BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

1022. Tám lý do Việt Nam sẽ có lợi nếu chính phủ hoãn xây nhà máy điện hạt nhân

Posted by adminbasam trên 22/05/2012

Vài nét về tác giả: Ông Phùng Liên Đoàn theo học ở Mỹ từ năm 1958. Năm 1961, ông có các bằng cử nhân về toán và vật lý ở Trường Đại học Florida (Florida State University) và bằng thạc sĩ về vật lý và hạt nhân ở trường MIT (Massachusetts Institute of Technology) năm 1963. Năm 1972, ông lấy bằng tiến sĩ về kỹ thuật hạt nhân cũng tại trường MIT.

TS Phùng Liên Đoàn đã làm việc tại Trung Tâm Nguyên Tử Đà Lạt từ năm 1964-1966. