BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

Công Nhân Việt Nam Hiện Nay Ra Sao

Posted by adminbasam trên 05/04/2009

Những Người Công Nhân Việt Nam đang sa cơ lỡ vận ở các Thành phố lớn

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm cho những người công nhân Việt Nam gục ngã

Matt Steinglass – Tạp chí GlobalPost

Ngày 3-4-2009

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH — Hai năm về trước chị Lê Thị Cúc, 35 tuổi, rời bỏ làng quê thuần nông của mình ở Tỉnh Quảng Bình thuộc miền trung và đến thành phố lớn để kiếm một việc làm tại một nhà máy may quần áo. 10 giờ một ngày, 6 ngày một tuần, chị may những chiếc áo thun (T- shirt) cho các thương hiệu của các nước phương Tây như Old Navy và The Gap, lương khoảng 60 đô la một tháng.

Khoản tiền đó không phải là nhiều, chỉ đủ cho chị tiêu xài cho bản thân và gửi về nhà 10 đô la cho cha mẹ già và năm người anh em, nhưng cũng còn tốt hơn cái tình cảnh nghèo túng tuyệt vọng ở Quảng Bình, và chị đã có đủ lý do để nghĩ rằng mọi chuyện sẽ được cải thiện.

Việt Nam vừa mới tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới [WTO], nền kinh tế đã từng tăng trưởng 7% mỗi năm kể từ năm 2000, đầu tư nước ngoài đang được rót vào, và mọi người đang nói rằng trong vòng một hoặc hai chục năm nữa đất nước có thể sẽ giàu lên bằng Thái Lan.

Ngồi trên một chiếc chiếu cói trải giữa sàn căn phòng rộng hơn 9 mét vuông thuê chung cùng 4 công nhân may mặc khác, chị Cúc cho biết tinh thần lạc quan bao nhiêu mà hai năm trước chị đã từng có, thì bây giờ đã biến mất hết rồi.

Chị đã và đang bị thất nghiệp kể từ tháng Mười hai năm 2008. Công ty may Collan Inc. mà chị từng làm đã cắt giảm 1000 trong tổng số 3000 công nhân mà họ có vào năm ngoái. Với nhu cầu tiêu dùng tại Hoa Kỳ, Âu châu và Nhật Bản sút giảm đột ngột vào mùa thu năm 2008, xuất khẩu của Việt Nam, cỗ máy cái trong nền kinh tế nước này, đã rơi xuống vực thẳm.

Dù vậy, chị Cúc vẫn đang cố bám lấy thành phố, gửi đi những lá đơn xin việc. Cho tới lúc này, chị vẫn không nhận được bất cứ hồi âm nào.

“Tôi quá mệt mỏi cho số phận của mình rồi,” chị Cúc than thở.

Ngày nay có hàng nhiều chục ngàn người như chị Cúc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vào tháng Mười hai, tài liệu của tổ chức công đoàn do nhà nước quản lý ở địa phương cho biết thành phố đã có 30.000 người mất việc làm trong tháng Mười một. Trong khi với phần còn lại của Việt Nam, theo bà Nguyễn Thị Hải Vân, vụ phó Vụ Lao động và Việc làm của chính phủ [Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội], đã ước lượng vào đầu tháng ba rằng tổng cộng số việc làm bị mất trong nửa năm đầu có thể lên tới 300.000.

Những số liệu đó chỉ áp dụng cho thiểu số những công ăn việc làm của Việt Nam trong khu vực chính thức — ví dụ như ở các công ty sở hữu của nước ngoài, những nơi phải báo cáo mức tiền lương với cục thuế. Trong những doanh nghiệp nhỏ sở hữu gia đình theo lối không chính thức tạo ra giá trị chủ yếu của nền kinh tế, thì không có cách gì để nói được có bao nhiêu công ăn việc làm đang bị biến mất.

Trong khi đó, dân số Việt Nam thuộc loại trẻ: theo cơ quan Phát triển của Liên hiệp quốc UNDP, lực lượng lao động đang tăng lên mỗi năm một triệu công nhân. Cũng theo báo cáo này của UNDP ước tính rằng để tìm công ăn việc làm cho họ, và cho mỗi năm 200.000 người rời bỏ nghề nông để kiếm việc làm trong các nhà máy như chị Cúc, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng trên 8,5%. Thay vào đó, mức tăng trưởng năm nay ước đạt từ khoảng từ 5,5% theo Ngân hành Phát triển châu Á, cho tới 0,3% theo tổ chức Economist Intelligence Unit.

Theo truyền thống, các công nhân Việt nam khi mất việc làm có thể quay lại làng quê của họ để tìm kiếm sự hổ trợ. Họ trở về với thân nhân, những người phải chia sẻ thêm vài ba bát cơm từ vụ mùa màng hàng năm. Thế nhưng vào lúc này, điều đó có thể sẽ khó khăn hơn. Nền nông nghiệp của Việt Nam đã và đang dần dần hợp nhất lại về tay một người chủ (nào đó) cho có hiệu quả hơn, và nhiều gia đình nghèo không có ruộng đất riêng của họ.

“Tôi không thể trở về làng quê, ở đó chẳng có việc gì mà làm cả,” theo lời của người từng cùng làm việc với chị Cúc tại Collan, cô Đinh Thị Hạ. Hạ cũng như Cúc tới từ vùng quê Quảng Bình nghèo túng, cũng đã bị mất việc hôm 20 tháng Một năm 2009, và cô đã trở về làng trong dịp đón năm mới, Tết âm lịch. Không thể tìm được việc làm, cô đã trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, và kể từ đó cô đang cố gắng tìm lấy một việc làm.

“Hai năm trước tôi đã từng hy vọng là mình có thể tiết kiệm được một ít tiền,” Hạ kể. “Thế nhưng điều đó giờ đã bay biến lên trời rồi.”

Những công nhân không thể trở về nhà buộc phải làm việc bán thời gian, những công việc không chính thức để kiếm sống. Lê Xuân Thông, 38 tuổi, đang kiếm được một khoản lương ổn định 200 đô la một tháng như là một người bán hàng cho một siêu thị bán máy truyền hình Sanyo cho tới khi bị mất việc vào tháng Mười một. Giờ thì anh lái một chiếc “xe ôm,” hay còn gọi là xe taxi hai bánh, chạy trên những con đường của Thành phố Hồ Chí Minh.

“Vào một ngày thuận lợi, tôi có thể kiếm được 100.000 đồng (6 đô la Mỹ). Gặp ngày không may …” Thông nhún vai. “Tôi phải làm việc. Tôi có một đứa con gái sáu tuổi.”

Với những người khác, sự sụp đổ của nền kinh tế như hiện nay là điều khó khăn hơn nhiều. Thuyên, 23 tuổi, lớn lên trong một làng quê miền núi vùng biên giới với Trung Quốc, và đã di chuyển tới Hà Nội năm 2005 để làm việc tại một nhà máy dây cáp điện của Nhật. Cô bị mất việc tháng Mười hai năm 2008, nhưng vẫn chưa cho cha mẹ biết nơi giờ đây cô đang làm ở chỗ nào: một phòng đấm bóp.

“Khi em tốt nghiệp phổ thông, em chỉ muốn trở thành một công nhân thôi,” Thuyên tâm sự. “giờ thì em lo là ai đó quen biết sẽ nhìn thấy em đang làm trong quán đấm bóp này. Nhưng em không có lựa chọn nào khác cả.”

Hiệu đính: Trần Hoàng

 

 

Ngày 03.04.2009 Giờ 14:33

Thâm hụt ngân sách và gánh nặng tăng trưởng

Dù tăng thu trong mấy năm gần đây, nhưng ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu chi cần thiết tối thiểu

Các nhà hoạch định chính sách vĩ mô đang chuẩn bị phương án bội chi ngân sách tăng lên 8% GDP để trình ra kỳ họp quốc hội vào tháng 5 tới, thay vì mức gần 5% được chấp nhận trước đây.

“Việt Nam khó có lựa chọn khác với các quốc gia trên thế giới, khi các chính phủ buộc phải tăng bội chi ngân sách nhằm chống suy thoái,” giám đốc quốc gia ADB Ayumi Konishi bình luận.

Mức bội chi này, nếu được Quốc hội thông qua, sẽ lần đầu tiên vượt qua số chi cho đầu tư phát triển ở mức 112,8 ngàn tỉ đồng trong năm nay.

Tuy vậy, mức bội chi lên đến 8% GDP đang mang lại những quan ngại sâu sắc về ổn định kinh tế vĩ mô trong trung hạn.

Mức bội chi này sẽ tương đương với 144,8 ngàn tỉ đồng (khoảng 8,5 tỉ USD, với tỷ giá là 17.000 VND/USD), căn cứ trên mức bội chi đã được Quốc hội thông qua là 87,3 ngàn tỉ đồng (khoảng 5,1 tỉ USD) tương ứng với 4,82% GDP.

Như vậy, mức thâm hụt này là trầm trọng nhất trong vòng nhiều năm qua, so với các mức thâm hụt 66,2 ngàn tỉ đồng (năm 2008), 56,5 ngàn tỉ đồng (năm 2007), 48,5 ngàn tỉ đồng (năm 2006) và 40,7 ngàn tỉ đồng (năm 2005), theo các bộ Tài chính và Kế hoạch và đầu tư (xem biểu đồ).

Những thống kê trên cho thấy, thâm hụt ngân sách của năm 2009 sẽ vượt quá mức thâm hụt trung bình 5% GDP hàng năm, từ đầu thời kỳ kế hoạch 5 năm đến nay. “Đây là một tỷ lệ quá cao, dẫn đến rủi ro lớn về khả năng trả nợ trong tương lai”, một quan chức của bộ Kế hoạch và đầu tư thừa nhận.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao phải đưa mức bội chi lên đến 8% GDP cho năm nay, và liệu nó có quá đi so với khả năng chịu đựng của nền kinh tế? “Chúng tôi thấy rằng, nếu trường hợp ta giảm chi, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của Nhà nước, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội”, thứ trưởng bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp nói trên Thời báo Kinh tế Việt Nam.

Giải thích này xuất phát từ quan ngại nguồn thu ngân sách sẽ co lại do suy giảm từ các nguồn dầu thô (vốn chiếm tới 25% thu ngân sách), giãn thu thuế thu nhập cá nhân, giãn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế VAT… Mức suy giảm của các nguồn này, theo bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh tại phiên họp giao ban của Chính phủ, sẽ vào khoảng 12.000 tỉ đồng (706 triệu đô la).

[năm ngoái 2008, VN bán dầu ra nước ngoài thu về được 10,2 tỉ đô la (báo Vietnamnet đăng), khi ấy giá dầu tính trung bình  suốt cả năm 2008 là  100 đô / 1 thùng. Năm nay, giá dầu từ đầu năm tới nay dao động 40-50 đô / 1 thùng và tình hình nầy, thì giá dầu sẽ giữ nguyên như vậy cho đến hết năm 2009. Như vậy,  chỉ tính riêng dầu hỏa, năm 2009, VN sẽ bị thất thu tối thiểu 5 tỉ đô la so với năm 2008. Nhưng, ở phía trên, ông V. V. Ninh tính là 706 triệu đô la. Thật đáng nghi ngờ

Báo Saigon Giao dịch Chứng khoán ngày 2-1-2009 cũng đưa ra con số 6 tỉ đô la thất thu vì giá dầu xuống : ” Các công ty sản xuất, kinh doanh đơn thuần sẽ phải vật lộn để tồn tại. Nếu tình trạng giá dầu thô dưới 40 đô la Mỹ/thùng kéo dài, PetroVietnam cho biết kim ngạch xuất khẩu dầu giảm ít nhất 6 tỉ đô la Mỹ. Khi đó liệu doanh thu, lợi nhuận của những công ty liên quan đến dầu khí như PVS (dịch vụ tổng hợp dầu khí), PVC (dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí), PVI (bảo hiểm dầu khí), PVD (khoan và dịch vụ khoan dầu khí), PVT (vận tải dầu khí)… có giữ được mức của năm nay, năm mà có lúc giá dầu lên tới 147 đô la Mỹ/thùng và dù có giảm vào cuối năm, giá dầu bình quân cả năm vẫn khá cao?  http://www.sgdck.com/NewsDetail.aspx?cid=14&id=8407 ]

Điều này có nghĩa là, tổng thu cân đối ngân sách năm nay dự kiến sẽ còn 377,9 ngàn tỉ đồng, thay vì 389,9 ngàn tỉ đồng như cam kết với Quốc hội trước đây; và sẽ thấp hơn nhiều so với dự toán chi 491,3 ngàn tỉ đồng cho năm 2009.

Lý giải việc thâm hụt ngân sách luôn tăng cao, một quan chức của bộ Kế hoạch và đầu tư nói, “dù tăng thu trong mấy năm gần đây, nhưng ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu chi cần thiết tối thiểu”.

Thông thường, thâm hụt ngân sách được tài trợ bởi các nguồn vay trong và ngoài nước dưới hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ. Trong động thái ủng hộ đề xuất tăng bội chi ngân sách của Chính phủ, Quốc hội dự kiến cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ năm nay lên đến 64 ngàn tỉ đồng (3,8 tỉ đô la) trong kỳ họp tháng 5 tới, tăng gần gấp đôi so với kế hoạch 36 ngàn tỉ đồng (2,5 tỉ đô la) thông qua cuối năm ngoái.

Những bước đi này khiến các nhà tài trợ chính của Việt Nam e ngại. “Bù đắp thâm hụt ngân sách bằng nguồn vốn trong nước sẽ làm tăng lượng cung tiền, hoặc hạn chế đầu tư tư nhân, hoặc cả hai điều này; và trong trung hạn, có thể làm tăng lạm phát và gây cản trở đối với tăng trưởng”, ông Konishi, giám đốc ADB tại Việt Nam nói.

ADB cho rằng, thâm hụt ngân sách của Việt Nam, thậm chí lên tới 9,8% GDP (gần 9,3 tỉ USD) trong năm 2009. Ông Konishi cảnh báo, chính sách tài khoá và tiền tệ mở rộng, và nợ công tăng thêm (dự kiến 45,8% GDP năm 2009),… có thể lại khiến tình hình kinh tế vĩ mô bất ổn trở lại.

Trong khi đó, ngân hàng Thế giới tỏ ra hoài nghi về chính sách tài khoá, vốn sẽ vẫn là công cụ chính sách vĩ mô quan trọng của Việt Nam. “Chính sách tài khoá hiệu quả đòi hỏi phải có nguồn thông tin đáng tin cậy về thu và chi của Chính phủ và kiểm soát tốt các dự án đầu tư công. Việt Nam còn nhiều thiếu sót về cả ba mặt này. Tính toán cân đối ngân sách của Việt Nam còn khác xa so với các chuẩn mực quốc tế”, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Thế giới Martin Rama nhận xét trong báo cáo phát triển Việt Nam năm 2009.

Ông viết tiếp: “Việc trả nợ, duy trì tài khoản ngoại bảng và xử lý các khoản thu kết chuyển làm sai lệch tình hình ngân sách của Chính phủ. Thông tin đặc biệt yếu về các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách… Chính phủ cần chấm dứt, hoặc tạm dừng một cách có hệ thống các dự án mục tiêu không rõ ràng, thiếu vốn, hay có kết quả hoạt động kém”.

Tư Giang

Bài đã đăng trên trang Ba Sàm, nhưng bị tin tặc xâm nhập, xóa mất, nay đăng lại, nên không còn các phản hồi ban đầu của độc giả.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

 
%d người thích bài này: