BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

1859. ĐẰNG SAU CUỘC CHIẾN CHỐNG KHỦNG BỐ CỦA MỸ

Posted by adminbasam trên 23/06/2013

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Năm, ngày 20/6/2013

TTXVN (Niu Yoóc 19/6)

Tờ “As-Sharki Al-Ausat” (Trung Đông) vừa có bài viết đề cập việc Mỹ lợi dụng các cuộc chiến chng khủng b để vi phạm nhân quyền và bảo vệ những lợi ích chiến lược sâu xa của họ. Nội dung như sau:

Trong khi Chính phủ của Tổng thống Barack Obama vừa bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình với vô số lời tán dương về những triển vọng của hành động theo xu hướng tiến bộ, thì các sự kiện diễn ra gần đây một lần nữa đã chứng tỏ rõ ràng rằng vị tổng thống thuộc đảng Dân chủ vẫn tiếp tục các hành động tội ác đối với con người của người tiền nhiệm và thậm chí còn tồi tệ hơn thế nữa.

Trong suốt 4 năm của nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Obama và Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder đã hành động để chấm dứt tất cả các cuộc điều tra về các vụ tra tấn mà CIA đã thực hiện và về những tội ác khác được thực hiện nhân danh “cuộc chiến chống khủng bố”. Họ đã can thiệp vào hết vụ việc này đến vụ việc khác để làm thất bại những lời chỉ trích, tố cáo các hành động của họ là đã bắt cóc và tra tấn bất hợp pháp hàng nghìn người. Nhân danh bí mật quốc gia, họ đã thẳng thừng bác bỏ những yêu cầu hợp pháp đòi công khai những thông tin về các tội ác này. Kết quả của chính sách này là những kẻ tra tấn và nhũng kẻ đã ra lệnh, từ những nhân viên thẩm vấn của CIA cho đến Nhà Trắng, đều được hưởng quyền miễn trừ hoàn toàn. Tuy nhiên, theo một bài báo của tờ Washington Post số ra gần đây, các hành động này của Nhà Trắng dưới thời Obama không chỉ nhằm mục đích che giấu và miễn trừ các tội ác trong quá khứ, mà có thể còn khiển cho các hành động này tiếp diễn ở mức trầm trọng hơn.

Tờ Washington Post đưa tin về số phận của 3 người – trong đó có 2 công dân Thụy Điển và 1 công dân Anh, tất cả đều là người gốc Xômali – đã bị bắt trong chuyến đi của họ tới nước Gibuti nhỏ bé ở miền Đông châu Phi và đang bị giam giữ, bị các nhân viên thuộc cơ quan tình báo Mỹ chất vấn liên tục trong nhiều tháng. Những người này bị CIA buộc tội ủng hộ Al- Shabab (Tuổi trẻ) – tổ chức dân quân Hồi giáo đã kiểm soát nhiều vùng rộng lớn ở miền Nam Xômali. Dù tổ chức này không dính líu gì đến một cuộc tấn công nào chống Mỹ, nhưng nó vẫn bị Mỹ coi là tổ chức khủng bố nước ngoài và CIA đã treo giải thưởng đắt giá để bắt các thủ lĩnh của Al- Shabab. Đằng sau quyết định này là âm mưu của Chính phủ Mỹ muốn lợi dụng cái cớ “cuộc chiến chống khủng bố” để siết chặt sự kiểm soát của Mỹ đối với Xômali, một vùng lãnh thổ mang tính chiến lược, nơi có eo biển Bab al-Mandab và là cửa ngõ tuyến đường hàng hải từ Ấn Độ Dương tới Địa Trung Hải, nơi phần lớn lượng dầu lửa thương mại của thế giới vận chuyển bằng đường biển phải đi qua. Bị bắt hồi tháng 8/2012, mãi đến ngày 21/2012 ba người này mới được đưa ra trước tòa án Liên bang. Tờ báo trên còn dẫn ra một vụ khác, xảy ra vào năm 2011, khi một người mang quốc tịch Êritơria, mạo xung là thành viên của AI – Shabab, bị bắt rồi bị đưa tới một nhà tù của Nigiêria để người Mỹ hỏi cung. Nhân vật này đã phải chịu những phương pháp hỏi cung bất hợp pháp, và bị bức cung trước một tòa án của Mỹ, không được tiếp xúc với bên ngoài, bị tra tấn, không được chăm sóc y tế. Tất cả là nhằm tạo ra những điều kiện cần thiết để “làm mệt mỏi” tù nhân. Dưới thời Bush như vậy, và dưới thời Obama vẫn như vậy.

Để đề cử người vào vị trí giám đốc CIA thay tướng David Petraeus do vụ bê bối tình ái, trong một lần xuất hiện trên truyền hình ở căn phòng phía Đông của Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã nói: “Ông ấy (John Brennan) đã làm việc nỗ lực trong một khuôn khổ pháp lý vững chắc. Ông hiểu rằng chúng ta là một dân tộc pháp quyền. Trong thời gian diễn ra các cuộc tranh luận và đưa ra những quyết định, ông đã đặt ra nhũng câu hỏi khó và nhấn mạnh đến việc tôn trọng các chuẩn mực cao và ông là con người rất nghiêm túc”. Tổng thống Obama đã miêu tả như thế về người mà ông đã lựa chọn vào chức Giám đốc CIA, John Brennan, hiện đang là cố vấn an ninh nội địa và chống khủng bố. Ông cũng đã ca ngợi sự liêm khiết của ông Brennan và những cam kết của nhân vật này về những giá trị của nước Mỹ.

Đây là lần thứ hai Tổng thống Obama muốn tiến cử ông Brennan, người có 25 năm phục vụ trong CIA, làm người đứng đầu cơ quan này. Tuy nhiên, sau khi nhậm chức vào năm 2009, Tổng thống thuộc đảng Dân chủ mới được bầu đã phải từ bỏ việc bổ nhiệm Brennan giữ chức đứng đầu CIA trước cơn bão phản đối từ những người có tư tưởng tự do và những người thuộc cánh tả ở trong nước và cả một số người trong đảng Dân chủ nữa. Vì đã phục vụ trong suốt nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Bush với chức vụ trương êkíp của George Tenet, khi đó là giám đốc CIA và Trung tâm chống khủng bố quốc gia, Brennan đã dính líu nhiều vào việc hành hình và bảo vệ các tội ác được tiến hành trong suốt thời kỳ này, từ tra tấn đến hỏi cung và theo dõi bất hợp pháp các công dân.

Mâu thuẫn giữa việc bổ nhiệm Brennan, biểu tượng cho sự tiếp tục “cuộc chiến chống khủng bố” của cựu tổng thống Bush, và bức thông điệp trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Obama hồi năm 2008 về “niềm hy vọng và sự thay đổi” cũng như lời hứa của ông về một sự đoạn tuyệt với các chính sách tồi tệ của người tiền nhiệm, khi đó là quá lớn. Giờ đây, 4 năm sau, việc bổ nhiệm Brennan hầu như không gây ra ít tranh luận trong số những điều đang diễn ra đối với các phương tiện thông tin đại chúng có tư tưởng tự do.

Một phản ứng tượng trưng thể hiện trên tờ New York Times với bài viết về việc Tổng thống Obama bổ nhiệm Brennan làm người đứng đầu CIA và cựu thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa Chuck Hagel làm Bộ trưởng Quốc phòng. Một nửa bài viết này đã dành để nói về những mối lo ngại liên quan đến những quan niệm về các quyền đồng tính của Hagel, còn đối với Brennan, thì đó là những mối lo ngại liên quan tới việc ông dính líu đến việc tra tấn, sát hại bằng máy bay do thám không người lái và các tội ác khác. Việc quyết tâm bổ nhiệm ông Brennan đã được tạo thuận lợi bởi Chính quyền Obama bảo vệ tất cả các nhà lãnh đạo thực hiện việc tra tấn và các tội ác chiến tranh khác đã phục vụ dưới thời cựu Tổng thống Bush. Đằng sau tuyên bố: “chúng ta hãy nhìn về phía trước chứ đừng nhìn lại đằng sau”, Tổng thống Obama và ngành Tư pháp Mỹ đã làm thất bại tất cả các vụ xét xử nhằm vào những kẻ thực hiện việc tra tấn của CIA, hoặc những kẻ đã giám sát các hoạt động của họ cho đến thời Bush. Họ thậm chí đã can thiệp, hết vụ này đến vụ khác, để phong tỏa các hành động tư pháp đòi bồi thường hoặc thậm chí chỉ là những thông tin về các tội ác này.

Những tội ác của Nhà Trắng dưới thời Obama đã che khuất những tội ác đã được tiến hành dưới thời Bush, và Brennan là trung tâm của điều đó. Hoạt động của các máy bay do thám không người lái mà ông này là người có liên quan, trên thực tế đã khủng bố những người dân thường, nhất là ở Pakixtan, Yêmen, Xômali và những nơi khác mà Mỹ tiến hành các hoạt động “chống khủng bố”. Ngoài ra, Brennan là người ủng hộ chính trong chính phủ việc Tổng thống Obama cho phép ra lệnh thực hiện các cuộc hành hình mà không cần tố cáo một tội ác nào, càng không cần chứng minh những lời tố cáo trước tòa. Sau khi ông Obama tái đắc cử vào năm 2012, người ta nghĩ tới khả năng sẽ có một chính sách “tiến bộ” hơn trong nhiệm kỳ hai của ông. Nhưng đến lúc này đã có những dấu hiệu cho thấy trong nhiệm kỳ hai này, ông Obama sẽ tiếp tục phải tuân theo một lịch trình chính trị do nhóm tài phiệt Mỹ cũng như bộ máy quân sự và cơ quan tình báo Mỹ chỉ đạo.

Tăng cường AFRICOM để bảo vệ li ích chiến lưc ở châu Phi

Quân đội Mỹ đã thông báo sẽ triển khai một lữ đoàn đến châu Phi để tiến hành các hoạt động liên tục tại đây. Theo hãng tin AP, hành động này nằm trong một nỗ lực đang được tăng cường của Lầu Năm Góc đưa đất nước vào cuộc chiến chống các phần tử cực đoan và mở đường cho Mỹ có một lực lượng sẵn sàng tới châu Phi bất cứ lúc nào nếu các cuộc khủng hoảng ở đó cần phải có mặt quân đội Mỹ. Lữ đoàn thứ hai, sư đoàn bộ binh đầu tiên, được biết đến dưới cái tên “Lữ đoàn dao găm”, gồm khoảng 3.500 binh sĩ, được chỉ định để chuyên phục vụ những lợi ích của Mỹ ở châu Phi. Theo Lầu Năm Góc, 104 sứ mệnh riêng rẽ của các nhóm quân này, bắt đầu vào tháng 3, đã được lên kế hoạch. Việc triển khai các đơn vị từ các nhóm nhỏ đến các tiểu đoàn gồm 800 người đã được lên kế hoạch tại 35 nước ở khắp châu Phi. Việc triển khai lữ đoàn mới này chỉ là một phần nỗ lực để tăng cường cho Bộ Tư lệnh châu Phi (AFRICOM) của Lầu Năm Góc, được thành lập năm 2007. Tuy nhiên, cho đến nay, không một chính phủ châu Phi nào sẵn sàng cung cấp cho tổ chức này một căn cứ hoạt động tại châu lục này.

Việc tăng cường AFRICOM nằm trong một chiến lược quân sự mới của Mỹ được biết đến dưới cái tên “Các lực lượng liên minh khu vực” mà Lầu Năm Góc quyết tâm thực hiện trong khi họ vẫn tiếp tục rút quân khỏi Ápganixtan, sau khi buộc phải rút quân khỏi Irắc. Nói cách khác, tất cả các hoạt động quân sự của Mỹ, từ cứu trợ cho đến “viện trợ nhân đạo”, hay huấn luyện các lực lượng châu Phi, đều được sử dụng làm phương tiện để chuẩn bị thực địa cho một cuộc can thiệp trực tiếp bằng quân sự của Mỹ vào châu Phi bất cứ lúc nào, nếu tình hình đòi hỏi. Hồi năm 2007, J. Peter Pham, một cố vấn ở Bộ Ngoại giao và từng là một thành viên trong hội đồng tư vấn của AFRICOM, đã xác nhận sứ mệnh trọng tâm của bộ tư lệnh mới này. Ông đã mô tả sứ mệnh này bằng những từ ngữ trực tiếp nhất khi nói rằng đó là nhằm bảo vệ việc tiếp cận dầu lửa và các nguồn tài nguyên chiến lược khác mà châu Phi có trữ lượng dồi dào, bảo vệ mình (Mỹ) trước tính dễ bị tổn thương của các nguồn tài nguyên thiên nhiên này và làm thế nào để không một bên thứ ba nào liên quan, như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản hoặc Nga, có được độc quyền hoặc được đối xử ưu đãi hơn (Mỹ). Trong một chiều hướng rất cụ thể, việc xây dựng AFRICOM mạnh mẽ hơn cũng nằm trong chiến lược của Chính quyền Obama hướng tới châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ đã tìm cách sử dụng sự bao vây quân sự như một phương tiện để chống lại sự chi phối về kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc đối với khu vực chủ chốt này cũng như mối đe dọa ngày càng lớn của Trung Quốc đối với thế giới nói chung. Theo cách như vậy, ở châu Phi, Mỹ đang tìm cách sử dụng lực lượng quân sự của mình đế chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại châu lục này.

Trung Quốc đã vượt qua Mỹ cũng như Liên minh châu Âu với tư cách là đối tác thương mại số một của châu Phi. Thương mại song phương, lên tới 11 tỷ USD vào năm 2000, đã đạt 160 tỷ USD vào năm 2011 và khoảng 200 tỷ USD trong năm 2012. Trong số các dự báo có việc Mỹ sẽ phụ thuộc vào 25% nhập khẩu dầu lửa của Tây Phi, đấy là chưa kể đến tất cả các khoáng sản chiến lược và các nguyên liệu khác, vì vậy, cuộc cạnh tranh với Trung Quốc cũng như với các đối thủ kinh tế ở châu Âu trên thực tế đã dẫn đến một sự đổ xô mới tới châu Phi, cũng gay gắt và khẩn cấp như cuộc chinh phục thực dân đầu tiên. Tuy nhiên, sự chuẩn bị cho những hành động này của Mỹ ở châu Phi luôn được diễn ra dưới cái cớ là “Cuộc chiến chống khủng bố” và mối đe dọa của “chủ nghĩa cực đoan” đối với châu Phi.

Chỉ huy AFRICOM, Tướng Carter Ham, từng khẳng định rằng các nhóm tạp nham, từ mạng lưới Al Qaeda ở các nước thuộc khu vực Bắc Phi Hồi giáo ở Mali và Libi cho đến nhóm Al-Shabab ở Xômali và nhóm Boko Haram ở Nigiêria, đều đe dọa sẽ liên kết với nhau, phối hợp các hoạt động của chúng, điều này đang đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với lợi ích của Mỹ ở bên ngoài, thậm chí cả trong lãnh thổ của Mỹ. Mới đây, tờ Wall Street Journal đã đưa ra lý lẽ như vậy trong một bài báo mang tên “Cuộc chiến chống khủng bố đang hướng tới châu Phi”. Theo bài báo, Chính quyền Obama đang dự định yêu cầu Quốc hội Mỹ phê chuẩn quyền lực ngày càng tăng cho CIA và quân đội đế tiến hành các hoạt động quân sự chống khủng bố ở châu Phi. Một sự cho phép sử dụng vũ lực nhiều hơn, rộng rãi hơn đã từng làm cơ sở cho việc phát động cuộc chiến tranh ở Irắc và Ápganixtan. Và, nếu có được sự cho phép mới, bộ máy chiến tranh của Mỹ sẽ thỏa sức hoạt động tại Mali, Nigiêria, Libi và có thể tại các nước khác nữa ở châu Phi.

Các sự kiện ở Xyri, cũng như cuộc chiến tranh ở Libi trước đó, đã cho thấy rõ “Cuộc chiến chống khủng bố” của Mỹ là một sự dối trá trơ trẽn. Mỹ đã trở lại điểm xuất phát trong việc ủng hộ mạng lưới Al Qaeda, tổ chức khủng bố Hồi giáo mà ban đầu Mỹ đã khuyến khích làm cho chế độ thân Liên Xô ở Ápganixtan sụp đổ trong những năm 1980, khi Osama Bin Laden hợp tác mật thiết với CIA. Trong khi vẫn khẳng định đấu tranh chống khủng bố, Mỹ lại đang ủng hộ một cuộc chiến tranh khủng bố ở Xyri với các vụ khủng bố liều chết, các vụ đánh bom xe trong các khu dân cư. Và ai cũng biết những lời khẳng định trước đây của Mỹ về các cuộc chiến tranh ở Ápganixtan và Irắc là nhằm loại bỏ Al-Qaeda bản thân nó đã là những lời dối trá. Tại Ápganixtan, quân đội Mỹ và CIA đều đã từng, hoặc công khai, hoặc ngấm ngầm thừa nhận rằng thực tế không hề có sự có mặt của AI Qaeda và ở Irắc, Mỹ đã can thiệp để làm sụp đổ một chế độ thế tục, một kẻ thù lớn của khủng bố Hồi giáo, có nghĩa là Mỹ đã giúp sức cho quân khủng bố bằng cách loại bỏ hộ chúng một kẻ thù. Các cuộc chiến tranh tại hai nước này, cũng như cuộc can thiệp quân sự cách đây chưa lâu ở Libi và nay là gián tiếp can thiệp vào Xyri, trên thực tế là đều để phục vụ âm mưu thiết lập sự bá quyền của Mỹ tại khu Vực Trung Á và vùng Vịnh Pécxích, nơi có tầm quan trọng chiến lược sống còn đối với nền kinh tế Mỹ, và là nơi bảo đảm nguồn năng lượng quan trọng nhất cho Mỹ.

Bằng cách lợi dụng cái cớ chống Ai Qaeda và các tổ chức khủng bố có liên quan, để Mỹ rộng đường can thiệp quân sự vào nơi này, nơi kia, nhưng, như trên đã nói, trên thực tế Mỹ lại đã và đang vũ trang và ủng hộ trực tiếp các nhóm có quan hệ thực sự với Al – Qaeda, trước tiên là ở Libi và hiện nay là ở Xyri. Gần đây nhất, sau khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cho phép tiến hành một sự can thiệp của nước ngoài vào Mali, thì nơi đây đã trở thành mục tiêu rất quan trọng của Mỹ tại châu Phi. Nhưng, thật vô ích khi Mỹ coi mình là người cứu vớt Mali, vì tình hình rối ren, đói kém ở đất nước vùng Tây Phi này chính là hậu quả xuất phát từ chính sách của Mỹ trong vùng này. Chính cuộc xâm lược của Mỹ ở Libi là nguyên nhân khiến các lực lượng vũ trang cực đoan kéo tới Mali và chính quân đội Mỹ đã đào tạo Đại úy Amadou Haya Sanogo, người lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của nước này hồi tháng 3 năm 2012, dẫn đến cuộc chiến hiện nay ở đất nước này. Lầu Năm Góc đã huấn luyện nhân vật này tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở George, ở Virginia và ở Texas.

Dựa trên những gì người Mỹ đã làm với châu Phi, người ta có cơ sở để lo ngại rằng sự phát triển hiện nay của AFRICOM và việc chuẩn bị các cuộc chiến tranh mới tại châu Phi cho thấy các cuộc can thiệp ở Libi và Xyri chỉ là khúc dạo đầu cho những cuộc tấn công lớn hơn nhiều trong tương lai trên thế giới, không nhằm cái gì khác ngoài việc phân chia lại lợi ích và tái thực dân hóa nhiều vùng rộng lớn của thế giới này.

***

TTXVN (Cairô 18/6)

Theo bài viết của tác giả Wayne Madsen đăng trên mạng tin “Toàn cầu hóa”: về mặt danh nghĩa, Mỹ thiết lập tại Nigiê một căn cứ máy bay không người lái chống tổ chức khủng bố Al Qaeda và các chiến binh Hồi giáo khác ở nước láng giềng Mali, nhưng trên thực tế nhằm thiết lập sự kiểm soát của Mỹ đối với urani và các nguồn tài nguyên khoáng sản khác của Nigiê và đàn áp dân tộc thiểu số Tuareg trong việc đấu tranh đòi quyền tự chủ giống như thế hệ cha ông của họ ở miền Bắc Mali và Angiêri.

Căn cứ máy bay không người lái mới đầu được đặt tại thủ đô Niamây và sau đó sẽ được chuyển đến một vị trí tiền phương của chiến dịch, dự kiến được đặt tại Agadez, trung tâm của người Tuareg Nigiê… Căn cứ được thành lập để đối phó với các nhóm Hồi giáo khác nhau, bao gồm cả Ansar Dine, al-Qaeda ở Bắc Phi (AQIM), Boko Haram của Nigiêria và một nhóm mới, Phong trào Độc tôn và thánh chiến ở Tây Phi (MUJAO). MUJAO đã nắm quyền kiểm soát một thời gian ngắn ở miền Bắc Mali của người Tuareg đặt dưới sự lãnh đạo của Phong trào Dân tộc Giải phóng Azawad (MNLA), phong trào này đã lợi dụng một cuộc đảo chính ở Mali, để thiết lập một nhà nước Tuareg độc lập, gọi là Azawad.

Từ lâu Mỹ đã phản đối bất kỳ nỗ lực nào của người Tuareg để thiết lập một nhà nước độc lập riêng của họ tại sa mạc Xahara. Sự phản đối của Mỹ đi đôi với sự chống đối của Pháp trong lịch sử dân tộc của người Tuareg. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ và nhân viên Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã thảo luận về sự hiện diện của Mỹ ở Nigiê kể từ ngày 25/2/2010, khi một phái đoàn Mỹ gặp gỡ với Chủ tịch Hội đồng tối cao vì sự phục hồi dân chủ (CSRD), Tướng Souleyman Salou, đúng một tuần sau khi chính quyền quân sự tiến hành một cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mamadou Tandja được bầu lên một cách dân chủ. Theo một kênh thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ bị rò rỉ từ Đại sứ quán Mỹ tại Niamây: Eric Whitaker, đại biện lâm thời Sứ quán Mỹ tại Nigiê đã gặp Tướng Souleyman Salou và Đại tá Moussa Gros, cố vấn quân sự cao cấp của CSRD, trong một phiên họp tràn đầy lời khen ngợi Salou và nhấn mạnh “tình hữu nghị giữa hai nước”. Salou cũng nói với các sứ giả Mỹ: “CSRD sẽ tiếp tục thông tin liên lạc song phương thông qua Tổng cục Tài liệu và an ninh đối ngoại (Cơ quan tình báo Nigiê – DGDSE)”. Ông nhấn mạnh rằng CSRD đã tìm cách hợp tác với Oasinhtơn trong các lĩnh vực hỗ trợ bảo mật, cuộc chiến chống al-Qaeda, và hỗ trợ cho chế độ. Mặc dù Mỹ có chính sách không công nhận các chính phủ giành quyền lực bằng đảo chính quân sự và vũ lực, nhưng Oasinhtơn đã nhanh chóng nắm lấy Chính quyền Nigiê giống như Mỹ đã từng hỗ trợ chính quyền quân sự ở Ônđurát và Paragoay thông qua CIA cài cắm ở hai nước này.

Tướng Salou mỉm cười khi nói rằng ông hiểu rõ Mỹ không ủng hộ cuộc đảo chính quân sự và khủng hoảng chính quyền. Rõ ràng, Salou là một bí mật nhỏ của Chính phủ Mỹ. Trong khi công khai phản đối, Oasinhtơn đã hỗ trợ một cuộc đảo chính ở Ônđurát, Paragoay, Libi, Xyri, và các nước khác. Theo thông tin bị rò rỉ từ Niamây, lý lịch tóm tắt của Salou đề cập nhiều tới việc đào tạo của mình tại Mỹ: “Chuẩn Tướng Salou đã từng là Tham mưu trưởng của Lực lượng không quân Nigiê, ít nhất là từ 2003. Ông tốt nghiệp Trường Đào tạo Tham mưu của Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ và được đánh giá là cực kỳ thân Mỹ… Đại tá Gros, trước khi đảm nhận vai trò cố vấn cho Chủ tịch của CSRD, là một cố vấn quân sự của Thủ tướng Nigiê cũng được đánh giá là thân Mỹ. Một trong những người con của ông đã theo học tại Mỹ và được báo cáo đã có một thời gian ngắn làm việc như một tùy viên quân sự tại Oasinhtơn vào năm 1987”.

Là một nước nghèo ở châu Phi, Nigiê chỉ có tầm quan trọng đối với Mỹ khi nước này được sử dụng như một con tốt trong vấn đề an ninh quốc tế rộng lớn hơn. Chính quyền George w. Bush trước đây đã sử dụng Nigiê như một lý do để biện minh cho cuộc xâm lược và chiếm đóng Irắc khi cáo buộc Tổng thống Saddam Hussein có âm mưu đoạt chiếc “bánh vàng” urani của Nigiê. Sau đó, người ta phát hiện ra rằng đó là sự giả mạo các tài liệu của Chính phủ Nigiê về sự liên hệ về urani giữa Nigiê với Irắc do Tướng Nicolo Pollari, Giám đốc cơ quan tình báo Italia (SISMI) cung cấp cho Nhà Trắng theo lệnh của Thủ tướng Italia khi đó là Silvio Berlusconi.

Ngoài việc sử dụng urani của Nigiê là một nguyên nhân cho sự can thiệp vào nước này, Lầu Năm Góc và CIA còn để mắt tới các tài nguyên khoáng sản khác như nguồn dầu mỏ của Nigiê. Những người chống lại kế hoạch của các công ty phương Tây khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nigiê đã phải trả giá bằng mạng sống của họ. Năm 1995, thủ lĩnh Mano Dayak, người Tuareg Nigiê đã bị sát hại trong một vụ tai nạn máy bay đáng ngờ ở phía Bắc Nigiê. Dayak đã tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ trung ương Nigiê và khi trên đường đến thủ đô Niamây, chiếc máy bay chở ông đã bị rơi ngay sau khi cất cánh. Tuy nhiên, chính phủ tự trị của người Tuareg ở miền Bắc Nigiê đe dọa làm hỏng kế hoạch của tập đoàn Exxon Mobil và công ty dầu khí khác của Mỹ trong việc khai thác dầu mỏ xung quanh Hồ Sát, dọc theo biên giới Sát-Nigiê. Nhiều người Tuareg tin rằng máy bay chở ông Dayak bị CIA phá hoại. Thật mỉa mai, vị trí của căn cứ máy bay không người lái của Mỹ trong tương lai ở Agadez, miền Bắc Nigiê, do các sĩ quan CIA và các nhân viên của lực lượng đặc biệt Mỹ hoàn thiện, sẽ là tại Sân bay Quốc tế Mano Dayak, được đặt tên của nhà lãnh đạo Tuareg tử vì đạo.

Sự hiện diện quân sự của Oasinhtơn khu vực Sahel đã tồn tại ít nhất hai thập niên. Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ bắt đầu tuyển dụng những người có ảnh hưởng nhất trong đội quân 400 binh sĩ mà Nigiê đã gửi đi chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ chống lại lực lượng của Tổng thống Irắc Saddam Hussein trong chiến dịch “Bão táp Sa mạc”. Dưới chương trình Đối tác chống khủng bố xuyên Xahara (TSCTP) và với sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh tại châu Phi (AFRICOM), Mỹ đã bơm hàng trăm triệu USD hỗ trợ an ninh cho các cơ quan an ninh và tình báo, cũng như lực lượng quân sự của các quốc gia Tây Phi. TSCTP trước đây được biết đến như Sáng kiến Liên-Sahel (liên kết khu vực Sahel). Lực lượng an ninh Nigiê đã sử dụng các thiết bị quân sự không gây sát thương do Mỹ cung cấp, bao gồm thiết bị nhìn đêm, xe bọc thép có tính cơ động cao với bánh xe đa năng, hệ thống định vị toàn cầu và rađiô an ninh để trấn áp lực lượng ủng hộ quyền tự chủ của người Tuareg và những người biểu tình khác đòi dân chủ.

Huấn luyện quân sự của Mỹ cho quân đội Nigiê diễn ra hàng năm trong khuôn khổ các cuộc tập trận quân sự mang tên “Flintlock” của Lầu Năm Góc. Lực lượng Nigiê được Mỹ đào tạo cũng được sử dụng để bảo vệ các mỏ urani do công ty nhà nước Pháp Areva, sản xuất năng lượng điện hạt nhân, điều hành với sự hợp tác của các công ty Nhật Bản và Tây Ban Nha. Ngoài nhân viên quân sự tại Niamây, Mỹ còn có những căn cứ tại Uagađugu (Buốckina -Phaxô), Bamacô (Mali), Nuacsốt (Môritani), và Tamanrasset (Angiêri). Sự hiện diện của Mỹ tại Buốckina Phaxô được biết đến như tại Sand Creek. Từ các căn cứ bí mật, Mỹ đã cho máy bay không người lái vũ trang và không vũ trang lượn khắp sa mạc Xahara. Nigiê từng là một thuộc địa của đế quốc Pháp, bây giờ được đặt dưới sự bảo hộ toàn diện của đế quốc Mỹ.

* * *

TTXVN (Prêtôria 18/6)

Theo mạng “Tin châu Phi”, thông qua hàng loạt các tổ chức xã hội dân sự, Mỹ đã tài trợ cho các nhóm Chesnia ở các nước Cộng hòa tự trị thuộc Nga và ở nước ngoài. Tuy nhiên, phần lớn khoản tiền tài trợ của Mỹ đã khuyến khích các phần tử khủng bố Chesnia và các nhóm khác ở Bắc Cápcadơ mà Bộ Ngoại giao và Cơ quan tình báo Mỹ luôn cho rằng đó chỉ là “quân du kích ly khai”, “các phần tử dân tộc”, “quân nổi dậy”, “người chống đối” thay vì gọi là “những kẻ khủng bố”.

Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) liên tục từ chối công nhận các phần tử khủng bố người Chesnia và người Hồi giáo Nga là “những kẻ khủng bố”. Các báo cáo phân tích của Cơ quan tình báo tín hiệu (SIGINT) thuộc NSA thu được từ các hoạt động của cảnh sát Nga, Cơ quan an ninh liên bang (FSB), Cơ quan tình báo đối ngoại (SVR) và các phương tiện thông tin liên lạc quân sự của Nga như đài phát thanh, điện thoại cố định và di động, fax, tin nhắn văn bản từ năm 2003 đều gọi các phần từ khủng bố Chesnia và Bắc Cápcadơ là “những du kích”. Trước những năm đó, mật mã trong các Chỉ thị nội bộ NSA mang tính tuyệt mật đã khẳng định rõ các phần tử khủng bố Chesnia nên được gọi là “quân nổi dậy”.

Hãy tưởng tượng Mỹ ngạc nhiên đến chừng nào khi bắt đầu gọi Al Qaeda là các du kích Hồi giáo và quân “nổi dậy” thay vì khủng bố. Tuy nhiên, đó chính xác là những gì mà NSA và CIA đã gọi đối với các phần tử khủng bố ở Nga khi số này đã thực hiện hàng loạt cuộc tấn công tàn khốc vào sân bay, tàu hỏa, nhà ga tàu điện ngầm, trường học, rạp chiếu phim trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga.

Trong ba thập kỷ qua, việc các “hoạt động nhân đạo” và “các tổ chức dân sự” của Mỹ trợ giúp cho các nhóm Hồi giáo cực đoan đã giúp chúng có điều kiện xâm nhập vào chính lãnh thổ của nhà tài trợ Oasinhtơn và tự coi mình là “các chiến binh tự do”. Điển hình là sự ủng hộ của Mỹ đối với các nhóm chiến binh thánh chiến ở Ápganixtan thông qua “ủy ban vì một Ápganixtan tự do” trong suốt cuộc nổi dậy của các phần tử Hồi giáo chống lại Cộng hòa dân chủ nhân dân Ápganixtan trong những năm 1980 và Quỹ bảo vệ Bôxnia trong thập niên 1990. Đối với Ápganixtan, tiền của Mỹ và Arập Xêút đã rơi vào tay những kẻ nổi dậy mà sau này gọi là Al-Qaeda và quỹ tài trợ của Mỹ đối với Bôxnia thì đã được các phần tử Al Qaeda sử dụng chiến đấu chống lại Nam Tư và Cộng hòa Xécbi. Sau đó, các phần tử Al Qaeda ủng hộ Quân đội giải phóng Côxôvô (KLA) trong cuộc chiến chống Xécbia.

Sau những công bố về việc thành lập Quỹ Cápcadơ do Viện Jamestown Foundation có liên quan đến CIA sử dụng để tài trợ cho các hội thảo về Bắc Cápcadơ ở Tbilixi từ tháng 1 đến tháng 7/2012, Chính phủ Grudia đã đóng cửa trụ sở của quỹ này với lý do được họ đưa ra là tố chức này đã “hoàn thành nhiệm vụ đề ra”. Các sự kiện của Quĩ Cápcadơ và Viện Jamestown Foundation đều có sự tham dự của nghi can đánh bom cuộc đua Maratông ở Boston Tamerlan Tsarnaev (sinh ra ở Cưrơgưxtan và có cha mẹ ở Đaghextan). Trước đó, Jamestown Foundation đã tổ chức hội thảo ở Tbilixi với chủ đề “Các quốc gia ngầm” ở Cápcadơ và một trong những chủ đề ở đó là thúc đẩy “Đại Circassia” ở Cápcadơ. Sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội dân sự của Mỹ cho các phe nhóm kích động chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa ly khai và tư tưởng phục quốc ở Cápcadơ được thực hiện trực tiếp thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Mỳ (USAID) hay bí mật thông qua các tổ chức do Viện Xã hội Mở của George Soros. Có thể biết được nhiều thông tin về sự hậu thuẫn của Mỹ đối với các nhóm khủng bố hoạt động ở vùng Bắc Cápcadơ từ hàng triệu thông tin mật của Bộ Ngoại giao Mỹ bị rò rỉ trên mạng Internet.

Ngày 12/11/2009, một bức điện mật từ Đại sứ quán Mỹ ở Mátxcơva đã cho biết Trung tâm Carnegie Endowment, một tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Mátxcơva, có thể tham gia ngăn cản các mục tiêu chính trị và kinh tế của Nga ở Bắc Cápcadơ, đặc biệt bằng việc tận dụng tỷ lệ thất nghiệp lên đến 50% tại khu vực Chesnia làm căn cứ để tuyển dụng các phần tử giáo sĩ cực đoan Wahhab và Salafi do Arập Xêút, Cata và Tiểu vương quốc Sharjah và Ras al Khaimah, tài trợ. Theo báo cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Nga ngày 8/6/2009, nước cộng hòa Đaghextan là “đường kết nối yếu nhất” trong khu vực Cápcadơ.

Một bức điện mật khác của Đại sứ quán Mỹ tại Nga ngày 16/9/2009 viết rằng Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách châu Âu và Á-Âu Philip Gordon đã từng hối thủc thừa nhận Chính quyền Ramzan Kadyrov ở Chesnia là “không thể kiểm soát cũng như không ổn định”. Tổ chức phi chính phủ Caucasian Knot đã báo cáo với Gordon trong một cuộc gặp ở Đại sứ quán Mỹ tại Nga là “các chiến binh nước ngoài” đang tham gia một cuộc thánh chiến và rằng có một “sự lựa chọn bất đắc dĩ” giữa “phần tử khủng bố” và “chính quyền sở tại tham nhũng”. Rõ ràng, rất có thể với sự hỗ trợ mạnh mẽ và sau đó là sự ủng hộ của Giám đốc CIA John O. Brennan, Chính quyền Barack Obama đã quyết định lựa chọn những kẻ khủng bố. Từ việc rò rỉ thông tin bí mật đã cho thấy những thông tin về việc Mỹ, Anh, Na Uy ủng hộ cho các phần tử ly khai Chesnia-Ichkeria do Akhmed Zakayev, một người bạn thân với cố tài phiệt lưu vong người Nga gốc Do Thái Boris Berezovsky, lãnh đạo.

Ngày 29/7/2009, những thông tin bí mật từ Đại sứ quán Mỹ tại Ôxlô đã dẫn lời người đứng đầu phụ trách các vấn đề liên quan đến Nga tại Bộ Ngoại giao Na Uy Odd Skagestad nói với nhân viên sứ quán Mỹ rằng: “Zakayev là đại diện hợp pháp không chỉ của cộng đồng lưu vong Chesnia mà còn của người Chesnia ở Chesnia”, mặc dù ông cũng nhấn mạnh rằng “Zakayev có tên trong nhiều lệnh truy nã của INTERPOL” vì bị nghi ngờ có liên quan đến khủng bố. Skagestad tuyên bố Cơ quan an ninh của Na Uy đã bỏ qua các lệnh truy nã của INTREPOL và cho phép Zakayev đến Na Uy từ nơi đang sống lưu vong tại Anh. Zakavev cũng nhận được nhiều viện trợ từ chính phủ các nước Đan Mạch, Phần Lan, CH Séc, nơi có nhiều hoạt động lưu vong của cộng đồng người Chesnia. Trung tâm Kavakaz có một trang mạng về Tiểu vương quốc Cápcadơ làm cầu nối quan hệ quan trọng với các nhóm khủng bố của nhà lãnh đạo Doku Umarov ở miền Nam nước Nga.

Đại sứ quán Mỹ tại Na Uy cũng cho biết một công dân Na Uy đứng đầu “Diễn đàn hòa bình Chesnia” là Ivar Amundsen, một người hoạt động rất tích cực và có quan hệ thân thiết với nhân viên tình báo phản bội người Nga Alexander Litvinenko. Nhà chú của hai kẻ đánh bom Tamerlan và Dzokhar Tsahnaev là Ruslan Zaindi Tsamaev tại tiêu bang Maryland, Mỹ, chính là địa chỉ thành lập công ty Hội nghị các tổ chức quốc tế Chesnia (CCIO) vào ngày 17/8/1995 và Công ty này mở chi nhánh tại thủ đô Oasinhtơn vào ngày 22/9/1995. CCIO tại Maryland đã không còn hoạt động vì thiếu kinh phí. Còn chi nhánh tại Oasinhtơn đã đi vào hoạt động được 17 năm và 7 tháng. Điều thú vị là chi nhánh này bị giải thể đúng vào dịp xảy ra vụ đánh bom tại cuộc đua Maratông Boston. Công ty CCIO được thành lập nhằm tài trợ cho các phần tử khủng bố Hồi giáo Chesnia tại Liên bang Nga.

Ruslan Tsarnaev còn được gọi là Ruslan Tsami, tốt nghiệp trường Đại học luật Duke ở Bắc Carolina, làm việc cho USAID tại Cadắcxtan và các nước khác trong khu vực để chuẩn bị cho các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực tài chính tại đây.

Địa chỉ của công ty CCIO tại Maryland được ghi trong hồ sơ là 11114 Đường Whisperwood, Rockville, Maryland 20852. Đây cũng chính là địa chỉ của cựu sĩ quan CIA Graham E.Fuller. E.Fuller nói thành thạo tiếng Nga, từng là Trưởng trung tâm của CIA tại thủ đô Cabun – Ápganixtan và là Phó chủ tịch Hội đồng tình báo quốc gia trong những năm 1980, đồng thời dính líu nhiều đến vụ bê bối Iran-contra (Tháng 11/1986, dư luận Mỹ phát hiện Chính quyền Tổng thống Ronald Reagan bí mật tạo thuận lợi cho việc bán các loại vũ khí của Mỹ cho Iran để đổi lấy việc phóng thích các con tin của nước này – ND). Ngoài ra, E.Fuller cũng hoạt động tích cực trong các sự kiện được Viện Jamestown Foundation tài trợ đặc biệt là hội nghị ngày 29/10/2008 với khẩu hiệu: “Thổ Nhĩ Kỳ và Vùng Cápcadơ hậu Grudia”.

Con gái E.Fuller là Samantha Ankara Fuller mang hai quốc tịch Anh và Mỹ, được bồ nhiệm là Giám đốc công ty TNHH Insource Energe của Anh. Công ty này thuộc sở hữu của Tập đoàn Carbon Trust, một tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu “Đẩy nhanh tiến độ tiến tới một nền kinh tế có khí thải cácbon thấp”. Theo Qui định của ngân hàng Anh về việc đăng ký dịch vụ tài chính, tên trước khi kết hôn của Samantha Ankara Fuller là Samantha Ankara Tsarnaev. Samantha Ankara Tsarnaev chính là vợ của Ruslan Tsarnaev, chú ruột của hai kẻ đánh bom tại cuộc đua Maratông ở Boston, Theo đăng ký dịch vụ tài chính của Vương quốc Anh, tại thời điểm kết hôn với Ruslan Tsarnaev, Fuller là một cố vấn đầu tư của Ngân hàng Dresdner Bank của Tập đoàn JP Morgan Ltd tại Vương quốc Anh. Ruslan Tsamaev hiện là Phó chủ tịch phát triển kinh doanh của Tập đoàn năng lượng Big Sky, có trụ sở chính tại Calgary, Canada. Công ty này cũng có các trụ sở đặt tại Little Rock, Arkansas, Mỹ.

Hồ sơ tòa án Bắc Carolina cho thấy Ruslan Tsarnaev đã kết hôn ở Bắc Carolina năm 1995, cũng là năm Ruslan thành lập công ty CCIO tại Oasinhtơn, DC và Maryland. Việc ly hôn giữa Rusland Tsarnaev và Samantha Ankara Fuller diễn ra vào năm 1999 do toà án của hạt Orange, Bắc Carolina thụ lý.

Cũng cần lưu ý rằng địa chỉ của chi nhánh công ty CCIO tại Oasinhtơn DC chính là địa chỉ của công ty Prentice-Hall. Prentice-Hall thuộc sở hữu của Pearson, một công ty xuất bản về giáo dục có trụ sở tại Luân Đôn, sở hữu tờ Financial Times và có 50% cổ phần trong The Economist Group. Năm 1986, The Economist Group đã mua lại tờ Business International Corporation (BIC) có trụ sở tại Niu Yoóc, một công ty bình phong của CIA.

Một người chú khác của thủ phạm đánh bom tại Boston là Alvi s. Tsaranev sống tại Silver spring, Maryland, dường như liên quan đến một tổ chức lưu vong Chesnia tại Mỹ đó là “Liên minh Cộng hòa Chesnia” có địa chỉ tại 8920 Walden Road, Silver Spring, Maryland. Đây cũng là địa chỉ nhà riêng của AI vi s. Tsarnaev. Theo cơ quan Thuế vụ Mỹ, tổ chức này được đăng ký như một tổ chức từ thiện với chức năng là “Phát triển kinh tế quốc tế”.

Theo cuốn sách “Quyền lực và Mục đích” của hai tác giả James M. Goldgeier và Michael McFaul, “Chính sách của Mỹ đối với Nga sau Chiến tranh Lạnh được thể hiện qua các nhà hoạt động xã hội dân sự và đại sứ Mỹ tại Nga, những người đã trực tiếp dính líu đến các hoạt động chính trị để lật đố Tống thống Vladimir Putin, kích động ly khai, xung đột chính trị và tôn giáo trên toàn Liên bang Nga”, Cũng theo cuốn sách này, cựu cổ vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brezezinki là người tài trợ cho Usmanov tại Mỹ: “Brezezinki đã giúp thành lập và hỗ trợ tài chính cho tố chức Chesnia tại Mỹ do Usmanov đứng đầu”.

Một tổ chức của phong trào Chesnia khác có trụ sở tại Mỹ là ủy ban Mỹ vì hòa bình ở Cápcadơ (ACPC), trước đây gọi là ủy ban Mỹ vì hòa bình ở Chesnia. Năm 1999, ACPC được thành lập bởi Freedom House, một nhóm cánh hữu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh được tài trợ bởi Quỹ quốc gia vì Dân chủ (NED) và các tổ chức do USAID tài trợ. ACPC cũng hỗ trợ tị nạn chính trị cho cựu Ngoại trưởng Chesnia Akhmadov, người bị cáo buộc liên quan đến các hoạt động khủng bố.

ACPC, Freedom House đã hợp tác với Viện Jamestown Foundation, một tổ chức được Giám đốc CIA William Casey thành lập năm 1984 với sự tham gia của nhiều nhân viên tình báo đào ngũ của Liên Xô, Rumani, Ba Lan, Tiệp Khắc.

•Ngày 17/10/2008, một thông tin mật rò rỉ từ Đại sứ quán Mỹ tại Mátxcơva cho thấy những ưu tiên của USAID và các NGO trong việc tổ chức các hoạt động tại Bắc Cápcadơ. Theo đó, Chương trình hành động khu vực Bắc Cápcadơ, được triển khai tại Bắc Ôxêtia và Kabardino- Balkaria, đang phối hợp tích cực với các NGO tại địa phương. Thông tin bị tiết lộ cũng cho thấy nhiệm vụ của USAID ở Bắc Cápcadơ là “thúc đẩy những lợi ích quan trọng của Mỹ”.

Chương trình Bắc Cápcadơ tập trung vào bốn khu vực chính: Chesnia, Inguxêtia, Bắc Ôxêtia, và Đaghextan, cùng với các khu vực khác như Krasnodarsky Krai, Cộng hòa Adygea, Karachay-Cherkessia, Stavropolsky Krai và Cộng hòa Kabardino-Balkarskaya.

Thông tin được tiết lộ cũng cho biết mạng lưới NGO trong khu vực của USAID gồm: ủy ban cứu trợ quốc tế (IRC); Tổ chức Tầm nhìn thế giới

-World Vision; Keystone; IREX; Quỹ trẻ em của Bắc Ôxêtia (CFNO); Trung tâm tài chính vi mô của Nga; ACDI/VOCA; Trung tâm tài nguyên khu vực phía Nam (SRAC); Trung tâm chính sách tài chính (CFP); Trung tâm quốc tế doanh nghiệp tư nhân (CIPE); Viện kinh tế đô thị; Trung tâm Đức tin, Hy vọng và Tình yêu (FHL); Hiệp hội Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC); và Quỹ phát triển bền vững (FSD). Nhiều nhóm trong số trên có quan hệ chặt chẽ với CIA và Viện xã hội Mở George Soros, đặc biệt là Tổ chức Tầm nhìn thế giới và IRC.

Trong cuộc giao lưu trực tuyến với người dân vào ngày 25/4 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định: “Nước Nga cũng là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố cho nên chúng tôi luôn bất bình khi các nước phương Tây luôn gọi nhũng kẻ có hành vi khủng bố tàn bạo ở Nga là ‘quân nổi dậy’. Đặc biệt, những kẻ khủng bố này luôn nhận được sự hỗ trợ tài chính, chính trị, thông tin một cách trực tiếp và gián tiếp. Sự hồ trợ của phương Tây luôn đi kèm với các hoạt động của họ trên lãnh thổ Liên bang Nga”.

Thế giới hiện nay vẫn có sự đồng thuận về khái niệm khủng bố và phương Tây chỉ lên án những kẻ đang dùng phương pháp khủng bố chống lại quyền lợi của họ. Nếu những lợi ích của phương Tây không có gì bị đe dọa thì các phương tiện truyền thông phương Tây vẫn gọi những kẻ khủng bố ấy là “quân nổi dậy” hay “chiến sĩ đấu tranh vì tự do”. Những kẻ tham gia đánh bom tại cuộc đua Maratông Boston và khủng bố ở Nga đều có liên quan đến các NGO do Quỹ George Soros tài trợ, các công ty bình phong của CIA, cơ quan tình báo nước ngoài và các công ty năng lượng phương Tây. Chính điều này đã làm cho cuộc chiến chống khủng bố của thế giới trong thời gian qua đã ngày càng đi vào bế tắc và chưa có lôi thoát./.

 

3 bình luận trước “1859. ĐẰNG SAU CUỘC CHIẾN CHỐNG KHỦNG BỐ CỦA MỸ”

  1. […] by basamnews on June 23rd, […]

  2. THỨC THỜI Là Khôn Ngoan Nhất ! said

    Hoa Kỳ, không chỉ đã và đang chống Khủng Bố trên bình diện Toàn Cầu, mà còn đang tích cực “đi xa” hơn nữa, đối với các Đối Tượng “cần thiết“ khác trên toàn TG.
    Hà Nội cần Hoa Kỳ hơn, hay “ngược lại”?
    Hy vọng các bạn luôn thừa “thông minh”, để nhanh chóng “điều chỉnh” lại Cốt Lõi Chiến Lược của mình, phù hợp với tình hình hiện tại của VN, Khu Vực và Toàn Cầu.

  3. chỉ biết nói thật said

    […] cứ nói Mỹ nó lợi dụng chống khủng bố nọ kia để bảo vệ lợi ích của Mỹ, thế còn nhà nước ta lợi dụng các điều 88, điều 258 để dập tắt tiếng nói người dân, để độc tài thì ai nói? gà đẻ gà cục tác vừa thôi các cậu ở thông tấn xã và đài nọ báo kia của đảng lừa đảo tham nhũng bán nước ạ.
    các cậu có đến 1,7 vạn cái mõm và não bị nhồi sọ, mỗi tháng dân phải đóng thuế để đảng lấy tiền trả lương nuôi các cậu để tuyên truyền cho đảng từ tổng biên tập, giám đốc bộ máy trở xuống cộng lại không dưới hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất dùng cho tuyên truyền lừa bịp cũng chiếm hàng trăm ngàn tỷ đồng từ ngân sách do dân đóng góp, là tài sản quốc gia nhưng chỉ phục vụ riêng cho mục đích độc tài của đảng-thử hỏi tội của các ngươi có hơn cả bọn tuyên truyền phát-xít Đức quốc-xã ngày xưa (gơ-ben)không?

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

 
%d người thích bài này: