BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

1360. Hiện tượng Phương Uyên và cú hích đào tạo giáo dục

Posted by adminbasam trên 08/11/2012

“Nhà trường, đoàn thanh niên và thầy cô của Phương Uyên không thuộc cơ quan tư pháp, vậy văn bản luật nào cho phép họ có thẩm quyền của cơ quan tư pháp can thiệp vào mối quan hệ giữa sinh viên với Phương Uyên, vốn không nằm trong hợp đồng đào tạo? Trường ĐHCNTP  vốn chỉ có chức năng đào tạo nhưng đã kiêm luôn chức năng nhà nước, biến sinh viên của mình thành đối tượng điều tra, xét hỏi, mà lẽ ra tình người phải bảo vệ họ, nếu thấy đúng, còn không thì không được phép can thiệp, bởi không đúng thẩm quyền, trái pháp luật.”

Hiện tượng Phương Uyên và cú hích đào tạo giáo dục

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức *

Cách đây gần 30 năm, đoàn vài chục nghiên cứu sinh Việt Nam, tuổi trên dưới 30, toàn giáo viên đại học, hoặc ở viện, cục, trong đó đa số đạt điểm cao thi tuyển được ưu tiên chọn sang Đức, đầu tiên tới học viện Herder Institut học tiếng.

Bà Maria, giáo viên chủ nhiệm lớp, được học sinh Việt qúy mến, thế hệ nọ truyền thế hệ kia, luôn gọi là mẹ. Sau buổi làm quen tại trường, mẹ mời đoàn tới thăm nhà riêng cách viện chừng vài chục km đi tầu điện.

Từ xa, cả đoàn đã trông thấy mẹ đứng chờ vẫy vẫy tay. Tầu dừng, mẹ xô tới tận bậc lên xuống, tay bắt mặt mừng, cả đoàn rối rít hớn hở như được về nhà. Trước khi dẫn đoàn đi, mẹ nắm tay một người, tay kia ra hiệu ngăn cả đoàn lại, rồi chỉ về ngôi nhà mẹ xa xa phiá bên kia đường, bảo: “Qua đường cần nhớ, trước hết phải nhìn bên phải, rồi nhìn bên trái, khi đó mới được đi thẳng“. Cả đoàn ngoan ngoãn làm theo, đánh mặt sang phải, rồi sang trái, thậm chí có người thấy là lạ ôn lại mấy lần như tập thể dục. Đó chính là bài học giao thông dạy trẻ em Đức đi nhà trẻ !

Trước khi sang Đức, đoàn họp bầu trưởng phó đoàn chịu trách nhiệm mọi giao dịch, giấy tờ; xuống sân bay có đại sứ quán ra tiếp nhận, hướng dẫn, mua vé, tiễn lên tầu về trường, tới nơi có trưởng đoàn lưu học sinh ở đó ra tận ga đón, đưa về gặp thường trực ký túc xá người Đức, phân chỗ ở, hướng dẫn trải ga, chăn, đệm, ăn uống. Nhất cử nhất động đều được hướng dẫn, chỉ cần làm theo, không phải động não, chuẩn bị, lo lắng.

Giờ học đầu tiên, thầy giáo dạy môn phát âm làm quen, hỏi tình hình đất nước, không một ai dám phát biểu, mọi người ngoái cổ nhìn nhau, rốt cuộc tất cả dồn mắt vào vị lớp trưởng được bầu, coi như xong trách nhiệm, chẳng còn gì liên quan tới mình.

Liệu tương lai đất nước có trông chờ và kỳ vọng nổi về một tầng lớp trí thức trâm anh, tuổi sung mãn cả trường đời lẫn sức khỏe, được bao cấp, thụ động, phó mặc lãnh đạo như vậy, thậm chí còn kỳ vọng họ sẽ trở thành những con chim đầu đàn hay cỗ máy cái đào tạo các thế hệ đi sau ?

Trước khi bảo vệ luận án, nhiều khoá nghiên cứu sinh Việt còn phải thi vấn đáp môn Chủ nghĩa Mác Lê Nin. Giáo sư hỏi:

“Tây Đức có cấp học bổng cho sinh viên không ?“

Nghiên cứu sinh Việt trả lời tắp lự, không cần đắn đo, để tỏ rõ thuộc lầu bài: “Không !“

“Xin ngài giải thích?“

“Chủ nghĩa Tư bản sinh ra để bóc lột chứ đâu vì nhân dân như Chủ nghĩa Xã  hội“.

Vị giáo sư lắc đầu: “Đúng vậy, nhưng thực tế họ cấp học bổng. Tuy nhiên, theo Mác đó là là để đào tạo họ tốt hơn, nhằm bóc lột nhiều hơn“.

Chức năng của khoa học là tìm kiếm chân lý, liệu chân lý có cần tìm, và nếu cần liệu có tìm nổi, một khi nó đã được định hình sẵn trong đầu, bất di bất dịch, cứ thế bắt thực tế phải tuân theo? Những tiến sỹ giáo sư tương lai này có đóng nổi vai trò phản biện cho chính sách pháp luật nhà nước vốn đòi hỏi phải được xây dựng trên cơ sở khoa học, mà đất nước khi gửi đi du học đã kỳ vọng?

Thế giới hiện đã ra khỏi chiến tranh lạnh, không còn đe doạ tiêu diệt, loại trừ lẫn nhau, bấp chấp thực tế như trước, đã bước vào thời đại hội nhập, toàn cầu hoá; Việt Nam có hàng triệu kiều bào, hàng triệu lượt người Việt mỗi năm ra thế giới và cũng hàng triệu lượt người nước ngoài tới Việt Nam, thậm chí  nhập quốc tịch Việt Nam. Đất nước Việt Nam đã như một thế giới thu nhỏ. Vậy mà những câu hỏi bởi ý thức hệ, từ 30 năm trước xảy ra ở Đức với nghiên cứu sinh vẫn cứ phải đặt ra cho tương lai của tầng lớp trí thức trâm anh Việt Nam hiện tại, khi Thành đoàn TPHCM, Phòng công tác học sinh sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm, Trưởng khoa CNTP, Bí thư đoàn trường, Bí Thư đoàn khoa, và một số thầy cô yêu cầu những sinh viên trong danh sách ký tên gởi thư cho Chủ tịch nước mỗi người phải viết cam kết là không có viết thư gởi Chủ tịch nước và không có ký tên, để nộp lại cho nhà trường chuyển đến Chủ tịch nước“.

Nghĩa là bắt sinh viên phải nói theo thầy cô như đứa trẻ đi mẫu giáo, bấp chấp sai sự thực, đúng cơ chế giáo dục bao cấp từ những 30 năm trước, cả về tổ chức lẫn nội dung đào tạo, cả về tư duy lẫn cuộc sống cá nhân, nhất nhất được lãnh đạo.

Ở đây chưa bàn tới cáo buộc Nguyễn Phương Uyên sai hay đúng thuộc chuyên đề khác, hơn nữa đang trong quá trình điều tra và Phương Uyên không có luật sư bảo vệ quyền lợi pháp lý cho mình. Nhưng dù bị cáo buộc phạm tội gì thì vẫn chưa bị toà kết án, đang là một công dân có đầy đủ quyền công dân. Chưa nói ngay cả kết án tội gì, thì vẫn là một con người cần được đối xử bằng tính người, chứ không phải “loài vật quay lại nỗi đau của đồng loại“ như Mác đã cảnh báo; nếu không loài người chỉ còn là một xã  hội vô cảm!

Thế giới sinh ra các hiệp hội bác sỹ không biên giới, phóng viên không biên giới, lặn lộn tới toàn những nơi chết chóc, chính là xuất phát từ tính người đó. Giải thích tại sao, khi thấy bất cứ ai chết, kể cả can tội khủng bố giết hại hàng loạt người vô tội, người ta vẫn ngả mũ, cầu khấn cho linh hồn họ siêu thoát. Chẳng nhẽ Phương Uyên không còn là đồng loại, phải cách ly bằng bất cứ giá nào với mọi sự giúp đỡ của con người, của bạn bè cô, kể cả nhà trường dù phải hy sinh cả sự nghiệp giáo dục, đào tạo, đành dạy và buộc học sinh nói dối, cấm quan hệ? Hay vì Phương Uyên như giặc dã đe doạ sự tồn vong đất nước tới mức bất chấp tất cả, miễn đạt mục đích, đành phải buộc học sinh, bạn bè của cô như thế?

Hiện tượng Phương Uyên và trường ĐHCNTP  phản ảnh tập trung rõ nét nhất một vấn đề hệ trọng, căn bản, quyết định sự nghiệp đào tạo giáo dục chấn hưng đất nước; chừng nào chưa thay đổi chừng đó chưa có cơ cứu vãn, nằm ở câu hỏi đơn giản nhất: sinh viên là ai? chức năng nhà trường là gì?

Sinh viên là con người như bất cứ con người nào khác và trên 18 tuổi. Đó là tuổi tự chịu trách nhiệm pháp lý với mọi hành vi của  mình. Không một ai, kể cả bố mẹ lẫn nhà nước được quyền thay họ bất chấp ý kiến họ, ngay cả với mục đích tốt đẹp nhất nhằm đem đến cho họ hạnh phúc vô biên và tương lai tươi sáng. Họ hoàn toàn độc lập. Họ là người dân tự do. Họ là đồng chủ nhân đất nước.

Giống như người làm công chỉ chịu ràng buộc bởi hợp đồng lao động với chủ thuê việc, sinh viên cũng chỉ chịu trách nhiệm với hợp đồng đào tạo đã ký kết với nhà trường, bằng văn bản như các nước hiện đại, hoặc gián tiếp thông qua giấy nhập học và nội quy nhà trường như ở ta.

Ngoài phạm vi đó, sinh viên là một cá  nhân hoàn toàn độc lập như thầy cô, như hiệu trưởng, bí thư đảng ủy, bí thư đoàn thanh niên, không hơn không kém, được gọi là bình đẳng; khi ra đường dù thầy hay  trò, nhân viên hay cán bộ nhà trường, tất cả đều là người bộ hành, về nhà là thành viên gia đình, đi mua sắm là khách hàng, tham gia đảng phải là chính khách, bị bắt, bị điều tra, xét hỏi là nghi can thuộc trách nhiệm của cơ quan tư pháp.

Nhà trường, đoàn thanh niên và thầy cô của Phương Uyên không thuộc cơ quan tư pháp, vậy văn bản luật nào cho phép họ có thẩm quyền của cơ quan tư pháp can thiệp vào mối quan hệ giữa sinh viên với Phương Uyên, vốn không nằm trong hợp đồng đào tạo? Trường ĐHCNTP  vốn chỉ có chức năng đào tạo nhưng đã kiêm luôn chức năng nhà nước, biến sinh viên của mình thành đối tượng điều tra, xét hỏi, mà lẽ ra tình người phải bảo vệ họ, nếu thấy đúng, còn không thì không được phép can thiệp, bởi không đúng thẩm quyền, trái pháp luật.

Sai phạm trên bắt nguồn từ  2 ngộ nhận cơ bản trong đào tạo giáo dục ở ta xưa nay:

1- Quan niệm chức năng đào tạo phải kiêm cả chức năng xã hội, nhà nước, chính trị, pháp luật, thậm chí cả gia đình, một khi có liên quan tới sinh viên mình. Nên mọi hành vi của sinh viên nhất cử nhất động đều bị giám sát, “dạy dỗ“ từ sinh hoạt, sở thích, lối sống, tới cả yêu đương… Điểm đạo đức trong học bạ dùng đánh giá sinh viên, chẳng khác gì khi học phổ thông vốn chưa trưởng thành cần giám hộ, chính là kết qủa quan niệm trên. Vô hình trung coi sinh viên là trẻ con, chưa phải người lớn. Các nước hiện đại không ở đâu dám làm vậy.

2- Cũng từ đó, dẫn đến trên thực tế hành xử  không coi sinh viên là độc lập, trong khi họ chính là đối tác, một bên ký hợp đồng đào tạo với nhà trường, có trách nhiệm và quyền lợi pháp lý ngang nhau. Không có sinh viên, nhà trường không tồn tại!

Hệ lụy dẫn tới chương trình đào tạo ở ta quá khác biệt thế giới. Dù học chuyên ngành gì, thì ở ta những năm đầu, sinh viên đều buộc phải học các môn cơ bản về chính trị, quân sự, thể dục thể thao… tốn mất chừng 1 năm cho một khoá học. Nước ta đang cần bao du học sinh về nước làm việc, bao chuyên gia nước ngoài tới giúp đỡ; họ đều không học các môn trên. Nghĩa là học nó hay không, không đóng vai trò gì đối với chuyên môn khi ra trường. Đào tạo dù mang sứ mạng, vai trò, ý nghĩa ghê gớm tới mức nào, rốt cuộc cũng chỉ trang bị kiến thức nghề nghiệp cho học sinh ra trường hành nghề, bất kể họ là ai, vốn là thước đo đánh giá bằng cấp trên thế giới, không có ngoại lệ cho Việt Nam.

Ở các nước hiện đại, người ta không dạy môn chính trị cho chuyên ngành không phải chính trị, nhưng nền chính trị họ vẫn vừng vàng như bàn thạch, họ không dạy thể dục thể thao cho mọi trường đại học nhưng vẫn đoạt các giải vô địch quốc tế, họ không dạy quân sự, nhưng không nước nào xâm chiếm nổi đất nước họ. Bởi đào tạo của họ là đào tạo nghề nghiệp, nghề chính trị ra chính trị, nghề quân sự ra quân sự, thể thao ra thể thao…, ngoài ra sinh viên các chuyên ngành khác đều có thể học ngoại khoá các chuyên ngành nói trên, nếu muốn.

Sinh viên Việt Nam chưa có bằng chứng gì chứng tỏ thông minh hơn thế giới còn lại, nên trình độ được đào tạo hoàn toàn tuỳ thuộc qũy thời gian đào tạo, do  bị cắt tới 1 năm, nên  ra trường thua kém các nước hiện đại là hiển nhiên, nhiều bằng cấp không được họ thừa nhận.

Do đó chương trình đào tạo ở ta, muốn cải cách trước hết phải dành toàn bộ qũy thời gian đào tạo chỉ cho những môn học bắt buộc, không có nó không thể hành nghề, nói cách khác chỉ trang bị những kiến thức gì nghề nghiệp cần chứ không phải nhà trường có hay muốn!

Chỉ khi sinh viên và trường đại học thực sự là 2 đối tác trong một hợp đồng đào tạo, độc lập bình đẳng ngang nhau, chỉ nhằm thực hiện chuyển giao kiến thức nghề nghiệp ở bậc đại học từ thầy sang trò, thì khi đó mới có thể nói đến cải cách căn bản đào tạo ở nước ta, và chỉ khi đó mọi chủ trương chính sách thần kỳ về đào tạo nếu có may ra mới phát huy tác dụng, nếu không mọi cố gắng cải cách kiểu gì cũng chỉ như bịt lỗ rò của một bể nước không chống thấm.

Hy vọng sự kiện nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên đang thu hút dư luận quan tâm nhất xưa nay, sẽ trở thành cú hích khởi đầu cho một cuộc cải cách đào tạo thật sự ở ta theo đúng chuẩn mực của thế giới hiện đại, hoặc ít nhất cũng đặt được một dấu hỏi không bao giờ phai cho tầng lớp trí thức  trâm anh, cùng các nhà quản lý giáo dục đào tạo, dẫn tới một cú hích như vậy trong tương lai gần, để dòng giống con lạc cháu hồng, không ai còn phải chịu “hổ thẹn với các bậc tiền nhân“!

N.S.P.

* Mời đọc một số trong rất nhiều bài viết của TS Nguyễn Sỹ Phương:  + 1152. Chủ quyền biển đảo, điều kiện cần và đủ;  +1098. Đất đai, nguyên lý và thước đo thực tế;  + 764. Bàn định tội danh giết người;  +  755. Tội “giết người“ không có người chết?;  + Hiện tượng chính khách gốc Việt Rösler(SGTT);  + Biểu tình và trách nhiệm bảo vệ công dân (BBC);  + Luật pháp và nhân dân, nhìn từ cưỡng chế đất đai (boxitvn);  + Luật pháp không thể không hội nhập thế giới (TVN);  + Tập đoàn ở Việt Nam và cách giải cứu không giống ai (TVN); + Đảng FDP hay người dân định đoạt số phận Chủ tịch gốc Việt? (TVN).

27 bình luận trước “1360. Hiện tượng Phương Uyên và cú hích đào tạo giáo dục”

  1. […] phải đi đôi với quản lý sinh viên (QĐND). – TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức: Hiện tượng Phương Uyên và cú hích đào tạo giáo dục (Ba Sàm). – Khó tin những gì họ đã luận tội Nguyễn Phương Uyên (Nguyễn […]

  2. Vụ Phương Uyên: Phản động giả danh Thị Kính http://tinquansu.wordpress.com/2012/11/11/phan-dong-gia-danh-thi-kinh/

  3. Vituonglai said

    Tổ chức nào cũng là cánh tay nối dài của Đảng mà thôi, đảng là to lớn bao trùm tất cả. Từ ngày bé đã có đội thiếu nên tiền phong Hồ Chí Minh rồi đến Đoàn Thanh niên cánh tay phải của đảng rồi đến đảng cộng sản. Tất cả chỉ là một, tòa án nhân dân ư tòa án của DCS, uỷ ban nhân dân các cấp ư toàn Đảng viên cả đó. Người dân Việt từ em bé mẫu giáo chưa biết gì đã mơ gặp bác Hồ rồi, sau là vì tổ quốc xã hội chủ nghĩa hô rền vang trong các trường tiểu học và trung học cơ sở, rồi kinh tế chính trị Mác lê rồi tư tưởng HCM. Tóm lại là không thể thoát. Một số ít không bị tẩy não thì chúng đe dọa đàn áp không cho tuyên truyền cho người khác. Bản chất của chúng là dối trá nên rất sợ sự thật và đàn áp dã man những người dám nói lên sự thật của chúng.

  4. D.Nhật Lệ said

    Thưa bác Nguyễn Sỹ Phương !
    Bác tưởng nước ta có đại học tự trị như ở Đức hay ít ra cũng được như miền Nam VN.trước đây hay sao bác ? Bác lầm to rồi nên bác đã phê phán ban giám hiệu như thế là…trật chìa khóa và bác không
    tài nào mở ổ khóa ra được,trừ ra bác có chìa khóa vạn năng hay kẻ trộm…chuyên nghiệp.
    Với chủ trương chính trị hoá giáo dục bằng cách đoàn ngũ hóa tất cả sinh viên,đại học VN.không có
    cách gì thoát khỏi bị chính trị CS.chi phối hoàn toàn như đã bị từ mấy chục năm nay.
    Xin bác nhớ cho điều đơn giản này là VN.ta hiện nay còn chưa bằng các nước láng giềng và châu Á,
    thậm chí còn thua Kampuchia và mới đây Burma thì làm sao có chuyện tách rời chính trị Mác Lê khỏi học đường với đầy đủ ban bệ toàn đảng viên từ thầy đến trò,dù đang là chuẩn đảng viên CS.!

  5. Lucky said

    Chẳng cần phải dông dài, ngay năm đầu tiên của ngưỡng cửa Đại Học đã bắt con, cháu chúng tôi phải học triết học Mác Lê Nin (để làm gì nhỉ ?) liệu có thiết thực không ? Ra trường đi làm ở các Công Ty rồi áp dụng vào việc gì ? Không những thế làm lãng phí tiền bạc của cha mẹ (phụ huynh) và thời gian quý báu của Sinh viên, trong khi Cha Mẹ phải làm cật lực mới có tiền để nuôi Con ăn học kiếm cho được cái Bằng Cấp, với hy vọng sau này Con có việc làm ổn định, tương lai sáng lạn hơn mình.

  6. khách said

    Qua thông tin này
    Thành đoàn TPHCM, Phòng công tác học sinh sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm, Trưởng khoa CNTP, Bí thư đoàn trường, Bí Thư đoàn khoa, và một số thầy cô yêu cầu những sinh viên trong danh sách ký tên gởi thư cho Chủ tịch nước mỗi người phải viết cam kết là không có viết thư gởi Chủ tịch nước và không có ký tên, để nộp lại cho nhà trường chuyển đến Chủ tịch nước“

    TS Phương đã đặt ra vài câu hỏi (trích dẫn):
    Nghĩa là bắt sinh viên phải nói theo thầy cô như đứa trẻ đi mẫu giáo, bấp chấp sai sự thực, đúng cơ chế giáo dục bao cấp từ những 30 năm trước, cả về tổ chức lẫn nội dung đào tạo, cả về tư duy lẫn cuộc sống cá nhân, nhất nhất được lãnh đạo
    Hiện tượng Phương Uyên và trường ĐHCNTP phản ảnh tập trung rõ nét nhất một vấn đề hệ trọng, căn bản, quyết định sự nghiệp đào tạo giáo dục chấn hưng đất nước; chừng nào chưa thay đổi chừng đó chưa có cơ cứu vãn, nằm ở câu hỏi đơn giản nhất: sinh viên là ai? chức năng nhà trường là gì?
    Nhà trường, đoàn thanh niên và thầy cô của Phương Uyên không thuộc cơ quan tư pháp, vậy văn bản luật nào cho phép họ có thẩm quyền của cơ quan tư pháp can thiệp vào mối quan hệ giữa sinh viên với Phương Uyên, vốn không nằm trong hợp đồng đào tạo?

