BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

1802. MỸ TĂNG CƯỜNG SỨC MẠNH QUÂN SỰ CHO CÁC ĐỒNG MINH TẠI TRUNG ĐÔNG

Posted by adminbasam trên 01/06/2013

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

TTXVN (Prêtôria 27/5)

Theo mạng “Tin châu Phi”, kể từ sau sự kiện nhân viên đại sứ quán Mỹ bị bắt làm con tin năm 1979 tại Teheran, Mỹ đã duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể tại vùng Vịnh. Trong gian đoạn đầu so với tình hình hiện nay đã có nhiều khác biệt rất lớn với sự hiện diện của hải quân ngày càng giảm, việc rút quân khỏi Irắc và sắp tới là tại Ápganixtan năm 2014. Tháng 2/2013, Mỹ đã thông báo quyết định rút một trong số hai tàu sân bay đang triển khai tại vùng Vịnh nhằm cắt giảm chi phí. Mỹ cũng lên kế hoạch di chuyển Hạm đội 5 đang đóng tại Manama (Baranh).

Tóm lại, có nhiều động thái của Mỹ được xem như là sự thay đổi về hiện diện quân sự tại khu vực trong bối cảnh rút quân khỏi Irắc và Ápganixtan, giảm nhập khẩu năng lượng, vách đá tài chính và chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á. Tuy vậy, chính sách này của Mỹ không phải là rời bỏ Trung Đông mà đó là việc thay đổi chính sách nhằm củng cố sức mạnh cho các đồng minh tại khu vực để đảm bảo lợi ích và an ninh của nước Mỹ.

Phát biểu tại Hội nghị của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế vùng Vịnh ngày 18/4, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey đã nhấn mạnh: “Chúng ta phải đối mặt với nguy hiểm thực sự trong bối cảnh các nguồn tài nguyên đang bị suy giảm. Và đây là điều khiến chúng tôi lo lắng nhất. Sức mạnh kinh tế và tiềm lực quân sự của nước Mỹ không suy giảm. Nước Mỹ vẫn mạnh mẽ đế tiếp tục lãnh đạo toàn cầu và quan trọng hơn là sẽ trở thành một đối tác đáng tin cậy, đáp ứng mọi mong muốn của các bạn”. Đề cập về chính sách mới trong bối cảnh các điều kiện của vách đá tài chính, ông Martin Dempsey nói thêm: “Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta sẽ dựa nhiều hơn vào các công cụ quyền lực khác để giúp đảm bảo an ninh toàn cầu. Tất nhiên, nước Mỹ sẽ không làm tốt điều này nếu không thúc đẩy ngoại giao và phát triển trở lại tiềm lực kinh tế mạnh mẽ. Và các đối tác của chúng ta sẽ phải làm việc, hợp tác với nước Mỹ và chấp nhận một phần nguy cơ lớn hơn. Một số nước đã sẵn sàng làm điều đó hơn những nước khác. Tôi phải nói rằng Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) là một ví dụ. Đây là đồng minh đáng tin cậy và có khả năng nhất của chúng tôi, đặc biệt là trong khu vực vùng Vịnh”.

Gần đây, Mỹ đã ký kết nhiều hợp đồng vũ khí với các đồng minh tại Trung Đông. Ngày 19/4 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố một hợp đồng bán vũ khí trị giá 10 tỷ USD cho Ixraen, Arập Xêút và UAE. Đây là hợp đồng bán vũ khí mới nhất cho các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, làm gia tăng đơn đặt hàng với các nhà máy trong ngành công nghiệp quân sự của Mỹ. Hợp đồng này được ký kết vào tháng Tư vừa qua trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel tới Trung Đông. Tuy nhiên, hợp đồng bán vũ khí của Mỹ này cũng sẽ cần phải có sự phê chuẩn của Quốc hội. Năm 2011, Mỹ cũng ký hợp đồng bán máy bay chiến đấu cho Arập Xêút trị giá 29 tỷ USD. Một số nhà phân tích cho rằng việc chia sẻ gánh nặng trách nhiệm là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh tại Trung Đông đang phát triển. Hợp đồng bán vũ khí vừa qua bao gồm máy bay tiếp dầu trên không KC-135, tên lửa phòng không, máy bay vận tải V-22 Osprey, máy bay chiến đấu F-16. UAE và Arập Xêút cũng sẽ được phép mua vũ khí nhằm nâng cao khả năng đối phó với kẻ thù với độ chính xác ở khoảng cách rất xa. Mặc dù giá trị của hợp đồng này là lớn nhưng các hợp đồng trước đó còn lớn hơn. Năm 2010, Lầu Năm Góc đã đồng ý bán máy bay chiến đấu F15 cho Riát với trị giá họp đồng là 29 tỷ USD. Trong năm 2011, Mỹ cũng đã ký hợp đồng cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa cho UAE trị giá 3,5 tỷ USD. Ngoài ra, Ixraen là quốc gia nhận được viện trợ quân sự hàng năm từ Mỹ nhiều hơn bất kỳ đồng minh nào khác. Nhà Trắng cũng đã đề xuất viện trợ cho Ixraen 3,4 tỷ USD trong năm 2014. Những hợp đồng này là chưa từng có ở Trung Đông bởi vì nó đã được đàm phán trong cùng một thời điểm. Các quan chức Mỹ cho biết các loại vũ khí được thiết kế trong các hợp đồng bán cho các đồng minh tại Trung Đông sẽ giúp tăng cường khả năng quân sự đáng kể của mỗi quốc gia trong trường hợp xảy ra xung đột với Iran.

Trong chuyến công du Trung Đông từ ngày 20-26/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã đến Ixraen, Gioócđani, Arập Xêút, Ai Cập và UAE. Tại Ixraen, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đánh giá về các viện trợ quân sự khi nhấn mạnh rằng: “Đây là một tín hiệu rất rõ ràng đối với Têhêran rằng các lựa chọn quân sự vẫn có thể được sử dụng để giải quyết chương trình hạt nhân của nước này”. Ông cũng chỉ ra rằng “Điểm mấu chốt là Iran đã trở thành một mối đe dọa thực sự. Iran phải được ngăn chặn từ khi đang phát triển khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân và chuyển giao chúng”. Cũng trong thòi gian ông Hagel đang ở thăm Trung Đông, Quốc vương Cata đã gặp Tổng thống Barack Obama tại Mỹ, sự kiện diễn ra trước các chuyến thăm Nhà Trắng của Thái tử UAE Sheikh Mohammed bin Zayed và Ngoại trưởng Arập Xêút Saud Al-Faisal chỉ đúng một tuần.

Tăng cưng thay đổi chính sách đồng minh

Ixraen nêu lên vấn đề hỗ trợ của Oasinhtơn trong việc triển khai các máy bay của nước này ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Hagel hứa sẽ tiến hành tham vấn Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ có trả lời rõ ràng. Ten Avíp cho biết họ đã sẵn sàng cung cấp các hệ thống phòng không tầm xa cho Thổ Nhĩ Kỳ, hệ thống này cũng tương thích với hệ thống rađa của NATO đã được triển khai tại đó. Khi được hỏi về cuộc tranh luận mới trên các phương tiện truyền thông về việc Ixraen đơn phương tiến hành cuộc tấn công Iran, Bộ trưởng Quốc phòng Hagel cho biết: “Tất cả các quốc gia có chủ quyền đều có quyền phòng vệ”.

Chương trình đàm phán của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về viện trợ quân sự bao gồm cả viện trợ hệ thống rađa tiên tiến, nhằm nâng cao khả năng của Ixraen kiểm soát từ phía Đông, được coi là quan trọng nhất vào lúc này. Tên lửa đất đối không được thiết kế để chống lại hệ thống rađa phòng không của một kẻ thù. Máy bay tiếp dầu KC-135 sẽ giúp mở rộng phạm vi hoạt động của không quân Ixraen, đặc biệt quan trọng trong trường hợp xảy ra xung đột với Iran. Máy bay vận tải V-22 Osprey đặc biệt hiệu quả trong trường hợp vận chuyển lực lượng đặc nhiệm vào lãnh thổ đối phương. Việc bán V-22 Osprey cho Ixraen là hành động đặc biệt chú ý, vì đến nay chỉ có duy nhất Ixraen là đồng minh được Mỹ cho phép mua phương tiện này.

V-22 Osprey là một sản phẩm của Hãng Bell-Boeing, kết hợp những chức năng của máy bay trực thăng và máy bay phản lực. V-22 Osprey đạt tốc độ tối đa tới 510km/h ở chế độ máy bay, 184km/h ở chế độ trực thăng và trần bay là 7km. V-22 Osprey chỉ mất khoảng 16 giây để chuyển đổi chế độ. Với khả năng chở được 24 binh sĩ cùng các trang bị vũ khí, máy bay lưỡng thể V-22 Osprey có thể hoạt động trên hạm, mặt đất và thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn. V-22 Osprey bay thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 1989. Kể từ khi đưa vào hoạt động trong lực lượng Thủy quân lục chiến và Không quân Mỹ từ năm 2007, V-22 Osprey đã được triển khai trong chiến đấu và hoạt động cứu hộ tại Irắc, Ápganixtan và Libi.

Bộ trưởng Quốc phòng Ixraen Moshe Ya’alon nói rằng Ixraen đã đưa ra “giới hạn đỏ rất rõ ràng” cho chính quyền của Tống thống Bashar al- Assad là không được phép cung cấp các loại vũ khí tiên tiến cho lực lượng Hezbollah và các chiến binh thánh chiến toàn cầu đang tham gia cuộc xung đột tại Xyri. Liên quan đến mối quan ngại ngày càng tăng của Ixraen về kho vũ khí hóa học của Xyri, Ya’alon cũng nhấn mạnh rằng nỗ lực để những vũ khí như vậy rơi vào tay Hezbollah hoặc các nhóm chiến binh khác sẽ tạo thành “một giới hạn đỏ” buộc phải có hành động quân sự của Ixraen. Báo Le Figaro của Pháp ra ngày 22/4 đã đăng tải thông tin Gioócđani quyết định cho phép Ixraen sử dụng không phận của mình để tiến hành các cuộc tấn công Xyri. Theo đó, hai tuyến đường không sẽ được mở cho Ixraen: Một tuyến đường phía Nam từ Negev và một tuyến đường thông qua Amman. Thỏa thuận này sẽ cho phép Ixraen tránh bay qua không phận miền Nam Libăng.

Chuyến thăm Gioócđani của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhằm tăng cường tiềm năng hợp tác quân sự song phương và các vấn đề khu vực. Hai bên đã thảo luận các phương pháp đối phó với khả năng xung đột Xyri lan sang Gioócđani trong bối cảnh các cáo buộc việc gia tăng hành động của Mỹ và Gioócđani nhằm vào Xyri. Ngay trước chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, Mỹ đã công bố một kế hoạch điều động 200 cố vấn quân sự và các chuyên gia trong một nỗ lực đề “cải thiện sự sẵn sàng và chuẩn bị cho một số kịch bản” tại Xyri.

Arập Xêút và UAE sẽ được phép mua vũ khí nhằm nâng cao khả năng đối phó với kẻ thù với độ chính xác ở khoảng cách xa. Các loại vũ khí thông minh có thể được điều khiển đến các mục tiêu tấn công với độ chính xác cao từ khoảng cách xa hơn so với vũ khí thông thường. Các quan chức quốc phòng cho biết hợp đồng bán vũ khí sẽ cung cấp cho hai nước các hệ thống vũ khí hiện đại hơn rất nhiều so với những gì họ đang có. Chuyến thăm đã đạt kết quả tích cực sau một năm đàm phán bí mật. Và giá trị của hợp đồng này chỉ đứng sau hợp đồng bán máy bay F-15 trị giá gần 29 tỷ USD năm 2010. UAE sẽ mua 26 máy bay chiến đấu F-16 trị giá khoảng 5 tỷ USD, Các máy bay F-16 được trang bị tên lửa có thể được phóng từ các máy bay phản lực vào các mục tiêu mặt đất rất chính xác ở khoảng cách rất xa. Mỹ và UAE cũng đã đồng ý tổ chức tham vấn quốc phòng song phương thường xuyên để tiếp tục phối hợp mở rộng hoạt động quân sự.

Theo hợp đồng bán vũ khí mới nhất của Mỹ cho các đồng minh tại Trung Đông, Arập Xêút sẽ mua một số loại tên lửa tiên tiến. Loại tên lửa này có khả năng trang bị cho 84 máy bay F-15 mà nước này sẽ nhận theo hợp đồng trước đó và cũng có thể trang bị cho 26 chiếc F-16 được mua theo họp đồng mới. Một quan chức cao cấp Ixraen cho biết các tên lửa mới sẽ giúp cho các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông đối phó với “các mối đe dọa từ Iran”. Ixraen đã được đảm bảo rằng việc sử dụng các tên lửa tiên tiến của Arập Xêút và UAE sẽ được giám sát bởi không quân Mỹ và bất kỳ việc triển khai nào sử dụng tên lửa của các nước này chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của Mỹ.

Ai Cập cũng sẽ nhận được 83 triệu USD cho việc nâng cấp căn cứ không quân tại phía Tây Cairô, nơi Mỹ vừa chuyển các máy bay chiến đấu F-16 đến đóng. Bộ trưởng Chuck HaRel cũng đã có các cuộc gặp với quan chức đứng đầu chính phủ và Bộ Quốc phòng Ai Cập để tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với nền dân chủ non trẻ của nước này đồng thời thảo luận về việc thúc đẩy mối quan hệ với Ixraen, tình hình an ninh ở bán đảo Sinai và tình hình bất ổn chính trị trong nước của Ai Cập. Căng thẳng giữa Ai Cập và Ixraen đã gia tăng sau khi hai quả rocket được bắn từ bán đảo Sinai vào khu nghỉ mát Biển Đỏ Eilat của Ixraen vào giữa tháng Tư vừa qua. Ixrael đã thông báo cho Ai Cập về vụ việc và đe dọa sẽ có hành động quân sự đáp trả nếu các cuộc tấn công vẫn tiếp tục.

Rõ ràng là Mỹ đang trong quá trình tăng cường tiềm năng quân sự cho các đồng minh tại Trung Đông. Chính sách mới này được triển khai trong bối cảnh ngân sách quốc phòng cắt giảm nhằm bù đắp việc giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ thông qua tăng cường khả năng của các đồng minh. Đây có thể là một chiến lược của Mỹ nhằm chuẩn bị cho các cuộc can thiệp quân sự với Iran và Xyri khi cần thiết. Với sự hiện diện quân sự của Mỹ ngày càng thu hẹp nhưng chạy đua vũ trang trong khu vực đang được thúc đẩy, các rủi ro an ninh mới cũng được hình thành và mục tiêu của sự thống trị toàn cầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ là rất linh hoạt.

***

TTXVN (Cairô 25/5)

Theo tuân báo al Ahram” số ra từ ngày 1-7/5, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có chuyến thăm đầu tiên tới Cairô ngày 24/4 nhằm khẳng định lại việc Oasinhtơn tiếp tục viện trợ quân sự cho Ai Cập và đảm bảo sự hợp tác giữa các tổ chức quân sự của hai nước. Nhân dịp này, Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi bày tỏ Ai Cập mong muốn mở rộng và tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ. Hagel cũng nói rất rõ ràng về những kỳ vọng của người Mỹ với đối tác Ai Cập: tôn trọng hiệp ước hòa bình với Ixraen, duy trì an ninh tại biên giới với nước này, đấu tranh chống lại các chiến binh thánh chiến ở Sinai, giáp biên giới Ixraen và chống khủng bố.

Hợp tác quân sự và quan hệ quốc phòng là trụ cột của “liên minh” hình thành giữa Ai Cập và Mỹ kể từ khi ký kết Hiệp ước Trại David năm 1978 và kết quả của Hiệp ước hòa bình Ai Cập-Ixraen năm 1979. Kể từ đó, Ai Cập đã nhận được khói lượng lớn viện trợ quân sự, kinh tế của Mỹ và có thời điểm chỉ đứng thứ hai sau Ixraen. Nhưng hiện nay, Ai Cập đang đứng ở vị trí thứ năm, Sau Ixraen, Ápganixtan, Pakixtan và Irắc. Từ năm 1987, Quân đội Ai Cập được Mỹ cung cấp viện trợ quân sự 1,3 tỷ USD mỗi năm. Trong khi viện trợ kinh tế bắt đầu giảm vào năm 1999 từ mức trung bình 815 triệu USD năm 1988 xuống còn 250 triệu USD năm 2012, viện trợ quân sự vẫn được giữ nguyên mức cũ. Điều này cho thấy sự quan tâm của Mỹ để tiếp tục quan hệ đối tác chiến lược của họ với quân đội Ai Cập. Quốc hội Mỹ đã đóng băng 450 triệu USD viện trợ kinh tế vào giữa năm 2012 để phản đối các chính sách của chính phủ mới do Tổ chức Anh em Hồi giáo nắm quyền, song không đụng chạm tới viện trợ quân sự. Ngược lại, Lầu Năm Góc đã chuyển giao cho Ai Cập đúng thời hạn lô hàng quân sự đầu tiên trong tong số 20 máy bay chiến đấu F16 được đặt hàng năm 2009. Như vậy, 4 máy bay đầu tiên đã được chuyển giao cho không quân Ai Cập như dự kiến vào cuối tháng 1/2013, trong khi 16 chiếc còn lại sẽ được chuyển giao vào cuối năm nay.

Viện trợ quân sự là công cụ tài chính để quân đội Ai Cập mua vũ khí của Mỹ. Ngoài ra, Lầu Năm Góc còn cung cấp thiết bị quân sự bổ sung trị giá hàng trăm triệu USD mỗi năm khi những thiết bị này vượt quá nhu cầu của quân đội Mỹ. Viện trợ của Mỹ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu của Ai Cập về vũ khí và huấn luyện binh sĩ Ai Cập sử dụng thiết bị của Mỹ. Một thành phần khác của viện trợ, đó là việc tổ chức các cuộc tập trận chung mang tên Bright Star, bắt đầu từ năm 1994 với sự tham gia của các nước trong khu vực và các thành viên của Liên minh Đại Tây Dương. Mỹ miêu tả Ai Cập như một “đồng minh quan trọng không nằm trong tổ chức NATO”. Đổi lại, các cuộc tập trận đảm bảo cho quân đội Mỹ tác chiến trong một điều kiện cụ thể của sa mạc Trung Đông, hữu ích trong trường hợp can thiệp quân sự. Máy bay quân sự Mỹ có thể bay qua không phận Ai Cập và nhất là tàu chiến Mỹ được phép nhanh chóng đi qua kênh đào Xuyê. Trung bình, 10 tàu chiến Mỹ đi qua kênh đào mỗi tháng, tiết kiệm thời gian trong trường hợp cần thiết để tiến vào vùng vịnh và Ápganixtan.

Viện trợ quân sự của Mỹ có ảnh hưởng chính trị lớn tại Ai Cập. Mối quan tâm chính của Oasinhtơn trong vấn đề này là nhằm duy trì hòa bình giữa quốc gia Arập lớn nhất trong khu vực với Ixraen. Mỹ tin rằng sẽ không thể có chuyện Ai Cập dùng vũ khí của “Mỹ” chống lại Ixraen. Việc sử dụng các loại vũ khí, trong đó có máy bay chiến đấu F16 phức tạp hơn, phần lớn phụ thuộc vào việc duy trì và cung cấp phụ tùng do các công ty Mỹ bảo đảm. An ninh của Ixraen cũng phụ thuộc vào việc duy trì thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas và Ten Avíp, cuộc chiến chống lại các nhóm thánh chiến Salafi nổi lên ở bán đảo Sinai kể từ sau cuộc nổi dậy tại Ai Cập ngày 25/1/2012, cũng như việc kiểm soát biên giới với Ixraen. Trong vấn đề này, dường như Mỹ và Ixraen tỏ ra hài lòng. Tham mưu trưởng quân đội Ixraen Benny Gantz ngày 17/4 cho biết hợp tác an ninh với Ai Cập đã được cải thiện kể từ khi Anh em Hồi giáo lên nắm quyền, mặc dù chính phủ mới của Ai Cập còn có những lời lẽ thù địch với Ixraen. Cùng ngày nói trên, Cairô đã báo trước cho Ten Avíp về các cuộc pháo kích diễn ra tại Eilat (phía Nam Ixraen), nhờ đó tránh được thương vong. Ngay cả các quan chức Mỹ cũng có nhận xét tích cực. Họ lưu ý rằng hợp tác an ninh tiếp tục ổn định, sau khi thay đổi chế độ ở Ai Cập, với cả Oasinhtơn và Ten Avíp, mặc dù quan hệ chính trị còn bị đóng băng với Anh em Hồi giáo. Mỹ đã bất ngờ khen ngợi Tổng thống Mohamed Morsi cuối tháng 11/2012 nhờ nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Hamas và Ixraen, dẫn đến việc ký kết một thỏa thuận ngừng bắn mà Ai Cập là người bảo lãnh.

Thực tế, lợi ích giữa Cairô và Oasinhtơn không thể loại trừ sự tồn tại của những bất đồng. Tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ (theo tiết lộ của WikiLeaks) cho biết Quân đội Ai Cập dưới thời cựu Bộ trưởng Quốc phòng, Mohammad Tantawi, đã từ chối thực hiện yêu cầu của Mỹ chú trọng nhiều hơn vào mối đe dọa mới như cuộc chiến chống khủng bố, vi phạm bản quyền và an ninh biên giới. Dường như đến bây giờ, Oasinhtơn vẫn còn phàn nàn về việc quân đội Ai Cập vẫn trang bị và huấn luyện theo cách truyền thống như thể đối phương vẫn là Ixraen.

Chính quyền Obama hiểu rõ hơn hết Ai Cập quan trọng đến mức không thể bỏ rơi, bất chấp những bất ổn phát sinh từ việc chế độ Hồi giáo lên nắm quyền và giai đoạn chuyển tiếp đầy hỗn loạn. Phần lớn các nghị sĩ Mỹ cũng ủng hộ Ai Cập, mặc dù bất đồng trong việc áp dụng các điều kiện đối với viện trợ cho nước này. Sau chuyến thăm Cairô hồi tháng Giêng, Thượng nghị sĩ John McCain, một trong những nhân vật hàng đầu của phe đối lập thuộc đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã kêu gọi viện trợ nhanh chóng cho Ai Cập. Ông McCain nói thêm: “Người Ixraen đang ủng hộ việc tiếp tục viện trợ cho Ai Cập”. Hợp tác quân sự Ai Cập- Mỹ có tương lai xán lạn bởi vì hai bên đều cần nhau: Ai Cập cần vũ khí tiên tiến và huấn luyện quân sự, đối với Mỹ là an ninh của Ixraen và vị trí chiến lược ở Trung Đông mà chỉ có liên minh quân sự với Ai Cập mới có thể tạo ra cho họ./.

 

2 bình luận trước “1802. MỸ TĂNG CƯỜNG SỨC MẠNH QUÂN SỰ CHO CÁC ĐỒNG MINH TẠI TRUNG ĐÔNG”

  1. LTDA said

    Testing…

  2. […] Basam.info […]

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

 
%d người thích bài này: