Vài nét về tác giả: Ông Phùng Liên Đoàn theo học ở Mỹ từ năm 1958. Năm 1961, ông có các bằng cử nhân về toán và vật lý ở Trường Đại học Florida (Florida State University) và bằng thạc sĩ về vật lý và hạt nhân ở trường MIT (Massachusetts Institute of Technology) năm 1963. Năm 1972, ông lấy bằng tiến sĩ về kỹ thuật hạt nhân cũng tại trường MIT.
TS Phùng Liên Đoàn đã làm việc tại Trung Tâm Nguyên Tử Đà Lạt từ năm 1964-1966. Từ năm 1972 tới 1983, ông làm việc cho các nhà máy điện hạt nhân của các công ty Mỹ và viện khảo cứu Institute for Energy Analysis. Từ 1983 đến nay, ông là Chủ tịch và Tổng Giám Đốc Công ty Tư vấn Nguyên tử và Môi trường PAI Corporation.
(Ghi chú: Sau khi bài được đăng ngày 22/5/2012, tác giả đã chỉnh sửa lại nhiều đoạn, đã được cập nhật vào 9h sáng 23/5/2012.)
——–
Tám lý do Việt Nam sẽ có lợi nếu chính phủ hoãn xây nhà máy điện hạt nhân
Phùng Liên Đoàn
22-05-2012
Chuyên viên an toàn, môi trường và kinh tế Điện hạt nhân đã làm việc tại Mỹ 40 năm
Nước Việt Nam đang đi ngược lại xu hướng trên thế giới là phải hết sức thận trọng trong việc xây nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) vì hai lý do chính: ĐHN có rủi ro gây tai nạn phóng xạ, và ĐHN rất đắt tiền. Việc đi ngược lại xu hướng này không phải vì ViệtNamcó một nền kinh tế mạnh hoặc một đội ngũ chuyên viên ĐHN chuyên nghiệp như Nga, Nhật, Đức, Mỹ, Pháp… mà vì lãnh đạo ta có một quyết tâm chính trị rất cao và có quyền không cần tham khảo ý dân. Quí vị lãnh đạo ta biết hết, lại tin vào lời báo cáo của cấp dưới là trong tương lai ta rất thiếu điện và ĐHN thế hệ lò thứ ba rất an toàn. Ngay sau biến cố Fukushima lãnh đạo ta vẫn khẳng định mạnh mẽ hơn thủ tướng Đức và thủ tướng Nhật là Việt Nam vẫn tiến tới việc xây nhà máy ĐHN.