BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

Archive for Tháng Sáu 8th, 2009

Cuộc thảm sát vẫn không được biết rõ

Posted by adminbasam trên 08/06/2009

THE WEEKLY STANDARD

Cuộc thảm sát vẫn không được biết rõ

Bắc Kinh đang phạm một sai lầm khi vẫn che giấu sự thật về cuộc thảm sát Thiên An Môn

Gordon G. Chang

Ngày 8-6-2009, Tập 014, Ấn bản số 36

Năm 1996, Min, lúc đó còn ở độ tuổi giữa 20-30, đã biểu thị mối hoài nghi khi lần đầu tiên cô nghe nói về vụ tàn sát trên Quảng trường Thiên An Môn. Tấn thảm kịch đã được nêu ra tại một cuộc chuyện trò trong bữa tiệc tối tình cờ mà tôi có được tại thành phố Thượng Hải quê hương của cô cùng cô và bạn trai Chris người Mỹ. Tôi đã phải kinh ngạc là chẳng có ai có thể đã sống tại một thành phố lớn ở Trung Quốc trong quãng thời gian xảy ra cuộc náo loạn năm 1989 đó mà lại không được biết rằng một triệu người dân đã tập trung tại nơi là trái tim tinh thần của đất nước, rằng Đội quân số 27 đã nã đạn theo cách của họ vào suốt các con phố của Bắc Kinh vào đêm mùng 3 tháng Sáu, và rằng binh lính đã dọn dẹp xoá dấu vết tại quảng trường vào sáng hôm sau khi có lẽ đã có 3.000 người đã bị sát hại.

Những con người đó đã sống qua sự kiện Mùa xuân Bắc Kinh năm 1989 sẽ không bao giờ quên được niềm vui khi tập trung tới quảng trường và nỗi kinh hoàng trước cuộc đàn áp tàn bạo, song chế độ này có thể làm được điều đó để cho đa số những con người ấy phải giữ im lặng. Thế nhưng chỉ một phần ở đất nước này vẫn còn trong lòng những vết sẹo. Đối với giới trẻ Trung Quốc, vụ Thiên An Môn chưa từng xảy ra.

Trong 20 năm qua, đảng Cộng sản Trung Quốc đã thường xuyên nói trại đi khi họ phải nhắc tới sự kiện Thiên An Môn, ám chỉ một cách tế nhị cuộc tàn sát như là “sự kiện đã xảy ra trong những năm cuối 1980 của thế kỷ trước” hoặc đơn giản hơn như là “vụ việc năm 1989 đó”. Với phần lớn dân chúng, có thể cần tránh một cuộc thảo luận công khai về vụ việc ở bên trong Trung Quốc. Các cuốn sách giáo khoa không nhắc tới nó, thầy cô giáo không dạy về nó, và phương tiện truyền thông nhà nước tránh nói tới sự kiện này trong cách đưa tin tức của họ. Các diễn đàn chuyện gẫu trên mạng của đại lục đều dọn dẹp những gì liên quan tới những cuộc giết chóc này, và các công cụ tìm kiếm trên mạng của Trung Quốc đã chặn những bài báo viết về vụ Thiên An Môn. Các nhân viên kiểm duyệt nhanh chóng xóa đi những số “64″, loại mã mà người Trung Quốc đã khai triển để ám chỉ tới các sự kiện ngày 4 tháng 6.

Tất nhiên, việc xóa bỏ sự kiện lịch sử  có thể không bao giờ thực hiện được thành công hoàn toàn. Ví dụ như vào tháng 6 năm 2007, một tờ báo của thành phố Chengdu phía đông nam nước này đã chạy một đoạn quảng cáo trên mục rao vặt để kỷ niệm cho các bà mẹ của những nạn nhân trong cuộc thảm sát. Thư ký tòa soạn đã chấp nhận đoạn quảng cáo vì bà chưa từng được nghe nói về vụ thảm sát này. Rốt cục, ba biên tập viên đã bị đuổi việc.

Dần dần người ta tìm ra thông tin về vụ việc và đã trở nên vỡ mộng với chính phủ của mình, đặc biệt vì họ nhận ra là họ có thể biết được sự thật về đất nước mình chỉ từ người nước ngoái mà thôi. Và việc không biết tới sự kiện Thiên An Môn có thể nguy hiểm cho chế độ hơn là biết rõ hoàn toàn. Bởi do không biết tất cả những gì đã xảy ra năm 1989, những người Trung Quốc trẻ tuổi coi chính phủ của họ không phải là mối đe doạ. “Điều duy nhất tôi có thể nhớ về ngày 4 tháng Sáu là khi xem truyền hình và nghe nói rằng có cảnh sát chống bạo động đã hy sinh,” Lu Jing, người tròn 6 tuổi vào thời điểm xảy ra vụ tàn sát cho một phóng viên hãng thông tấn Pháp AFP biết như vậy. “Tôi không tin là có bất cứ sinh viên nào bị giết. Trung Quốc về khía cạnh này thì dân chủ bởi vì đất nước Trung Quốc không thể làm hại người dân của mình.”

Như người phụ trách cột báo trên tờ New York Times Nicholas Kristof đã lưu ý, là người Trung Quốc không xuống đường khi họ giận dữ. Họ làm như vậy khi họ nghĩ họ có thể tống khứ nỗi giận dữ đó đi. “Đất nước Trung Quốc luôn sống trong những nỗi sợ hãi nào đó, và nỗi sợ hãi đó giờ đây đang bị xói mòn,” ông đã viết như vậy vào năm 2003. Sự xói mòn đó đã phát triển quá mức mà bài học quan trọng Đặng Tiểu Bình đã cố để thấm nhuần năm 1989 – rằng đảng Cộng sản sẵn sàng dùng tới bạo lực chết người trên một quy mô lớn – phần lớn đã mất đi. Vào đầu tháng này, trong cuộc chuyện trò của tôi với một thương gia nổi tiếng tại căn phòng làm việc rộng lớn của ông trên tòa nhà cao tầng ở Thượng Hải, và ông đã thừa nhận về mức độ thay đổi của đất nước Trung Quốc trong 20 năm qua nhiều đến thế nào. “Không còn có ai sợ chính phủ chút nào nữa,” ông giải thích với một nụ cười phóng khoáng.

Và tại sao họ lại có được thái độ như vậy? Có sự thay đổi xã hội không thể tưởng tượng nổi đang xảy ra nhanh chóng. Nước Cộng hòa Nhân dân đang bắt đầu có được cái nhìn, và thậm chí một số người cảm giác được, về thế giới hiện đại. Nói ngắn gọn, thì đất nước Trung Quốc trông ít có vẻ Trung Quốc hơn, và cũng ít độc đoán hơn.

Sự kém hiểu biết về vụ thảm sát 1989 đang góp phần vào nhận thức của một xã hội tự do hơn trong những con người trẻ tuổi – và hầu hết là không kiên định – những thành tố của dân cư. Họ không biết gì song lại thành đạt và chấp nhận như vậy. Trong lúc nền kinh tế chao đảo – và đất nước đã bước vào một giai đoạn không hoặc chậm tăng trưởng mà có thể phải kéo dài nhiều năm – thế hệ được cho là thờ ơ có thể tìm kiếm động cơ cho chủ nghĩa tích cực chính trị, đúng như lớp trẻ đã làm trong những năm 1980. Người Trung Quốc trẻ tuổi tin là họ có những quyền lợi và không gian để sử dụng những quyền này, và những nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh có thể phải đối mặt với một làn sóng thách thức mới như là một hệ quả.

Hầu hết những chính phủ độc đoán ổn định nhất nói chung đều là những chính thể với những kẻ cai trị tàn nhẫn nhất. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào được cho là đã tuyên bố với một trong những nhóm bảo thủ ở Bắc Kinh là: “Về mặt chính trị, Bắc Triều Tiên đúng là trước sau như một.” Ông Kim Chính Nhật đã có thể siết chặt ách kìm kẹp của ông ấy đối với một quốc gia đã bị suy yếu bởi nạn đói triền miên và tình cảnh túng thiếu trên phần lớn đất nước do việc thi hành chính sách nói chung và các sách lược khác dần đần làm cho những người dân Bắc Triều Tiên bình thường phải khiếp sợ và nhận thức ra.

Giống như ông Kim, Mao Trạch Đông và ông Đặng tỏ ra thành thạo với những hành động tội ác ghê gớm chống lại những người dân của mình khi họ cảm thấy cần thiết phải bảo vệ chế độ của họ. Những người kế vị họ là những nhà kỹ trị và ôn hòa và đặc biệt không phải là những kẻ khát máu. Ôn Gia Bảo, thủ tướng hiện thời, được biết đến như là “thủ tướng mau nước mắt” và là “Cụ Ôn”. Những chiến thuật có xu hướng hà khắc của ông hiện đại và tinh tế hơn so với ông Kim – và không hiệu quả bằng. Có hàng chục ngàn người phản kháng mỗi năm ở Trung Quốc còn ở Bắc Triều Tiên thì ít hơn.

Dịp kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn năm nay chắc chắn sẽ qua đi mà không có lời bình luận chính thức nào [từ phía chính phủ]. Cũng như trước đây, một ít công dân nước này sẽ được trích dẫn trên phương tiện truyền thông phương Tây với lời nói rằng vụ việc là chuyện lịch sử xa xưa, và họ đã “tiến lên phía trước”. Tuy nhiên những người lãnh đạo đảng Cộng sản, nhận thấy từ sự miễn cưỡng của họ trong việc thảo luận về các sự kiện 20 năm trước, đã không như vậy. Bởi vì họ không thể vô tư, họ không thể tự bảo vệ chính họ trước những con người đang hồi tưởng lại quá khứ đó. Và việc ngăn chặn hoạt động tưởng niệm Mùa Xuân Bắc Kinh, họ đang giải bớt nỗi sợ hãi từng giữ cho cái nhà nước độc đảng này được tồn tại trong quyền lực. Đối với những kẻ chuyên quyền ở Trung Quốc ngày nay, có thể không có câu trả lời thích hợp về sự kiện Thiên An Môn.

Gordon G. Chang là tác giả của cuốn Triển vọng Sụp đổ của Trung Quốc.

Người dịch: Ba Sàm

Hiệu đính: Trần Hoàng

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009

Posted in Dân chủ/Nhân Quyền, Trung Quốc | Thẻ: , , , | 1 Comment »

 
%d người thích bài này: