đến tình trạng kiểm soát xuyên biên giới. Tuy nhiên, McKinsey vẫn hy vọng rằng sức ép về dòng chảy tài chính sẽ buộc phải cải cách hơn nữa. Rất có thể trong một vài năm tới thị trường trái phiếu công ty có thể phát hành cho các nhà đầu tư quốc tế trị giá cả nghìn tỷ USD./.
Ẩn danh said
Xét trên sức mạnh tổng thể, Mỹ là quốc gia mạnh nhất thế giới, nhưng Mỹ vẫn chưa làm được bá chủ thế giới, dù Liên xô sụp đổ. Cuộc tranh giành ngôi vị bá chủ thế giới hiện nay sao giống với truyện Đông chu liệt quốc của Tàu quá!
Cái gì làm nên sức mạnh của một quốc gia?
Rõ ràng phải tùy từng điều kiện đặc thù của từng quốc gia và sự sáng suốt của người lãnh đạo.
Người giỏi dùng binh phải biết tùy cơ ứng biến, nhưng gốc không vững thì cây tất đổ, lòng dân bất an thì quốc gia suy vong.
Nước Việt không lớn cũng chẳng nhỏ, người Việt đủ người để đánh nhau với bất kỳ quốc gia nào! Chỉ sợ thù trong chẳng sợ giặc ngoài!
Chúng ta muốn hòa bình chúng ta phải nhân nhượng, nhưng nếu chúng ta càng nhân nhượng mà bọn chúng càng lấn tới thì phải sống chết với chúng một phen.
Thời điểm nào đánh nhau với chúng và sử dụng mưu kế nào không quan trọng, điều quan trọng phải tạo được sự đoàn kết đồng lòng của toàn dân tộc.
Làm sao để có được điều đó?
Hãy giữ vững niềm tin chiến lược, hehe!
HÀ HUY said
Thời toàn cầu hóa từ khi bức tường Beclanh đổ sụp thì kinh tế Hoa kỳ , Âu châu và Nhật Bổn chỉ tăng trưởng chưa đến 3% /năm còn Việt Nam , Trung Quốc , Cuba và Triều Tiên đều tăng trưởng trên 5% đến 10% . Vậy CNTB đang thắng CNXH rồi , he , he . Mác vô địch muôn năm . CNTB đúng là đang dãy chết . Nguồn của TTXVN cảnh tỉnh các nước đi theo Tư Bản CN .
Văn Đức said
Bài viết không có link tài liệu nguồn và trn người “tổng hợp tài liệu” thì làm sao CÓ NIỀM TIN để “khôi phục lại”?
:-)!