BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

155. Luật biển, luật rừng

Posted by adminbasam trên 05/07/2011

Asia Sentinel

Asia and International Law

Luật biển, luật rừng

Gavin M. Greenwood

Ngày 1-7-2011

Hai cuộc đụng độ trên biên giới gây căng thẳng ở Đông Nam Á là hai điểm bùng phát tiềm tàng của xung đột khu vực, thậm chí một trong số hai cuộc đụng độ này còn có nguy cơ gây xung đột toàn cầu. Mặc dù khả năng xung đột khu vực cao hơn là toàn cầu, nhưng cả hai vụ đụng độ đều bộc lộ những thái độ bảo thủ đang nổi lên ở châu Á, có thể đưa đến nhiều rủi ro ngầm về chính trị hơn là chỉ một cuộc chạm trán ngắn của hải quân hay là đụng độ lẻ tẻ ở một cánh rừng biên giới xa xôi.

Việc Bắc Kinh tái khởi động các yêu sách về chủ quyền đối với phần lớn biển Hoa Nam chủ yếu tập trung vào các rủi ro quân sự tiềm tàng liên quan đến tranh chấp; hình thức cuộc tranh chấp đang chuyển từ đấu khẩu gay gắt sang hành động. Các vấn đề đa lớp về pháp lý, chính trị và kinh tế liên quan đến tranh chấp đều hết sức phức tạp và gây tranh cãi vô cùng, nhưng điểm cốt lõi là Trung Quốc coi toàn bộ khu vực hàng hải rộng lớn này là “biển của chúng tao” (“mare nostrum”, tiếng Latin nghĩa là “biển của ta”, cách người La Mã ngày xưa gọi Địa Trung Hải – ND) và tỏ ra là họ không hề có ý định thay đổi lập trường này.

Điểm bùng phát thứ hai trong hai cuộc đụng độ biên giới đang nói đến, là tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia về một số khúc quanh dọc biên giới của họ, những đoạn phân chia các ngôi đền Hindu cổ. Tranh chấp đã dẫn tới đụng đổ lẻ tẻ và thương vong trong vài năm qua, thường là xảy ra trùng hợp với những lúc căng thẳng trong nước gia tăng mà vì thế đoàn kết quốc nội thông qua việc nhấn mạnh nguy cơ truyền thống từ bên ngoài là cách làm rất có lợi.

Thái Lan, trong khi còn phải vật lộn với cuộc tổng tuyển cử có lẽ là quan trọng nhất trong cả một thế hệ, đã bỏ ra khỏi Hội nghị Di sản Thế giới của UNESCO – tổ chức văn hóa lớn của quốc tế – thay vì đệ trình lên cơ quan cao nhất của tổ chức này hồ sơ về quyền sở hữu của họ đối với vùng đất bao quanh đền Preah Vihear. 

Mối dây liên hệ giữa hai trường hợp tranh chấp là cách diễn giải và công nhận công pháp quốc tế và trọng tài quốc tế khác nhau như thế nào tùy theo cái mà các bên coi là lợi ích rộng hơn về ngoại giao và kinh tế của họ. Điểm phân biệt hai trường hợp tranh chấp với nhau là, đối với riêng Trung Quốc, vụ việc có lẽ không gây ảnh hưởng đáng kể trong nước họ, ít nhất trong trung hạn; còn đối với Thái Lan thì ngược lại.

Yêu sách về chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông đòi sở hữu một vùng biển trải dài như một cái lưỡi khổng lồ từ mũi cực nam của Đài Loan ở phía đông và biên giới Việt-Trung trên bộ ở phía tây, liếm qua Palawan, phần đông Malaysia và Brunei ở phía nam. Yêu sách này dựa trên các bằng chứng khảo cổ và tài liệu có từ năm 200 trước Công nguyên. Mốc thời gian này rất có ý nghĩa vì nó trùng với triều đại của vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc – Tần Thủy Hoàng đế – và do đó phù hợp với quan điểm của Bắc Kinh về nguồn gốc của Trung Quốc như một quốc gia thống nhất và có chủ quyền.

(Tuy nhiên) Rất ít quốc gia đưa ra yêu sách về chủ quyền hiện nay dựa trên các hệ đo tương tự có từ trong lịch sử – chỉ trừ Israel là một ngoại lệ rõ ràng – và nếu họ làm thế thì sẽ làm tổn hại rất nhiều đến trật tự quốc tế.

 Quan điểm của Trung Quốc – như một nước đã ký phê chuẩn bản Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) vốn hết sức phức tạp về chuyên môn và gần như tranh cãi, trong khi đó lại từ chối công nhận các nguyên tắc căn bản về xác định biên giới trên biển – thật sự là khó hiểu.

Nước Mỹ, ngược lại, đã không phê chuẩn UNCLOS, và họ đi theo một chính sách chung với nội dung là không can thiệp vào các hiệp định, hiệp ước mà họ coi là có hại cho những lợi ích rộng lớn hơn của mình. Và trong khi các siêu cường như Mỹ, Trung Quốc có thể tham gia hoặc rút khỏi các nỗ lực quốc tế nhằm thiết lập trật tự lên các đường biên giới gây tranh cãi hoặc tranh chấp về chủ quyền, thì các quốc gia nhỏ yếu hơn ít có điều gì làm họ phải chậm trễ hơn.

Quyết định của Thái Lan – phớt lờ công ước và đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với một đoạn biên giới đã được các chuyên gia về công pháp quốc tế, khảo cổ và địa lý xác định là nằm trên phần lãnh thổ thuộc chủ quyền của Campuchia – ít có khả năng được xem xét thận trọng như cách Bắc Kinh bảo vệ một cách thô thiển cái mà họ khăng khăng là thuộc lợi ích quốc gia của họ.

Vào cuối tháng 6, một phái đoàn Thái Lan, có vẻ như độc lập, đã bỏ ra khỏi Hội nghị Di sản Thế giới tổ chức tại Paris, bởi họ nhận thấy các nỗ lực của Thái Lan nhằm đảo ngược quyết định trước đây của UNESCO – xác nhận Campuchia là người quản lý hợp pháp đối với phần lớn khu vực đền Preah Vihear – đã thất bại.

Trường hợp của Thái Lan phức tạp là do chính phủ hiện tại muốn xoa dịu các quan điểm dân tộc chủ nghĩa và có lẽ họ muốn tìm kiếm một nguy cơ bên ngoài thống nhất – trước cuộc bầu cử cạnh tranh quyết liệt diễn ra vào ngày 3-7. Tuy nhiên, hành động của Thái Lan cho thấy họ không hiểu được là cách hành xử như vậy được nhìn nhận như thế nào bởi các giới khác, ngoài giới tinh hoa văn hóa và chính trị, vốn thường thiển cận, ở nước họ.

Cách hành xử của Trung Quốc và Thái Lan cũng tương phản rõ nét ở khía cạnh phản ứng của các quốc gia khác trong khu vực đối với những tranh chấp biên giới lôi thôi và thường là rất dễ đánh vào tình cảm này. Chẳng hạn, vào năm 2002, khi Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) “ban” cho Malaysia quần đảo Ligitan và Sipadan nằm ngoài khơi Sabah và Đông Kalimantan của Indonesia, Jakarta sôi sục trước kết quả này, nhưng họ đã chấp nhận cơ sở pháp lý của phán quyết.

Tương tự, khi ICJ kết luận (năm 2008) rằng đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh và một số đảo đá liên quan thuộc quyền tài phán của Singapore, Putrajaya và nhiều chính trị gia Malaysia khác nổi giận đùng đùng với phán quyết này, nhưng họ cũng không đẩy tranh chấp đi xa hơn.

Có một cách giải thích cho sự khác biệt rõ ràng này, ấy là: cả Thái Lan lẫn Trung Quốc đều không có tiếp xúc trực tiếp nào trong lịch sử với các nguyên tắc luật Anglo-Saxon (common law, tức thông luật, hệ thống pháp luật ở Anh, Mỹ và các nước thuộc địa của Anh trước đây – ND) hay luật La Mã, do các cường quốc thực dân Anh, Hà Lan và Pháp áp đặt đối với những khu vực khác nhau mà họ chiếm (chinh phục) được hay thụ đắc. Các luật “châu Âu” này đã được tiếp tục duy trì ở những vùng đất giành được độc lập, bởi các lãnh tụ mới của vùng đất đó, ít nhất cũng bởi rất nhiều trong số các nhà lãnh đạo mới này là luật sư, và họ nhận ra giá trị cũng như tính chính đáng mà công cụ luật này mang lại cho tầng lớp tinh hoa đang nổi lên ở xứ sở của mình. Đáng chú ý là, đây chính là chuyện đã xảy ra trong mậu dịch quốc tế, khi mà nghĩa vụ thực hiện hợp đồng và đền bù là những điều khoản mấu chốt để thu hút và giữ chân vốn nước ngoài.

Trung Quốc, một cách tự tin, có thể theo đuổi kế hoạch riêng của mình và không nhượng bộ một chút lợi ích cốt lõi nào cho người ngoài. Trong khi đó, Thái Lan đứng chân trên một cơ sở kém vững vàng hơn thế nhiều. Ảnh hưởng của Trung Quốc đang dâng lên, lại được bổ trợ bởi khả năng rải một số tiền lớn ra khắp thế giới, ở bất kỳ nơi đâu mà Trung Quốc cho là sẽ làm tăng vọt lợi ích thương mại và chính trị của họ. Ảnh hưởng của Thái Lan, vốn dĩ kém hơn Trung Quốc nhiều, thì đang suy thoái, đồng thời, những chia rẽ dường như vô tận trong nước và nguy cơ biến động mạnh hơn – và thậm chí có thể có cả bạo lực – bắt đầu làm tổn hại tới cam kết của kể cả những nhà đầu tư nước ngoài nhẫn nại và kiên định nhất.

Việc phái đoàn Thái Lan bỏ ra khỏi Hội nghị Di sản Thế giới – và có thể sẽ trở lại sau một khoảng thời gian thích hợp – chắc chắn được nhiều nhà quan sát quốc tế coi là hành động thể hiện sự nóng nảy, thiếu tôn trọng các chuẩn tắc quốc tế, và là lời từ chối giải quyết vấn đề một cách thực tiễn. Điều quan trọng hơn thế đối với các lợi ích dài hạn hơn của Thái Lan, ít nhất cũng là lợi ích ngoài châu Á, là: Việc họ bỏ ra ngoài như vậy có thể nhắc các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài hiểu rằng những nghĩa vụ pháp lý khó thực hiện và sự cảm thông có thể sẽ bị vứt bỏ ngay lập tức thường xuyên tới mức nào, nhân danh lợi ích trong nước.

(Gavin M. Greenwood là tư vấn viên của công ty chứng khoán và quản lý khủng hoảng Allan & Associates, trụ sở tại Hong Kong.)

Comment của độc giả:

Ai là tên hải tặc hung hãn hơn?

captain morgan, July 04, 2011

Vụ này của Trung Quốc ngày càng monotone (tẻ nhạt). Nếu không phải Trung Quốc mà là Mỹ thì ai cũng sẽ im thin thít. Mỹ mới là băng cướp biển lớn nhất thời đại. Từ châu Á sang Trung Đông, chúng tràn đến như lũ hải tặc ngày xưa. Tất cả những gì chúng muốn là của cải của các bạn.

Frankie Fook-lun Leung, July 04, 2011

Khủng hoảng, đó là đặc tính của công pháp quốc tế ngay từ khi ra đời. Không giống như luật quốc gia của một nhà nước có chủ quyền, luật quốc tế không có cơ quan hành pháp nào để đảm bảo cho nó được thực hiện, ngoài ra, các vấn đề cố hữu của tất cả các loại luật đều liên quan đến việc diễn giải. Lý lẽ của các nước đang nổi lên (tức là các nước sau Thế chiến II) là thế này: nhiều đạo luật trong công pháp quốc tế đã được thực thi từ trước khi họ trở thành quốc gia độc lập, và các luật ấy, ngay cả nếu tồn tại, cũng là do chúng được áp đặt lên các quốc gia thời hậu thực dân chứ đâu có được chấp nhận. Tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia có thể rơi vào loại này.

newbie, July 02, 2011

Sự can thiệp của Thủ tướng Campuchia vào chính trị quốc nội Thái Lan thực sự đã làm phức tạp thêm một vấn đề phức tạp. Mặc dù tranh chấp này ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh tế của người Thái ở Campuchia, nhưng tầm quan trọng chiến lược của Thái Lan đối với khu vực chắc chắn sẽ duy trì ảnh hưởng của họ, đặc biệt là khi căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Việt Nam, và Mỹ xuất hiện trở lại tại khu vực Đông Nam Á.

Lưu ý thêm, cái tuyên bố pháp lý khó đạt được kia chỉ trao ngôi đền cho Campuchia, còn với vùng đất bao quanh đền thì chưa rõ. Thái Lan công nhận quyền sở hữu của Campuchia. Việc họ bỏ ra khỏi cuộc họp chỉ là dấu hiệu cho thấy rằng họ muốn giải quyết vấn đề còn chưa rõ ràng đó theo lối song phương với Campuchia, không bị can thiệp bởi một tổ chức nào không có quyền tài phán để ra quyết định áp đặt lên các vấn đề chủ quyền.

Hãy cảnh giác

Mamakthir, July 01, 2011

Tôi chỉ có thể nói rằng, các nước có yêu sách về chủ quyền hãy giải quyết tranh chấp song phương với nhau. Hãy cảnh giác với những thế lực nước ngoài, chúng đang muốn câu cá ở vùng nước đục.

Mengly Chea, July 01, 2011

Thái Lan là đứa bé láo xược đòi đủ thứ nó muốn. Bây giờ Thái Lan coi thường tất cả các nước khác, ngay cả khi điều đó có nghĩa là bán rẻ danh tiếng Thái Lan và làm hại doanh nghiệp Thái ở Campuchia, trong dài hạn. Nói ngắn lại là thế này: Thái Lan luôn muốn phá hoại Campuchia và biến những gì của Campuchia thành của mình; có lẽ bởi vì Campuchia đã từng là một siêu cường có nền văn minh riêng trong khu vực. Nếu bạn đọc lịch sử Thái Lan thì bạn sẽ thấy nó hoàn toàn khác với những gì thế giới đã ghi lại về đền Angkor của người Khmer và các vị vua Khmer. Thông qua các bộ sách lịch sử, Thái Lan đã thực hiện cả một quá trình rất dài xóa bỏ ký ức Khmer của họ. Đây rõ ràng là mấu chốt của vấn đề; người Thái đã luôn bị lừa dối, bị tuyên truyền sai lệch để họ tưởng những gì không phải của họ đều là của họ cả.

Người dịch: Thủy Trúc

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

5 bình luận to “155. Luật biển, luật rừng”

  1. […] Luật biển, luật rừng […]

  2. xyz said

    xin trân trọng đề nghị ABS ghi nhận ý kiến sau : tên của bài báo (article’s title) nên sửa lại là : Luật VỂ biễn, Luật VỀ rừng…vì nếu không,….dễ hiểu lầm…hehe…!
    Thanks!

  3. […] Asia and International Law Asia Sentinel Ngày 1-7-2011 Người dịch: Thủy Trúc Đăng bởi 155.Basamnew on 05.07.2011 Hai cuộc đụng độ trên biên giới gây căng thẳng ở Đông Nam Á là […]

  4. […] Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011 This entry was posted in english, vietnamese. Bookmark the permalink. ← Tạ Phong Tần […]

  5. tin duc said

    Philippines ‘cấm cửa’ quan chức TQ, cấm một bí thư Đại sứ quán Trung Quốc tham gia các cuộc họp vì thái độ hung hăng của ông này trong thảo luận về Biển Đông với quan chức nước chủ nhà.
    http://www.tintucviahe.com/2011/07/bbc-vietnamese-philippines-cam-cua-quan.html

Bình luận về bài viết này