    Để hiểu rõ hơn chúng ta cùng xem qua luật Giáo dục Đại học mà Quốc hội vừa thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013 (http://thuvienphapluat.vn/archive/Luat-Giao-duc-dai-hoc-2012-vb142762.aspx)

    Điều 28. Nhiệm vụ và quyền hạn của trường cao đẳng, trường đại học, học viện
    1. Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển cơ sở giáo dục đại học.
    2. Triển khai hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.
    3. Phát triển các chương trình đào tạo theo mục tiêu xác định; bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo.
    4. Tổ chức bộ máy; tuyển dụng, quản lý, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động.
    5. Quản lý người học; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của giảng viên, viên chức, nhân viên, cán bộ quản lý và người học; dành kinh phí để thực hiện chính sách xã hội đối với đối tượng được hưởng chính sách xã hội, đối tượng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; bảo đảm môi trường sư phạm cho hoạt động giáo dục.
    6. Tự đánh giá chất lượng đào tạo và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục.
    7. Được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất; được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.
    8. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực; xây dựng và tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị.
    9. Hợp tác với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, y tế, nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài.
    10. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở giáo dục đại học đặt trụ sở hoặc có tổ chức hoạt động đào tạo theo quy định.
    11. Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

    Kết luận 1: Theo điều 28 này trường ĐH CNTP HCM không có quyền can thiệp vào mối quan hệ giữa các bạn sinh viên khác và Phương Uyên qua việc yêu cầu hủy thư kiến nghị

    Điều 55. Nhiệm vụ và quyền của giảng viên
    1. Giảng dạy theo mục tiêu, chương trình đào tạo và thực hiện đầy đủ, có chất lượng chương trình đào tạo.
    2. Nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng đào tạo.
    3. Định kỳ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy.
    4. Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của giảng viên.
    5. Tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.
    6. Tham gia quản lý và giám sát cơ sở giáo dục đại học, tham gia công tác Đảng, đoàn thể và các công tác khác.
    7. Được ký hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật.
    8. Được bổ nhiệm chức danh của giảng viên, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
    9. Các nhiệm vụ và quyền khác theo quy định của pháp luật.

    Kết luận 2: Theo điều 55 này Giảng viên trường ĐHCNTP HCM cũng không có quyền can thiệp vào mối quan hệ giữa các bạn sinh viên khác và Phương Uyên qua việc yêu cầu hủy thư kiến nghị


    Nhưng tại sao họ vẫn can thiệp và các bạn sinh viên khác vẫn phải chấp nhận: Đơn giản vì đây là tính “đặc thù và ưu việt” của chế độ XHCN nói chung và nền giáo dục XHCN nói riêng

    • khách said

      Còm trên tôi mới bàn đến việc trường và giảng viên can thiệp bất hợp pháp, phạm luật vào mối quan hệ giữa các bạn sinh viên khác và Phương Uyên. Còm này bàn tiếp về sự can thiệp của tổ chức đoàn TNCS HCM trường vào mối quan hệ này

      http://doanthanhnien.vn/newsdetail/DoanTNCSHCM/9554/news.htm (điều lệ đoàn TNCS HCM)
      Điều 16: Nhiệm vụ của tổ chức cơ sở Đoàn
      1. Đại diện, chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi.
      2. Tổ chức các hoạt động, tạo môi trường giáo dục, rèn luyện đoàn viên, thanh thiếu nhi nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, đơn vị.
      3. Phối hợp với chính quyền, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế – xã hội làm tốt công tác thanh niên, chăm lo xây dựng Đoàn, tích cực xây dựng cơ sở Đoàn, Hội, Đội ở địa bàn dân cư, tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và chính quyền

      Điều 17: Quyền hạn của tổ chức cơ sở Đoàn
      1. Kết nạp đoàn viên mới, quản lý đoàn viên, tiếp nhận, chuyển sinh hoạt Đoàn; giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp; giới thiệu cán bộ, đoàn viên vào quy hoạch đào tạo, sử dụng cán bộ của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và tổ chức kinh tế – xã hội.
      2. Tổ chức các hoạt động, các phong trào nhằm đoàn kết, tập hợp thanh niên, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng, hợp pháp của tuổi trẻ; phối hợp với các ngành, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế – xã hội tạo môi trường, điều kiện thuận lợi trong công tác thanh niên.
      3. Tổ chức các hoạt động tạo thêm việc làm và thu nhập cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, tạo nguồn kinh phí cho hoạt động của Đoàn; được sử dụng con dấu hợp pháp

      Kết luận 3: Dựa theo điều 16 và 17, Tổ chức đoàn TNCS HCM tại trường ĐH CNTPHCM cũng không có nhiệm vụ và quyền hạn can thiệp vào mối quan hệ giữa các bạn sinh viên khác với Phương Uyên

      Điều 2: Nhiệm vụ của đoàn viên
      1. Luôn luôn phấn đấu vì lý tưởng của Đảng và Bác Hồ. Tích cực học tập, lao động rèn luyện, tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
      2. Gương mẫu chấp hành và vận động thanh, thiếu nhi thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và chính quyền. Chấp hành Điều lệ Đoàn và các nghị quyết của Đoàn; tích cực tuyên truyền về tổ chức Đoàn trong thanh niên; sinh hoạt đoàn và đóng đoàn phí đúng qui định.
      3. Liên hệ mật thiết với thanh niên, tích cực xây dựng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; giúp đỡ thanh niên và đội viên trở thành đoàn viên

      Kết luận 4: Điều 2 này cũng cho thấy các bạn sinh viên (nếu là đoàn viên) của Phương Uyên cũng không có nghĩa vụ phải thực hiện yêu cầu bất hợp pháp từ tổ chức đoàn trường trong việc trên


      Tóm lại: Kết luận 3, 4 cũng tương tự như 1,2. Rõ ràng là các hành vi vi phạm vào điều luật và điều lệ nhưng tại sao nó vẫn diễn ra bình thường mà không thấy ai có ý kiến gì (ngoài TS Phương).
      Thôi đành tạm kết luận đây là “đặc thù và ưu việt” của chế độ XHCN nói chung và hoạt động của các tổ chức ngoại vị của nó nói riêng

      • Tiểu Điền Địa said

        Câu chuyện không chỉ liên quan đến sv Nguyễn Phương Uyên,đến ĐH CNTP Thành Hồ. Nói nó là “nền giáo dục XHCN” là đúng,nhưng trừu tượng cho nhiều người. Nó đích thị nằm ngay Điều 4 Hiến pháp: Đảng lãnh đạo nhà nước,lãnh đạo xã hội. Nó mênh mông như trời biển vậy. Lâu nay,nhiều nhà nghiên cứu đề nghị,đòi hỏi phải xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN hay tư bản chủ nghĩa gì cũng được,nhưng phải là pháp quyền. Pháp quyền,tức là Nhà nước quyền,không phải đảng quyền. Nhưng đảng đều bỏ ngoài tai. Nhà nước thực thi luật,nhưng nhà nước chịu dưới sự lãnh đạo của đảng,nên việc thực thi luật phải uyển chuyển,mênh mông theo quyền tùy cơ ứng biến toàn trị của đảng.

        Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Phương nói là cần thiết,là hay ho,là hữu ích,tăng phần nhận thức so sánh,giúp nhân dân hiểu biết,giúp đảng viên có thêm thông tin. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Phương là nhà bất đồng chính kiến với chế độ hiện nay.

  7. đờn gảy tai trâu said

    Ở VN, trí thức chỉ là con rối do chính quyền giật dây thôi.
    Nếu quan niệm trí tuệ gắn với năng lực tư duy độc lập và khả năng phản biện thì ở Vn không có trí thức.
    Nói với đám đó, nhất là với cái đám trong ngành giáo dục, thì chỉ như đờn gảy tai trâu thôi.

  8. Tiểu Điền Địa said

    Tiễn sĩ Nguyễn Sĩ Phương nói như một trong những con người văn minh của hành tinh Quả đất nói. Sẽ bình thường như đôi tình nhân dạo trên làng quê,phố phường Cộng Hòa Liên Bang Đức. Tập đoàn cộng sản đang lãnh đạo Việt Nam nhìn phải con chữ của Ts. Nguyễn Sĩ Phương,khác nào như bị ớt Thailand xát vào mắt họ. Cay quá,không những họ không đọc mà còn cảnh báo nếu ai đọc mà thấm nhuần rồi “tuyên truyền” cho nhiều người đọc rồi đòi hỏi này nọ quá đáng,vượt giới hạn dân chủ xã hội chủ nghĩa ngàn lần hơn tư bản;đảng đưa vào bóng tối dài ngày,nhỡ mù mắt thì Nguyễn Sĩ Phương là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Không phải đảng CSVN!

    Ông Đinh Thế Huynh,UVBCT,Trưởng ban tuyên truyền,giáo dục của đảng cộng sản Việt Nam,ông là lớp sinh viên cuối cùng được đào tạo tại giảng đường đại học Liên-Xô. Vừa qua,ông họp với trưởng đoàn báo chí Trung Quốc,ông nói rằng: nền báo chí hai nước Việt – Trung thắt chặt hơn nữa,đoàn kết tin tưởng lẫn nhau hơn nữa,vì đại cục to hơn nữa. Tạo nền tảng vững chắc định hướng dư luận,giáo dục nhân dân hai nước. Tổ cha chúng nó. Con với cháu. Mang nặng đẻ đau,rặn chúng nó ra,cho bú,cho ăn,cho học,giờ chúng làm quan to,chúng lại đi cấu kết với kẻ gian và ra đòn “giáo dục nhân dân”. Đấy,toàn dân Việt Nam còn đang bị quan Việt liên kết với quan Tàu ra sức giáo dục như thế,huống hồ sinh viên,thưa Tiến sĩ!

    Đọc Tiến sĩ,xảy ra một hiện tượng kỳ lạ: Cứ muốn bỏ quê bay qua định cư ở chổ Ts không hà! Người ta gọi là tị nạn cộng sản. Cộng sản thiệt là kỳ một cục. Sao họ không cho người khác tự do như họ? Họ dùng xe công chờ bồ đi du hí,họ nói với cơ quan là đi công tác. Ai nói không phải bị họ tát. Đại loại tùm lum như thế,thưa Ts!

  9. Lú Phú Trọng said

    Nó đang ở giai đoạn đột phá hoặc đang tốt rồi thì “cú hích” sẽ tạo ra thay đổi lớn hoặc làm cho hiện trạng trở nên tốt hơn; chứ nó đang lao dốc mà hích là nó… vỡ mặt luôn đấy!!!

    • Lú Phú Trọng said

      Không có “ngộ nhận” đâu tác giả ạ, chẳng nhà trường vừa bị chúng tôi lợi dụng, vừa bị chúng tôi “cưỡng hiếp” nên thành ra “biến chất” thôi, mang danh truyền đạt tri thức, nhân văn nhưng toàn phải nhại lại những gì chúng tôi nói, không thì… ăn đủ!!!

  10. Dương Văn Cừ said

    híc híc, bình tĩnh đi

  11. F 361 said

    Một câu nói được cho là của Karl Marx, rất được các lãnh tụ CS toàn thế giới (chứ chẳng riêng gì VN) hay nhắc lại như vẹt. Tôi còn thấy nhà văn Nguyễn Khắc Phục, trong quyển tiểu thuyết rất hay “Khát vọng” của mình, gắn câu nói đó và miệng ông Đ.M. khi đi thị sát công trường thuỷ điện Hoà Bình.
    Như vậy, với kinh nghiệm cách mạng cộng sản 95 năm, kể từ ngày 7/11/1917, tôi nghiệm là các ông Cs đéo hiểu chút nào về câu nói vừa nhắc đến :
    “”Tự do của mỗi người là điều kiện đảm bảo cho tự do của mọi người”

    Từ đây thì suy ra hết mọi điều, chứ chẳng cần đến các thư viện chất đầy các lý giải của người CS về các cuộc cách mạng XHCN của mình tại các viện nghiên cứu Mác – Lê, Lenin, Hồ Chí Minh… Vì thiếu cái điều kiện đầu tiên “Tự do của mỗi người” nên chả ai có tự do hết!

    Sang năm, tới Hoàng Sa!

    F 361

  12. Nguoixecat said

    Chúng tôi cũng trọn vẹn lớn lên trong mái trường XHCN và do đó như người ‘ở trong chăn’, thấy rõ cái kém cỏi của nó khi so sánh với mái trường ‘tư bản CN tồi tệ'(!Khiếp, vu khống bậc thầy!). Cho nên chúng tôi rất đồng ý với bài viết của NSP. Mong rằng nhiều người hãy cất lên tiếng nói để thực sự cải cách nền giáo dục tệ hại của chúng ta. Đã quá nguy rồi. Không cất lên tiếng nói mạnh mẽ thì những cái đầu rúc cát nhưng lại có quyền lực sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy gì hết.

  13. […] Hiện tượng Phương Uyên và cú hích đào tạo giáo dục […]

  14. Phi Viet said

    Khi ra khỏi đất nước, tiếp xúc với thế giới bên ngoài, giao tiếp với bạn bè quốc tế, có lẽ người Việt nào có tâm với quê hương đất nước đều cảm thấy day dứt trong lòng, cảm thấy nhân dân mình thua thiệt quá nhiều so với người dân sống ở các nước dân chủ. Nhìn lại đất nước sau 37 năm dưới sự lãnh đạo tài ba của “đỉnh cao trí tuệ loài người” mới thấy đất nước “có nhiều cái nhất” trong nhiều vấn đề.

    Về cộng nghệ, đất nước nằm trong bảng xếp hạng “top ten” những nước thù địch với Internet, có máu mặt trong các nước coi blogger là “thế lực thù địch”,

    Về xã hội, được xếp hạng cao là “xứ sở hạnh phúc nhất” trên thế giới vì người dân được sống trong cảnh màn trời chiếu đất vì phải bận rộn đi thưa kiện đất đai, bị ăn cướp tài sản, tự do tiếng nói được định nghĩa khá đơn giản là “cái con c…”, tham ô tham nhũng được xem là việc thường ngày như ở huyện. Quan chức nhà nước thì cùng nhau hưởng ứng cuộc vận động tham gia “chống phòng chống tham nhũng”

    Về đời sống, công nhân Việt Nam khổ nhất vì bị bóc lột bởi giới chủ mà không có nhà nước bảo vệ quyền lợi, còn người dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng csvn đều đã trở thành những vận động viên thể thao vì phải chạy đua với vật giá leo thang, với cơm áo gạo tiền, với phí sinh hoạt biến động từng ngày mà nhân dân Việt Nam vẫn có thể chịu đựng được thấy cũng tài, chỉ thấy một vài tiếng kêu ca, còn phần đông nhân dân đều im lặng, chịu đựng kiểu “sống chung với giặc” mới thấy có thêm cái nhất nữa là nhân dân có sức chịu đựng tốt nhất thế giới.

    Về giáo dục, là nước Đông Nam Á có nhiều giáo sư tiến sỹ nhất, chỉ làm những chuyện to tát như bảo vệ đảng, định hướng nhân dân học sinh sinh viên không làm trái ý đảng để được ăn mày bổng lộc của đảng. Đỉnh cao trí tuệ loài người đến nỗi chỉ có việc nhỏ “tìm ra chất gì chứa trong cái “coóc xê” của các chị, các bà các em cũng cần phải họp hành tới lui, rồi vẫn chưa đưa ra kết luận chất đó là chất gì mà gây ngứa cho các chị em phụ nữ, do cần phải gửi ra nước ngoài cho mấy ông tiến sỹ, mấy nhà khoa học ở các nước khác làm, vì việc này quá là tầm thường, không cần mấy ông tiên sỹ, mấy nhà khoa học công sản nhúng tay làm gì. Sau 37 năm, chúng ta không có nổi một trường đại hoc nào nằm trong top 200 trừơng Đại học hàng đầu Châu Á, vì chúng ta đã có trường Đại học nằm cuối top 300 rồi (300 vẫn lớn hơn 200 chứ). Giáo sư, tiến sỹ của chúng ta không cần dành thời gian nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng kiến thức chỉ cần đăng ký ghi danh là cuối khóa học có bằng phó giáo sư, tiến sỹ ngon ơ (chuyện này có anh bạn dạy ở trường Khoa học xã hội nhân văn tp hcm kể, có ông đang làm phó hiệu trưởng trường này, không thấy nghiên cứu, đi học, đùng một phát lên phó hiệu trưởng, trình ngay bằng phó giáo sư cho đồng nghiệp nể chơi, dù rằng ai cũng thấy ông này suốt ngày ở trong phòng làm việc trên trường. Sin viên học sinh phải biết yêu nước theo định hướng xhcn, thấy kẻ cướp nước, giết dân phải biết ngậm miệng lại, không được kêu la. Phải biết sống chung, nhẫn nhịn, cúi đầu với kẻ thù, phải ghi nhớ mình là “bạn vàng, bạn tốt” với kẻ thù như các nhà lãnh đạo đất nước mới là yêu nước.

    Chỉ kể sơ qua cũng đủ thấy đỉnh cao trí tuệ đã đạt được nhiều thành tựu to lớn thế nào.

    HOAN HÔ ĐỈNH CAO TRÍ TUỆ LOÀI NGOÀI !!!

    • vong said

      “Khi ra khỏi đất nước, tiếp xúc với thế giới bên ngoài, giao tiếp với bạn bè quốc tế, có lẽ người Việt nào có tâm với quê hương đất nước đều cảm thấy day dứt trong lòng, cảm thấy nhân dân mình thua thiệt quá nhiều so với người dân sống ở các nước dân chủ.”Thưa bác Phi Việt ,đôi khi tôi cảm thấy rất buồn ,buồn lắm …Nhưng dân trong Nước họ ko có biết họ ở tận đấy cùng của Thế Giới đâu bác ơi .Nhiều người thậm chí rất tự hào có cuộc sống hiện tại .Những người như vậy thì bó tay chấm com thôi .Mà họ ngu như thế cho họ sống vậy cho đáng kiếp làm người .Tôi nhìn họ mà chỉ biết cười ruồi .Ngu như thế cho mày chết cho xứng đáng kiếp con …người .Tôi xin kể về con chó ở PT người ta nuôi như thế nào .Con chó chủ nuôi thường có đăng kí ,có bảo hiểm sức khoẻ , ốm đau có thể được thuốc men ,được mổ xẻ khi cần .Có Paspoort để cần có thể đi ra Nước Ngoài .Ăn uống :một hộp thịt 1kg/ xương cho gặm …nhưng đồ này rất rẻ ,nên QĐ Nga đã nhập về cho lính ăn và nói dối là thịt bò hầm ,ha ha .Ai ko tin thì tìm đọc trên Viêtinfo sẽ biết .Còn con người ở ngoài hành tinh liệu đã có quyền như con chó Phương Tây của Tư Bản Giãy Chết chưa ?Hãy tự so sánh thì sẽ biết thôi .

  15. Cựu đảng viên said

    Bài viết của TS Nguyễn Sĩ Phương phản ánh đúng tình trạng của cái gọi là “nền giáo dục XHCN” (mặc dù cả loài người chưa và không thể hình dung ra cái CNXH nó tròn méo thế nào). Thế hệ chúng tôi ngày đó (giờ đã U70 rồi) luôn phải “tự hào được lớn lên, được dạy dỗ trong mái trường XHCN”. Điệp khúc ấy được người ta ép nói như một con vẹt.
    Thực tế của cái gọi là “nền giáo dục XHCN” của VN là như thế nào? Hãy nhìn vào một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ hiện nay của VN thì chúng ta sẽ thấy nó “ưu việt” ra sao. Từ cái đơn giản nhất là bạo lực học đường, học sinh phổ thông đánh đấm nhau không thương tiếc; rồi đến đám thanh thiếu niên trộm cắp, cướp, giết, hiếp dâm, sống bầy đàn nhan nhản ngoài xã hội, làm cho người dân bất an. Nhiều người sống vô cảm trước nỗi đau của đồng loại… Rồi cũng một bộ phận không nhỏ (như ông Tổng bí thư đã nói) các quan chức, đảng viên, những người cũng đã được đào tạo, giáo dục và lớn lên dưới “mái trường XHCN” tham ô, biến chất, làm cho đất nước ta tụt hậu như ngày hôm nay.
    Rất mừng là Phương Uyên và nhiều bạn trẻ khác đã không bị ảnh hưởng nhiều của cái nền giáo
    dục “XHCN” đó. Các cháu đó đã tìm ra con đường riêng của mình, với mong muốn là làm sao cho đất nước ta ngày càng tốt đẹp hơn, dân chủ hơn, văn minh hơn.

  16. Lừa dụ Lừa said

    Giáo dục là cách gieo mầm
    Gió nào bão ấy không nhầm lẫn đâu

    Bố ông Cụ muốn đỗ đầu?
    Học chay phải chạy để thâu bảng vàng

    Ngộ ra quan trường phũ phàng
    Quá sầu chén riệu cụ phang chết người

    Tiền nhân như thế thì thôi
    Quý Đôn xưa đã cố nhồi ông con

    Bạn Cao Bá Quát ăn đòn
    Chìa Vôi làm loạn chẳng khôn tí nào!

    Học sĩ ở xa đồng bào
    Khuyến dụ nhăng nhố tào lao chi khườn

    Gắng mần gửi về thôn hương
    Bạc xiên hương khói thân thương vô cùng

  17. Cú hích cần thiết cho bọn người tự cho mình cái quyền lãnh đạo thiên hạ là “LÒNG TỰ TRỌNG” thực sự phát xuất từ tâm hồn mình chứ không phải của bọn đĩ miệng vô liêm sĩ thích lên lớp người khác! Được vậy thì không còn tự xem mình là khuôn vàng thước ngọc-ba hoa, khoác lác, tráo trở, lưu manh, bỉ ổi, đê tiện…nhưng vẫn trơ tráo diễn xuất màn kịch này đến màn kịch…cỡm khác!…

  18. […] Theo anhbasam blog […]

  19. huythuanvu said

    “bắt sinh viên phải nói theo thầy cô như đứa trẻ đi mẫu giáo, bấp chấp sai sự thực…” . Sự thực, rất tiếc là, vẫn như vậy!

  20. VẸT said

    khi ra tòa, chỉ cần hô to: ĐCSVN muôn năm! CN mác-lê bách chiến bách thắng! là được trắng án!
    quá đơn giản để trở thành con VẸT!

  21. Anh Hung said

    Đảng và nhà nước cộng sản chỉ cần đào tạo ra lớp “con người mới XHCN” thôi, TS Nguyễn Sỹ Phương ạ. Họ đã thành công 1 phần rồi đấy. Đất nước chỉ hy vọng lớp trẻ Việt nam sinh sau thập kỷ 80 mới có tư duy độc lập trong suy nghĩ và hành động mà điển hình là sinh viên Nguyễn Phương Uyên.

  22. […] Đọc tiếp » […]

  23. […] 1360. Hiện tượng Phương Uyên và cú hích đào tạo giáo dục […]

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

 
%d người thích bài này: