BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

Archive for Tháng Sáu 22nd, 2011

123. Vũ Ngọc Tiến: THƯ SÀI GÒN 2

Posted by adminbasam trên 22/06/2011

BS: Mong độc giả gắng giữ bình tĩnh khi đọc bức thư này, bởi vì chính những gì được diễn tả trong đó lại là những tín hiệu đáng … mừng, chỉ xót xa cho những con người đã và sẽ phải chịu mất mát nhiều cho tin mừng đó. Vừa đúng lúc chuẩn bị đăng bài này thì chợt thấy trên Tuổi trẻ tin: Phê chuẩn khởi tố công an đánh dân. Ngoài thứ hành vi này, còn có những dạng bắt giữ trái phép, nhục hình biến tướng, trấn áp tinh thần, quấy rối cuộc sống, tung tin bôi nhọ, v.v.. phải ngăn chặn và trừng trị. Để được như 6 điều CTHCM dạy CAND.

(Hu hu! Bài đăng lên vừa được 10 phút thì BS nhận được điện thoại của Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc đề nghị gỡ bài xuống do hoàn cảnh gia đình ông lúc này đang rất éo le, vợ ông phải nhập viện ngày mai vì bệnh hiểm nghèo đang ở vào giai đoạn cuối, người thân nghe tin ông bị làm khó dễ đang rất hoang mang. BS chấp nhận yêu cầu này, song vẫn ghi lại đôi dòng để độc giả rõ và xin mời qua trang của Nhà văn Trần Nhương.)

Trannhuong.com

Bổ sung, hồi 17h45, ngày 23/6/2011:

THƯ CỦA ÔNG ĐINH KIM PHÚC GỬI NGUYỄN XUÂN DIỆN

Thư Sài Gòn
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc gửi Nguyễn Xuân Diện:
Nói lại cho rõ 

Trước nhất tôi xin chân thành cám ơn những tình cảm mà nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã dành cho tôi trong “Lá thư Sài Gòn 2” và nhân đây tôi xin nói lại cho rõ một số điều về cá nhân tôi. 

–   Tôi tham gia bộ đội từ năm 1977-1980 sau đó về học ngành Sư phạm Lịch sử tại Trường Đại học Cần Thơ (1980-1984).

–  Từ năm 1984-1991 là giáo viên Khoa Sử Địa Trường Đại học Cần Thơ (trong đó 2 năm 1986-1988 học Cao học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1).

–    Từ năm 1993 đến nay tôi công tác tại Trường Đại học Mở TP.HCM.

–   Tháng 10/2009, lúc bấy giờ tôi là Thư ký BBT của Tạp chí Khoa học của trường, nhân việc tôi viết lá thư gửi Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào để lên án hành động của Trung Quốc trên biển Đông lúc bấy thì liền bị PGS.TS Nguyễn Thanh (lúc ấy là Trưởng bộ môn Mác-Lenin của trường Đại học Mở TP.HCM và hiện nay đang công tác tại Đại học Công nghiệp TP.HCM) tố cáo tôi hoạt động “phản động”. Sau sự việc ấy tôi chuyển sang làm nghiên cứu viên của Khoa Đông Nam Á học của trường Đại học Mở cho đến hôm nay.

Kính,
Đinh Kim Phúc

Nguyễn Xuân Diện:

Vậy là đã rõ, bắt đầu từ ông Nguyễn Thanh “tố cáo” ông Đinh Kim Phúc hoạt động phản động, nên từ đó (2009) đến nay, an ninh Sài Gòn luôn luôn theo dõi ông Đinh Kim Phúc.

Tôi đề nghị:

1- Anh em khắp các nơi cung cấp cho chúng tôi Hồ sơ về ông Nguyễn Thanh đưa lên để công luận biết, giống như chúng ta đã biết về ông Tạ Xuân Tề (Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp tp Hồ Chí Minh) – đã đe dọa các sinh viên đi biểu tình vừa rồi, bà Mai Hồng Quỳ (Hiệu trưởng ĐH Luật tp Hồ Chí Minh) – đã ngăn cản học giả Hoàng Việt đi hội thảo ở Mỹ…

2- Đề nghị Cục A.83 (tên gọi cũ A.25) công bố Hồ sơ đã theo dõi về ông Đinh Kim Phúc, nếu không phát hiện bất cứ điều gì là phản động thì cần lên tiếng để dư luận biết (vì hiện nay, vẫn còn có một số dư luận đang lan truyền về ông Đinh Kim Phúc). Trường hợp ông Đinh Kim Phúc có tội lỗi gì, xin xử lý đúng theo pháp luật.

