Đôi lời: Dường như trước đây có độc giả đã nhắc BS nên tìm các bài viết của các học giả phương Tây theo hướng ủng hộ Trung Quốc để giới thiệu cho bà con. Và đây là một trong những bài như vậy, xin giới thiệu cùng độc giả.
Bài viết này có nhiều ý kiến thiên vị (biased) Trung Quốc mà độc giả có thể nhận ra, chẳng hạn như câu “…Bắc Kinh phẫn nộ trước việc Hà Nội tiếp tục chủ động thăm dò những khu vực tranh chấp”. Ý kiến này hoàn toàn thể hiện quan điểm của Trung Quốc, bởi vì vùng biển mà VN thăm dò, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, không phải vùng biển tranh chấp với Trung Quốc. Chẳng hạn như cái nhà của ta đang ở, tay hàng xóm tới bảo, cái sân nhà là của nó, rồi ta cãi lại, chẳng lẽ cái sân này trở thành “dispute” giữa ta với tay hàng xóm?
Còn nhiều điểm nữa trong bài thể hiện quan điểm Trung Quốc, quý độc giả có thể tìm và dùng lý lẽ để phản bác, hoặc độc giả nào biết tiếng Anh có thể vào bài gốc trên Foreign Policy để viết comment tranh luận. Khi tranh luận, nhất là ở các diễn đàn nước ngoài, độc giả chú ý, quan trọng nhất là chúng ta sử dụng lý lẽ để thắng họ.
Một kịch bản tương tự Gruzia cho Đông Nam Á
11-7-2011
Đối với tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng của Trung Quốc, Mỹ không thể làm liều.
Ngày 22-6 tại Honolulu, khi Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, cảnh báo các quan chức Hoa Kỳ rằng “các nước (ở Đông Nam Á) đang đùa với lửa”, và ông ta hy vọng “lửa ấy sẽ không lan tới Mỹ”, thì đó là một sự chấm dứt những luận điệu thường lệ trong các cuộc hội nghị thượng đỉnh. Thông điệp của Trung Quốc là: Đừng can thiệp vào tranh chấp quần đảo Spratly (tên quốc tế của quần đảo Trường Sa – ND) trên biển Hoa Nam (tức Biển Đông – ND), nơi năm nước có yêu sách chủ quyền khác đang tranh giành với Trung Quốc quyền khai thác trữ lượng tài nguyên dồi dào dưới biển ở khu vực này.