BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

1759. BÀI HỌC ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC, ĐỔI MỚI CHÍNH MÌNH TỪ CÁC SỸ PHU NHO HỌC ĐẦU THẾ KỶ XX

Posted by adminbasam trên 07/05/2013

(Thư ngỏ gửi BCHTƯ Đảng nhân Hội nghị TƯ 7 khoá XI)

Đào Tiến Thi

Kính gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Tôi là Đào Tiến Thi, thường trú tại 113E Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội, chứng minh nhân dân số 013060932; là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (thẻ Đảng số 97 003164); lĩnh vực hoạt động: biên tập sách, nghiên cứu văn học (hiện là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phúc), nghiên cứu ngôn ngữ (hiện là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam).

Với ý thức trách nhiệm trước vận mệnh đất nước, tôi trân trọng gửi đến BCH Trung ương một số ý kiến về bài học có thể rút ra từ cuộc vận động canh tân của các sỹ phu Nho học đầu thế kỷ XX.   

Thưa quý vị Trung ương

Dân tộc Việt Nam cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đang đứng trước tình thế buộc phải lựa chọn con đường tồn tại và phát triển của mình, nếu không muốn bị diệt vong.

Qua nghiên cứu lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX, chúng tôi nhận thấy đây là giai đoạn dân tộc ta đột nhiên thức tỉnh và hội nhập với thế giới hiện đại, mà người khai sáng lại chính là những con người thế giới cũ: tầng lớp sỹ phu Nho học cuối cùng của chế độ phong kiến thời kỳ suy tàn. Họ là những nhà cách mạng, nhà văn như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Nguyễn Thượng Hiền, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền,… Họ có thể đứng chân ở những tổ chức khác nhau (Đông du, Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục,…), hoạt động trên những lĩnh vực khác nhau nhưng đều chung một chí hướng: quyết tâm canh tân đất nước, đồng thời “thay máu” chính mình.

Để làm được điều đó, các cụ thời ấy đã phải phá lệ, cụ thể đã phải làm ít nhất ba việc “phản lại” truyền thống sau đây:

  • · Kịch liệt phê phán ý thức hệ Nho giáo, đề cao dân quyền, coi dân quyền là cội nguồn của quốc gia thịnh trị; 
  • . Từ bỏ đặc quyền đặc lợi của chính mình – một giai cấp đã ăn trên ngồi trốc một nghìn năm;
  • · Đón nhận những yếu tố tiến bộ từ phía kẻ thù với một tinh thần cầu thị cao.

Chúng tôi thấy những điều này là bài học rất hay cho Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay. Dưới đây xin phân tích cụ thể hơn.

1. Kịch liệt phê phán ý thức hệ Nho giáo, đề cao dân quyền, coi dân quyền là cội nguồn của quốc gia thịnh trị  

Nho giáo là một hệ tư tưởng – chính trị – đạo đức có ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam. Trong suốt một nghìn năm dưới chế độ phong kiến, Nho giáo chi phối toàn bộ đời sống xã hội, đặc biệt là đối với giai cấp phong kiến. Theo chúng tôi, Nho giáo có ba phần: phần tư tưởng (triết học), phần học thuyết chính trị và phần đạo đức. Ở đây xin chỉ bàn phần học thuyết chính trị (cũng là phần chủ yếu của Nho giáo) trong quan hệ với tầng lớp sỹ phu nói trên. Chúng tôi tạm dùng thuật ngữ ý thức hệ Nho giáo thay vì học thuyết chính trị Nho giáo để nó tương ứng với các thuật ngữ hiện nay thường dùng như ý thức hệ Mác – Lênin, ý thức hệ tư sản, tức là tạm tách chúng ra khỏi các bình diện tư tưởng và đạo đức trong các học thuyết đó.

Nho giáo đặt ra những tam cương, ngũ thường, ngũ luân,… để tạo ra các rường mối xã hội chặt chẽ mà thực chất cuối cùng chỉ để đặt ông vua làm chủ nhân của đất nước. Các quan chỉ tuân theo lệnh vua, còn “thần dân” thì tuân lệnh các quan. Nói cách khác, chỉ có nhà vua là “công dân đích thực”, còn tất cả đều là nô lệ. Trong xã hội ấy, quyền (cũng như ơn huệ) đều từ trên ban xuống và người dưới chỉ có thực hiện, chứ không có chiều ngược lại. Cho nên nếu may mắn gặp được “vua thánh tôi hiền”, biết “chăn dân” (tương tự như chăn đàn cừu) thì dân được nhờ, còn nếu vua quan bạo ngược thì dân cũng không có quyền chống lại.

Các triều đại phong kiến thường tuyên truyền rằng xã tắc là của “tiền vương”, “tiền triều” của họ để lại. Đó chẳng qua là một cách đánh tráo. Các sỹ phu Nho học đầu thế kỷ XX đã đặt ngược lại: người dân mới chính là chủ nhân của đất nước. Bởi vì chính nhân dân là người xây đắp nên đất nước. Phan Bội Châu viết: “Phát cây bụi lá gai góc, khó nhọc để mở ra thế giới này, không phải là tay chân của hàng nghìn vạn người chúng ta chăng? Sớm chuyên chở, chiều chuyên chở đất cát để lấp kín khe núi kia, không phải là máu mỡ mồ hôi của tổ tiên hàng nghìn vạn người chúng ta chăng? Tổ tiên ta đem nước để lại cho con cháu. Ta là con cháu, ta nhận nước ở tổ tiên ta. Nước vốn là gia tài của dân ta”.

Các sỹ phu cũng thấy rõ nền chính trị toàn trị của nhà nước phong kiến là nguyên nhân của mọi thối nát, từ cung đình cho đến dân gian. Con người quen sống trong phục tùng và sự sợ hãi, trở nên ngu hèn, mất cả khả năng nhận thức:

Quyền dân chủ trên đầu ức chế

Trải nghìn năm dân trí còn gì.

(Phan Bội Châu)

Vì dân không có quyền gì trên chính đất nước của mình cho nên tất nhiên cũng thờ ơ với vận mệnh đất nước; chưa kể, còn quay lại xâu xé nhau vì những cái lợi nhỏ nhen: “Suốt cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian giảo thì như ma, như quỷ, lường gạt, bóc lột, cái gì mà chẳng dám làm; đứa hèn yếu thì như lợn như bò, giẫm cổ đè đầu cũng không dám ho he một tiếng. Cả mấy mươi triệu người như một đàn ruồi lũ kiến, không còn chút nhân cách nào” (Phan Châu Trinh).

Ngày nay ta đưa khẩu hiệu “dân giàu, nước mạnh”, còn các chí sỹ thời ấy dùng “dân mạnh”, “dân khôn”, thiết nghĩ là chính xác hơn. Dân giàu chưa chắc đã là “dân mạnh” và dân giàu chưa chắc đã làm cho nước mạnh (nếu ý thức công dân kém, nếu sống bo bo, ích kỷ thì chỉ có hại cho đất nước). “Dân mạnh” trước hết là mạnh về ý chí, mạnh về tri thức, mạnh về nghề nghiệp, sau đó mới là mạnh về sản nghiệp. Quan hệ dân – nước là quan hệ:

Nước muốn mạnh thời dân phải mạnh

Dân có khôn thời nước mới khôn.

(Thơ Đông Kinh nghĩa thục)

Nếu công cuộc duy tân thắng lợi thì hình ảnh đất nước ta sẽ là hình ảnh một xã hội dân trị (chữ thời đó thường dùng để phân biệt với quân trị). Phan Bội Châu viết: “Sau khi đã duy tân rồi thì dân trí sẽ được mở mang, dân khí sẽ lớn mạnh, dân quyền sẽ phát đạt, vận mệnh nước ta do dân ta nắm giữ. Giữa đô thành nước ta đặt một toà nghị viện lớn. Bao nhiêu việc chính trị đều do công chúng quyết định. Thượng nghị viện phải đợi trung nghị viện đồng ý, trung nghị viện phải đợi hạ nghị viện đồng ý mới được thi hành. Hạ nghị viện là nơi đa số dân chúng có quyền tài phán việc của trung nghị viện và thượng nghị viện. Phàm là dân nước ta, không cứ sang hèn, giàu nghèo, lớn bé đều có quyền bỏ phiếu bầu cử. Trên là vua nên để hay truất, dưới là quan nên thăng hay giáng, dân ta đều có quyền quyết đoán cả”.

2. Từ bỏ đặc quyền đặc lợi của chính mình – một giai cấp đã từng “ăn trên ngồi trốc” suốt một nghìn năm

Bác bỏ ý thức hệ Nho giáo, đề cao dân quyền, các sỹ phu Nho học thời đó cũng đương nhiên tự tước đi quyền và lợi của mình. Bởi vì cho đến lúc đó, tuy chủ quyền quốc gia đã mất nhưng bộ máy phong kiến vẫn được duy trì. Các sỹ phu thời ấy vẫn thoải mái ăn trên ngồi trốc, vinh thân phì gia nếu muốn. Thực tế trong số họ cũng đã có người đỗ đạt cao, có thể nhận lấy sắc phong của vua (hay của quan toàn quyền, thống sứ) để ra làm quan (một số đã từng ra làm quan như Nguyễn Thượng Hiền, Phan Châu Trinh,…) nhưng họ đã chọn con đường dấn thân vì đất nước. Những hoạt động cách mạng của họ, chưa kể nỗi nguy hiểm do chính sách đàn áp của thực dân và phong kiến (hàng loạt chí sỹ đã bị giết hoặc bị tù đày), mà nếu thành công thì cũng không phải để họ “được làm vua”, mà để xây dựng một chế độ xã hội hoàn toàn khác: chế độ dân trị (dân chủ). Người nhà nước, theo quan niệm của các sỹ phu, chẳng qua là những người được nhân dân thuê mướn để quản lý xã hội: “Than ôi, nước không phải là gia tài tổ nghiệp của dân ta hay sao? Dân nước ta không phải là chủ nhân đời đời giữ gia tài tổ nghiệp này chăng? Sao dân ta lại bỏ cái quyền làm chủ nhân, bỏ cái chức trách làm chủ nhân của mình? Đem sự mất còn hưng phế của cái gia tài tổ nghiệp gửi cho bọn nhân công được thuê mướn để trông nom, không những không thể khiến gia tài tổ nghiệp mãi mãi do mình thừa kế, mà lại còn không cả gia tài tổ nghiệp này phải thuộc về mình” (Phan Bội Châu).

Dân quyền như vậy là một quyền hết sức tự nhiên, không phải do giai cấp thống trị ban phát. Xem thế thì các cụ đã “phản bội” lại quyền lợi của giai cấp của mình, nhưng đó là sự “phản bội” vĩ đại, là “cái gì của Xê-da trả lại cho Xê-da”.

Một loại đặc quyền khác của nho sỹ trong chế độ quân trị là danh vọng, mà thực ra phần nhiều là hư danh. Các sỹ phu đương thời cũng ném con mắt khinh bỉ vào các thứ hư danh đó: “Người trong nước (quân trị) không cần nhân cách, không cần học thức, không cần làm sự nghiệp gì, chỉ tính sao mua được chút quan, nho nhỏ cũng được chút phẩm hàm (…). Những nước ấy thì trong nước nó chỉ lủng củng có quan với phẩm hàm thôi, chứ có nhân vật gì nữa đâu, nước nó thường bị mất trước hơn mọi nước” (Ngô Đức Kế).

Còn có một thứ đặc quyền nữa cũng bị các cụ lên án gay gắt là đặc quyền “yêu nước”. Chế độ quân chủ “cấm học trò và dân không được nói đến chính trị”, vì “biết chính trị nhiều thì sinh ra cách mạng” (Phan Châu Trinh). Nhưng hậu quả là đặc quyền ấy quay trở lại tiêu diệt chính nó: “Có hay đâu giữ khéo quá thì dân trong nước nó ngu, không động đến ngôi vua thật, mà các nước ngoài họ tới họ lấy thì dễ như chơi, nghĩa là dân nó ngu, nó không biết nước là cái gì nữa cả. Ta thử xem gương nhà Tống trước thì mất với Liêu, sau mất với Kim, rồi sau mất với Mông Cổ; còn nhà Minh thì lại mất với Mãn Châu, Cao Ly thì mất với Nhựt Bổn, An Nam thì mất với Tây” (Phan Châu Trinh).

3. Đón nhận những gì tiến bộ đến từ phía kẻ thù với một tinh thần cầu thị cao

Ban đầu, người phương Tây đến nước ta để buôn bán, chưa phải là kẻ thù. Nhưng vua quan nhà Nguyễn theo thói quen kỳ thị của Nho giáo hủ lậu và cũng học đòi các vua chúa Trung Hoa, tự coi mình là “văn minh” mà miệt thị người Tây là “di”, “rợ”, nên đã thi hành chính sách “bế quan toả cảng” với họ. Thậm chí khoa học, kỹ nghệ, máy móc của phương Tây cũng bị coi là là thứ “quỷ thuật”, “cơ xảo”, có thể làm hỏng đạo Thánh hiền! Về sau, phải đương đầu với sức mạnh của họ thì lại quá sợ hãi, vào trận chưa đánh đã bỏ chạy, cuối cùng triều đình bó tay đầu hàng (khi chưa đến mức phải đầu hàng). Và khi thua rồi thì không tìm căn nguyên, lại đổ cho “mệnh trời”, cho “khí số” đã hết.

Nhưng đến thế hệ các sỹ phu đầu thế kỷ XX, nhờ đọc tân thư, nhờ độc lập suy nghĩ,  họ hiểu ra căn nguyên vì sao mà Tây thắng ta thua. Ấy là chỉ bởi cái nguyên lý “ưu thắng liệt bại” (mạnh được yếu thua) của cuộc cạnh tranh sinh tồn tất yếu này. Nhưng vì sao người Âu mạnh giỏi mà ta yếu hèn? Văn minh tân học sách (một bài trong sách giáo khoa của Đông Kinh nghĩa thục thời đó) cắt nghĩa (tóm tắt) như sau:

Thứ nhất, về tư tưởng, văn minh châu Âu lấy nguyên lý động làm nguyên lý tồn tại và phát triển. Muốn động thì phải khuyến khích sự tương phản (đối lập): “Thế nào là ảnh hưởng tương phản? Xét ra các nước châu Âu, trên có nghị viện duy trì quốc thị, dưới có báo quán để đạo đạt hạ tình. Đại trước tác thì có Dân ước của Lư Thoa (Khế ước xã hội của Rousseau), Tiến hoá luận của Tư Tân Đắc (Spencer), Dân quyền thiên của Mạnh Đức Tư Cưu (Bàn về tinh thần pháp luật của Montesquieu). Suy rộng ra, nào diễn thuyết, nào thi ca, đều cốt để phát huy cái chủ nghĩa yêu nước, yêu nòi giống. Nước ta có thế không? Làm văn sách thì chỉ sợ phạm huý, dâng thơ cho người trên thì chỉ e phạm tội vượt phận nói leo, chỉ chừng đó là đã khác hẳn (các nước) không cấm (nhân dân) bàn bạc”.

Thứ hai, về chính trị, “Người châu Âu họ tổ chức chính quyền trong nước có chính thể lập hiến, có chính thể quân dân cộng hoà. Có số bao nhiêu người đấy thì cử một người làm nghị viên. Hễ bàn đến một việc gì thì trước phải khai hội, kẻ bàn người nói, sớm sửa đi chiều sửa lại, cốt làm cho đúng chân lý, hợp với tình hình. Nước ta có thế không? Hành chính thì cấm thay đổi, sửa sang; dùng người thì quý sự im lìm, lặng lẽ; chiếu theo lệ cũ, nhưng lệ không nhất định; luật cũng có ban bố đấy, nhưng dân gian không được đọc luật”.

Thứ ba, về văn hoá – tinh thần, “Người Âu cho nước và dân là có quan hệ mật thiết với nhau. Cho nên có chính thể cộng hoà, mà quốc thể tức là gia thể; có tục thượng võ mà quốc hồn tức là gia hồn; có lệ hỗ trái (cho vay), mà quốc mạnh tức là gia mạnh; có lối kiêm biện (công chức được giao phụ trách một số công việc nhất định), mà quốc sự tức là gia sự; có phái tự do, mà quốc quyền tức là gia quyền. Nước ta có thế không? Ngoài văn chương, không có gì là quý; ngoài áp chế  không có gì là tôn chỉ; ngoài phục tòng không có gì là nghĩ xa”.

Trên nguyên lý đó, các sỹ phu Nho học kiên quyết đoạn tuyệt với nền học “chi hồ giả dã”, cái nền học đã làm cho “người ngu nước yếu”, và họ ra sức cổ vũ học theo văn minh phương Tây:

Văn minh ta phải học khôn

Theo thầy Anh, Pháp, noi gương Hoa Kỳ

Trăm nghề học, học chi cũng học

Học thiên văn rồi học địa dư

Học toán pháp, học binh thư…

(Khuyết danh, Quảng học vấn)

Và trước ta, những nước học theo phương Tây đều trở nên văn minh:

Xiêm La trước thiệt là ngu dại

Rước thầy Anh học mãi khôn

Bây giờ dân đã tỉnh hồn

Lá cờ độc lập, gió còn phất phơ

Nhật Bổn nọ thuở vừa ngu nhược

Kén người đi các nước học hành

Bây giờ dân đã văn minh

Tiếng anh hùng đứng một mình cõi Đông…

(Khuyết danh, Quảng học vấn)

Thực ra để đoạn tuyệt cái quá khứ vàng son của mình, các cụ cũng đầy trăn trở, thậm chí đau đớn. Trước đó chưa lâu (cuối thế kỷ XIX), các cụ Nho học của ta còn tẩy chay tất cả những gì thuộc về “Tây dương”: không cho con đến trường Tây, không dùng dầu tây (dầu hoả), mạt sát những công chức làm cho sở Tây dám cả gan “vứt bút lông đi giắt bút chì”,… Ngoài ra, những con người vốn nhiều đời lặn lội trong “rừng Nho biển Thánh” (Rừng Nho biển Thánh mênh mông/ Dễ ai lặn lội cho cùng vậy vay – Nguyễn Đình Chiểu”), nay đến với nền tư tưởng và học thuật mới, cũng chẳng dễ gì tiếp thu. Thế nhưng để cứu nước cứu đời, các cụ đã phải chấp nhận những cái vốn không thể chấp nhận. Ngoài chấp nhận những điều nói trên, có thể còn phải kể cái khó chấp nhận nữa là chấp nhận quy luật cạnh tranh, vì nó rất “nghịch” với đạo Thánh hiền. Văn minh tân học sách viết: “Văn minh (hay phát triển) không phải chỉ có thể mua bằng giá trị mà thôi, mà còn phải mua bằng đau khổ nữa. Giá trị là gì? Tức là tư tưởng. Đau khổ là gì? Là cạnh tranh. Càng tư tưởng thì càng cạnh tranh, càng cạnh tranh thì càng tư tưởng. Rồi do đấy, hết thảy các khoa thanh học, quang học, trọng học, điện học (…) không môn học nào là không phừng phực nảy ra. Lý do để đi tới chỗ cực điểm của văn minh là như thế đó”.

Nếu xét một cách cục bộ thì các phong trào vận động canh tân đất nước đầu thế kỷ XX đều thất bại. Tuy nhiên, xét đóng góp của nó trong tiến trình lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, thậm chí đến tận thời điểm này, thì không hẳn là thất bại, mà có lẽ chỉ nên nói là thành công không mỹ mãn. Có thể nói như vậy, vì các phong trào ấy đã tạo ra cơ sở và lực đẩy để xã hội Việt Nam bước vào thời kỳ hiện đại, hội nhập với thế giới văn minh. Thực tế ta thấy từ những năm sau Thế chiến thứ nhất, tận dụng chính sách khai thác thuộc địa, tận dụng sách lược “hợp tác với người bản xứ” (tức “Pháp Việt đề huề”) của người Pháp, người Việt Nam, mà tiên phong là đội ngũ trí thức cũ nói trên (sỹ phu Nho học, sau này gọi là cựu học) cùng với các trí thức mới (tân học) đã chủ động nắm lấy cơ hội này để phát triển. Đường sắt, bưu điện, ngân hàng, trạm khí tượng, nhà máy, hải cảng, báo chí, trường đại học, viện nghiên cứu,…. ra đời và từ đó kéo theo sự ra đời của nhà tư sản (bây giờ gọi là doanh nhân); ra đời các ông phán, ông ký, ông thông; các bác sỹ, luật sư, kỹ sư, nhà báo, nhà văn, nhà giáo,… Nếu cứ nhất nhất tẩy chay người Pháp hoặc ngược lại, chỉ biết cúi đầu làm cu-li cho họ thì chắc cho đến năm 1945, đất nước ta vẫn không có gì. Nhưng dân tộc ta, dẫn đầu là tầng lớp trí thức, vừa vẫn tiếp tục chống thực dân Pháp lại vừa chủ động nắm lấy văn minh Pháp, hợp tác với những người Pháp tiến bộ và kết quả là đẩy xã hội Việt Nam phát triển hết sức mau lẹ. Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cũng  theo đó mà trưởng thành. Các yếu tố này đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Chưa kể, khi vừa giành chính quyền, ta có ngay những cơ sở vật chất cần thiết cùng đội ngũ các nhà chuyên môn làm rường cột cho đất nước những năm đầu độc lập và kháng chiến chống Pháp.

Thưa quý vị Trung ương

Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng là ngọn cờ tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp cần lao. Trong quá trình ấy, Đảng có lúc phải tận dụng ngọn cờ chủ nghĩa Mác – Lênin và CNXH. Đến nay những thứ này đã tỏ ra sai lầm và bất cập và do đó, đặt Đảng vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Chúng tôi thực sự thông cảm điều đó. Nhưng nếu cứ tiếp tục độc tôn chủ nghĩa Mác – Lênin (một thứ học thuyết nhiều sai lầm, hoang tưởng), nếu cứ tiếp tục xây dựng CNXH (một mô hình đầy phi lý, trái quy luật), nếu cứ tiếp tục tẩy chay thế giới phương Tây (một chủ trương đi ngược thời đại, vì thực chất thế giới phương Tây là những mô hình xã hội dân chủ, chí ít cũng văn minh, tiến bộ hơn ta nhiều lần) thì chỉ tiếp tục đưa dân tộc – và cả Đảng – vào chỗ bế tắc. Trước mắt, sự suy yếu của nước ta thực sự đang trở thành miếng mồi ngon cho một đế quốc đang trỗi dậy đầy tham vọng: đế quốc Trung Hoa. Nước mất thì Đảng cũng không còn, hoặc may mắn lắm thì cũng chỉ được cái hư vị như triều đình nhà Nguyễn dưới thời cai trị của thực dân Pháp mà thôi. Chúng tôi nói “may mắn lắm”, vì khả năng được như triều Nguyễn cũng khó. Người Pháp chiếm Việt Nam không cần tiêu diệt văn hoá Việt Nam; trái lại, còn giúp người Việt Nam bảo tồn văn hoá (trước Cách mạng có Viện Viễn Đông Bác cổ ở Hà Nội, có Hội Đô thành Hiếu cổ ở Huế,…) như muốn tăng sự đa dạng văn hoá cho chính quốc. Còn người Trung Quốc là hàng xóm của Việt Nam; họ không chỉ muốn nô dịch dân ta mà còn muốn thôn tính lãnh thổ nước ta, biến nước ta thành quân huyện của Trung Quốc. Bởi vậy, trong lịch sử, mỗi khi chiếm được nước ta, họ đều thi hành chính sách đồng hóa dã man và thâm độc nhằm xoá bỏ văn hoá, lịch sử và giống nòi dân tộc Việt Nam. Chính sách này cũng đã từng áp dụng đối với nhiều nước bị họ thôn tính.  

Thiết tưởng nhân dân Việt Nam sẵn sàng ủng hộ Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước, nếu Đảng tự “lột xác”, tự “thay máu” để trở về với nhân dân, với dân tộc. Thực chất thì Đảng cũng đã từ bỏ một nửa chủ nghĩa Mác – Lênin và CNXH khi chấp nhận kinh tế thị trường. Chấp nhận kinh tế thị trường cũng là chấp nhận dân chủ trong kinh tế, nay chỉ còn một nửa còn lại là chấp nhận dân chủ trong chính trị. Nhưng chính sự nửa vời này đã dẫn đến tình trạng “đầu Ngô mình Sở”: kinh tế thị trường, vận hành theo nguyên lý thị trường nhưng bên trên lại là nhà nước XHCN, vận hành theo nguyên lý XHCN. Điều đó trái hẳn với nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin: thượng tầng kiến trúc (chính trị) phải phù hợp với hạ tầng cơ sở (kinh tế). Cốt lõi của kinh tế thị trường là tự do cạnh tranh, lẽ ra nó phải đi kèm với nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự và tự do báo chí, tự do ngôn luận để đặt nền kinh tế tự do cạnh tranh trong vòng kiểm soát của pháp luật và công luận. Thế nhưng trong thể chế “Đảng lãnh đạo”, thực chất là Đảng toàn trị, đã làm cho các yếu tố sau không thể nào có được (hoặc có một cách hình thức). Kẻ có tiền và kẻ có quyền tất nhiên sẽ “đi đêm” (và cả “đi ngày”) với nhau mà không ai làm gì được. Đó là cội nguồn của tham nhũng, của lạm quyền, của tội ác và của tất cả các tệ nạn xã hội. Tất nhiên xã hội nào cũng có các hiện tượng này, nhưng ở ta khác họ ở chỗ là nó gần như vô phương cứu chữa.

Vừa qua chúng tôi đã thất vọng qua các Hội nghị BCH Trung ương 4, 5, 6; mới đây,  lại thêm thất vọng qua phát biểu khai mạc của ông Tổng bí thư tại Hội nghị BCH Trung ương 7 khi thấy chủ trương vẫn giữ nguyên tinh thần cũ, chỉ có điều chỉnh nhỏ. Tuy vậy chúng tôi vẫn hy vọng vào trí tuệ của đông đảo Ban Chấp hành Trung ương, ở đó có nhiều vị sống gần dân hơn, thực tế hơn; ở đó, vẫn còn nhiều vị có trình độ và có trách nhiệm. Lịch sử mấy chục năm qua đã chứng minh, nếu ở trên thượng tầng có ông Trường Chinh bảo thủ, cứng nhắc, thì ở tỉnh vẫn có ông Kim Ngọc thương dân, dám vượt rào. Và ngày nay vẫn thấp thoáng những Kim Ngọc ở các ông (bà) Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Văn An, Nguyễn Minh Nhị,…

Đề cập lớp nhà Nho tiên phong đầu thế kỷ XX làm bài học cho Đảng CSVN hôm nay, chúng tôi cũng mới chỉ đề cập tinh thần đổi mới nói chung, còn về cách cách thức đổi mới, nếu Đảng chấp nhận, tôi nghĩ sẽ có những chuyên gia vạch ra lộ trình cụ thể. Tinh thần đổi mới tóm lại là tinh thần cầu thị, sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì cũ nát, bảo thủ, hoang tưởng, đặc biệt, dám từ bỏ những đặc quyền đặc lợi phi lý của mình. Nếu đặt Tổ quốc và nhân dân lên trên hết thì không có gì không thể vượt qua. Nếu làm được điều đó, Đảng không những vẫn tiếp nối được sự nghiệp cao cả của thế hệ các nhà cách mạng cộng sản đầu tiên mà còn cứu được nguy cơ Đảng sụp đổ.

Do khuôn khổ một bức thư, chúng tôi không thể phân tích và biện luận đầy đủ, mà chủ yếu nêu lên vấn đề. Hy vọng sẽ được trao đổi dân chủ và cởi mở.

Đào Tiến Thi

(Ngọc Hà, đầu tháng 5-2013)

Nơi gửi:

– Văn phòng Trung ương Đảng, số 1 Hùng Vương

– Báo Nhân dân điện tử

– Trang mạng Ba Sàm

144 bình luận to “1759. BÀI HỌC ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC, ĐỔI MỚI CHÍNH MÌNH TỪ CÁC SỸ PHU NHO HỌC ĐẦU THẾ KỶ XX”

  1. DVM said

    Các cụ nhà nho và sĩ phu trước đây bị ảnh hưởng nhiều bởi hệ tư tưởng Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, và nếp sống thời phong kiến, nhưng các cụ có tâm, tầm trong vấn đề suy vong đất nước, như vậy các cụ có sự nhìn ra thế giới để cầu thị.
    Nhưng những người gọi là đảng viên cộng sản không thể có tâm và tầm để luôn luôn đổi mới mình theo chiều hướng tiến bộ đi lên một cách tiên phong được.
    Lịch sử đã cho họ hiện diện trong một giai đoạn nhất định để họ làm nên một loạt sự kiện, khi chien tranh thế giới thứ 2 qua đi, những người cộng sản không đủ bản lĩnh và tố chất làm tốt vai trò đang có của mình, tức là yêu cầu của nhân loại cần một loạt đổi mới về chính trị xã hội và kinh tế toàn cầu.Một loạt hệ thống đảng CS trên thế giới hoàn toàn vấp ngã trước những yêu cầu thực tiễn xã hội ( Thực tế đã chứng minh), chúng ta có thể nêu lên một loạt nguyên nhân cơ bản sự thất bại của các đảng cs như sau:
    1-Bản chất những người cộng sản là những con người không có sự khoa học trong xây dựng đời sống kinh tế chính trị xã hội.
    2-Họ không có sự thực tâm trong vấn đề nói và làm.
    3-Họ không thực sự trong mục đích sống (Chẳng qua họ chỉ lợi dụng những tư tưởng của người khác để trục lợi).
    4-Họ cũng là con người, lên khi có điều kiện thuận lợi thì họ dễ làm liều làm bừa.

  2. hoa lan said

    bài học c[…]

  3. nhadan said

    Chúng ta cần kế thừa tính nhân bản trong học thuyết Mác-Lenin đó là xây dựng xã hội không có người bóc lột người, còn cách thức làm thì phải xuất phát từ thực tiễn của mỗi nước và kế thừa những tinh hoa của các nước tư bản phát triển hiện nay (không giáo điều như ngày xưa). Ông Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc đã làm được điều này.

    • khách said

      Người không có (không tự làm ra) bóc lột của người giàu thậm chí cướp của người giàu. Nên người có khả năng nuôi sống một triệu người (hay người tài) bất lực chán nản xã hội suy vong.

  4. […] Đào Tiến Thi-ABS […]

  5. […] Anhbasam […]

  6. Nguyễn huy canh said

    Ông Đào Tiến Thi có bài viết hay, và tâm huyết. Tuy nhiên, ông đã phạm phải 2 sai lầm chết người:1,ông khuyên đảng cầu thị, đổi mới nhằm bỏ đi cái giáo điều, cũ nát…dựa trên sự học hỏi tiền nhân của chế độ phong kiến, nền văn hóa phong kiến cách đây hàng trăm năm. Không, không phải học hỏi ở đâu xa cả, càng không phải học cái đã trở thành lịch sử. Muốn làm điều đó, đảng, các nhà lãnh đạo CS hãy học từ nhân dân, trong nhân dân, và thấu hiểu, lắng nghe nguyện vọng của thực tiễn. Không nên theo lời khuyên của ông Thi để phải úp mặt vào quá khứ, vào lịch sử mà tụng ca, noi theo.
    2, Ông bảo người ta đã bỏ 1/2 chủ nghĩa Mác-lê, thì nay cần phải bỏ hẳn đi, vì như thế nó mới phù hợp với cái nguyên lí gì gì đấy như hạ tầng với thượng tầng…. Thật kì quặc, ông lấy cái phải bỏ làm qui chiếu cho cái mà theo ông là nên bỏ.
    Những trí thức của chúng ta vẫn còn luẩn quẩn như vậy thì phê phán được ai, giúp được ai vượt qua được sức nặng giáo điều đây. Ông Thi ạ, hãy xây dựng cho mình một Hệ qui chiếu mới trước khi đòi hỏi người khác thay đổi nó.
    Ông nên biết rằng đảng này đã bỏ chủ thuyết này từ những năm 9o rồi, và họ cũng biết rằng cái nguyên lí ông đang ôm, giữ (hạ, thượng tầng gì đó) là một sự phân tích tư biện, trừu tượng lịch sử, sai lầm và rất phiến diện. Trong trường hợp này họ thực tế hơn ông. Hãy bắt đầu từ thực tiễn VN để xây dựng một lí thuyết mới “về” Tồn tại-đó là điều chúng ta, trong đó có cả ông còn thiếu:

    • Giang said

      Tranh cãi ngớ ngẩn thế mà cũng đòi tranh cãi!
      1. “Học từ nhân dân” là học thế nào ? Vợ con chúng nó ở nhà cũng là “nhân dân” đấy.
      2. “Xây dựng cho mình một hệ quy chiếu mới” là cái quái gì ? Đúng là cuồng ngôn.
      Cái đảng này đã bỏ chủ thuyết của nó từ những năm 90 ư? Lẫn lộn quá bạn Canh ạ. Chúng bỏ thì chúng chết từ lâu rồi. Trong đám chúng nó, nhiều kẻ biết sai, nhiều kẻ không nhận ra, nhưng tất cả đều chung một mục đích là bám giữ chủ thuyết.
      “Hãy bắt đầu từ thực tiễn VN để xây dựng một lí thuyết mới “về” Tồn tại” ? Nghe choang choang cười lộn ruột!

      Canh nên hiểu là người ta viết ở đây không phải cho mấy thằng trung ương đâu nhé. Ông Thi viết cho dân đấy.
      Còn Canh viết ra chỉ cốt ra điều ta ngộ chữ thôi, nhưng mớ chữ của Canh nghe vu vơ thật vô nghĩa.

      • Nguyễn huy canh said

        Giang đã nói thế thì đây cũng xin có 3 lời để nói với ông/bà.:1, “vợ con chúng nó…” chỉ là người dân, là những con người riêng lẻ được xét riêng ra như thế. Họ không phải là nhân dân. Nhân dân, đó là một khối những con người có nguyện vọng, có nhu cầu được xem trong sự khác biệt, trong mối quan hệ khác biệt với các nhà lãnh đạo, giai tầng lãnh đạo. Trong nhiều trường hợp, nhân dân biểu thị được những khuynh hướng vận động của lịch sử.
        2, Học ở nhân dân là nắm bắt được những xu thế, những nguyện vọng lịch sử đó, chứ không phải hiểu như học sinh cấp 4 đem sách đến học thầy mình giảng giải cho.
        3, Ông/bà giang cần hiểu rằng người ta đã bỏ nó, và đến nay người ta cũng đã đạp lên nó mà đi rồi, chỉ có điều họ không nói ra cái việc họ bỏ ấy. Họ vẫn rao giảng, họ vẫn nói họ theo là họ đã lừa dối chúng ta, lừa dối ông Thi và ông/bà Giang vì một sự ngây thơ…của các ông. Ông nên tin rằng, khi người ta không còn nhìn thấy cái lợi trong sự giả vờ ấy, thì mặt lạ lúc đó sẽ tự rơi ra, và chúng ta nhận ra thì đã quá muộn và vô nghĩa.
        4, Thế giới luôn mở ra theo những “hệ qui chiếu” khác nhau, và chúng ta phải nhận thức và đang nhận thức thế giới theo những hệ qui chiếu đó.Đó không phải là cuồng ngôn. Chỉ vì giang cho là cuồng ngôn, nên chỉ có thể nói theo, và nói như cừu mà thôi.
        5, giang hiểu tôi viết đây không phải cho riêng ông Thi, và giang . Tôi muốn viết cho nhân dân của tôi nghe, rằng trong cái ngột ngạt của những xiềng xích giáo điều, kinh viện; trong cái vòng luẩn quẩn của những tư duy cũ nát như bầy cừu, chúng ta cần phải thét lên để xé toang nó ra, và có thể cũng rất cần cả sự lộng ngôn, theo cái ám chỉ của ông giang

        • Đặng Văn Hiển said

          Bạn NHC mắc đúng cái thói xấu hỗn láo của bọn cs coi thường tiền nhân rồi,sao lại bảo không nên “úp mặt vào quá khứ, vào lịch sử mà tụng ca, noi theo” ? Lập luận của bạn nhiều cái tầm bậy nhưng chỉ xin nêu một thứ để bạn tự xem lại mình.

        • Giang said

          Canh kém nhận thức nên mới không hiểu nổi ông Thi đang khéo léo lôi đám quan cộng sản ra ánh sáng và ông Thi mới là người đang nói với dân. Ông ấy làm công việc cụ thể, nói có sách mách có chứng chứ không hô hào những câu sáo rỗng kiểu “hệ quy chiếu” rồi gào thét cấu xé như Canh.

    • ĐàoTiến Thi said

      Gửi ông NHC
      1. Ông bảo”Không, không phải học hỏi ở đâu xa cả, càng không phải học cái đã trở thành lịch sử”. Thế thì nghiên cứu lịch sử, học môn lịch sử để làm gì, thưa ông? Còn bảo “không phải học hỏi ở đâu xa cả” thì chính bài của tôi toát lên ý đó: học ngay chính cha ông mình. Học cái gì? Học cái tinh thần dũng cảm, cầu thị, dám từ bỏ cái sai lầm, lạc hậu, dù nó đã từng là lý tưởng phấn đấu.
      Chắc ông Canh muốn đề ra một con đường hay mô hình XH mới? Đấy không phải là nhiệm vụ của bài này. Bài này chỉ đề cập cái tinh thần (ý chí, nguyên lý) đổi mới. Như tôi viết ở kết bài: nếu Đảng chấp nhận, sẽ có những chuyên gia vạch ra lộ trình cụ thể. Chắc sẽ không có ai nghĩ rằng ngày nay ta học theo nước Pháp hồi thế kỷ XVIII, XIX hay nước Nhật hồi đầu thế kỷ XX. Không ai nghĩ thế cả. Học theo phương Tây bây giờ là học theo phương Tây hiện đại cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI này.
      2. Tôi không yêu cầu “bỏ hẳn” (bỏ tất cả) CN Mác Lênin mà chỉ bỏ phần học thuyết chính trị, tức ý thức hệ, tức cái mô hình CNXH. Tôi đã tách nó ra khỏi phần triết học và đạo đức, đã giới thuyết nó ngay từ đầu còn gì. Phần triết học (chủ yếu là của Mác) vẫn có những điểm đúng, ví dụ thượng tầng kiến trúc phải phù hợp hạ tầng cơ sở như tôi đã dẫn. Cũng như các cụ sỹ phu Nho học đầu thế kỷ XX bỏ cái mô hình xã hội của Nho giáo, còn đạo đức Nho giáo các cụ vẫn tiếp thu rất nhiều. Ví dụ: ý thức trách nhiệm với xã hội, tinh thần xả thân vì đại nghĩa,…

      • nông dân said

        “Người xưa học một biết mười, ngày nay học mười nhưng chỉ biết một” Điều này, theo tôi nghĩ đúng với cái Tâm và cái Tầm của người xưa, Mà không những chỉ có vậy, sở học và khả năng của họ đã tạo ra những sự chuyển biến đáng kể cho đất nước, trong một tình thế còn lạc hậu, phe phái mâu thuẩn, còn phải đối phó với sự đô hộ ngoại xâm, là một gánh nặng không dễ cho những người có tâm huyết . Vẫn là một di sản quý báu cho thế hệ hiện nay học hỏi.

        Họ vừa phải chu toàn trách nhiệm của sĩ phu đối với người dân , trong việc khai mở dân trí bằng giáo dục thực hiện ý thức dân quyền trong xã hội, vừa phải chống đở với đám hủ nho, bảo thủ muốn duy trì tinh thần nô dịch “vua chúa – nô lệ”, ăn bám vào cơ chế lạc hậu , để được vơ vét, ăn trên ngồi trước. và cả hậu quả ngu dân để trị , tạo ra những thành phần “quậy phá” công cuộc canh tân với đủ thứ chiêu bài hạ cấp “thủ cựu bài tân”, kể cả xuất phát từ sự kích động của ngoại xâm cấu kết với những vua quan bán nước, làm tay sai cho giặc.

        Vừa đối phó với thù trong , giặc ngoài, vừa phải xây dựng xã hội, đội ngũ nhân sự , dựa trên cơ cấu của chính quyền đô hộ, vốn được đào tạo theo trào lưu văn minh , tiến bộ , đồng thời lôi kéo họ theo đường lối chủ trương độc lập dân tộc, xây dựng một xã hội dân quyền , tự do , dân chủ, thay đổi sự kiềm hãm lôi thời của chế độ phong kiến, và cả sự nghi kỵ lẫn đàn áp của cả hai , vua quan, và chính quyền đô hộ. Là những việc vượt nghìn trùng quan ải, mà với tinh thần dũng cãm từ bỏ hết mọi quyền lợi giai cấp sẳn có, cầu thị học hỏi những điều văn minh , tiến bộ, ngay cả đối với kẻ thù , để mong đem đến sự cường thịnh, hạnh phúc , ấm no cho dân tộc, đất nước. Tấm gương ấy, dân tộc Việt Nam không bao giờ quên.

      • Nguyễn huy canh said

        Gửi ông ĐTT:
        Các cụ có đời sống của các cụ, có nhiệm vụ của các cụ. Chúng ta có đời sống của ta, có những yêu cầu và nhiệm vụ của ta. Hiện tại muốn đứng lên được, vượt lên được từ “2” chân của mình thì cần phải giã từ, phải vứt bỏ lịch sử. Lịch sử chính là hòn đá tảng của hiện tại. Việc học, nghiên cứu nó của chúng ta, và của các sử gia không đồng nghĩa với việc lôi kéo nó vào trong hiện tại, ông Thi ạ. Nhân đây tôi cũng nói với ông, đời sống không phải là những kế tiếp có tính tuyến tính. Đời sống luôn đứt đoạn, và luôn có khoảng trống bao bọc ta: vô định, bất định , bất trắc là những tính từ luôn gắn chặt đời sống của lịch sử hiện đại. Đó là điều tôi muốn nói, chúng ta đừng úp mặt vào nó.
        Tôi cũng thừa hiểu sự phân chia làm 3 phần của ông đối với học thuyết Marx. Nhưng ông nên nhớ rằng, học thuyết chính trị-xã hội của Marx chính là sự nối tiếp, là cụ thể hóa những nguyên lí cơ bản của “hình nhi thượng” đấy. Không có cái kiểu chỉ có dưới sai, còn trên đúng; rằng lí thuyết triết học thì đúng, chỉ có vận dụng là sai. Học thuyết về các hình thái kinh tế-xã hội của ông đã sai từ nguyên lí duy vật; từ phương pháp xem xét trừu tượng lịch sử như một dòng chảy, kế tiếp nhau…
        Tôi chỉ muốn nói với ông điều này: trước khi khuyên người khác biết vứt bỏ những giáo điều, hủ lậu, hoang tưởng thì, bản thân ông cũng phải đoạn tuyệt được một cách tiên quyết những sản phẩm cổ xưa của lịch sử, trong đó có toàn bộ học thuyết Marx; rằng đừng lấy một luận điểm nào trong đó làm cơ sở cho những thuyết minh của mình trong những lời khuyên như thế. Lòng nhiệt tình, sự tâm huyết-đó là điều tốt, nhưng phải có tri thức mới nữa ông ạ. Đó là lời khuyên chân tình của tôi

    • văn lâm said

      Huy Canh cố tình hay không hiểu được ý tứ không mấy phức tạp Bác Đào Tiến Thi nêu ra trong bài viết:

      -Những bậc danh nho bác Thi nêu trong bài viết đang phần lớn là giới mũ cao áo dài có nhiều công trạng xây dựng nên lế giáo phong kiến, không khác mấy các bác Đảng viên đương chức đương quyền bây giờ trong xã hội VN ngày nay. Nhưng các Cụ không hủ nho,nhìn thấy xã hội phong kiến lạc hậu,bảo thủ trì trệ không thể tiếp thu văn hóa ,tiến bộ xã hội để hội nhập với thế giới văn minh thì các Cụ quyết phế bỏ lễ giáo phong kiến một thời mình đã góp công xây dựng nên để bắt nhịp với thế giới van minh.

      Câu hỏi đắt ra là cũng trong hoàn cảnh tương tự,những người CSVN chân chính có làm theo được như các Cụ không hay còn hủ CNXH hơn cả những kẻ hủ nho xưa kia?

      -Bác Thi đúng khi cho rằng sự đổi mới của Đảng CSVN mới chỉ trong lĩnh vực kinh tế (nhiều thành phần) còn chính trị thì chưa có gì mới(vẫn cơ chế XHCN,tập trung quan liêu).Đổi mới như thế mới là nửa vời,đầu Ngô mình Sở và như thế thì đầu Ngô đâu có lãnh đạo được mình Sở ?(chính trị không tương thích,không quản được kinh tế).

      Huy Canh viết thế như thể để bảo vệ Đảng nhưng thực tế chính Huy Canh mới là phần tử thiếu ý thức xây dựng và đang phá Đảng CSVN đó.

      • Thành said

        “…sự đổi mới của Đảng CSVN mới chỉ trong lĩnh vực kinh tế (nhiều thành phần)…”

        Về điều này nhà em cũng thấy chỉ là sự lòe bịp hoặc một cách nuôi vỗ béo thôi. Nhiều thành phần kinh tế tư nhân sẽ và đã chết một cách “bất đắc kỳ tử” chỉ vì một chính sách có lợi cho lợi ích cá nhân của các nhân vật trong bộ máy chính quyền – bộ máy cai trị.

    • LHL said

      Đúng là cu Canh này thuộc dạng ngộ chữ,học lóm đâu mấy chữ xủng xoẻng “hệ quy chiếu” làm đem ra lòe thiên hạ mà chả hiểu nó là cái quái gì. Lại còn lên giọng chê bai “phong kiến cách đây hàng trăm năm”. Thử hỏi đám CS thời nay xách dép đi học các cụ Phan ngày xưa có nổi không ? Lại còn giở giọng hỗn láo “úp mặt”.

  7. […] nước độc quyền sản xuất vàng miếng & Xuất nhập khẩu nguyên liệu vàng BÀI HỌC ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC, ĐỔI MỚI CHÍNH MÌNH TỪ CÁC SỸ PHU NHO HỌC ĐẦ… KẾ HOẠCH “CHIẾM HỒNG CÔNG” – CƠN ÁC MỘNG ĐỐI VỚI BẮC KINH MỘT SỐ […]

  8. quoc viet said

    Xin chào bà Đào Tiến Thi
    Xin chào các bạn!

    Sau tôi mình xin nói về vai trò to lớn và không thể phủ định được của Đảng cộng sản trong quá trình đấu tranh và phát triển đất nước của Giai cấp vô sản và công nhân trong nước ta và trên toàn thế giới nói chung:
    Đảng cộng sản là hiện thân,là một tổ chức đại diện cho quần chúng nhân dân
    Như chúng ta đã biết,lực lượng chủ yếu và lòng cốt của Đảng Cộng Sản là đội ngũ công nhân trí thức và cá đại diện tiêu biểu của giai cấp vô sản.Do sự vững mạnh về chính trị và tư tưởng và nó được vun đắp qua các tiến trình lịch sử.Đảng cộng sản lấy Chủ nghĩa Mác_LêNin làm kim chỉ nam dẫn đường và soi sáng,giúp họ thực hiện được mục tiêu thiêng liêng và cao cả của mình là xóa bỏ mọi áp bức,bóc lột và tiến lên xây dựng một Xã Hội chủ nghĩa công bằng và văn minh.

    Đảng Cộng sản ra đời là tính tất yếu và khách quan của tiến trình lịch sử:
    Trong thực tế đấu tranh của giai cấp công nhân(đại diện cho giai cấp vô sản) thì những phong trào này thực chất đã xảy ra ngay từ khi mới hình thành Chủ nghĩa tư bản.Bản chất của chủ nghĩa tư bản là người bóc lột người,nó bóc lột công nhân và nông dân lao động,biến họ thành những người “Vô Sản”,đẩy họ vào bước đường cùng,họ mất hết tư liệu sản xuất
    buộc phải đem bán sức lao động của mình để kiếm sống.Trong nền sản xuất Tư bản chủ nghĩa thì nhân dân lao động bị bọn tư sản coi là những món hàng hóa “sống”,đem sức lao động của mình ra để làm việc nhưng cuối cùng thì thành quả lao động rơi vào tay ai???
    Và như thế nghiễm nhiên chủ nghĩa tư bản trở thành một giai cấp tồn tại và chỉ tồn tại được bàng hình thức “NGƯỜI BÓC LỘT NGƯỜI”.Mà có áp bức ắt có đấu tranh và điều này đã chứng minh bằng quá trình đấu tranh lâu dài giữa quần chúng nhân dân lao động và công nhân với giai cấp hay nói đúng hơn là tầng lớp tư sản.
    Phong trào đấu tranh của công nhân đã nổ ra rất mạnh mẽ,mặc dù các phong trào này phát triển về số lượng,quy mô của các cuộc đấu tranh có thể được mở rộng,tuy nhiên đều thất bại vì sao lại vậy???
    Vì họ thiếu một thứ vũ khí quan trọng nhất đó là một hệ thống lý luận hoàn chỉnh chỉ ra vị trí và địa vị của họ trong xã hội cũng như phương pháp đấu tranh cụ thể.qua đó thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân thực hiện viêc lật đổ Chủ nghĩa tư bản,tự giải phóng cho chính mình…

    Mối quan hệ không tách rời giữa nhân dân lao động,công nhân và đảng cộng sản:
    Từ khi ra đời,Đảng cộng sản đã khẳng định vị thế và vai trò tất yếu của mình trong công cuộc đấu tranh và công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.
    Đảng từ nhân dân mà ra,do nhân dân xây dựng nên:
    Lại nhắc lại thành phần của tổ chức Đảng là do đội ngũ công nhân trí thức là chủ yếu cho nên Đảng ra đời là để phục vụ nhân dân,chứ không có lợi ích nào ngoài ra,sức mạnh của đảng chỉ Được thể hiện khi thu hút được đong đảo quần chúng nhân dân tham gia vào tiến trình vĩ đại là xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa.
    Đảng có vai trò tham mưu , chỉ đạo và tập hợp nhân dân chung sức đồng lòng trong tiến trình xây dựng này.
    Lợi ích của Đảng gắn liền với nhân dân
    Hoạt đọng của Đảng là vì nhân dân.
    Sức mạnh của Đảng là sức mạnh nhân dân.

    NÓI VỀ NHO GIÁO:
    Những nhà nho,những bậc hiền triết thông thạo kinh thư,đọc sách thánh hiền là những còn người tài đức vẹn toàn,đáng để chúng ta kính nể và noi theo
    Ở đây tôi không phủ nhận điều này xin bà Đào Tiến Thi hiểu rõ,
    Và trên thực tế có nhiều trí sỹ yêu nước mà xuất thân từ các nhà nho đã thức thời đứng lên đấu tranh,bảo vệ đật nước như cụ Phan Bội Châu,cụ Huỳnh Thúc Kháng,… như bà đã viết.Và những nhân vật này đã được nhân dân rất kính trọng và tin tưởng.Điển hình như cụ Huỳnh Thúc Kháng-một nhà nho truyền thống,một trí sỹ nỗi lạc,ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đi Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức với chính phủ Pháp và cuj đã được giao trọng trách nắm giữ quyền chủ tịch nước,một công việc vô cùng khó khăn và vất vả lúc bấy giờ.
    và còn nhiều tấm gương tiêu biểu khác.

    Nhưng ở đây tôi xin bà Đào Tiến Thi và các bạn hiểu rõ là tôi không phủ định vị trí và vai trò của Nho giáo đã từng giữ vai trò chủ đạo trong nền tư tưởng của nước ta.
    Nhưng lý luận phải gắn với thực tế phải áp dụng được vào tình hình của nước ta trong thời đại hiên nay.
    Lý luận không gắn với thực tế chỉ là thứ lý luận trên sách vở dùng để nghiên cứu chứ không thể giải quyết được vấn đề xã hội.Không giúp ích gì được cho đất nước và nhân dân ta!

    ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM QUANG VINH:
    Đảng Cộng sản của chúng ta cơ bản ra đời và hoạt động dựa trên lợi ích của nhân dân ta lấy dân làm gốc lấy giai cấp công nhân và đội ngũ công nhân trí thức làm lòng cốt,phấn đấu xây dựng,tất cả vì nhân dân và dân tộc ta.
    Cũng như vậy Đảng ta lấy Chủ nghĩa Mác_LêNin làm kim chỉ nam để hoạt động,kết hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh tạo thành một hệ tư tưởng chủ đạo soi đường,chỉ lối vạch ra con đường tiến lên chủ nghĩa xã Hội cho nhân dân ta.
    Nói cho cùng thì Đảng do nhân dân xây dựng nên,do nhân dân làm chủ,thử hỏi vậy thì Đảng phục vụ quyền lợi cho ai???
    Nói Đảng là độc quyền là chuyên chính là hoàn toàn sai lầm lớn,
    Nhân dân có quyền bầu ra hoặc phế truất đi người đứng đầu?Thử hỏi có chế độ độc quyền chuyên chính nào như vậy không?

    Nói những lý luận này không phải tôi và các bạn phân tranh xem Đảng hay một tổ chức chính trị nào đó lãnh đạo đất nước mà cái quan trọng nhất là xây dựng một đất nước phồn vinh,dân giàu nước mạnh.
    đó là cốt lõi vấn đề.
    Đảng Cộng Sản Việt Nam đã-đang-và sẽ làm rất tốt công cuộc lịch sử này.
    Và lịch sử đã ghi nhận những thành quả to lớn không thể phủ nhận mà dưới sự lãnh đạo của Đảng chúng ta đã đạt được.
    Đảng là niềm tin là chân lý sống của tôi và tất cả chúng ta,với vai trò không thể thiếu của Đảng cộng sản vì vậy nhân dân ta hãy đồng lòng và hãy trọn vẹn đặt niềm tin vào Đảng và nhà nước ta.
    Đảng vì ta,ta vì Đảng mà ra sức phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp.
    Đừng vì mấy cái tồn tại trước mắt mà mất lòng tin,cái chúng ta cần là phải nhìn xa hơn trông rộng hơn,chúng ta cần nghiêm túc nhìn về lịch sử và hướng về tương lai mà nhìn nhận và đánh giá…
    Sức mạnh là đoàn kết,đoàn kết là sức mạnh.

    Những lời tôi nói trên đây tôi tin chắc cá nhân bà Đào Tiến Thi và bạn đọc đã hiểu,tôi nói vậy không phải vì muốn tranh đua gì về quyền lợi cả,
    mà tôi chỉ muốn đứng lên bảo vệ lẽ phải mà thôi.
    Bà Đào Tiến Thi và bạn nào còn có ý nghĩ giống bà xin xem xét lại một cách kỹ lưỡng đừng lấy cái tồn tại mà so sánh với mọi được….

    • quốc việt nói: “Như chúng ta đã biết,lực lượng chủ yếu và lòng cốt của Đảng Cộng Sản là đội ngũ công nhân trí thức và cá đại diện tiêu biểu của giai cấp vô sản”. Chỉ riêng điều này đã là trí trá và ngụy biện. Anh Đoàn Văn Vươn đại diện cho tầng lớp gì khi anh bị oan khuất thì bị tù 5 năm, còn những quan chức sâu mọt đại diện cho cái gì thì được án tù treo. Ông Cù Huy Hà Vũ đại diện cho cái gì, ông làm những việc gì mà bị 7 năm tù? nhân dân cả nước đều hiểu sự oan khuất trong đó, đều biết tường tận, kể cả khi phương tiện tuyên truyền các kiểu cho rằng Cù Huy Hà Vũ là phản động. bloger “Điếu Cày” đã làm gì là án tù do cổ vũ lòng yêu nước, biểu tình chống Tàu cộng xâm lược!…
      đó mới chỉ là những sự việc sảy ra gần đây, ai cũng dễ dàng tìm kiếm thông tin để xác nhận… rất nhiều trường hợp tương tự. Vậy những người đó đại diện cho ai: Quý tộc địa chủ, cường hào gian ác hay cướp giật trộm cắp?
      Từ các biểu hiện trên cho thấy: Đảng cs chỉ đại diện cho chính đảng cs, không thể hiện sự công bằng trong bất kỳ sự việc cụ thể nào. Đảng cs và các quan chức bảo vệ chế độ luôn được ưu đãi đặc biệt, mặc kệ các tầng lớp dân chúng đúng hay sai. Vì thế: các quan chức dù tham nhũng, dù ức hiếp bức hại dân lành như thế nào, Đảng cs đều sẵn sàng bao che, lấp liếm, vô hình tạo một đội quân tham tàn sẵn sàng bằng mọi giá bảo vệ đảng, cũng chính là bảo vệ quyền bóc lột nhân dân của các quan.
      Những lời lẽ ngụy biện không thể nào che dấu sự thật. Đảng cs có thể có đường lối chính đáng, nhưng không có một đảng đối lập để kiểm soát hành động, lâu nay đã tạo thành một đảng cs quá dễ dàng trong mọi việc, trở thành con bệnh không cần dùng thuốc mà vẫn sống, trở thành một cái quái thai, tàn độc và vô nhân đạo.
      Tôi không tin Đảng cs còn có thể độc tôn nhiều năm nữa, cũng như cổ súy cho sự độc tài như là bảo vệ cho một kiểu chính quyền dùng khủng bố nhân tâm làm công cụ điều hành, cần phải được nhân dân cả nước, nhân dân thế giới đặt ra ngoài vòng pháp luật.

    • văn lâm said

      Quốc Việt dài dòng vô ích.Sao có thể đánh đồng những người CSVN trước 1975 với chính những người CSVN ấy sau 1975?

      Trước 1975 những người CSVN đi tiên phong ,cùng nếm mật nằm gai,cùng hy sinh xương máu vì độc lập của Dân tộc vì tự do của nhân dân.

      Sau 1975,một bộ phận không nhỏ đảng viên Đảng CSVN trở thành cán bộ lãnh đạo các cấp,họ đâu còn áo nâu chân đất ,nếm mật nằm gai ,sẻ chia miếng cơm manh áo cùng nhân dân lao động.Họ đi mây về gió,cao lương mĩ vị ,nhà lầu xe hơi bạc tỉ.Đi với nhân dân lao động,họ núc níc nục nạc như bầy ngỗng lẫn trong đàn vịt cỏ thảm hại.

      Hồ Chí Minh nếu còn sống thì chắc chắn Người sẽ lấy là hổ thẹn với số không nhỏ lớp cán bộ CS hậu sinh tham lam vô độ ở VN ngày nay.Xin chớ lấy Người làm tấm bình phong,không thể che được dân nghìn tay nghìn mắt đâu .

  9. Phong Vũ said

    bài viết khá […]

  10. Phong Vũ said

    phải công nhận bài[…]

  11. […] Đào Tiến Thi-ABS […]

  12. Cần lao said

    Nhìn vào trí thức hôm nay
    Đớn hèn hơn lũ ăn mày công môn

    Lý luận rất là cũ mòn
    Dũng khí mềm nhũn như con nê rồi

    Kém xa zững kẻ bút bồi
    Cho Tây- Mỹ thuở da nồi xáo xương

  13. Ẩn danh said

    Đất Nước, nhân dân và xã hội cần đổi mới cà phát triển cần xóa bỏ những hư hỏng cũ kỹ vùa cầ nhìn rõ sự thạt đúng sai tốt xấu của cái chế độ hôm nay mà cunngx cần tìm lạ những bài học của quá khứ.Anh Thi đã làm một việc có ích.Nghiệm ra trong mọi cuộc chuyển đổi xã hội bao giờ trong hàng ngũ tầng lớp cũ cũng có những người thức thời tham gia với nhân dân,có khi còn cả bọn cơ hội nữa.NHư các cụ xưa nói,nếu nhân dân mạnh và khôn sẽ biết cách phát huy ai và sàng lọc những kẻ nào.KM

  14. Nguoivodanh57 said

    Môt la thư đây trach nhiêm va tâm huyêt cua môt ngươi c.san chân chinh.mong tac gia đao tiên chi co nhiêu bai đong gop tâm huyêt nưa.cam ơn

    • quần chúng said

      Xin lỗi bác, không có người CS chân chính, không bao giờ có! Chỉ có người Quân tử và kẻ cơ hội.
      Bác Thi là một người quân tử. Thế thôi!

  15. Điều tôi xót xa nhất là hiện tại có rất nhiều trí thưc tầm cỡ anh Thi trong đảng cũng như ngoài xã hội, nhưng cứ vẫn là những ông “nghị gật”. Tại sao quý anh áy không ý thức được cái lương tâm trách nhiệ của mình. Còn với lãnh đạo thì quý ngài nên láy câu đồng giao nầy để tự trọng với lương tâm (nếu còn như thường tợ phụ) :TRỜI SAI QUỶ SỨ DỌN ĐƯỜNG, MA VƯƠN CƯỚP NƯỚC CHƠN VƯƠN TRỊ VÌ. Quý vị tự cho mình là đại diện của loài người tiến bộ,, vậy cái tiên bộ nào cho đất nước, dân tộc đây !

  16. Người sông Tiền said

    Cám ơn những lời tâm huyết của ông Đào Tiến Thi gửi BCHTƯ Đảng, nhưng chẳng khác nào nói với đầu gối. Vì TƯ quá bảo thủ và lợi ích của phe nhóm chỉ còn cách đứng lên xóa bỏ chế độ CSVN mà thôi. Tôi tin với trào lưu dân chủ, tự do và nhân quyền hiện nay, không có thế lực nào ngăn nổi quá trình dân tộc ta đi tới ấm no, hạnh phúc.

  17. […] Đào Tiến Thi, thường trú tại 113E Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội, chứng minh nhân dân số 013060932; là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (thẻ Đảng số 97 003164); […]

  18. Cảm ơn Anh Đào Tiến Thi. Dù tôi không tin những người CS họ thật tâm lắng nghe anh, nhưng những tâm huyết của anh cũng thật đáng quý đối với nhiều người. Như tinh thần của Đức Phật: “tự giác, giác tha”, điều gì mình biết thì nên chia sẽ cho người khác cùng biết.
    Theo tôi, trong hàng ngũ ĐCSVN vẫn có không ít những người có tinh thần tiến bộ, có tâm, có tầm. Nhưng hiện tại thì phái bảo thủ vẫn còn mạnh. Do đó, sự “tiến hoá” của Đảng tất yếu còn nhiều khó khăn. Nhưng tôi vẫn có niềm tin vào nhân dân ta, vào đất nước ta, tin vào những giá trị tiến bộ, văn minh không sớm thì muộn cũng sẽ chiến thắng.
    Riêng tôi có dự đoán rằng, ít nhất khoảng sau 2030 thì nước ta mới trở thành một nước dân chủ thật sự. Do đó những người cách mạng phải có sự kiên trì, có tầm nhìn và đầu óc thực tế. Tôi nghĩ tiến trình dân chủ hoá ở nước ta không lạc quan nhưng cũng không quá bi quan.
    Xin gửi anh lời chào kính trọng.

  19. Giao việc said

    Giao nhiệm vụ cho ĐCS VN cho đến năm 2015:
    1. Giải phóng Hoàng Sa, Trường Sa.
    2. Phát triển kinh tế bằng Thái Lan.
    Xong hai việc đó đi rồi muốn họp gì thì họp.

  20. hát xẩm xứ nghệ said

    Cảm Ơn anh Thi với một bài viết công phu, nhưng toàn những người có học hiểu biết đọc để phục và tâm đắc tấm lòng của anh một người trí thức còn có tâm nghĩ về Dân vê Nước trong hoàn cảnh hiện nay. Còn BCHTU đảng cọng sản VN thì họ đâu có muốn cách tân đổi mới gì đâu, họ khư khư dự cái chế độ chính trị thối rựa này để họ cướp của Dân ma, ko bao giờ họ từ bỏ cả , chỉ có nhân dân vùng lên khởi nghĩa lật đổ tiêu diệt hết đi. hu.hu…

  21. Tien Van said

    Đất nước trong […]

  22. nam dan said

    Tuy nhiên trong tình hình xã hội mới,xã hội của sự hội nhập sâu rộng về mọi mặt,cho nên chúng ta không thể áp đặt cả một hệ tư tưởng của Nho giáo vào tình hình thực tiễn bây giờ được,với nước ta thì không phải là loại bỏ hoàn toàn hệ tưởng này mà vẫn khéo léo áp dụng vào trong thực tế cuộc sống của chúng ta,biểu hiện như các quy tắc ứng xử thường nhật,như kính trọng,lễ phép với cha mẹ,với ông bà tổ tiên,…và cũng khéo léo bài trừ đi các hủ tục lạc hậu như mê tín dị đoan,tin tưởng vào tín ngưỡng

  23. thanh dong said

    Phải trải qua quá trình chuẩn bị, đấu tranh thương lượng hàng chục năm chúng ta mới trở thành thành viên tổ chức quốc tế lớn đó, trong khi một nước lớn như nước Nga, thời gian để trở thành thành viên WTO còn dài hơn ta nhiều.

  24. phong đạt said

    việt nam là một trong số các nước thành công trong việc đổi mới đất nước ,đó là một điều may mắn, tuy nhiên không phải tự nhiên mà được như vậy, đó là nhờ sự sáng suốt trong các chính sách của đảng và nhà nước ta trong lãnh đạo đất nước

  25. Anh Letter said

    Đất nước trong từng h[…]

  26. non nước said

    thời kỳ hiện nay nước ta đang tích cực hội nhập, có nhiều vân đề thay đổi cần phải kéo theo nhiều sự thay đổi của chính sách của nhà nước, vì vây cần cân nhắc kỷ lưỡng với tình hình và chính sách chúng xem việc gì có thể thay đổi ,việc nào thì không

  27. Ẩn danh said

    Bài viết có trình độ, có tính thuyết phục

  28. nguyễn thắm said

    những việc làm liên quan[…]

  29. minh châu said

    không chi riêng việt[…]

  30. Hiền Cầu said

    Tư tưởng của Bác Hồ lấy “phê bình và tự phê bình” làm công cụ chỉnh đốn và xây dựng Đảng. Tôi cho rằng, điều đó có thể đúng cho một thiểu số nào đó. Tuy vậy, ngày nay, với hơn 3 triệu Đảng viên, mà phần lớn, mục tiêu vào Đảng là để no thân, phì gia thì “phê và tự phê” biến thành vở kịch vừa bi, vừa hài. Bác Thi đưa ra bài học cho cả một bầy sâu, khuyên chúng đừng cắn phá rau màu, làm sao chúng chịu?

    • văn lâm said

      Phê tự phê chỉ đúng trong trường hợp Đảng CSVN đang còn trong giai đoạn đấu tranh giành quyền lãnh đạo.Các Đảng viên khi ấy đều vì một xã hội lý tưởng trong tương lai mà tự nguyện chụi hy sinh gian khổ gia nhập Đảng CS,đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc.

      Ngày nay ,khi Đảng CSVN đã là đảng cầm quyền,đặc biệt trong cơ chế kinh tế thị trường,khi thiếu vắng sự giám sát cạnh tranh quyền lực một cách minh bạch công bằng, những lợi ích gắn liền với quyền lực sẽ biến phê tự phê thành một công cụ lạc hậu,nặng về hình thức ,che đậy những lợi ích cục bộ cá nhân gây rối loạn chính trường.

      Kinh tế thị trong đó cạnh tranh là động lực phát triển .Thiếu vắng minh bạch và dân chủ xã hội, sự cạnh tranh lành mạnh sẽ bị thay thế bằng liên kết nhóm lợi ích mang tính chất Maphia tàn bạo.

  31. lúa nước said

    bài học nào […]

  32. […] nước độc quyền sản xuất vàng miếng & Xuất nhập khẩu nguyên liệu vàng BÀI HỌC ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC, ĐỔI MỚI CHÍNH MÌNH TỪ CÁC SỸ PHU NHO HỌC ĐẦ… KẾ HOẠCH “CHIẾM HỒNG CÔNG” – CƠN ÁC MỘNG ĐỐI VỚI BẮC KINH MỘT SỐ […]

  33. lê dũng said

    đất nước ta […]

  34. Nguyễn Hiếu said

    Dậy, dậy, dậy nào Quoc Viet!
    Mai thi CNXH khoa học hay sao mà nằm mơ nói sảng vậy?

  35. TRAN MAI said

    KHẲNG ĐỊNH CHỦ NGHĨA CỌNG SẢN VẪN ĐÚNG
    Cái đúng của CNCS giống như cái đúng của đồng hồ chết máy. Mặc dù, đồng hồ có chết máy, nhưng nó vẫn 2 lần chỉ đúng giờ trong một ngày. Nhưng thử hỏi, trên thế giới còn ai sử dụng cái đồng hồ chết máy để xem giờ không. Vậy mà, “Đỉnh cao trí tuệ” của VN vẫn đang sử dụng
    NÓ VẪN ĐÚNG, NHƯNG ĐÚNG LÀ NGU

  36. lâm vũ said

    đất nước ta đ […]

  37. kim thúy said

    đất nước muốn p […]

  38. hồng hà said

    những cái gì đúng […]

  39. […]  Đào Tiến Thi: BÀI HỌC ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC, ĐỔI MỚI CHÍNH MÌNH TỪ CÁC SỸ PHU NHO HỌC ĐẦ… (Ba […]

  40. […] Anhbasam […]

  41. quoc viet said

    Nho giáo còn được gọi là Khổng giáo là một hệ thống đạo đức, triết lý và tôn giáo do Đức Khổng Tử phát triển để xây dựng một xã hội thịnh trị. Nho giáo rất phát triển ở các nước châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên (Bắc Hàn),Hàn Quốc (Nam Hàn) và Việt Nam. Những người thực hành theo các tín điều của Nho giáo được gọi là các nhà Nho hay Nho sĩ hay nho sinh. Hiện tại có khoảng 150 triệu người theo Nho giáo tại châu Á.
    Nho giáo đề cao tinh thần tương thân,tương ái,yêu thương con người,Nho giáo là đề cập đến các quy tắc đối nhân,xử thế sao cho hợp với lý lẽ nhân thường.
    Tuy nhiên trong tình hình xã hội mới,xã hội của sự hội nhập sâu rộng về mọi mặt,cho nên chúng ta không thể áp đặt cả một hệ tư tưởng của Nho giáo vào tình hình thực tiễn bây giờ được,với nước ta thì không phải là loại bỏ hoàn toàn hệ tưởng này mà vẫn khéo léo áp dụng vào trong thực tế cuộc sống của chúng ta,biểu hiện như các quy tắc ứng xử thường nhật,như kính trọng,lễ phép với cha mẹ,với ông bà tổ tiên,…và cũng khéo léo bài trừ đi các hủ tục lạc hậu như mê tín dị đoan,tin tưởng vào tín ngưỡng thần thánh của Nho giáo.
    Đảng và nhà nước ta đã “Dĩ bất biến,ứng vạn biến”,bằng việc tổng hợp có chọn lọc,đã khẳng định tiến theo con đường Xã Hội Chủ Nghĩa là con đương đúng đắn,hay nói cách khác đây là con đương tất yếu,phù hợp với quy luât vận động phát triển của xã hội.Và thực tế nó đang phát triển rất tốt đẹp.
    Đảng Cộng Sản Việt Nam là tổ chức chính trị do Bác Hồ kính yêu của chúng ta dày công xây dựng,ngay từ buổi đầu thành lập,Đảng đã xác định cương lĩnh hoạt động để phục vụ nhân dân,do nhân dân bầu ra.
    Ngay từ những ngày đầu còn non trẻ cho tới nay đã chứng minh tính hiệu quả của sự hoạt động của Đảng.tất cả là vì nhân dân thân,
    Cũng phải thừa nhận rằng Đảng ta còn tồn tại nhiều mặt yếu kém,tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh rằng nước ta đang trong thời kỳ “Quá độ lên Chủ Nghĩa Xã Hội”,nên tổ chức còn đang dần dần hoàn thiện,nâng cao năng lực,sức chiến đấu và kiện toàn của đảng,
    Vì vậy toàn thể nhân dân ta cần phải tuyệt đối trung thành với sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước ta,phải cùng chung tay xây dựng một xã hội:”xã hội chủ nghĩa”,cùng nắm tay nhau vượt qua mọi khó khăn,gian khổ hướng tới một Xã hội chủ nghĩa tươi đẹp và cuộc sống ấm no,hạnh phúc như Bác Hồ hằng mong ước!

    • noileo said

      “Vì vậy toàn thể nhân dân ta cần phải tuyệt đối trung thành với sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước ta,phải cùng chung tay xây dựng một xã hội:”xã hội chủ nghĩa”,cùng nắm tay nhau vượt qua mọi khó khăn,gian khổ hướng tới một Xã hội chủ nghĩa tươi đẹp và cuộc sống ấm no,hạnh phúc như Bác Hồ hằng mong ước!”
      Nhân dân ngày nay đã “sáng mắt sáng lòng” rồi @quocviet ơi! Chỉ có những thằng đần độn mới còn tin vào đảng TA mà thôi!

      • Khách said

        @quocviêt
        Không biết các bác thế nào, chứ với tôi không có gì MÊ TÍN DỊ ĐOAN HƠN LÀ ƯỚP NGƯỜI CHẾT CHO VÀO LĂNG để thờ cúng.
        Không tôn trọng môi trường sống của nhân dân. Ô nhiễm.

        • quần chúng said

          Các cậu này phải gọi là nhóm @quốc vẹt mới đúng. Nghĩa tương tự như Quốc Hoa, Quốc phục… nhưng mà là Quốc nhục!

    • Đào Tiến Thi said

      Bác Quốc Việt đừng đánh đồng ba yếu tố trong Nho giáo, bao gồm tư tưởng (phần triết học, tức vũ trụ quan), chính trị (học thuyết về mô hình xã hội) và cuối cùng là đạo đức như tôi đã xác định ngay từ đầu. Yếu tố thứ nhất và thứ ba, nhất là thứ ba hiện nay vẫn nhiều điểm khả thủ. Chính các sỹ phu Nho học nói trong bài cũng ảnh hưởng sâu sắc đạo đức Nho giáo. Chính đạo đức Nho giáo hun đúc cho các cụ cái cương cường lẫm liệt (ví dụ: Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năm khuất), đặc biệt đạo đức Nho giáo dạy người nam nhi có trách nhiệm với xã hội, coi đã sinh ra là nam nhi thì đương nhiên gánh vác phận sự xã hội (Thiên tái ngô, địa tái ngô, thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý – Nguyễn Công Trứ). Đạo đức Nho giáo kết hợp với lòng yêu nước đã tạo nên những văn thân, sỹ phu lẫm liệt hy sinh vì đất nước trong phong trào Cần Vương (cuối thế kỷ XIX) cũng như phong trào yêu nước, dân chủ đầu thế kỷ XX. Bài viết gần đây tôi cũng đã đề cập điều đó. Bác xem ở đây:
      http://xuandienhannom.blogspot.com/2013/04/ao-tien-thi-suy-nghi-ve-vai-tro-cua-tri.html
      Còn cái các cụ lên án như tôi nói trong bài là cái học thuyết chính trị sắp đặt tôn ty bất bình đẳng và bất biến: cái xã hội quân chủ (vua làm chủ). Nói cách khác: cái xã hội vua được coi là con trời, còn quan là cha mẹ
      dân.

      • văn lâm said

        Công của Nho giáo là phần nào có đóng góp vào tôn ty trật tự ổn định xã hội trong thời kỳ phong kiến mông muội.

        Tội của Nho giáo là thủ tiêu “cái tôi” tức quyền con người làm xã hội bị bưng bít thiếu sinh khí sáng kiến tạo công thêm thuyết vô vi của Phật giáo làm cho những nước châu á bị ảnh hưởng bởi Nho giáo và đạo phật bị giam hãm trong chế độ phong kiến tăm tối lạc hậu cả nghìn năm và cho đến ngày nay tư tưởng phong kiến ,hủ nho vẫn chưa được gột rửa tận gốc ngay trong đầu óc của những Nhà lãnh đạo quốc gia ở không ít nước Châu á và Việt nam.

    • DO THỤY said

      quocviet này chắc bị nhiễm bệnh “lú” rồi, cái “thời kỳ quá độ” này nó có từ bao giờ? và đến bao giờ thì chấm dứt? hay nói cách khác, đến bao giờ hoàn thành xứ mệnh lịch sử của nó? chắc không bao giờ! Cứ mở miệng ra là : ” Chúng ta đang trong thời kỳ quá độ tiến lên CNXH”, nói mãi nó sinh ghiền, đến nỗi nó bị ” Lặm”
      Đường CHÂN TRỜI là đích đến của CNXH !!!

    • văn lâm said

      -Nếu chế độ XHCN ngon lành đúng đắn thì nhà nước CS Nga ,thành trì của CNXH và một loạt nhà nước CS khác ở đông Âu đã không sụp đổ.

      -Nếu chế độ XHCN và những phương thức tổ chức Nhà nước của nó tốt đẹp ,hiệu quả thì còn lâu Đảng CSVN mới chuyển đổi từ cơ chế kinh tế quan liêu bao cấp XHCN sang kinh tế thị trường nhiều thành phần bạn Quốc Việt ạ.

      Xin đừng ngụy biện theo kiểu Chí Phèo rằng người VN,Đảng CSVN thông thái giỏi giang hơn những người Nga,thông thái giỏi giang hơn đảng CS Nga !

      Với CNXH,Đảng CSVN đã “lìa ngó ý” rồi thì chớ có “vương tơ lòng” kiên định ,định hướng vào cái CNXH không bao giờ có thật mà ở đấy chỉ có lộng quyền ,tham nhũng và suy đồi XHCN là hiện hữu và có thật.

    • Bầy Hầy said

      Quốc Việt hôm nay có vẻ lạc quan ghê. Mới được xếp khen sao “vui” thế???

    • Cần lao gộc said

      Khen tôi trung Quóc Việt, không như bọn hủ học quay gót đá bát chúng húp cả cặn bã. Và nếu thả mồi vào chúng quay lại húp.

      Nhưng chưa bằng, khi pháo bắn cầu Thanh Trì, Thang Long bọn quan nha đương triều và quân hại nhân đôi, cớm, đoan, lưu manh cộm cán,… sẽ bắn vào những ai cản đường chúng cướp bóc, tháo chạy, đầu hàng. Bọn quân Cam trở về cũng ân oán zang hồ hơn Gia Long trị Tây Sơn, hơn CCRD và cải tạo tư sản.

      Sự hèn hạ ở xứ này zư thừa không kém bất kỳ một lành thổ nào nên mới có 30 năm vô cảm tương tàn huynh đệ. Làm sao mà thành người hỡi bọn hủ học và nha đương triều cùng nhân dân mất dậy đầy dẫy.

      Văn Minh dân chủ là sa xỉ phẩm ở xứ này.

    • Ẩn danh said

      Mấy tuổi rồi mà lạc đề vậy, đọc bài này mà không hiễu hả ? Tác giả dẫn giải lịch sử cận đại, cho thấy tầng lớp trí thức thời Pháp thuộc đã mạnh mẽ tự cải cách như thế nào chứ có bảo là theo hay không theo nho giáo gì cả.

    • ĐẢNG VIÊN 1975 said

      quoc viet chắc 50 hay gần 60 tuổi đảng đây.Nói đúng y xy lời đảng dạy.Cần cấp bằng khen,tuyên dương cho những người này.Chủ nghĩa xã hội không 100 năm thì 200 hay 3,4 trăm năm nữa sẽ tới,dân VN cứ “cần phải tuyệt đối trung thành với sự lanh đạo của Đảng” .Anh em dư luận viên ào ào lên tiếng đi chớ.Đảng ta là văn minh là tiến bộ,là đỉnh ao trí tuệ ai dám thi tài nào?

    • Thứ nhất : phải tìm hiểu xem cái chỗ dựa lưng cho lý luận của ông: bác Hồ kính yêu – có vững bền không? hay chỉ là những hình ảnh đánh bóng tô màu như những nước cộng sản khác: Lê Nin của Nga, Họ Kim của Bắc Hàn, họ Mao của Tàu cộng…
      Thứ hai: Quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã được bao nhiêu năm, đã giết bao nhiêu mạng người, đã làm đất nước thụt lùi so với thế giới bao nhiêu năm, và hệ lụy của nó ngày nay là gì: có phải là sửa đổi hiến pháp?
      Quốc Việt chắc đang đương chức, thế nào mà có thể viết bài dài thế, tâm huyết thế.

  42. Năm Darwin said

    Bài viết rất hay và tâm huyết của bác Đào Tiến Thi. Tác giả đưa ra 3 yếu tố mà các sĩ phu ngày xưa vạch ra để canh tân đất nước:

    1) Kịch liệt phê phán ý thức hệ Nho giáo, đề cao dân quyền, coi dân quyền là cội nguồn của quốc gia thịnh trị;
    2) Từ bỏ đặc quyền đặc lợi của chính mình – một giai cấp đã ăn trên ngồi trốc một nghìn năm;
    3) Đón nhận những yếu tố tiến bộ từ phía kẻ thù với một tinh thần cầu thị cao.

    – Đối lãnh đạo đảng CS họ đều biết cả ba nhưng họ không màng tới vì quyền lợi riêng mà họ đang có lớn hơn quyền lợi chung của đất nước nhiều và dĩ nhiên, không ai hy vọng hay trông mong gì nhà cầm quyền hiện nay chịu “từ bỏ đặc quyền đặc lợi của chính mình”

    – Đối với tuyệt đại đa số nhân dân, thì (1) và (3) đã có chỉ còn (2) là điều mà nhân dân đang trông đợi từ “tầng lớp sĩ phu mới” hay nói theo ngôn ngữ thời đại, một giai cấp mới được “ăn trên ngồi tróc” từ khi có đảng CS đến nay, những trí thức có lòng, những cán bộ, đảng viên lương thiện, chịu từ bỏ những quyền đặc lợi riêng của chế độ này để đứng về phiá nhân dân. Khi ấy, đất nước sẽ thay đổi.

  43. hòa bình said

    những bài học lịch sử là cần phải xem xét, tuy nhiên cần phải cân nhắc rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là tình hình đất nước cũng như thình hình khu vực và trên thế giới hiên tại cũng như đường lối phát triển xuyên suốt của đất nước ta

  44. Nắng thu said

    Tôi công nhận[…]

    • nắng hạ said

      Có lẽ Nắng Thu sống trong sự giã dối quá lâu mà sinh ra lú lẫn. không biết đúng sai, lý luận lẫn lộn. vấn đề đúng sai của C.Mac cả thế giới nầy điều biết những người CS cũng biết chỉ có điều người ta có dám nói ra đúng suy nghĩ của mình hay không thôi. Nắng thu còn hạn chế trong kiến thức lắm, nên đọc nhiều hơn trước khi viết.

      • Đào Tiến Thi said

        Gửi Nắng Thu
        Tôi không hề phủ nhận “SẠCH TRƠN” chủ nghĩa Mác – Lê nin, tôi chỉ phủ nhận sự ĐỘC TÔN (tức lấy CN Mác Lê nin “làm nền tảng”). Chủ nghĩa Mác – Lê nin có những điểm tích cực; thế giới tư bản cũng tiếp thu Mác Lê nin, thậm chí nhiều hơn chúng ta. Tôi biết những điều đó nhưng không phải vấn đề bàn trong bài này.
        Nói thêm:
        – Mỗi một học thuyết chẳng qua là một cách nhận thức thế giới ở một giai đoạn nhất định. Thế giới luôn biến đổi (một cách khách quan) do đó nhận thức của con người cũng luôn thay đổi và là vô cùng vô tận, không bao giờ đủ. Vậy thì có thể nói rằng không một học thuyết nào “đủ dùng” vĩnh viễn cả. Nếu một học thuyết “đủ dùng” vĩnh viễn thì hoá ra nhận thức của con người dừng lại? Bản thân học thuyết của Mác cũng thừa nhận những điều tôi nói trên. Cho nên nếu độc tôn Mác – Lê nin thì thực chất
        đã không theo Mác – Lê nin rồi.
        – Nước ta từ thời nhà Mạc, rồi đầu triều đại Tây Sơn (lúc vua Quang Trung còn sống) đã manh nha những yếu tố cải cách. Nhưng rồi nhà Tây Sơn đổ. Vua quan nhà Nguyễn nắm quyền đặc biệt bảo thủ, độc tôn Nho giáo, coi Nho giáo là “đủ dùng”, bất chấp những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch,… nên làm cho đất nước yếu hèn và kết cục thế nào ta đã biết.

        • Ẩn danh said

          trời ơi hơi sức nào trả lời vậy bác, xem ngôn ngữ thì biết ngay nắng thu là chỉ trả bài nguyên câu thôi mà

    • Năm Darwin said

      Bác đọc không kỹ bài viết nên cho “có sự sai lạc nhất định”, còm của bác chân này đá chân kia. Bác có biết “đầu thế kỷ XX” bắt đầu từ năm nào không?

      Câu này sai “Không thể đổ hết lỗi lầm của chúng ta cho chủ nghĩa Mác – Lênin và mô hình CNXH. Có trách là trách chính chúng ta đã hiểu sai, giáo điều , rập khuôn chủ nghĩa Mác – Lênin và mô hình CNXH”.

      Sai vì nó không những là “lỗi lầm của mô hình” mà còn chính là “lỗi lầm của chúng ta” khi vẫn cố mù quáng xây dựng XH trên một nền tảng triết lý không tưởng. Hơn phân nữa nhân loại và quốc gia trên thế giới đã chứng minh mô hình XH này là hoang tưởng, càng cố chứng minh càng lô ra sự hoang tưởng. Ai cũng thấy chỉ riêng đảng CS mà lãnh đạo của nó là Nguyễn Phú Trọng là không thấy dù ông ta có bằng tiến sĩ.

    • nhandan said

      Tôi hỏi ban Nắng Thu nếu mô hình bạn nói đúng thì sao trên thế giới này ít nước theo (chỉ còn vài ba nước) mà đều là những nước nghèo, hay họ ngu hết?

    • Ẩn danh said

      Tui cũng công nhận Mác là một nhà tư tưởng nè, cái độc đáo của nó là độc hại nhưng vẫn có người mê, thật giông như xì ke, biết là hại nhưng không bỏ được. Chăng còn mấy nước theo ông này kể cả Nga, Tàu. Còn muốn có một hai thăng suy tôn thì dễ ợt thôi mà

    • Nắng cực said

      Nắng thu ơi ! Nắng thu đọc được bao nhiêu sách của Mác-Lê,mà đọc bằng nguyên bản bản ấy?Nắng thu nhìn kỹ thế giớ vận động như thế nào chưa? Phải chăng N thu chỉ được đọc những tài liệu,sách báo,nghị quyết của đảng?Thế giớ mênh mông lắm không chỉ có mấy điều mà đảng CS cư nhai đi nhai lại,khó nuốt lắm !

  45. Minh Anh said

    Hoan hô những ý kiến đầy tâm huyết và thuyết phục của của tác giả Đào Tiến Thi.

    Nếu Đảng CSVN thực sự là một đảng cách mạng, lấy Duy vật lịch sự và Duy vật biện chứng (Thời thế thế, thế thời phải thế) làm cơ sở cho mọi quyết định của mình, luôn đặt lợi ích của Đất nước, của Tổ quốc và nhân dân lên trên lợi ích của mình, muốn luôn xứng đáng với các tiền nhân của Đất nước và của Đảng…thì không ngại ngần gì Đổi mới chính bản thân mình, đổi mới thể chế chính trị, tạo điều kiện cho đổi mới kinh tế-xã hội…lên một bước mới, cho hợp với thời đại, rút ngắn khoảng cách của nước ta với thế giới bên ngoài…lấy lại niềm tin của mình…

    Các tôn giáo còn luôn thay đổi phương thức hoạt động của mình để giữa và phát triển tín đồ thì tại sao một đảng nhân danh cách mạng lại không làm được việc này (?).

    Xin trích một thiền ngôn của Đai la Lạt ma để chia sẻ

    “Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác”.
    “ Khi trong tay anh nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ ấy, nếu anh chịu buông xuống, thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí huệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi.”

    • trucle said

      bài viết quá hay, mà bình luận cũng quá hay. Đảng viên như ông Thi mới đúng là Đảng viên chân chính, góp ý chân thành. Nếu ĐCS thuê chuyên gia và tiến hành một cuộc đổi mới như một cuộc cách mạng thì ĐCS sẽ tiếp tục lãnh đạo nhà nước nầy mà không có bất cứ một tổ chức nào tranh công nổi. Dân ta được hưởng lợi lớn mà không phải nồi da xáo thịt. TQ cũng không dám ho he vì toàn dân một lòng. Cái mạnh ngày nay ta còn có một công đồng người việt ở nước ngoài hùng hậu, trình độ và có tiếng nói. Hy vọng sẽ có thay đổi như Ông Thi và chúng ta chờ đợi. Hãy cùng lên tiếng cùng ông Thi đi các đồng chí CS khác.

      • NguNgơ said

        Trọng Lú: – “Các ông đừng có hy vọng hão nhá. Thuê chuyên gia để…tước đi quyền lực của chúng tôi ?
        Cũng may mà nhờ CHXH ở Liên Xô cùng Đông Âu…sụp đổ, nên chúng tôi mới rút được nhiều kinh nghiệm qúy báu để tiếp tục tồn tại…bây giờ lại xúi dại. Suy thoái ! Suy th…o…ái ! “

  46. Cần Lao gộc said

    Trả lời hủ học

    Gần đấy trong xứ Nam nổi lên bọn hủ học. Gọi là hủ học, thực ra họ chỉ là những kẻ thẫm đẫm giá trị của thời bao cấp – tàn dư phong kiến- hơi hóng chút dân chủ tự do. Do vậy trong ngôn luận họ sặc sụa những vết giun rán lê lết, lổm ngổm.
    1- Giãi tâm ra như như mớ rẻ, áo quần cũ ẩm mốc, hóng ánh dương;
    2- Quẩn quanh sử cũ mà không tỏ tương lai.
    3- Hiềm tị đố kị bọn đương cầm quyền về bổng lộc hơn là vì dân tộc.

    Hãy xem:
    1- Triều Gia Long tồn tại tới (1945 – 1802), được triều sau “quy cõng rắn cắn gà” sau vụ đánh úp ngoạn mục đầy bạo lực,… đương triều sẽ tồn tại không kém Gia Long về thời gian và bệnh hoạn.

    2- Sự đổi thay nhanh sẽ dẫn đến sự trả thù hèn hạ không kém các triều trước ân oan giang hồ. Do vậy, đương triều cố thủ rất ghê tợn. Nhóm hủ học có thể được dung thân khốn khổ, thớ lợ như bọn sĩ phu đầu thế kỷ 20.

    3- Đã hé ra quyền lực “nặng mông” đọng về phía Nam lãnh thổ, bọn sĩ phu bắc hà nay (Đảng gộc) sẽ dần thành hình bóng như nhà Lê đổ dài giá trị hủ học nho đến cuối thế kỷ 19.

    Hãy chờ đó, zưng không nhanh lắm đâu. Nhóm lợi ích rất cần thứ “già làng trưởng bản, hủ học” làm cảnh cho tiến trình đổi thay ít máu xương.

    Thời nào thì bọn hủ học cũng cần như con hề của triều chính.

  47. Cần Lao gộc said

    Tets
    Trả lời hủ học
    (xem tiếp ít phút)

  48. nhandan said

    Theo tôi được biết thì trong báo cáo chính trị tại đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không nhắc đến hai từ là “chủ nghĩa Mác – Lênin” và “tư tưởng Mao Trạch Động”; chỉ đề cấp đến “lý luận Đặng Tiểu BÌnh” , thuyết “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân và “Quan điểm phát triển hài hòa và khoa học” của Hồ Cẩm Đào.

  49. […] Đào Tiến Thi-ABS […]

  50. Dang said

    Cảm ơn bác Đào Tiến Thi vì bài viết rất hay này. Hoàn cảnh xã hội (hỗn loạn), đất nước ta (nguy ngập) thời nay cũng không khác vào thời kì cuối chế độ phong kiến ngày xưa bao nhiêu. Câu nói của cụ Phan Chu Trinh nói về người dân xưa sao giống người dân thời nay quá. (Trích) “Suốt cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian giảo thì như ma, như quỷ, lường gạt, bóc lột, cái gì mà chẳng dám làm; đứa hèn yếu thì như lợn như bò, giẫm cổ đè đầu cũng không dám ho he một tiếng. Cả mấy mươi triệu người như một đàn ruồi lũ kiến, không còn chút nhân cách nào” (Hết trích)
    Đọc mà cảm thấy “thấm” và đau quá.

    Lời khuyên của bác cho những người đảng viên đảng CS thật như thuốc hay chữa đúng bệnh. Hy vọng bệnh nhân không vất thuốc đi.

  51. Hà Huy said

    Vào cuối thập niên 80 , thế kỷ trước . Ở các nước CS Liên Xô , Đông Âu sụp đổ không phải là do điều hành sai lầm của các lãnh đạo các nước trên , đặt biệt là TT Gooc-Ba-Chop như nhiều lãnh đạo CS ở VN , Cuba hay Trung Quốc từng nghĩ và lên án họ . Cái mô hình chủ thuyết Mác-Lê đã được áp dụng ở hầu hết các nước : Chuyên chính vô sản , sản sinh ra độc quyền coi thường người dân và đi ngược với dòng chảy lịch sử . Đưa nhiều lĩnh vực vào tập trung , kế hoạch hóa như Hợp Tác xã NN , Nông trang tập thế , … dẫn đến cha chung không ai khóc . ĐCS đã độc quyền cho mình được lãnh đạo tuyệt đối nên , điều hành bằng nghị quyết , chỉ thị vì thế dễ dàng vi hiến , xâm phạm trắng trợn quyền làm chủ , làm người của người dân . Sự độc quyền không có cạnh tranh trong chính trị dẫn đến kẻ bất tài , giỏi lịnh bợ , độc ác càng ngày càng leo cao quyền lực . Người thực tài thì bị thui chột , bất hợp tác nên họ trở thành bất mãn , kéo lùi cơ hội phát triển đất nước ,… Ngày nay , thể chế CS coi như trở thành vết đen trong lịch sử nhân loại . Thể chế đã trực tiếp hoặc gián tiếp giết chết hàng trăm triệu sinh mạng . Đẩy hàng tỷ người dân chậm bước so với các nước Phương Tây . Rất tiếc , đến giờ này ( qua hơn mười năm của thế kỷ 21) , nhưng CS TQ , VN , Cuba và Bắc Triều vẫn còn định hướng tối tăm về CNXH cho các nước kể trên . Điển hình là Ông TBT Phú Trọng và lãnh đạo trẻ KIm -y- Un . Chỉ khi nào VN đoạn tuyệt về học thuyết sai lầm , trả lại chính quyền cho người dân , có tam quyền phân lập , có đa nguyên , đa đảng thì đất nước mới cất cánh và phát triển lành mạnh . Bài học chuyển hướng của LX và các nước Đông Âu đáng ra được VN rút tỉa từ những năm 90 của thế kỷ trước mới phải . VN luôn lỡ nhịp trên con đường phát triển phồn thịnh của nhân loại .

    • văn lâm said

      Tôi sợ bác TBT N.P Trọng mắc chứng tự kỷ,chỉ thấy mình đúng,người khác sai và nhìn đâu,nghe gì ,nhìn ai cũng thấy thế lực chống đối,suy đồi đạo đức….

  52. hahien said

    Đảng đang bàn chuyện “dân vận” nên không có thời gian để đọc những ý kiến “đảng vận” của những người có tâm huyết như Bác Thi.

  53. Bác Đào Tiến Thi mô tả lại một thời oanh liệt của các cụ trí thức xưa thật đúng lúc. Có lẽ chuyện này xưa nhưng không cũ đối với mãi mãi sau này: dân trí dân quyền được đầy đủ, tự do thì đất nước mới có cơ hội giàu mạnh. Nhưng chuyện xưa được bác DTT nhắc lại trong tình thế có vẻ hơi giống thời thực dân: thông tin trì trệ, một chiều, không có tự do trong tư tưởng và dân trí giống như bị tẩy não hơn là được hấp thụ một nền khoa học tiên tiến theo kiểu xã hội chủ nghĩa. Tại sao ?
    Với một bức thư chỉ dùng hình ảnh người xưa để ám chỉ tình thế hiện tại cũng đủ như mấy chục cái tát vào những kẻ mờ ám. dùng tuyên truyền mị hoặc dân, dùng bịt kín thông tin để lừa dối dân, dùng đàn áp dã man để dập tắt những tiếng nói đòi hỏi công lý, dùng vài đồng công quỹ của dân để xoa dịu chính những nỗi đau do chính quyền gây ra.
    Nếu như dân trí được mở mang một cách tự do, thông tin đầy đủ thì những kẻ chỉ biết mưu lợi riêng làm sao lợi dụng được lòng dân.
    Chỉ trừ khi trung ương của bác Đ T T toàn bọn bất lương cả thì mới không động tâm động óc, nhưng thực tế cho thấy: Với một bức thư của bác chỉ có thể thức tỉnh nhiều hơn tinh thần tự học tập tự biến đổi của dân, chứ khó mà động vào được quyền lợi đã đóng khung của bọn tham quyền cố vị.

  54. nhandan said

    Câu nói của tổng thống liên bang Nga Putin đại thể như sau: “Nếu ở nước nga ai không luyến tiếc Liên Xô sụp đổ là người không có trái tim, nhưng ai muốn nước Nga quay trở lại giống hệt thời Liên Xô là người không có trí óc”

  55. HENVOIGIAC said

    YÊU NƯỚC – THƯƠNG DÂN
    Tưởng đốt hết sách rồi thì con cháu mai sau chỉ biết Mác Lê bách chiến bách thắng mà thôi.

    Ai dè ngày nay vẫn có người nhắc lại lời hay ý đẹp của người hiền cũ xưa để so sánh với thế hệ làm ra nghị quyết hôm nay.

    Cái khác giữa người hôm nay với kẻ sỹ ngày xưa mà bác Đào Tiến Thi không nhận ra là gì?

    Ngày nay người ta biết tuốt. Biết rõ, kể cả có cụ thể con số thống kê. Biết và thấy tận mắt sự tình trong và ngoài nước. Kể cả dân đen cũng không lạ gì đời sống của dân các nước láng giềng vốn cùng cảnh ngộ.

    Họ không cần bác Thi phải nhắc, phải dạy để “đổi mới”.

    Chỉ cần nhận xét rằng: ngày nay trong bộ máy cầm quyền không còn ai YÊU NƯỚC và THƯƠNG DÂN như các sỹ phu xưa.

    Chỉ cần thế là đủ. Mà bác Thi chưa đủ trình để dạy “người ta” yêu nước và thương dân.

    Bác lo dạy con của chính bác “yêu nước và thương dân” thử coi có được không. Nghe nói bác tư pháp Lộc cũng muốn “yêu nước và thương dân” nhưng kẹt nỗi bác ý PHẢI THƯƠNG con cháu các bác trước đã.

  56. nemo said

    Vẫn biết là sai , là thối hoắc rồi nhưng ai sẽ cầm cờ , nhìn quanh thì chẳng thấy minh quân . hay lại loạn đả 12 xứ quân . Hay tạm thời cứ để anh X ? dù sao thì D/c X cũng biết tập hợp lực lượng
    Các bác nghe có được ko cho ý kiến ?

    • quần chúng said

      Đơn giản như đan rổ. Thông qua HP mới không có điều 4, các Đảng phái chính trị mới được thành lập và hoạt động tranh quyền như HP mới quy định.

  57. Trầm kha said

    Lịch sữ thương lập lại nhưng nếu lần nầy cũng lập lại sai lầm của Nhà Nguyễn thì sẽ tệ hơn như tác giả đã phân tích. Tuy nhiên, dũng cảm của tác giả là đáng phục, đáng hoan nghênh, và “Thư ngõ của ĐTT” sẽ đi vào lịch sữ cũng như Bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ thế kỷ XIX.

  58. Cựu CB, thân nhân LS, Đảng viên 40 năm bị lừa đã bỏ đảng said

    Nhục quá trời!
    Nguyễn Quang Lập

    Một tàu cá bị bắn vòi rồng tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam – Ảnh:http://www.gxnews.com.vn
    Báo Thanh niên đưa một cái tin rất chi là sang trọng hùng dũng: Trung Quốc ngang ngược dùng vòi rồng đuổi tàu cá ở Trường Sa ( Tại đây). Tin như vầy:
    Truyền thông Trung Quốc vào hôm nay, 6.5, loan tin một tàu ngư chính của nước này đã ngang nhiên sử dụng vòi rồng để xua đuổi một tàu cá tại khu vực đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
    Tường thuật trên website của tờ Nhân dân Nhật báo nói tàu Ngư chính 45001 của Trung Quốc đã bắn vòi rồng vào một tàu được mô tả là tàu nước ngoài song không nói rõ thời điểm xảy ra vụ việc và chiếc tàu cá bị xua đuổi là của nước nào.
    Đọc cái tin mà sôi gan. Sôi gan vì TQ một, sôi gan vì ta mười.

    Việc tàu ngư chính TQ ngang nhiên coi biển đảo của ta là biển đảo chúng nó xảy ra từ lâu rồi, chẳng lạ gì nữa. Cái chính là tàu giặc xâm hại biển đảo ta tại sao ta không biết? Không biết hay không dám biết? Đến một cái tin cũng phải cậy nhờ báo đảng TQ đăng trước, khi đó đài báo nước nhà mới biết để đăng sau. Tội nghiệp báo chí nước Nam quá trời!
    Cũng chẳng lạ gì cái sự im hơi lặng tiếng nhục nhã của ta, nhưng đến nước này thì không chịu nổi. Không phải giặc vào nhà ta mà ta không biết, biết cả đấy nhưng không dám ho he, từ trên xuống dưới từ dưới lên trên hết thảy đều im hơi lặng tiếng.
    Hội nghị TW 7 không thấy nhắc đến nửa chữ biển đông, trong khi quá lo lắng vấn đề biến đổi khí hậu, một vấn đề rất chi là thế giới ! Đem chuyện biến đổi khí hậu ra bàn để làm gì? Có phải mấy ông muốn né tránh chuyện nợ công, nợ xấu, chuyện lạm phát, chuyện Bauxite, chuyện đấu thầu vàng? Có phải quí vị muốn lờ đi cái biển đông nhà mình đang nước sôi lửa bỏng? Ai chỉ thị cho quí vị đem chuyện biến đổi khí hậu ra bàn trong khi biển đông đang dậy sóng, có phải các đồng chí 4 tốt không?
    Ối giời ơi nhục ơi là nhục!
    NQL

    Đọc thêm cái tin dưới đây trên VNE để tăng thêm nỗi nhục
    Tàu cá Trung Quốc ồ ạt ra Trường Sa
    HÀNG CHỤC TÀU CÁ CỦA TRUNG QUỐC HÔM NAY RỜI CẢNG Ở HẢI NAM TIẾN VỀ KHU VỰC QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM ĐỂ ĐÁNH BẮT HẢI SẢN. CHUYẾN ĐI ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ LÀ CÓ QUY MÔ LỚN NHẤT KỂ TỪ ĐẦU NĂM.
    > KIÊN QUYẾT PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC VI PHẠM CHỦ QUYỀN VIỆT NAM

    Đội 30 tàu cá Trung Quốc trong chuyến ra Trường Sa hồi tháng 7 năm ngoái. Ảnh:Chinanews
    Đội tàu cá gồm 32 tàu, trong đó có một tàu cỡ lớn 4.000 tấn và một tàu 1.500 tấn, rời cảng Bạch Mã Tỉnh ở thành phố Đam Châu, tỉnh Hải Nam sáng nay. Các tàu dự kiến đánh bắt cá trong vòng 40 ngày tại khu vực quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền.
    Tàu cung cấp mang tên Quỳnh Tam Á F8138 và lực lượng chức năng của Cục Ngư chính Nam Hải cũng tham gia hỗ trợ cho các tàu nói trên, Chinanews cho hay. Đây là chuyến đi với đông đảo tàu thuyền cỡ lớn nhất kể từ sau khi 30 tàu cá của tỉnh Hải Nam tới đánh cá ở Trường Sa hồi tháng 7 năm ngoái.
    Trước đó, Trung Quốc cử một số tàu hải tuần xuống Biển Đông, trong đó có khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Các tàu Hải tuần 21, Hải tuần 31 và Hải tuần 166 hôm 28/2 xuất phát từ cảng Tam Á, tỉnh Hải Nam, phía nam Trung Quốc, để ra Biển Đông thực hiện cái gọi là “nhiệm vụ tuần tra định kỳ”.
    Trung Quốc cũng tổ chức cắt băng khánh thành nhà sách Tân Hoa trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, tổ chức đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa và chuẩn bị tổ chức thi câu cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa vào cuối tháng 4 vừa qua.
    Trước những diễn biến trên, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Ông tuyên bố những việc làm của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, không tuân thủ Tuyên bố cấp cao giữa ASEAN – Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC và vi phạm DOC, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.
    “Chúng tôi yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt các việc làm sai trái nêu trên, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông”, ông Nghị tuyên bố.
    Vũ Hà
    Được đăng bởi HUYNH NGOC CHENH vào lúc 23:01
    Gửi email bài đăng này
    BlogThis!
    Chia sẻ lên Twitter
    Chia sẻ lên Facebook

    Phản ứng:
    6 nhận xét:

    Người Cà Mau23:14 Ngày 06 tháng 5 năm 2013
    “Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam…”.
    Xin lỗi cần đ. gì phải chờ Lương Thanh Nghị, người phát ngôn của bộ ngọai giao Việt Nam mới phát biểu được câu này.

    Trả lời

    Nặc danh23:43 Ngày 06 tháng 5 năm 2013
    Nhục nhã Nguyễn Chí Vịnh.

    Trả lời

    Nặc danh02:32 Ngày 07 tháng 5 năm 2013
    Sáng hôm qua ,hỏi người hàng xóm tình hình biển đông ra sao, hắn cười nói như không : “biển đông không có gì mới”, bây giờ đọc bài này của Lập,giận sôi.

    Trả lời

    Lamson02:52 Ngày 07 tháng 5 năm 2013
    Trích: ” “Chúng tôi yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt các việc làm sai trái nêu trên, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông”, ông Nghị tuyên bố….”

    Câu tuyên bố của em Lương Thanh Nghị chỉ nửa vời.
    Yêu cầu chấm dứt mà nếu nó không chấm dứt thì… khà khà khà nothing happened. Dzậy mà nói kẻ thù nào cũng đánh thắng. Thắng năm ba đế quốc sừng sỏ. Tin được không? Cả 80 triệu dân VN tin như chết.

    Trả lời

    Vui06:06 Ngày 07 tháng 5 năm 2013
    Tôi kể chuyện nay, chuyện biển Đông
    Trái tim cộng sản bỏ ngoài hông
    Kẻ thù truyền kiếp không cảnh giác
    chỉ cắm đầu vào họp tranh công
    Tranh nhau quyền lực làm lãnh đạo
    Quên hết tổ tiên với biển Đông
    Chuyện làm không tính, lo chuyện hão.
    Anh Lú cầm đầu , dân khổ không ?

    Trả lời

    Nặc danh07:43 Ngày 07 tháng 5 năm 2013
    Dư luận ziên cho biết ý kiến đi, hỉ ?!

    Trả lời

  59. Ẩn danh said

    Nhà văn Hoàng Lại Giang
    Một bài viết tâm huyết,nhiều tư liệu hấp dẫn rất đắc dụng cho những nhà lãnh đạo CS hôm nay để đưa đất nước phát triển.
    Cảm ơn anh Thi.
    HLG

  60. quần chúng said

    Nếu vì dân, vì nước , hành động ti hiến thực nhất là từ bỏ ĐCS chứ không phải khuyên răn gì Đảng Bác Thi ạ!

    • Đảng viên 40 năm bị lừa đã bỏ đảng said

      Giờ này mà bác còn ngồi chung chiếu với lũ lưu manh giả danh “cs” để làm bậy à bác Thi?-xấu hổ lắm.

    • Mobile said

      Bác Thi viết dài,luận chứng đông-tây,kim-cổ có đủ,theo tôi chúng không có thời gian để đọc(thời gian đó lo quy hoạch,ăn chơi…còn hơn),mà nếu có đọc cũng không hiểu,cho nên có khả năng bọn “lề trái”đọc mà thôi

  61. LY said

    Bài nầy Bác Đào Tiến Thi gởi cho Ban chấp hành Trung ương đảng cọng sản VN, tôi nghĩ rằng bác đã hoài công tuy rằng bác viết với tâm huyết của bác. Bộ từ trước đến nay bác không thấy bao nhiêu kiến nghị tâm huyết gởi cho đảng cọng sản từ trước đến nay đã được đảng cho vào sọt rác thì bài viết của bác cũng sẽ cùng chung số phận mà thôi. Bác đã nhầm vì bác đang nói chuyện với đầu gối mà bác không hay biết.

  62. Chì na bía said

    Bác Thi là đảng viên sao không tập trung quán triệt nghị quyết mà lại tuyên truyền cái phong kiến của mấy nhà nho cổ hủ?
    Bác kêu gọi đảng từ bỏ quyền lực để cho ai nắm quyền? Viết khéo lắm, phản động, thoái hoá đạo đức đúng như tổng bí thư đã nói.

    • Ba Cầu Muối said

      Kiến nghị của Đào tiến Thi cũng giống các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, như những tâm huyết của các bậc tiền nhân như Phan Bội Châu, Phan chu Trinh, ĐKNT … Khi lãnh đạo biết nghe, biết hiểu thì lịch sử đã sang trang. Nếu trang mới giống như Nhật, Hàn thì hạnh phúc cho VN, nhứng nếu trang mới là đêm dài tăm tối trong ách nô lệ TQ, dân ta lại phải đổ máu …

  63. Phí nhời anh ĐTT ah ,đảng ta đã dạy chỉ có con đường bạo lực cách mạng mới lật đổ được áp bức bóc lột.

  64. tran hung said

    Kêu gọi một người từ bỏ quyền lợi đã khó huống hồ nhiều người càng khó lắm sao.
    Hòn đá to, hòn đá nặng một người vác, vác không đặng…..nhiều người vác, vác lên đặng.
    Cám ơn bác Đào Tiến Thi!

  65. DO THỤY said

    Các vị dù có bảo thủ đến mấy, nhưng chắc chắn không ai muốn mình là TỘI ĐỒ của dân tộc – DANH THƠM đối với quý vị cũng là một thứ quá xa xỉ,dẫu cho quay đầu là bờ, hãy đừng có để như LYBIA , đến nỗi bây giờ công chức cũ cũng không được tham gia chính quyền mới! Nhân hội nghị Trung ương 7 QUÝ VỊ hãy hành động thật nhanh, sao cho KIẾN NGHỊ 72 thành hiện thực, khi đó quý vị còn có thể ngẩng đầu để được về nhà!

    • Cái Móng Lừa said

      Quá chính xác, tôi nghe nói Lybia đã ban hành sắc luật cấm quan chức chế độ cũ vào bộ máy nhà nước, nghe đâu ông thủ tướng Lybia hiện tại cũng rất có thể bị loại bỏ bởi đạo luật này đấy!

  66. haivai said

    DV1975 THI KHONG CO CAI DAU TU DUY DOC LAP, DUA HAN VAO KHUON PHEP DUC SAN CUA DCSVN, LY LUAN SAO MON RONG TUYECH, CHAC CHAN DANG HUONG DAC QUYEN DAC LOI CUA DANG TOAN TRI HIEN HANH! CON HONGHOA CO GIONG LUOI CUA 1 KE DANG PHE, DANG SAY DANG HUYEN TUYEN TU SUONG. NEN XOA BO 2 COM NAY DO MAT THI GIO DOC!

  67. quần chúng said

    Hình như Bác ĐTT quên câu nói đã trở thành chân lý của ông Yeltsin: Cộng sản không thể cải tạo mà phải loại bỏ!
    Bác khuyên họ thức tỉnh nếu không thì sụp đổ. Nhân dân bọn em thì chỉ muốn vế sau.
    Kết luận là lời khuyên của Bác cũng chỉ như là ném đá ao bèo tấm thôi. Nói thế Bác tự ái thì mong bác bỏ quá cho, dù sao cũng thấy cái tâm của bác với đất nước, cám ơn Bác!

    • Người Việt Yêu Nước said

      Các bài viết này, quan không đọc thì dân đọc, đó là nâng cao dân trí. Các bác phản đối, phân tích thêm, để cho thấy rõ bộ máy chính quyền hiện nay đi ngược lại nhân dân như thế nào, bảo thủ như thế nào,…ấy, em lại phải thêm câu này: khốn nạn như thế nào..
      Ủng hộ bác Đào Tiến Thi

    • văn lâm said

      Vấn đề là những người CSVN có thức thời và chủ động thực thi một quá trình diễn tiến trong hòa bình như ý kiến của Bác Hoàng Lại Giang đã nêu ra gần đây trên trang này hay không ?

      Ở nước Nga,Putin chính là một CS nòi nhưng ông này thức thời,thấy cái sai của CS,của CN Mác nên đã tự thay đổi quan điểm , trở thành nhà lãnh đạo có uy tín ở nước Nga dân chủ và trên bình diện quốc tế.

  68. Đặc quyền đặc lợi ngày xưa sao bằng hôm nay! nên chúng tôi quyết duy trì ĐỘC ĐẢNG để hưởng được toàn bộ đặc quyền đặc lợi!
    Nhân dân có ngon thì hãy vùng lên lật đổ bọn CS chúng tôi đi!
    nên nhớ trong tay chúng tôi cả một bè lũ tay sai Quân Đội và Công An hùng mạnh. Chúng nó sẽ nghiền nát bọn dân đen gấp vạn lần THIÊN AN MÔN của đàn anh TQ kính mến1
    ha…ha… CNCS vô địch! quyền lợi CS bất diệt!

  69. ĐẢNG VIÊN 1975 said

    Hãy đưa ĐT Thi ra chi bộ kiểm điểm ngay vì “thất vọng với Hội nghị BCH T ương 4,5,6 và phát biểu của Tổng BT” như vậy là chưa quán triệt đường lối của Đảng : nói không đúng với đường lối của Đảng “từ bỏ 1/2 chủ nghĩa Mác -lê vì chấp nhận cơ chế thị trường”.ĐT Thi không thuộc ý của Đảng là “thị trường xã hội chủ nghĩa” cơ mà,chính ĐT Thi cắt đi 1/2 đó!”chủ nghĩa Mác lênin sai lầm bất cập”; nói Trung quốc là “đế quốc Trung Hoa” với ý đồ xấu trong khi Đảng ta coi TQ là anh em cùng xây dựng XHCN,quan hệ là 4 tốt,lấy phương châm 16 chữ vàng trong quan hệ;”tẩy chay phương Tây” Đảng ta học phương Tây nhiều thứ lắm chứ,nào là buôn bán như vào WTO,như trên Tivi học cả các chương trình nhảy nhót,vui chơi giải trí,rồi cho con cháu đi tham quan,du lịch,học ở nước ngoài búa xua đấy,rồi các phu nhân các quan to cũng kề kề khi ra nước ngoài ……đấy thôi! ĐT Thi nói không chính xác,nên đã trở thành nói xấu Đảng.Nếu “chủ nghĩa Mác-lênin là sai lầm,bất cập” thì sao ĐT Thi còn ở trong đảng,yêu cầu chi bộ đuổi anh ta ra để Đảng trong sạch,vững mạnh.

    • Đảng viên 30 năm bị lừa đã bỏ đảng said

      Bác Thi ơi, bác còn luyến tiếc gì cái tổ chức phản động đội lốt cách mạng ấy mà không bỏ đảng chứ? hay bác tiếc sẽ không có vòng hoa của chi bộ khi bác chết? người hiểu biết thì phải thấy đó là vòng hoa lừa dối, vòng kim cô làm cho ngu mình đi.

  70. Hồng Hoa said

    Từ bỏ quyền lợi giai cấp, nhưng hiện nay chả có giai cấp, chỉ có độ gần trăm phần trăm là nhân dân lao động. Bảo Đảng bỏ quyền lợi giai cấp cũng gần giống như bảo nhân dân bỏ quyền lợi của mình. He! he! Thằng này […]

  71. Mới đọc lướt chỉ thấy toàn tên các bậc sĩ phu. Còn nói đến chủ nghĩa Mác-Lê và CNXH mà hình như không nhắc Hồ Chí Minh thì thấy không ổn rồi. Riêng điều này không hiệp khí đạo mà phạm húy “ảo”, nên thiển nghĩ người nhận khó tiếp thu.
    Dẫu sao rất ghi nhận tấm lòng của anh ĐTT, dù chỉ ở diện được đọc ké.

  72. haivai said

    Bai viet cuc dung cuc hay. Neu lanh dao dcsvn doc, hieu va phat huy duoc nhung tinh hoa cua bai nay thi nuoc dau con so khua, dan dau con “phan dong, dien bien hoa binh, suy thoai” can xu ly nua. Hy vong troi lai sang ma khong can do mau, nhung thuc te la “con lac da kho chui qua lo kim” – nhung phe lu sau mot dang dua nhau hut mau dan qua dong dao, chung khong the tu ngung pha hoai dat nuoc sau 1 so bai viet cuc dung hien thi sang ro tren mang ABS… ma phai co co che tieu diet chung, ONG KIM NGOC nao du suc lam viec day?

  73. Một người lính Bắc việt said

    Anh Thi đã nói lên được mục đích, đường lối cách mạng của cụ Phan, cụ Ngô trong tình hình ngàn cân treo sợi tóc này thì tui cũng đã xem anh có tấm lòng như các cụ ấy vậy. Tuy nhiên kẻ hám lợi, danh thì họ phải mua! mà đã mua thì phải buôn, buôn thì có lãi! không bao giờ họ từ bỏ cái quyền lợi ấy đâu! Tui thiết nghĩ Cách mạng là đập cái cũ để xây cái mới tiến bộ hơn, Họ xưng danh là lực lượng CM! Thương thay cho giai cấp công nhân và nông dân! Dù cho một nhìn cuộc CM thì họ vân là họ!!! CM bị lợi dụng hay công nhân nông dân bị lợi dụng đây? Cay đắng.

  74. ongngoaitho said

    Ngày xưa có câu chuyện cổ tích dã tràng xe cát kể về một anh chàng có tài nghe hiểu và nói chuyện được với loài vật,tôi phục quá ,bây giờtrẻ em gọi người đó là siêu nhân,thế mà bây giờ tk21 có ông Đào Tiến Thi còn có biệt tài nói chuyện được với cái đầu gối,xin bái phục

    • Hải said

      Rất đồng ý với bác he he

    • BALY said

      HAY ! CHÍNH XÁC không cần chỉnh !

    • văn lâm said

      Bác Đ.T Thi không nói với cái đầu gối đâu ạ.

      Những điều bác Thi nói không phải ai cũng biết hoặc có kẻ biết nhưng cũng chẳng dám nói ra.

      Khi một sự thật càng được nhiều người biết thì sự thật ấy sẽ trở thành chân lý và như thế nó mới vào được cuộc sống,mới biến thành sức mạnh xã hội,mới phá bỏ được cái cũ dựng xây nên cái mới ,hiện đại văn minh hơn.

  75. văn sạ said

    hoan hô nhiệt liệt hoan hô

  76. Mac Trang said

    Những lời tâm huyết, có lý có tình như thế này mà họ không mảy may rung động, nghĩ suy, hành động gì thì lú lẫn, mụ mị hết rồi; quyền và lợi làm thối rữa tim óc rồi chăng? Hy vọng có vài anh chop bu tỉnh ngộ là được rồi!

  77. latufa said

    ƠN BÁC
     
    Ơn bác một trọn đời con chẳng quên!
    Một mùa Thu cũ nước điêu linh
    Bác đưa Các Mác từ Xô Viết
    Về với quê nhà như cứu tinh.
     
    Cùng đi với Mác có Lê Nin
    Người thầy vĩ đại đảng quang vinh
    Người cha vô sản toàn thế giới
    Anh của ông Mao và ông StaLin.
     
    Từ đó toàn dân rực đấu tranh
    Thiên đường Cộng sản quyết đi lên
    San bằng xã hội xây đời mới
    Thiên đường chẳng thấy chỉ điêu linh.
     
    Con đường cách mạng quá thê lương!
    Xây bằng giết chóc với tang thương
    Hận thù giai cấp chia dân tộc
    Cải cách ruộng vườn ngập máu xương.
     
    Rồi bác xua đoàn quân vào nam
    Nói rằng lũ nguỵ quá tàn tham
    Ta vào giải phóng cho quần chúng
    Đói rét lầm than thiếu áo cơm.
     
    Cuộc chiến sao mà quá dại điên!
    Tương tàn cốt nhục thật vô duyên
    Tử nam sinh bắc bao hờn oán
    Đau đớn giống nòi xót tổ tiên.
     
    Nhưng mà giải phóng cái gì đâu?
    Đánh mướn không công chủ Cộng Tàu
    Miền Nam hạnh phúc và no ấm
    Giải phóng trở thành bể khổ đau.
     
    Ơn bác trùm lên cả núi sông
    Nấm mồ vô chủ quá mênh mông
    Cộng sản nay thành quân giặc cướp
    Xã hội triền miên những bất công.

    Giá bác khi giành xong nửa nước
    Dựng xây Miền Bắc thật phồn vinh
    Tự do dân chủ và no ấm
    Giã từ chủ nghĩa Mac Lenin.

    Giá bác dừng quân bờ Bến hải
    Đừng gây thêm nữa hoạ đao binh
    Hai Miền chung sống trong hoà ái
    Chờ ngày thống nhất thật quang vinh.
      
    Con tiếc vô cùng bác biết không?
    Ơn bác đã thành hận núi sông
    Quê hương tan nát, dân đồ thán
    Tổ quốc gần kề hố diệt vong.

    Phan Huy MPH
     

    • haivai said

      HCM khong phai la tri thuc, tuy keu goi long yeu nuoc cua toan dan nhung CM vua thanh cong da phan trac-chia mui giao vao “tri phu dia hao…” thuc hien vo so toi ac quai dan kieu Trung quoc trong suot thoi VNDCCH. Va nay tbtnptrong van tiep tuc 1 long 1 da than phuc khua-nguy co mat nuoc dan lo ro: can cu dia cua khua chim noi (bi mat va cong khai) khap moi mien tren dat VN roi!!!!! DCSVN cua lu dang ton tai khong?

  78. Hoàng Hà said

    Bài viết hay. Cám ơn bác.

  79. văn lâm said

    Hoan hô bác Đào Tiến Thi.Bài viết của Bác thật tuyệt .Thực tế là Đất nước VN chúng ta đang đứng trước nguy cơ tái phong kiến hóa và mất độc lập tự do vào tay ngoại bang.

    Mỗi người bằng kinh nghiệm và kiến thức của mình hãy lên tiếng vì tiến bộ xã hội,vì hạnh phúc của nhân dân!

  80. Trần, Văn said

    Bác Thi ơi, thời thế đảo điên nên những người kém học, thiếu văn hóa, gốc thiến heo, sửa xe đạp, cạo mủ cao-xu, đi lính từ lúc 11-12 tuổi chỉ vưà biết đọc biết viết… thì làm sao nhìn xa thấy rộng để lo cho dân cho nước, họ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, kết án người trái chính kiến là ‘ tuyên truyền chống phá nhà nước “, đây là nguyên do đất nước mình xập xệ, nhất là về luân lý đạo đức như ngày hôm nay. Bác nói để cho quốc dân đồng bào thấy rõ chứ nghững người CS họ không nghe bác đâu.

  81. Ngu Ngơ said

    Trời đất, thẻ Đảng của bác Thi mang số 97 003 164 ?
    Sao mà số lớn vậy, tui nghe đảng ta có 3 triệu đảng viên thôi mà ?
    Vậy là danh sánh đảng viên CS VN…được đánh số thứ tự…. tiếp vào danh sách đảng viên đảng CS Trung Quốc !?

  82. Anh Nguyễn said

    Đọc chuyện các cụ càng thấy Cộng sản ngu lâu thật.

  83. Anh Nguyễn said

    Đọc chuyện các cụ mới thấy CS ngu lâu thật.

  84. Anh Nguyễn said

    Phải nói ngày xưa các cụ từ chỗ quanh năm đèn sách, vẽ chữ chỉ qua tự tìm hiểu với ý chí vì dân vì nước mà nắm vấn đề một cách thấu đáo như vây quả đáng khâm phục. Chẳng bù cho ngày nay, hơn 100 năm sau, cái đám CS mãi vẫn không hiểu được điều đó là sao, ngu gì mà ngu lâu vậy chớ. Không biết định báo hại đất nước này đến bao giờ nữa?

  85. Cục Đất said

    Chịu, không hiểu bác Thi này. Giờ này mà còn tỉ tê tâm sự với BCTTƯ !.
    Nhóm lợi ích phá hoại đã sờ sờ ra đấy, có ai còn biết nghe lẽ phải.
    Mấy mệnh đề “nếu” của bác không bao giờ xảy ra cả.
    Nói thật mất lòng, đợi cho mấy bác như bác nhận thức ra, thì đất nước cũng đã mất.

    • Biển Đông said

      Hoan hô bác Đào T Thi , viết bài này rất kịp thời. Cục Đất chớ nên
      nắm cả đũa, vẫn còn nhiều đảng viên biết nghe lẽ phải, tôi tin rằng
      sớm muộn họ cũng trở về với nhân dân , và nhân dân bao giờ cũng
      nhiệt tình đón họ trở về.

  86. […] BÀI HỌC ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC, ĐỔI MỚI CHÍNH MÌNH TỪ CÁC SỸ PHU NHO HỌC ĐẦ… […]

Gửi phản hồi cho Đào Tiến Thi Hủy trả lời