3 – Nếu ông Nguyễn Thanh vu cáo ông Đinh Kim Phúc vào năm 2009, và hậu quả là làm phiền toái đến bản thân và gia đình ông Đinh Kim Phúc đến tận hôm nay, đề nghị các cơ quan có trách nhiệm khởi tố ông Nguyễn Thanh, trả lại sự trong sáng cho ông Đinh Kim Phúc – một người mà Nguyễn Xuân Diện và anh em trí thức rất ngưỡng mộ.

Posted in Biển Đông/TS-HS, Chính trị, Dân chủ/Nhân Quyền, Quan hệ Việt-Trung | 38 Comments »

122. Trung Quốc phải phản ứng lại hành động khiêu khích của Việt Nam

Posted by adminbasam trên 22/06/2011

Đôi lời: Đây thực chất là một tờ “báo đảng” của Trung Quốc, lần đầu tiên lên giọng hăm dọa trắng trợn. Những người có trách nhiệm về truyền thông Việt  Nam đọc để biết và tự ngẫm xem mình nên phản ứng ra sao, có nên tiếp tục gọi các cuộc biểu tình yêu nước của quần chúng là “tụ tập”, như cái lối mà TTXVN đã gọi?

Global Times

Trung Quốc phải phản ứng lại

hành động khiêu khích của Việt Nam

21-06-2011

Tranh chấp liên tục trên biển Hoa Nam (biển Đông) chủ yếu bắt nguồn từ Việt Nam. Thách thức lớn nhất đối với sự nhấn mạnh về một giải pháp hòa bình của Trung Quốc cũng có thể do Việt Nam.

Tùy tình hình diễn biến như thế nào, Trung Quốc phải sẵn sàng cho hai kế hoạch: thương lượng với Việt Nam về một giải pháp hòa bình, hoặc đáp trả sự khiêu khích bằng những trận đánh trả vào chính trị, kinh tế hoặc thậm chí cả quân sự. Chúng ta phải nói rõ về khả năng lựa chọn thứ hai, để cho Việt Nam giữ đúng mực về vấn đề biển Hoa Nam.

Việt Nam đã và đang có những hành động nguy hiểm trên biển Hoa Nam trong một thời gian. Họ đã chiếm 29 đảo của Trung Quốc. Họ có được lợi nhiều nhất từ ​​việc khai thác dầu và khí tự nhiên dưới đáy biển. Họ cũng là nước gây sự nhất trong việc đối phó với Trung Quốc.

Việt Nam là nước chủ trương mời Mỹ vào biển Hoa Nam như một “đối trọng”. Chính phủ của họ cũng đồng ý để cho cảm tính dân tộc trong dân chúng gia tăng. Hà Nội đã và đang là một tấm gương xấu ở Đông Nam Á.

Việt Nam đã bị mắc bẫy trong một niềm tin phi hiện thực rằng, miễn là Hoa Kỳ cân bằng trong  vấn đề Nam Hải, họ có thể công khai thách thức chủ quyền của Trung Quốc, và bỏ đi với món lợi rất lớn.

Trong các cuộc xung đột quân sự trước đó giữa hai nước, Trung Quốc đã cố gắng rất nhiều để kiềm chế. Nhưng điều đó dường như càng làm cho Việt Nam táo bạo hơn. Sự diễn giải của Việt Nam về chính sách hòa bình của Trung Quốc cho thấy rằng, bất cứ điều gì Việt Nam làm, Trung Quốc sẽ kiềm chế, không sử dụng vũ lực.

Kể từ cuộc xung đột quân sự giới hạn với Trung Quốc trên biển Hoa Nam hồi năm 1988, Việt Nam ngày càng gây sự trong việc thu tóm các đảo làm của riêng mình, không đếm xỉa đến chính sách truyền thống của Trung Quốc về việc “gác tranh chấp, cùng nhau phát triển“. Họ đang đẩy sự chịu đựng và lợi ích quốc gia của Trung Quốc lên tới giới hạn.

Trung Quốc đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng Trung Quốc sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình trên biển Hoa Nam. Nếu Việt Nam tiếp tục khiêu khích Trung Quốc trong khu vực này, trước hết, Trung Quốc sẽ sử dụng lực lượng cảnh sát biển để đối phó với họ, và nếu cần, sẽ dùng lực lượng hải quân tấn công lại.

Trung Quốc nên nêu rõ rằng nếu quyết định đánh trả, Trung Quốc cũng sẽ lấy lại các hòn đảo mà Việt Nam đã chiếm đóng trước đây. Nếu Việt Nam muốn bắt đầu một cuộc chiến tranh, Trung Quốc có đủ tự tin để tiêu diệt tàu chiến xâm lược của Việt Nam, bất chấp sự phản đối có thể đến từ cộng đồng quốc tế.

Hoa Kỳ có thể làm cho tình hình bất ổn hơn trên biển Hoa Nam. Trung Quốc sẽ xử lý vấn đề này một cách cẩn thận, và có thể không tham gia vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc trả giá bằng rủi ro chiến lược gia tăng ở phía nam. Trung Quốc sẽ tiếp tục cống hiến cho hòa bình và phát triển, nhưng Trung Quốc phải sẵn sàng đối mặt với sự đối đầu và xung đột. Hành động khiêu khích của Việt Nam có thể trở thành một phép thử [phản ứng của Trung Quốc].


Ngọc Thu dịch từ: http://www.globaltimes.cn/NEWS/tabid/99/articleType/ArticleView/articleId/662453/China-must-react-to-Vietnams-provocation.aspx

Posted in Biển Đông/TS-HS, Chính trị, Quan hệ Việt-Trung | 70 Comments »

121. Ngư dân Việt Nam đang ở tuyến đầu trong cuộc xung đột với Trung Quốc

Posted by adminbasam trên 22/06/2011

The Financial Times

Ngư dân Việt Nam đang ở tuyến đầu

trong cuộc xung đột với Trung Quốc

Ben Bland có mặt tại Đảo Lý Sơn

Ngày 20 tháng 6 năm 2011

Khi thuyền trưởng Trần Hiền 31 tuổi đang điều khiển một chiếc thuyền đánh cá của Việt Nam chạy ở vùng biển  gần Quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp bỗng nhìn thấy một chiếc tàu lớn của Trung Quốc thì ông đã biết chắc chuyện gì sắp xảy ra.

Đám nhân viên của cơ quan thủy sản Trung Quốc nhảy sang chiếc thuyền đánh cá dài 15 mét của ông và bất chấp hai bên không hiểu tiếng của nhau, họ cướp số cá và thiết bị trị giá gần 3000 đô la.

“Lúc đó chúng tôi đang ở vùng biển của Việt Nam và chúng tôi hoàn toàn có quyền đi lại ở đó, nhưng thuyền của chúng tôi không cách nào chạy nhanh hơn tàu của họ,” ông Hiền kể lại sự việc xảy ra vào lúc khoảng 9 giờ sáng ngày 14 tháng 6.

Ông Hiền là một trong số rất nhiều ngư dân Việt Nam từ đầu năm đến nay đã bị các tàu tuần tra của Trung Quốc cướp bóc thiết bị, cá hoặc thậm chí cướp cả tàu thuyền giữa lúc căng thẳng giữa hai nước láng giềng này về vùng biển tranh chấp ở Biển Hoa Nam [Biển Đông] đang sôi lên sùng sục.  

Hà Nội tuyên bố rằng một số ngư dân của họ đã bị tàu tuần tra của Trung Quốc bắn và việc quấy nhiễu ngư dân của họ là vi phạm luật pháp quốc tế. Bắc Kinh thì vẫn nói đi nói lại rằng họ chỉ bắt giữ những người xâm phạm chủ quyền của họ hoặc không có giấy phép hợp lệ.

Đây là một trong những vấn đề tranh chấp kéo dài đã lâu ở những khu vực đánh bắt cá ở châu Á nơi mà những ngư dân chất phác chỉ vì muốn gỡ lại những khoản tiền đầu tư lớn cho nên họ đâu có bao giờ để ý đến “các vùng đặc quyền kinh tế” được thừa nhận trong luật pháp quốc tế.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam cái mối quan hệ được ngầm hiểu là “bạn bè tốt, láng giềng tốt, đồng chí tốt” thì thời gian gần đây nó đã sụt giá xuống tới mức thấp thảm hại sau khi Việt Nam tuyên bố Trung Quốc đã phá hoại các tàu thăm dò dầu khí của họ và làm nổ ra những cuộc biểu tình hiếm thấy xưa nay trên đường phố ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.  

Các cuộc tranh chấp ở Biển Hoa Nam – Brunei, Malaysia, Philippine và Đài Loan đều tuyên bố họ có chủ quyền đối với một phần hoặc toàn bộ biển này – có thể bị cuốn theo rất nhiều yếu tố khác nhau trong đó có sự bất đồng chung về ranh giới trên biển và nhu cầu duy trì quyền sử dụng các tuyến đường hàng hải thương mại. Một số nước còn tin rằng Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa đang tranh chấp có chứa trữ lượng rất lớn dầu mỏ và khí đốt, một lời khẳng định cho đến nay vẫn chưa được chứng minh.

Song một nguyên nhân lớn gây ra sự căng thẳng ấy là vị thế của khu vực này như là một trong những nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên quan trọng thứ hai của thế giới: cá.

Khoảng 10% nguồn cung cấp cá của toàn thế giới là có nguồn gốc từ vùng biển này, theo nguồn tin từ Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc, trong khi  có tới 1,9 triệu tàu thuyền thường xuyên đánh bắt cá tại đây, theo lời của Simon Funge-Smith, quan chức cấp cao về ngành thủy sản làm việc cho Tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc tại Băng Cốc.

Trong khi Trung Quốc là nước tiêu thụ và xuất khẩu cá lớn nhất thế giới thì nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn đang phụ thuộc vào ngành này như là một nguồn thu nhập. Năm ngoái hải sản là nguồn thu nhập ngoại tệ lớn thứ hai của nước này, chiếm 7% lượng hàng hóa xuất khẩu trị giá 71,6 tỉ đô la.

Bất chấp những mối rủi ro phải chịu đựng do các tàu tuần tra của Trung Quốc gây ra – khoan hãy nói đến sự thách thức  của việc đi biển tại vùng biển thường xuyên có bão này – ông Hiền và thuyền phó Lê Tân của ông là người đã bị cướp chiếc thuyền đánh cá trị giá 20 ngàn đô la hồi năm 2006 vẫn có những lý do thích đáng để tiếp tục theo đuổi nghề cá.  

Họ có thể kiếm được những khoản tiền lãi kha khá nếu vớ được mẻ lớn những loại cá xuất khẩu nổi tiếng như cá ngừ, cá mú và cá chỉ vàng và họ chẳng có lựa chọn nào khác ở một vùng biển mà nghề thủy sản từ đang hoạt động hết công suất.

Ngoài ra còn có một yếu tố khác có tính quyết định. Chính phủ Việt Nam cũng như các chính phủ khác trong khu vực đang muốn đẩy ngư dân của họ mạo hiểm đánh bắt xa bờ nhằm làm giảm áp lực đặt lên ngư trường gần bờ hiện đã bị khai thác quá mức và đồng thời là để có bằng chứng dự phòng khi cần chứng minh các tuyên bố chủ quyền của họ.

Nếu trước những tuyên bố của Trung Quốc mà Việt Nam cứ mặc nhiên đồng ý thế thì Việt Nam sẽ “bị coi là hoàn toàn công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển tranh chấp này [Biển Đông]”, Nguyễn Đăng Thắng, một chuyên gia Việt Nam về luật biển đã viết như vậy trong một bài viết dành cho Khoa Nghiên cứu Quốc tế của Trường S. Rajaratnam ở Singapore.

Việt Nam, cũng như các nước khác, đã từng bao cấp xăng dầu cho các tàu thuyền đánh bắt xa bờ cũng như cho vay vốn lãi suất thấp hoặc hỗ trợ tài chính cho những chủ tàu thuyền nào muốn nâng cấp phương tiện đánh bắt cá. Bộ nông nghiệp của Việt Nam cũng đang tiến hành một chương trình trang bị hệ thống định vị vệ tinh cho 3000 tàu thuyền đánh bắt xa bờ.

Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng chính phủ Việt Nam có thể đang cung cấp những ưu đãi tài chính trực tiếp cho những ngư dân dám mạo hiểm đánh bắt cá ở những khu vực họ có thể gặp nhiều nguy hiểm nhất bị các tàu tuần tra của Trung Quốc bắt giữ. Ngư dân và các quan chức chính quyền địa phương đã phủ nhận tuyên bố nói trên.

Ông Hiền nói: “Cuộc sống của chúng tôi cực lắm, chúng tôi chỉ ao ước được chính phủ hỗ trợ nhiều hơn nữa.”

“Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục đuổi bắt ngư dân Việt Nam để trấn lột cho tới khi những người ngư dân Việt Nam nhẵn túi, nhưng mà còn lâu nhé.”

Người dịch: Hiền Ba

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

 

Posted in Biển Đông/TS-HS, Gia đình/Xã hội, Kinh tế Việt Nam, Quan hệ Việt-Trung | 19 Comments »

 
%d người thích bài này: