BTV: Bài viết bên dưới là bản gốc bài của TS Nguyễn Sỹ Phương đã được đăng trên báo SGTT hôm qua: Hạn chế gam màu xấu trong bức tranh thu hồi đất: làm rõ chủ sở hữu pháp lý. Chúng tôi xin đăng lại nguyên văn để độc giả hiểu thêm về cái gọi là “tự do báo chí” ở xứ ta.
Mặc dù thông tin trong bài là những đóng góp bổ ích, hoàn toàn mang tính khoa học và thực tiễn, không hề đụng chạm đến Đảng hay Chính quyền, thế nhưng vẫn bị thế lực vô hình nào đó cấm cản. Vậy thì, đến bao giờ dân trí và đất nước Việt Nam mới có thể “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”? Ai chịu trách nhiệm với những cấm cản vô hình đó? Chẳng nhẽ các thế lực vô hình này không hề chịu bất cứ một ràng buộc nào của pháp luật, không chịu sự giám sát của nhà nước và nhân dân?
Đất đai, nguyên lý và thước đo thực tế
TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức
22-06-2012
Đất đai bất ổn tranh chấp chiếm tới 70% người dân khiếu kiện, lên đến đỉnh điểm đối đầu với chính quyền điạ phương như Văn Giang, Tiên Lãng, được Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng: “Luật không sai mà tổ chức thực hiện sai“ có thể gây ngộ nhận, mọi trách nhiệm thuộc về cơ quan hành chính thực thi. Luật sinh ra không phải chỉ để chế tài người dân, mà quan trọng hơn, cả cơ quan công quyền tham gia vào mối quan hệ luật pháp đó, cả hai phải tuân thủ những quy phạm, chuẩn mực, thước đo, quy tắc xử sự định sẵn, nhằm mục đích tối thượng bảo đảm lợi ích cho người dân vốn là chủ nhân đất nước. Vì vậy, chừng nào lợi ích đó chưa bảo đảm thì chừng đó, không riêng gì tổ chức thực hiện, toàn bộ quy trình từ soạn thảo, thông qua, ban hành, thực hiện, áp dụng, đều phải xem lại; thực trạng bất ổn tranh chấp đất đai tới mức hiện nay càng đặt ra đòi hỏi bức bách đó.