BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

1444. Sách: Bên thắng cuộc – Vì sao tôi viết?

Posted by adminbasam trên 07/12/2012

FB BTC

Sách: Bên thắng cuộc – Vì sao tôi viết?

Huy Đức

06-12-2012

H1Không ai có thể đi đến tương lai một cách vững chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ, nhất là một quá khứ mà chúng ta can dự và có phần cộng đồng trách nhiệm.

Cuốn sách này bắt đầu bằng những câu chuyện xảy ra trong ngày 30-4-1975. Ngày mà tôi, một cậu bé mười ba, trước giờ học chiều, đang vật nhau ven đồi thì nghe loa phóng thanh truyền tin “Sài Gòn giải phóng”. Thay vì tiếp tục ăn thua, chúng tôi buông nhau ra.

Miền Nam, theo như những bài học của chúng tôi, sẽ chấm dứt “20 năm rên xiết lầm than”. Trong cái thời khắc lịch sử ấy, trong đầu tôi, một sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, xuất hiện ý nghĩ: Phải nhanh chóng vào Nam để giáo dục các bạn thiếu niên lầm đường lạc lối.

Nhưng hình ảnh miền Nam đến với tôi trước cả khi tôi có cơ hội rời làng quê nghèo đói của mình. Trên quốc lộ Một bắt đầu xuất hiện những chiếc xe khách hiệu Phi Long thỉnh thoảng tấp lại bên những làng xóm xác xơ. Một anh chàng tóc ngang vai, quần loe, nhảy xuống đỡ khách rồi đu ngoài cánh cửa gần như chỉ trong một giây trước khi chiếc xe rú ga vọt đi. Hàng chục năm sau, tôi vẫn nhớ hai chữ “chạy suốt” bay bướm, sặc sỡ sơn hai bên thành xe. Cho tới lúc ấy thứ tiếng Việt khổ lớn mà chúng tôi nhìn thấy chỉ là những chữ in hoa cứng rắn viết trên những băng khẩu hiệu kêu gọi xây dựng chủ nghĩa xã hội và đánh Mỹ.

Những gì được đưa ra từ những chiếc xe đò Phi Long thoạt đầu thật giản đơn: Mấy chiếc xe đạp bóng lộn xếp trên nóc xe; cặp nhẫn vàng chóe trên ngón tay một người làng tập kết vừa về Nam thăm quê ra; con búp bê nhựa – biết nhắm mắt khi nằm ngửa và có thể khóc oe oe – buộc trên ba lô của một anh bộ đội phục viên may mắn.

Những cuốn sách của Mai Thảo, Duyên Anh… được các anh bộ đội giấu dưới đáy ba lô đã giúp bọn trẻ chúng tôi biết một thế giới văn chương gần gũi hơn Rừng Thẳm Tuyết Dày[1], Thép Đã Tôi Thế Đấy[2]… Những chiếc máy Akai, radio cassettes, được những người hàng xóm tập kết mang ra, giúp chúng tôi biết những người lính xa nhà, đêm tiền đồn còn nhớ mẹ, nhớ em, chứ không chỉ có “đêm Trường Sơn nhớ Bác”. Có một miền Nam không giống như miền Nam trong sách giáo khoa của chúng tôi.

Tôi vẫn ở lại miền Bắc, chứng kiến thanh niên quê tôi đắp đập, đào kênh trong những năm “cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Chứng kiến khát vọng “thay trời, đổi đất sắp đặt lại giang san” của những người vừa chiến thắng trong cuộc chiến ở miền Nam… Chứng kiến cũng những con kênh đó không những vô dụng với chủ nghĩa xã hội mà còn gây úng lụt quê tôi mỗi mùa mưa tới.

Năm 1983, tôi có một năm huấn luyện ở Sài Gòn trước khi được đưa tới Campuchia làm chuyên gia quân sự. Trong một năm ấy, hai cô em gái của Trần Ngọc Phong[3], một người bạn học chung ở trường sỹ quan, hàng tuần mang tới cho tôi bốn, năm cuốn sách. Tôi bắt đầu biết đến rạp chiếu bóng, Nhạc viện và sân khấu ca nhạc. Cho dù, đã kiệt quệ sau 8 năm “giải phóng”, Sài Gòn với tôi vẫn là một “nền văn minh”. Những năm ấy, góc phố nào cũng có mấy bác xích lô, vừa mỏi mòn đợi khách vừa kín đáo đọc sách. Nhiều người trong số họ mới ở trong các trại cải tạo trở về. Tôi bắt đầu tìm hiểu Sài Gòn từ câu chuyện của những bác xích lô quen như vậy…

Osin - 23 tuổi

Năm 1985, “chuyên gia quân sự” Osin 23 tuổi, tại đám cưới của một sỹ quan Campuchia. Photo credit: FB Vũ Thị Phương Anh

Mùa Hè năm 1997, một nhóm phóng viên vì nhiều lý do phải rời khỏi tờ báo Tuổi Trẻ như Đoàn Khắc Xuyên, Đặng Tâm Chánh, Đỗ Trung Quân, Huỳnh Thanh Diệu, Nguyễn Tuấn Khanh, Huy Đức… Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi với các đồng nghiệp như Thúy Nga, Minh Hiền, Thế Thanh, Cam Ly, Phan Xuân Loan… Thế Thanh lúc ấy cũng vừa bị buộc thôi chức Tổng biên tập báo Phụ Nữ Thành Phố, và cũng như Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Kim Hạnh trước đó, chị không được tiếp tục nghề báo mà mình yêu thích.

Chúng tôi nói rất nhiều về thế sự, về những gì xảy ra trên thế giới và ở đất nước mình. Một hôm ở nhà Đỗ Trung Quân, nhà báo Tuấn Khanh, người vừa gặp rắc rối sau một bài báo khen ngợi ca sỹ bị coi là chống cộng Khánh Ly, buột miệng nói với tôi: “Anh phải viết lại những gì diễn ra ở đất nước này, đấy là lịch sử”. Gần như không mấy ai để ý đến câu nói đó của Tuấn Khanh, nhưng tôi thì cứ bị nó đeo bám. Tôi tiếp tục công việc thu thập tư liệu với một quyết tâm cụ thể hơn: Tái hiện giai đoạn lịch sử đầy bi kịch của Việt Nam sau năm 1975 trong một cuốn sách.

Rất nhiều thế hệ, kể cả con em của những người đã từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, sau ngày 30-4-1975, cũng trở thành sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, nhiều người không biết một cách chắc chắn điều gì đã thực sự xảy ra thậm chí với ngay chính cha mẹ mình.

Không chỉ thường dân, cho đến đầu thập niên 1980, nhiều chính sách làm thay đổi số phận của hàng triệu sinh linh như “Phương án II”[4], như “Z 30”[5] cũng chỉ được quyết định bởi một vài cá nhân, nhiều người là ủy viên Bộ chính trị cũng không được biết. Nội bộ người Việt Nam đã có nhiều đụng độ, tranh cãi không cần thiết vì chỉ có thể tiếp cận với lịch sử qua những thông tin được cung cấp bởi nhà trường và bộ máy tuyên truyền. Không chỉ các thường dân, tôi tin, những người cộng sản có lương tri cũng sẽ đón nhận sự thật một cách có trách nhiệm.

Cuốn sách của tôi bắt đầu từ ngày 30-4-1975, ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc. Hãy để cho các nhà kinh tế chính trị học và các nhà xã hội học nghiên cứu kỹ hơn hiện tượng lịch sử này. Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ bắt đầu kể những gì đã xảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày 30-4: cải tạo; đánh tư sản; đổi tiền… Cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 1970, một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc. Cuốn sách của tôi cũng nói về làn sóng vượt biên sau năm 1975, nói về sự “đồng khởi” của nông dân, của các tiểu chủ, tiểu thương để dành lấy cái quyền được tự lo lấy cơm ăn áo mặc.

Tư liệu cho cuốn sách được thu thập trong hơn hai mươi năm, và trong vòng ba năm (từ tháng 8-2009 đến tháng 8-2012) tôi đã dành toàn bộ thời gian của mình để viết. Bản thảo cuốn sách đã được gửi tới một số thân hữu và một số nhà sử học, trong đó có 5 nhà sử học uy tín của Mỹ chuyên nghiên cứu về Việt Nam. Sau khi sửa chữa, bổ sung, tháng 11-2012, bản thảo hoàn chỉnh đã được gửi đến một số nhà xuất bản trong nước, tuy nhiên, nó đã bị từ chối. Cho dù một số nhà xuất bản tiếng Việt có uy tín tại Mỹ và Pháp đồng ý in, nhưng để lãnh trách nhiệm cá nhân và giữ cho cuốn sách một vị trí khách quan, tác giả quyết định tự mình đưa cuốn sách này đến tay bạn đọc.

Đây là công trình của một nhà báo mong mỏi đi tìm sự thật. Tuy tác giả có những cơ hội quý giá để tiếp cận với các nhân chứng và những thông tin quan trọng, cuốn sách chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, chắc chắn sẽ còn được bổ sung khi một số tài liệu được Hà Nội công bố. Hy vọng bạn đọc sẽ giúp tôi hoàn thiện nó trong những lần xuất bản sau.

Lịch sử cần được biết như nó đã từng xảy ra và sự thật là một con đường đòi hỏi chúng ta không bao giờ bỏ cuộc.

Sài Gòn – Boston (2009-2012)

[1] Tiểu thuyết cách mạng của Trung Quốc.

[2] Tiểu thuyết cách mạng của Liên Xô.

[3] Đạo diễn điện ảnh.

[4] Tổ chức cho người Hoa nộp vàng để được vượt biên bán chính thức (1978-1979).

[5] Cải tạo những người giàu lên bất thường (1983).

Nguồn: FB BTC

87 bình luận to “1444. Sách: Bên thắng cuộc – Vì sao tôi viết?”

  1. […] bài ben-thang-cuoc-vi-sao-toi-viet?, Huy Đức viết: “Không ai có thể đi đến tương lai một cách vững chắc nếu […]

  2. […] bài ben-thang-cuoc-vi-sao-toi-viet?, Huy Đức viết: “Không ai có thể đi đến tương lai một cách vững chắc nếu […]

  3. Che said

    Đọc bài này mới biết hai chi tiết: hóa ra ngày 30/4/75 Huy Đức mới chỉ 13 tuổi (?), và năm 1983, ông sang Campuchia với vai trò “chuyên gia quân sự” (?!). Nên trung thực với quá khứ của mình thì mới chộp được tương lai một cách vững chắc: tôi nhắc lại câu thiệu của ông Huy Đức như một lời nhắc nhở đối với người cầm bút. Hai chi tiết này thôi, có thể sẽ làm hoen ố mọi công sức 20 năm gom góp tư liệu và 3 năm lủi thủi viết cuốn sách này.

    ——–
    BTV: Mời bác tham khảo thêm: Huy Đức’s Biography

    20h: Nhà báo HĐ cho biết thêm: Năm 18 tuổi tôi vào trường sỹ quan, 3 năm sau, tôi là trung uý, hồi đó 18 tuổi binh nhất đã làm “chuyên gia” ở xã.

    • DangDinh said

      Đọc với một thái độ hằn học thì sẽ chỉ tìm cách bới lông tìm vết, thổi phồng một sai sót có thể chỉ do in ấn, thậm chí do chính mình … dốt không hiểu thôi. Còn khi đọc với thái độ học hỏi thì sẽ tìm cách lý giải hoặc đưa ra câu hỏi thắc mắc để nhận được giải đáp.

  4. lisa said

    Mong sớm để được đọc.

  5. Viet Nguyen Hoang said

    Bản ebook ở đây các bác ơi https://www.smashwords.com/books/view/263208

  6. nguoi tu te said

    lam sao mua duoc sach khi van dang o trong mot nha tu lon la nuoc viet nam .?

    • Tonvanis said

      Người Tử Tế: Đằng ấy nói sao chí lý qúa! nếu mua “chui” không chừng cũng có thể.

    • sglove0407 said

      đừng lo, CNTT phát triển đến thế, CS chỉ kiểm soát sách in chứ bản digital trên Kindle hay download về PC làm sao nó kiểm soát nỗi?

  7. […] 1444. Sách: Bên thắng cuộc – Vì sao tôi viết? […]

  8. Gởi Huy Đức. Tôi đã đọc bài giới thiệu về cuốn sách của bạn. Tôi là người học cùng trường cùng quê của bạn đây ( Học trò trường Lý Tự Trọng – Thạch hà) Tiếc là tôi không được may mắn như bạn. chính xác hơn là không có tài như bạn. Nhưng theo bài giới thiệu trên trang này, nếu được bạn có thể tặng tôi một cuốn được không? Nếu được tôi chân thành cảm ơn bạn trước. Và cũng hy vọng sẽ có nhiều người viết về những gì đã và đang diễn ra trên đất nước này đúng như nó đã diễn ra. Không thể nói dối hoài được. Không thể bịt mồm bịt miệng, bịt sự thật mãi được. Chúc bạn và những độc giã trên trang này vui mạnh.

  9. Cong said

    Em cũng mong được đọc sách của nhà báo Huy Đức để xem sự thành công của ‘Cách Mạng’ như thế nào. Người dân VN đã hưởng được thành quả mà ông HCM và đảng của ông đã dầy công gieo nhân, gieo hạt và vun xới cho các loại cây cây ‘Cách Mạng’, ‘Giải Phóng’, ‘Đại Đồng’ theo chủ nghĩa Xã Hội Khoa Học như thế nào?
    Cô giáo em nói : mình học khoa học thì cần phải làm thí nghiệm để biết chắc nhân nào cho ra quả nấy, còn mình không nắm vững luật nhân quả thì không thể gọi là khoa học. Cô giáo bảo mình gieo nhân này mà cho ra quả kia thì cái óc mình đang có vấn đề. Tụi em gọi là funny!
    Thực ra không phải đợi nhà báo nói mình mới biết, mà em có tính cẩn thận, mong muốn thấy rỏ vấn đề dưới nhiều góc cạnh như cô giáo em đã thường nhắn nhủ.

    • vinhvu11 said

      Toi co dieu thac mac cung quy vi phu trach ve ky thuat cua Anh Ba Sam sao co nhieu lan trong muc phan hoi toi danh password rat dung ma no van khong WORK ? Xin coi lai dum , thanh that cam on quy bao

      ——-
      BTV: Phản hồi không cần password, bác ơi. Chỉ cần điền tên và email thôi.

  10. Tôi là dân An Giang,theo đạo Hòa Hảo.Chúng tôi muốn biết,Ai đã giết Người sáng lập Phật Giáo Hòa Hảo VN-Đức Thầy huỳnh Phú Sổ?Tất nhiên là Cộng Sản giết Đức thầy,nhưng cụ thể là ai,Ông Huy Đức có tài liệu này không.Chứ theo như chúng tôi được biết là Trung Tá công an Lê Bình được lệnh của CS đà bắn vào đầu Đức thầy năm 1945 tại vùng Hòa Hảo Long Xuyên.Chớ trêu thay,tên ông Lê Bình nay được đặt tên cho 1 con đường ở TP Cần Thơ,gần cầu Cái Răng.Nơi mà đạo Hòa Hảo rất được người dân mến mộ.Hầu như đa số gia đình đều treo ảnh Đức Thầy rất trang trọng.

    Rất mong ông Huy Đức hoặc ai đó có tài liệu,đăng lên Ba Sàm cho chúng tôi được biết.Mong sớm được mua sách của ông.

  11. Suy Nghĩ và Hoài Niệm said

    cuốn sách thật sự là tập hợp tất cả suy nghĩ của người dân Sài Gòn , nếu ai đó có muốn tìm hiểu cũng dễ lắm hãy hỏi những người từ 40t trở lên họ sẽ nói rõ cho mà nghe . Ông Võ Văn Kiệt đại diện nổi bật của bên thắng chẳng phải đã nói : cái ngày giải phóng miền nam triệu người vui và cũng triệu người buồn .
    Hy vọng đám trẻ trâu hồng vệ binh và đám cam tìm đọc và nhận ra cái gì là sự thật dù có muộn màng còn hơn nhúng sâu vào tội lỗi . Một ngày nào đó rồi chúng cũng nhận ra

    • Tonvanis said

      Tôi rất đỗi vui mừng khi được biết anh Huy Đức : “ngày 30-4-1975. Ngày mà tôi, một cậu bé mười ba, trước giờ học chiều, đang vật nhau ven đồi thì nghe loa phóng thanh truyền tin “Sài Gòn giải phóng”. Thay vì tiếp tục ăn thua, chúng tôi buông nhau ra.” một cậu bé 13 tuổi lớn lên với cả hằng tấn lời tuyên truyền nhồi xọ của chế độ mà vẫn hiên ngang chĩnh trực đứng riêng một góc trời để trừng mắt nhìn kỹ, phân tách lịch sử đã và đang diễn ra trên quê hương Việt Nam. Tên tuổi của anh tôi đã từng nghe đến và đã từng đọc những dòng tư tưởng của anh. Xin cho mua it là một quyển để đọc và để tặng cho những kẻ thua cũng như người thắng. Chân thành biết ơn và cảm tạ.

  12. Hòa. said

    Tui ở phe thua.Đang trốn tại Mỹ.cần mua một cuốn.

  13. dân bán báo said

    Em muốn đặt mua chục cuốn để tặng bạn bè-những thằng bên thắng;và đặt thêm một ít nữa để bán kèm với báo được không anh HUY ĐỨC?

  14. […] 1444. Sách: Bên thắng cuộc – Vì sao tôi viết? […]

  15. tu do said

    Nếu biết cánh mua sách, nhờ bác Basam quảng bá cho mọi người biết. Thấy nhiều người hỏi cách mua sách này quá. Em cũng muốn một cuốn.


    BTV: Hiện sách chưa phát hành, khi nào phát hành sẽ thông báo trên trang BS để các bác biết mua ở đâu.

  16. huythuanvu said

    “…bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc” Đọc câu này của HĐ tui lập tức nghĩ đến tác phẩm “thế giới phẳng” của Thomas Friedman – một phóng viên của tạp chí New York Times. HĐ cũng là phóng viên, cũng có cách nhìn “khác biệt”.
    Bằng vô vàn dữ liệu T. Friedman đã chứng minh -Thế giới phẳng thật. Nhưng “thế giới phẳng” vẫn là một …thế giới. Tui hy vọng HĐ cũng làm được vậy.

  17. BSJ said

    Rất hy vọng dân ta có cuốn sách hay và đúng để nghiền ngẫm. Lịch sử của CSVN đã chặng đứng mọi sự thật , bẻ cong mọi hiện tượng về hướng của nô dịch hóa người dân, vì thế rất cần những Huy Đức nhớ lại, so sánh và viết ra để tuổi trẻ VN có thêm tư liệu để cân bằng với khối lượng nhồi nhét khổng lồ của “Lịch sử Đảng” ! Nhìn nhận trung thực với tình cảm, suy nghĩ của chính bản thân mình, tách rời những ảnh hưởng của thứ “ ý thức hệ” không nền móng, sẽ có giá trị rất đáng quý, người đọc có cơ hội nâng cao nhận thức

    Bàn chút về mấy chữ ” Bên thắng cuộc”: Sự thật (và Lương tri) không quan tâm đến chuyện Thắng hay Thua, vì trước sau nó cũng chỉ có một mà thôi !

    Dân Việt Nam ta có truyền thống sống tỉnh táo, thích thực tiễn hơn là lý luận sách vở . Người VN có tinh thần “thượng võ”, tôn trọng kẻ thù đúng mức, nhưng không hề sợ ! Có lẽ đó là một di sản đáng quý từ cha ông . Nhớ trong “ Hịch tướng sĩ” Hưng đạo vương vẫn đánh giá đúng đắn và tỏ ra khâm phục kẻ thù “ Cốt đã ngột Lang là người thế nào, tì tướng của y là Xích tu Tư lại là người thế nào…” , ông ca ngợi tướng giặc và cho đó là tấm gương tướng sĩ cần học ( Sau chiến thắng quân Nam Chiếu – chắc là y thắng con cháu Đoàn Dự, nước Đại lý gần Vân Nam – chính tướng Cốt đãi ngột Lang lại cầm quân tấn công VN lần thứ nhất ).

    Và khi thắng trận, đôi khi người Việt Nam ta cũng cao thượng lắm chứ (có lẽ nên trừ đi bọn “lưu manh vô học” nào đó ? ). Em nhớ mấy vần thơ của Truy Phong, nhà thơ một thời , sau tất cả những tội ác và những trận chiến đẫm máu thời chống Pháp, ông viết bài thơ tiễn lính viễn chinh Pháp lên tàu về nước. Giọng thơ buồn buồn, lẩn khuất những hoài niệm ray rứt nhưng vẫn thấy nét cao đẹp…đầy tình người, đọc đi đọc lại mà vẫn thấy bồi hồi :
    ….
    Nhưng thôi, bao năm khói lửa
    Ta hiểu nhau rồi
    Cái gì bạo ngược và phi nghĩa
    Là trái lòng dân, nghịch ý trời
    ….
    Những cái gì tôi ghét
    Những cái gì tôi khinh
    Bây giờ anh xuống tàu binh
    Trăm năm chuyện cũ, thôi mình bỏ qua…

    Tàu xúp lê hai!
    Tàu xúp lê ba!
    Anh về mạnh giỏi
    – Ô rờ voa! (Au revoir)
    ———
    Hỡi CSVN, dân tộc này đã từng sống, tranh đấu và xóa bỏ ân oán với những tư tưởng trong sáng và cao thượng như thế…cho đến khi có bọn CS chúng mày.
    “Cái gì bạo ngược và phi nghĩa
    Là trái lòng dân, nghịch ý trời..”
    Hãy nhớ lấy !

  18. Quynh Giao said

    Huy Đức có về Đất Đỏ Bà Rịa Vũng Tàu để tìm hiểu về “anh hùng” Võ thị Sáu không vậy? Mong sao cho lớp trẻ biết được càng nhiều sự thật càng tốt để may ra có thể chửa được các dư chứng do bị tẩy não mà ra!

    • vung tau said

      Võ thị sáu dỏ người bị cs lọi dụng phải không ?

      • Khách said

        Lê Văn Tám là dựng chuyện không có thật, các chuyện có thật kinh tỏm và kinh hoàng thì che đậy bưng bít.
        Vỏ Thị sáu bị mắc bệnh tâm thần, tức là cs lợi dụng người điên, viết đến đây nhớ đến Trần Xuân Giá lợi dụng đứa con èo uột ‘luật doanh nghiệp’ để kiếm tiền -> Hãi hùng.

  19. Mơ màng said

    Có lẽ tương lai trên thế giới nhiều quốc gia phải giải quyết vấn đề độc tài toàn trị bằng cách chia quốc gia ra làm 2, ai thích độc tài thì ở một bên ai không thích thì qua sống bên kia hoàn toàn tự nguyện. Một dân tộc nhưng 2 quốc gia, 2 chính quyền. Hoặc biết đâu xa hơn nữa … cả trái đất chia làm 2 bên , 1 bên dân chủ còn lại bên kia ai thích độc tài độc đảng thì sống bên đó. Hoặc đi xa hơn nữa nữa thì chia người ta ra sống trên 2 Hành tinh khác nhau luôn cho chắc ăn 😉

  20. mỗi ngày kg ghé Basam thì buồn vô cùng. hôm nay ai cũng bàn tán chuyện Biểu tình với Sách Bên thắng cuộc mà ai cũng háo hức chớ đợi, và suy nghĩ miên man đến lúc nào đó Sáng ra cầm trên tay tờ Báo Basàm TTXVH buổi sáng thì lúc đó chắc là sẽ vỡ ào cả trái tim tôi.

  21. LMTT said

    Nếu không vì lợi nhuận thì Osin cứ quăng nó lên một cái “cờ lốc” nào đó, và nếu nó hay thì dân sẽ tự in, tự chuyền tay có gì mà lo …đợi nhà nước thì “gần có” rồi…Cứ thế nhé

    • Ha Le said

      Vấn đề không phải lợi nhuận bác LMTT à. Tôi nghĩ nhiều đến công sức lớn lao (và cả phí tổn nữa) mà bác Huy Đức đã phải bỏ ra để thực hiện cuốn sách này. Lẽ công bằng là độc giả phải “trả công” xứng đáng cho bác ấy. Thực ra, trừ trường hợp bất khả kháng hay trong hoàn cảnh đặc biệt, còn thì tôi nghĩ người Việt chúng ta không nên… phát huy cái quan niệm “ở đời mọi sự của chung” và thoải mái “đọc chùa”. (Hic, mà ngay chính trang Ba Sàm này chúng ta cũng đang đọc chùa ấy nhỉ?).

      Dù sao thì một cuốn sách rất giá trị và đầy ý nghĩa như thế, tôi nghĩ rằng sẽ rất nhanh xuất hiện rộng rãi trên mạng thôi, nhưng tôi vẫn sẽ mua, không chỉ 1 cuốn mà nhiều cuốn, ngay sau khi sách được xuất bản, như một hình thức ủng hộ và đền đáp công lao của bác Huy Đức. Mong các bác ở hải ngoại, đặc biệt ở Mỹ, cũng ủng hộ nhà báo Huy Đức như tôi, trong dịp này.

      • Nguyên Trương said

        Rất đồng ý với bác Ha Le. Không chỉ vì công sức tác giả, mà còn là vì góp sức cho sự đổi thay. Biết bao người đứng ra đầu sóng ngọn gió, bị o ép về mặt kinh tế đến phải buông xuôi. Quyên góp thì điều ra tiếng vào. Chỉ có cách này mới đường đường chính chính thôi.

        • Ha Le said

          Đúng đấy bác Nguyên Trương ui. Điều nhà em ngại không dám nói thì bác đã nói hộ ra rùi. 🙂

      • LMTT said

        Thanh Kiu bác Ha Le nghe!
        Cũng tại cái còm của em hơi tối nghĩa. Trong thời điểm hiện tại sách của bác Osin rất có giá trị mà chờ nhà nước thì “còn lâu”, nếu không muốn nói là khỏi có phép luôn, nên tạm thời cứ bung đại cho mọi người đọc qua. Chắc hắn em cũng sẽ mua một cuốn để “gối đầu giường”. Bác nhắc tới BS thì em cũng nói: cha này đã phải “chi” để nuôi đứa con tinh thần của mình còn bị chỉ ngay mặt là “phản động nhất nước” đấy!.

        • Ha Le said

          Hi hi, ăn cơm nhà đi vác ngà voi như “cha nội” Ba Sàm thì (theo tiếng miền Bắc) phải gọi là… “hâm”, phải hông bác LMTT? Đại hâm luôn! ha ha…

      • Lãng Tử said

        Có thực mới vực được đạo , HĐ đã bỏ bao công sức mới viết nên cuốn sách mà ai cũng free thì thấy có quá bất công không . Hơn nữa đây là cuốn sách hứa hẹn rất hay thì càng xứng đáng được các bạn ủng hộ ….

  22. dân quê said

    tôi mong cuốn sách đến được với đông đảo độc giả, những người muốn biết lịch sử thực sự của VN, chứ ko phải thứ lịch sử được dạy trong sách giáo khoa

  23. Tiểu Điền Địa said

    Người bảo vệ nền độc lập,tự do miền Nam không bao giờ chấp nhận cái gọi là “giải phóng”. Chúng tôi nói ngược với nhau là “phỏng dái”. Sẽ đọc sách Huy Đức trên mạng,nếu có. Đọc để biết sách viết đúng bao nhiêu % sự thật. không phải đọc để biết sự thật.

  24. Mac Giang Ho said

    Tui cũng rất thích cuốn sách này mặc dù đề tài Miền Nam trước 30/04/1975 cũng đã nói sơ qua vài lần trong câu nói của Bà Dương Thu Hương và vài nhà báo khác . Tôi sinh ra và lớn lên ở Miền Nam , năm 1975 tôi mới 8 tuổi nhưng không bao giờ quên sách vở lòng ” học đi em học đi mà nhớ mãi ” ” công cha như núi Thái Sơn ” . Sau giải phóng tôi học sách giáo khoa có anh K’pa K’long bắn 1 phát tên xuyên 3 tên lính Mỹ . Ra Bắc học tôi càng hiểu rõ nền văn hóa Miền Nam như thế nào . Cám ơn Anh Huy Đức rất nhiều . Nhân tiện cũng cám ơn bác Phạm Toàn đã dịch cuốn ” Nền dân trị Mỹ ” .

  25. vinh vu said

    men chao anh Huy Duc , truoc het xin duoc gioi thieu so qua ve ly lich ban than toi toi nguyen la sy quan QLVNCH cap bac cuoi cung trung uy , sau khi cai tao ve duoc hai nam thi vuot bien thanh cong va hien dang song tai AUSTRALIA , cuoc doi ca nhan toi cung kha ky la vi nam 1954 chi co toi di cu vao SAIGON voi ba noi va gia dinh mot nguoi co con bo me va may dua em toi ket lai tai HANOI khong vao NAM duoc , hoan canh, gia dinh toi co mot so mau thuan ke tu day , ke ,NAM nguoi BAC , ong anh ca la toi thi song va lon len tai dang trong con 7 dua em thi sinh ra va lon len tai dang ngoai , mai sau khi cai tao ve toi moi co dip gap lai bo me va vai dua em ruot vao NAM de xem ” ong anh NGUY ” nhu the nao ! Nam 1992 toi co dip ve VN tham gia dinh nhan co chinh sach doi moi cua ong ” NOI VA LAM ” tiep xuc voi nhung dua em ruot va nhat la nhung thang em re toi rat than trong vi dua nao cung khong bo doi phuc vien cung cong an thu du , tiet lo cho anh HD la ho hang ben ngoai toi co nguoi chu la tuong cong an DT day ! , Nhung nay da ve chau bac HO hon chuc nam roi , vi ly lich co phan ky quai nden toi nhathu me toi goc dao PHAT trong khi bo toi la CONG GIAO , cac em deu la phe thang chi co toi thang anh ca la phe thua
    So qua ly lich ca nhan nhu the de anh HD co the yen chi la anh co the biet them nhung dieu goi la SU THAT cua mot trang den toi nhat trong lich su can dai cua VN . Men chao anh va hy vong duoc tiep xuc voi anh neu anh muon ! Xin them mot dieu nho la toi nguyen hoc sinh truong CVA co hai bang tu tai ban C

    • Hoang Lan Moc Chau said

      Bạn Vinh Vu thân mến. Tôi thích đọc comment của ban.
      Tôi hay viết chữ Việt trên vài computers khác nhau. Các máy này không cài đặt bất cứ một phần mềm tiếng Việt nào. Để tiện lợi khi viết tiếng Việt có dấu, tôi thường vào http://www.angeltech.us/viet-anywhere/
      Mong được đọc thêm nhiều ý kiến của anh chiến sĩ VNCH

      • vinh vu said

        ban Hoang Lan Moc Chau than men ! cam on ban da comment vai dong ve nhung gi toi co y viet cho anh HUY DUC , truoc het toi xin loi vi khong quen xai bo tieng Viet co bo dau tren computer , ly do rat gian di la toi con nhieu ban nguoi nuoc ngoai nua nen moi lan doi phuc tap vo cung , doc ly lich so qua cua toi chac ban da hieu , con ve ban thi the nao truoc het noi ve tuoi tac de xung ho cho phai phep , toi sinh nam 1946 , !co le ban cung xap xi tren duoi 60phai khong a ? Toi khi xua trong quan doi la linh tac chien nhung khong phai thu du nhu ND , TQLC ,BDQ ..v.v. , tuy toi tu sau di cu vao NAM hau nhu chi song o SAIGON nhung di linh thi duoc chuyen ve vung 4 tuc la mien TAY toi co le tai so nen thoat chet rat nhieu lan khi di hanh quan nhat la hoi la trung doi truong mot trung doi , sau vai nam len dai doi truong thi do hon nhieu , nho hoi con di hoc phai noi that la toi rat dot ve toan , vat ly , hoa hoc lai tam goi la rat kha ve VAN , SU va TRIET , ban biet khong nhieu luc tren truc thang bay ra mat tran toi deu manh theo trong ba lo nhung cuon sach da so la truyen dich tu cac tac pham ngoai quoc nhu cua H EMINGWAY ,ALBERT CAMUS ,HERMAN HESSE ..v..v nhung toi thich nhat la LEON TOLSTOY nguoi NGA voi cuon tam goi la goi dau giuong chinh la tac pham ” Chien Tranh va Hoa Binh ” . Day ban xem tui toi danh giac nhu vay do !!!
        Thoi comment nhu the nay cung goi la dat tren mang con de cho anh em khac nguoi ta comment nua chu ! noi them mot chut toi cho sach cua anh HUY DUC de xem anh ay nha ra nhung SU THAT nao khac tu phia nhung nguoi goi la GIAI PHONG de lam tu lieu vi toi von om ap cung se viet mot cuon HOI KY de doi dua theo hai mat c, ua mot dong xu trong cuoc chien QUOC CONG vua qua , mot lan nua cam on ban ,mong duoc tiep xuc lien lac ca voi ban vi trong so nhung comment toi thay co nhieu nguoi biet ban , biet dau chung minh thanh ban TAM GIAO nhi ? MEN CHAO

    • Ha Le said

      Kính bác Vinh Vu. Em cảm động khi đọc tiểu sử lạ kỳ của bác. Bác là lớp thế hệ đàn anh của em (năm 1975 em mới 15 tuổi), là thế hệ mà em luôn nghĩ tới với sự xúc động đặc biệt. Dù bọn em sau 1975 có khổ đến thế nào, em luôn tự nhủ rằng chẳng thấm vào đâu với lớp đàn anh đàn chị – ở cả hai bên chiến tuyến – đã phải trải qua trọn tuổi thanh xuân của mình trong cái “bi kịch Việt Nam” vô cùng thê thảm. Gia đình em cũng toàn là “lính ngụy” không như bác. Và em cũng rất hiểu cái cảnh những người lính đi hành quân mang theo bên mình những tác phẩm của E. Hemingway, H. Hesse, A. Cammus… như đem theo ra chiến trường cả một ước mơ nóng bỏng về một thế giới thái bình, nhân bản, đầy tình người…

      Em xin phép được tình nguyện làm… “thư ký” cho bác, bác nhé, để bỏ dấu tiếng Việt vào bài của bác, bất cứ comment nào bác post lên đây mà gặp lúc em có thời giờ để làm. Thực cảm kích vì bác đã lớn tuổi và xa quê hương lâu rồi, vẫn vào đây để theo dõi tin tức hàng ngày ở VN, vẫn thở cùng nhịp thao thức với dân tộc. Dưới đây xem xin đăng lại hai cái post trên của bác nhé, để những tâm tình của bác cũng đến được với nhiều độc giả cách dễ dàng hơn.

      • vinhvu11 said

        Xin chan thanh cam on ban HA LE rat nhieu , neu toi doan khong lam thi ban dang o nuoc MY nhu HUY DUC phai khong ? Rieng phan ly lich ca nhan va gia dinh toi con nhieu thu ma toi nghi co the viet thanh mot cuon ” HOI KY ” duoc ,neu co dieu gi lam ban quan tam den hoan canh toi va muon bac mot nhip cau voi mot nguoi thuoc ” the he dan anh ” nhu toi thi ban va ca anh HUY DUC co the tiep xuc , lien lac qua email cua toi men chao va than chuc mot nguoi thuoc lop “Dan E!m ” mot mua giang sinh vui ve nhe

    • Ha Le said

      Comment thứ nhất của bác Vinh Vu:

      “Mến chào anh Huy Đức. Trước hết xin được giới thiệu sơ qua về bản thân tôi. Tôi nguyên là sỹ quan QLVNCH, cấp bậc cuối cùng: Trung úy, sau khi cải tạo về được hai năm thì vượt biên thành công và hiện đang sống tại AUSTRALIA. Cuộc đời cá nhân tôi cũng khá kỳ lạ vì năm 1954 chỉ có tôi di cư vào SAIGON với bà nội và gia đình một người cô, còn bố mẹ và mấy đứa em tôi kẹt lại tại HANOI không vào Nam được. Hoàn cảnh gia đình tôi có một số mâu thuẫn kể từ đấy. Kẻ Nam người Bắc. Ông anh cả là tôi thì sống và lớn lên tại Đàng Trong còn 7 đứa em thì sinh ra và lớn lên tại Đàng Ngoài. Mãi sau khi cải tạo về tôi mới có dịp gặp lại bố mẹ và vài đứa em ruột vào Nam để xem “ông anh ngụy” như thế nào!

      Năm 1992 tôi có dịp về VN thăm gia đình nhân có chính sách đổi mới của ông “Nói Và Làm”, tiếp xúc với những đứa em ruột và nhất là những thằng em rể, tôi rất thận trọng vì đứa nào cũng không bộ đội phục viên cũng công an thứ dữ. Tiết lộ cho anh Huy Đức là họ hàng bên ngoại có người chú là Tướng Công an DT (Đại tướng?) đấy!, nhưng nay dã về chầu bác Hồ hơn chục năm rồi. Vì lý lịch có phần kỳ quái nên tôi [… nden toi nhathu ] Mẹ tôi gốc đạo PHẬT trong khi bố tôi lại là CÔNG GIÁO, các e đều là phe thắng chỉ có tôi, thằng anh cả, là phe thua.

      Sơ qua lý lịch cá nhân như tế để anh HUY ĐỨC có thể yên chí là anh có thể biết thêm những điều gọi là SỰ THẬT của một trang đen tối nhất trong lịch sử cận đại của VN. Mến chào anh và hy vọng được tiếp xúc với anh nếu anh muốn! Xin thêm một điều nhỏ, là tôi nguyên học sinh trường CVA (Chu Văn An?) có hai bằng Tú tài ban C.”

    • Ha Le said

      Comment thứ hai của bác Vinh Vu:

      “Bạn Hoang Lan Moc Chau thân mến! Cám ơn bạn đã comment vài dòng về những gì tôi có ý viết cho anh HUY ĐỨC. Trước hết, tôi xin lỗi vì không quen xài bộ tiếng Việt có bỏ dấu trên computer, lý do rất giản dị là tôi còn nhiều bạn người nước ngoài nữa nên mỗi lần đổi phức tạp vô cùng. Đọc lý lịch sơ qua của tôi chắc bạn đã hiểu. Còn về bạn thì thế nào? Trước hết nói về tuổi tác để xưng hô cho phải phép, tôi sinh năm 1946. Có lẽ bạn cũng xấp xỉ trên dưới 60 phải không ạ?

      Tôi khi xưa trong quân đội cũng là lính tác chiến nhưng không phải thứ dữ như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân v.v… Tuy tôi từ sau di cư vào NAM hầu như chỉ sống ở SAIGON nhưng đi lính thì được chuyển về vùng 4, tứ là miền TÂY. Tôi có lẽ là tại số, nên thoát chết rất nhiều lần khi đi hành quân, nhất là tôi là Trung đội trưởng một Trung đội. Sau vài năm lên Đại đội trưởng thì đỡ hơn nhiều. Nhớ hồi còn đi học, phải nói thật là tôi rất dốt về Toán, Vật lý, Hóa học, lại tạm gọi là rất khá về Văn, Sử và Triết. Bạn biết không, nhiều lúc trên trực thăng bay ra mặt trận, tôi đều mang theo trong ba lô những cuốn sách đa số là truyện dịch từ các tác phẩm ngoại quốc như của E. HEMINGWAY, ALBERT CAMUS , HERMAN HESSE v.v… nhưng tôi thích nhất là LEON TOLSTOY người NGA với cuốn tạm gọi là đầu giường, chính là tác phẩm “Chiến Tranh và Hòa Bình”. Đấy, bạn xem tụi tôi đánh giặc như vậy đó!!!

      Thôi, comment như thế này cũng gọi là dài trên mạng, còn để cho anh em khác người ta comment nữa chứ! Nói thêm một chút, tôi chờ sách của anh HUY ĐỨC để xem anh ấy đưa ra những SỰ THẬT nào khác từ phía những người gọi là GIẢI PHÓNG, để làm tư iệu, vì tôi ôm ấp cũng sẽ viết một cuốn HỒI KÝ để đời, dựa theo hai mặt của một đồng xu trong cuộc chiến Quốc – Cộng vừa qua. Một lần nữa cám ơn bạn. Mong được tiếp xúc liên lạc cả với bạn vì trong số những comment tôi thấy có nhiều người biết bạn. Biết đâu chúng mình thành bạn TÂM GIAO nhỉ? MẾN CHÀO.”

  26. Nhan said

    “Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc”
    Cảm ơn Huy Đức đã có cách nhìn đúng và tư duy đúng!

  27. Nguyenqui34 said

    Mua sách ơ đâu nhỉ??

  28. qx said

    Còn hai việc tác giả Huy Đức phải làm sau “Anh phải viết lại những gì diễn ra ở đất nước này, đấy là lịch sử” là “Anh phải viết tiếp những gì đang diễn ra ở đất nước này, đấy là lịch sử” và hãy có một hoặc nhiều học trò hoặc cộng sự hoặc “gà ruột”.

    qx

  29. Xứ Quảng said

    Cám ơn Huy Đức, té ra anh lớn tuổi hơn tôi nghĩ, dù anh có được nhận “ưu đãi” của chế độ này, không như bọn tôi với lý lịch nhóm 11 mà đi thi đại học đậu rồi(điểm chuẩn theo nhóm 11), vẫn bị không cho đi học với đủ kiểu lý do như thẩm tra v.v.. có trời mà biết. Những điều anh nói sao như những gì tôi đã sống. Trong gia đình tôi có đứa đến giờ đã vào đảng, dám dè bĩu là ông nội nó bị Việt Minh thủ tiêu là đúng vì từng làm quan trong thời Pháp, mặc dù sau năm 1945 đã về nhà không tham dự gì nữa, có ông lại mở miệng ra là không thể nào để cho bọn phản động cướp đi thành quả cách mạng này của những người Cộng Sản, vì họ là người chiến thắng. Năm 1975 gia đình tôi phải bán nhà rẻ mạt ở thành phố để về quê theo yêu cầu của chính quyền lâm thời. Thời ấy tôi mới chưa đủ chục tuổi đầu nhưng đã có chút “lý tưởng”. Tôi nhớ có lần hỏi ông anh học lớp chín của mình rằng “chế độ này thế nào”, ông trả lời “chế độ trước thối nát không có ngày mai”. Thế rồi dần dần tôi được nếm đủ mùi cơ cực từ cái tuổi ấy, mà trước đó chưa bao giờ biết, kể cả chứng kiến đủ kiểu chướng tai gai mắt từ ở nhà trường cho đến đội sản xuất chính quyền xã huyện. Nhiều đêm tôi ao ước mình được có 1 cuộc sống như ngày xưa biết chừng nào. Tôi nhớ có lần tôi đang đi chăn trâu thì gặp thằng con ông phó chủ tịch xã – cha Nam mẹ Bắc, tính tôi không ưa bọn này và chả sợ nó, 2 đứa cãi nhau, nó hỏi tôi:
    – Địt mẹ mày, mày có biết nếu không có Bác Hồ thì giờ Miền Nam này còn không, như thế nào không?
    Tôi cũng không chịu:
    – Đ… mẹ mày nếu không có Bác Hồ thì chừ tao đéo có phải khổ cực, đéo có phải dắt trâu như thế này đâu!
    Hai thằng đánh nhau, nó về mắc cha nó, may là ông này cũng là bà con gần nên ông nói ba tôi về giáo dục thằng nhỏ thôi.
    Dù sao tôi vẫn mến Huy Đức, Bọ Lập, … hơn cả những người từng sống ở chế độ Miền Nam nhưng chả hiểu gì về nó cả.
    Chờ cuốn sách của anh, cám ơn trong khi chờ đợi!

    • Bằng Đoàn said

      Thân gửi Bạn Xứ Quảng, vừa đọc đoạn tâm tình nhỏ của Bạn(với Anh.HĐ) ở trên sao tôi chợt thấy bồi hồi tưởng chuyện của mình, mặc dù quê tôi không ở xứ Quảng! Quê tôi ở Thái Bình, lại sinh ra trong miền Nam, sau “di cư” . Cái xót xa, chua chát là chính cái mớ hỗn mang này đây ! (tôi nghĩ vậy!) Cái vị đặc thù của món : “Nồi Da Sáo Thịt”!!! Cùng với mọi người, tôi cũng rất mong đợi cuốn sách của Anh Huy Đức ! Thân chào !

  30. Ba Lúa said

    Nhà báo Huy Đức, tôi có biết và cả Trần ngọc Phong , mà ông Đức nhắc ở trên, tôi cũng có biết.
    Tuy vậy , tôi chỉ nói, họ phản tỉnh hơi muộn khi mà bản thân họ cũng được nhiều hậu đãi của chế độ này.
    Dù sao cũng mừng là ông Đức cố đi tìm sự thật, nhưng có lẽ tôi biết, ông vẫn chưa hiểu hết ngọn nguồn của sự dối trá này bất nguồn từ đâu ! Ở Mỹ, ông sẽ có nhiều cơ hội hơn để suy gẫm và nhận ra chân lý cuộc đời. Chúc ông vui và yên tĩnh.

  31. sự thật said

    Sự thật bao giờ cũng là sự thật. Dần dần rồi thì phải nhìn nhận về miền Nam của mọi lĩnh vực như con người, giáo dục, văn học… mà những người miền Bắc đánh giá một cách khách quan, là GS Đặng Phong, nhà phê bình và nghiên cứu Vương Trí Nhàn…

  32. Văn Lập said

    Từ Hà Tĩnh mình cũng đang háo hức chờ nhìn thấy mặt cuốn sách. Huy Đức cùng mình trôi trên một dòng đời trong mấy chục năm qua nhưng chắc chắn con mắt anh ta nhìn tinh hơn mình. Hy vọng có nhiều ý nghĩ trùng với mình trước một sự việc.

  33. Dung said

    Từ năm 2010 tôi đã nghe nói Huy Đức đang chuẩn bị gì đó cho 1 cuốn sách hay. Làm thế nào để có cuốn sách này, hay ít nhất được đọc nó nhỉ?

  34. […] nữ sinh từ chối luật sư (ĐV). – Mõ: Đóng phí giao thông (DV). – Điểm sách: Bên thắng cuộc – Vì sao tôi viết? (FB BTC/ Ba sàm). – Mỹ ‘quan ngại sâu sắc’ về các vụ tự thiêu ở Tây Tạng […]

  35. […] sử, Điểm sách. Bạn có thể theo dõi các phản hồi của bài viết này thông qua RSS 2.0 dòng thông tin. Bạn có thể Để lại lời nhắn, hoặc trackback từ trang của […]

  36. Người sông Tiền said

    Tôi cũng háo hức chờ được đọc cuốn sách này của nhà báo Huy Đức.

  37. Khoa Vũ said

    Đây là cuốn sách tôi mong đợi từ lâu, Và măc dù đã đọc nhiều lọai sách về miền Nam sau 75 nhưng đây là cuốn sách của người thuộc về phe thắng nhưng có đầu óc trong sáng như Huy Đúc. Lại được viết dưới dạng của sự thực, của tài liệu thì rất đáng giá. Chỉ có điều tôi e là cuón sách sẽ không ra được vì sẽ bị chính quyền tịch thu. Nếu điều này xãy ra thì thật qúa uổng phí cho bao nhiêu công trình, tâm huyết và cả một tấm lòng của tác giả.

    • Phạm Toàn said

      Bạn Khoa Vũ à,
      Sao mà cậu bi quan thế?
      Bạn không thấy Internet đã từng giây từng phút giải phóng loài người à?
      Những năm trước đây, ở các xứ sở dân chủ gấp vạn lần cũng không thể in loại sách như của Huy Đức.
      Ở Nga những người như Huy Đức tổ chức samizdat. Nghĩa là “Tự xuất bản”. Loại sách chui đó cùng với bất kỳ sách nào người ta muốn cấm thì cứ việc cấm. Chinh tôi đây, đọc Norman Mailer, cuốn tiểu thuyết chống chiến tranh VN rất quậy và rất nghiêm túc Why Are We in Vietnam? thì một ông hàng xóm nhìn thấy, và tôi bị ông báo cáo cấp nào đó rằng tôi đọc lời thanh minh của Mỹ giải thích vì sao Mỹ đánh Việt Nam…
      Bây giờ, chỉ cần viết hay. Không lo chuyện xuất bản.
      In sách giấy ở VN một lần giỏi lắm là 5.000 (năm ngàn) bản. Nguyễn Ngọc Tư mới đạt kỷ lục đó. Mà có đủ 5 ngàn người mua hết một luc đâu? Mà còn chờ nhà xuất bản thấy có lợi nhuận thì mời bối bản in tiếp. Đólà chuyện có thật.
      Trái lại, bây giờ, chỉ cần “văng lên mạng” dưới hình dáng EBook thì cứ gọi là sau một tuần có cả nửa triệu người đọc là cái chắc.
      Tôi nhớ lại hôm đưa tang anh Đặng Phong, tôi gặp Huy Đức, và hỏi anh “dao này kín tiếng thế?”
      Huy Đức nói “Em đang viết cuốn sách. Hai năm thì xong. Một cuốn sách đáng để em nghỉ viết blog Osin”.
      Đó là cách làm việc tôi ngưỡng mộ của người viết có TÀI, có CHÍ, và có MƯU.
      Tôi sẽ là người load sách của Huy Đức xuống và in ra và đóng đẹp và đọc và mỉm cười và giận dữ và buồn phiền…
      Tôi không dám hứa với Huy Đức là sẽ không có lúc rớm nước mắt xót thương cho nhiều thân phận, quá nhiều thân phận, đã bị đau khổ mà không cất được tiếng kêu.
      Huy Đức chắc là người đã KÊU TO LÊN hộ cuộc sống đau buồn này.
      Và dặn dò người đời: hãy đau buồn hết mức đi, và sẽ làm việc thanh thản tùy sức mình, tùy chí mình, tùy mưu của mình, cho một tương lai chắc chắn là tốt đẹp.
      Thân yêu,
      Toàn

      • Hoang An said

        Rất thích câu kết của bác Phạm Toàn:
        “Và dặn dò người đời: hãy đau buồn hết mức đi, và sẽ làm việc thanh thản tùy sức mình, tùy chí mình, tùy mưu của mình, cho một tương lai chắc chắn là tốt đẹp.”

  38. Hoang Lan Moc Chau said

    Vâng, đúng như vây. Miền Bắc đã xâm chiếm miền Nam và miền Nam đã giải phóng miền Bắc. Hiển nhiên. Tôi cũng tâm niệm thế .
    Tôi đã đọc Huy Đức từ những năm 80, quý anh từ đó, mấy đứa sinh viên BC93 trường Đại Học mở Bán Công Sàigòn (1993-1994) khi nói về ông cũng thích ông, tiếc thay sau đó đám sinh viên báo chí này bị..giải phóng!
    Tôi tin những điều ông viết.
    Mong nhiều người đọc cuốn này, dù là quốc gia hay cọng sản, du2, như ông nói:” Đây là công trình của một nhà báo mong mỏi đi tìm sự thật. Tuy tác giả có những cơ hội quý giá để tiếp
    cận với các nhân chứng và những thông tin quan trọng, cuốn sách chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, chắc chắn sẽ còn được bổ sung khi một số tài liệu được Hà Nội công bố. Hy vọng bạn đọc sẽ giúp tôi hoàn thiện nó trong những lần xuất bản sau.”
    .

    • Ha Le said

      Kính bác Hoang Lan Moc Chau. Khuya hôm qua (giờ Mỹ) em có lời thưa với bác ở bên dưới phản hồi của bác ở Tin Thứ Năm. Hi hi, xem như một lời chào bác và một lời tâm tình. Níu áo bác để… “méc”, chỉ sợ bác hổng đọc được thì uổng. Bác ghé trở lại đọc nhé.

      Giờ lại giật mình biết bác cũng học ở ĐHMBC năm 93-94 ư? Thực là… duyên tình cờ! Em cũng học ở đó trong hai năm đó, có điều, biết cái lý lịch của mình “hổng giống ai” nên em hổng dám rớ vào khoa Báo Chí, em đành chọn khoa Đông Nam Á.

      Về Huy Đức, em cũng vậy, rất quí anh ta và quí luôn tập thể Báo Tuổi Trẻ thời điểm đó nữa. Quí đến nỗi thời đó em đạp xích lô, tự nguyện trong lòng nếu gặp phóng viên hay nhà báo của Tuổi Trẻ thì dù chở đi đâu em cũng nhất định hổng lấy xiền, he he, mà có bác nào thèm ngoắc xe em đâu!

      Những tên tuổi ở Báo Tuổi Trẻ mà Huy Đức nhắc trong bài trên đây em đều biết cả, và đều rất ngưỡng mộ. Hôm nay ngồi đây bên xứ Mỹ này mà nhớ đến khuôn mặt từng người, đặc biệt Phan Xuân Loan mà em có dịp gặp nhiều lần, dù cô ấy chắc là không nhớ ra em đâu.

      (Đây là lần đầu tiên em viết mà gọi tên “Huy Đức” cách trống không và thân thiện như vậy, vì anh ta trẻ tuổi hơn em một ít, và em rất quí anh chàng ấy. Nhớ thời gian đó, được biết thế hệ gọi là “đàn em” của mình có những người tài ba và cái tâm rất sáng như thế, em mừng vô hạn, bao nhiêu khổ đau đã trải vì thời cuộc bỗng nguôi ngoai đi hết).

      • Đinh Kim Phúc said

        Ha Le, em là ai?

        • Ha Le said

          Ối, bác Đinh Kim Phúc nổi tiếng quá nên em phải biết bác, chứ em thì sống thầm lặng quen rồi, bác không biết em được đâu, (hi hi, trừ phi bác chạy xe ôm uống trà đá vỉa hè, anh em mình từng gặp nhau khi em đang cũng… xô xích le vỉa hè trà đá… 🙂 )

          Bác Phúc ơi, em phục bác vì biết bác phải phấn đấu và hy sinh khủng khiếp lắm mới có thể tiếp tục những việc nghiên cứu thầm lặng của mình trong suốt bao năm qua. Em nói thiệt, suốt từ 1975 đến 2006 (là lúc sang Mỹ sống), điều tự hào duy nhất của em là đã… “xin chọn nơi này làm quê hương” để cùng chia sẻ thân phận với đồng bào của mình, bằng tất cả trái tim của mình, không than van, không hờn oán… Em chỉ làm được có thể thôi, bác à. Rồi em phải đồng ý đi Mỹ vì không còn cách nào khác!

          • Thuận tay ... trái ! said

            Hu hu hu
            Số bác chắc …thích “vất vả”, ở xứ “dân chủ gấp vạn tần tư bổn” không thích, lại thích đi ăn “bơ thừa, sữa cặn” !

          • Ha Le said

            🙂

          • Đinh Kim Phúc said

            Sáng nay mở danh sách sinh viên các khóa đầu của Khoa ĐNA học, tôi đã đoán được Ha Le là ai rồi.

      • Hoang Lan Moc Chau said

        Bạn Ha Le quý mến.
        Tui hổng có hân hạnh được học các thày Huỳnh Sơn Phước, Huỳnh Văn Tòng… ở Đại Học bán công Saigon thời đó. Một số em SV khoa báo chí sau giờ học ghé tôi chơi. Vui lắm. Lúc đó các em hay bàn chuyện báo chí và chuyện..nước. Không may, người ta vội đóng cửa khoa này, chuyển các em sang các khoa ĐNA, XH gì gì đó. Đây cũng là bằng chứng rõ ràng là người CS sợ đủ thứ.
        Kỳ rồi tôi ghé Sàigon, gặp lại nhiều người trong đám SV dễ thương ấy. Họ hầu hết thành công cả. Rất vui là trong số họ, không ai bán linh hồn cho quỷ, ngay cả một vài người nay là đảng viên. Có người nói với tôi:’Chúng em không là đảng viên thì ai sẽ lật đổ đảng đây?” Cũng có một vài người đi Mỹ, đi Pháp, gặp lại vẫn như thủa nào.
        Khoa Báo chí ĐH Mở Bán công Saigon hồi đó nhận đủ thành phần, có cả tu sĩ, cả con “nguỵ” cả con đảng viên. Lẫn lộn cả, nhưng tôi thấy họ đều giống nhau là rất nhiệt tình yêu nước và yêu nghành học.

        • montaukmosquito said

          Haha, nghe lại câu “Chúng em không là đảng viên thì ai lật đổ đảng đây”. Chắc không phải từ cùng 1 người vì circle của tớ khác với HLMC.

          Tớ muốn chỉ ra cái này, những đảng viên có lòng như thế không tiến xa được trong đảng CS này, cùng lắm chỉ lên được cỡ cán bộ trung cấp, không thể tiến vô trung ương để phá đảng một cách hữu hiệu nhất . Tớ có khuyên nên bỏ đảng, để cho bọn sâu vô phá đảng hữu hiệu hơn mấy người có tâm có tầm nhiều . Mấy người có tâm có tầm có muốn phá đảng cũng không biết phải phá thế nào hơn cả một bầy sâu.

          • Hoang Lan Moc Chau said

            Mikhail Sergeyevich Gorbachev,Boris Nikolaevich Yeltsin của Nga, Mátyás Szűrös của Hungary, và hình như Lech Walasa của Ba lan cũng là cựu đảng viên Cọng sản mà. Tui theo chủ nghĩa lạc quan,có khi hơi tếu, cho dễ sống. Mr.Montaukmosquito Hihihihahah!

      • Ha Le said

        Kính bác Đinh Kim Phúc. Bấy lâu đọc bài của bác trên mạng, kể cả nhìn hình, mà em vẫn còn ngờ ngợ không biết mình nhớ đúng không. Giờ thì chắc chắn trăm phần trăm đúng là thầy Phúc năm nào ở ĐHMBC rồi.

        Hai năm đầu chỉ học các môn đại cương nên tụi em chưa được bác đứng lớp ngày nào, nhưng lại được gặp bác thường xuyên vì bác vừa phụ trách phòng giáo vụ, vừa nhận mảng sinh hoạt sinh viên. Nhớ năm đó sinh viên ghi danh học ngành ĐNÁ rất đông, cỡ trăm rưỡi mạng, ngồi chật cả hội trường. Hầu hết là các em vừa tốt nghiệp phổ thông, đa số là nữ mà lại còn từ các tỉnh về Saigon trọ học nữa, nên bác khá vất vả. Một ít sinh viên lớn tuổi trong lớp như em thì bác thường coi như anh em chứ không muốn được gọi bằng thầy. Em đã đến nhà bác mấy lần cùng vài bạn sinh viên khác. Hồi đó cứ mắc cười vì rõ ràng em nhỏ tuổi hơn bác, thế mà mấy cô tân sinh viên cứ kêu bác bằng “thầy” xưng “em” ngọt xớt, trong khi lại gọi em bằng “chú”, xưng “con” (he he, thế mới đen cho em!).

        Hai ấn tượng em nhớ nhất về bác. Thứ nhất là có lần dự buổi bảo vệ luận văn cử nhân (hình như khóa đầu tiên của Khoa), bác ngồi ghế giáo sư phản biện và thấy bác phản biện rất nghiêm. Em nghĩ là trong học thuật thì bác thẳng thắn lắm chứ không có dễ dãi thông cảm. Chuyện thứ hai là tụi em chưa xong các môn đại cương, bác đã khuyến khích sinh viên mạnh dạn chọn trước đề tài luận văn ra trường, làm bản tóm tắt gởi lên bác. Nghe bác khích lệ quá, em đánh bạo viết luôn một lèo 6 trang, tóm tắt đề tài mà em dự định sẽ làm: “Đông Nam Á trước cuộc gặp gỡ Đông-Tây”. Biết là đề tài quá rộng, đòi hỏi nhiều công phu, ngỡ bác sẽ can, không ngờ thấy bác có vẻ thích thú và khuyến khích cứ làm.

        Tiếc là chỉ sau 2 năm đại cương thì hoàn cảnh không cho phép em tiếp tục học nữa, đành phải ngưng!

      • Ha Le said

        Bác Hoàng Lan Mộc Châu ơi. Thì ra không phải bác học ở ĐH Mở, nhưng một số anh em bên khoa báo chí rất thích đến chỗ bác chơi. Em đoán ra bác rùi, hi hi. Chẳng qua là ông anh ruột của em học khoa đó, và nhóm sinh viên đó rất thường đi “sinh hoạt ngoại khóa”, chụp hình rất nhiều.

        Hễ lúc nào có dịp là em lại tọt vào lớp Khoa báo chí ngồi học ké vì không ai điểm danh mà sợ. Thực ra cái cuốn hút em là bầu khí lúc đó của lớp báo chí. Các bạn bên đó hầu hết là lớn tuổi, điềm đạm, thân ái và sâu sắc. Em thích nhất là nhìn những tu sĩ Phật giáo trong bộ áo nâu sồng đến lớp. Họ rất được các bạn sinh viên quí mến.

        Lúc khoa báo chí bị… “giải phóng” thì mọi người rất buồn, rất nản, và em biết các giáo sư còn đau lòng hơn nữa. Ông anh của em hỏi ý kiến em về việc chuyển qua khoa ĐNÁ. Em biết sở trường của ổng, nên khuyên ổng chọn khoa Phụ Nữ học. Hì hì, các giáo sư chủ trương đã phải chọn cái tên “Phụ nữ học” là để dễ xin phép Bộ ở Hà Nội đó thôi, chứ thực chất đó là môn Xã hội học và Công tác Xã hội “đậm đà bản sắc tư bản”, hi hi.

  39. Long said

    Cuốn sách của tôi bắt đầu từ ngày 30-4-1975, ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc.” ( Huy Đức).

    Quân Mông Cổ chiếm trọn Trung Nguyên nhưng nền văn minh của Hán tộc đã khai trí cho đoàn quân man rợ.

    Cái ” nền văn minh” gọi dạ bảo vâng, đi thưa về trình của các cháu bé miền Nam đã khiến cho người Bắc đã thốt lên : trẻ em trong Nam lễ phép lăm.

    Cái ” nền văn minh” Tiên Học Lễ Hậu Học Văn trong các trường học ở miền Nam, cũng như khẩu hiệu Nhiễu Điều Phủ Giá Gương/ Người Trong Một Nước Phải Thương Nhau Cùng ; hoặc như Oán Thù Nên Mở Không Nên Thắt nhan nhãn trên các bờ tường đã khiến cho người mien Nam sống dưới chế độ Mỹ Ngụy có cái nét riêng mà dân XHCN muôn đời không sao hiểu nỗi.

    • Thất phu said

      Ấy chết,nền “văn minh” mà ông nói đó là tàn dư của Mỹ Ngụy để lại,còn nền “Văn minh” Phở quát,”Cháo chửi” ở Hà nội ta hiện nay mới đích thị là “văn minh”Xã hội chủ nghĩa

  40. Tài nông Đức cạn said

    Như lời giới thiệu, cuốn sách này dành cho phe ” thắng”, như phe ” thua” đã quá rõ, đọc làm gì! Đến nay, từ dân đen, đến bọn cán bộ, vẫn cứ cho là thắng, là giải phóng đất nước. Cần cho chúng nó đọc!

    • Ha Le said

      Hông, tui cũng… “phe thua” đây, bác TNĐC ạ, nhưng tôi rất háo hức đón đọc cuốn này. Thế nào tui cũng mua khi sách ra mắt, hổng phải một cuốn mà mua nhiều cơ, còn tặng cho bạn bè nữa. Đọc cái lời nói đầu trên đây thui là tui khoái rùi!

  41. xóa điều 4 hiến pháp said

    Tôi cũng muốn mua 1 quyển. Bao giờ có, mua ở đâu ?

  42. danhocgao said

    Lam sao mua duoc cuon nay ha Huy Duc. toi dang o Houston. Cam on

    ——
    BTV: 12/12 này sách mới ra. Khi nào sách phát hành, sẽ thông báo cho bác và bà con biết các kênh phát hành và bác sẽ mua được thôi.

    • Thất phu said

      Mới nghe qua nội dung thì cuốn sách này được xuất bản trong nước… chết liền,bộ 4T để chó nhai à

  43. […] 1444. Sách: Bên thắng cuộc – Vì sao tôi viết? […]

Gửi phản hồi cho Ha Le Hủy trả lời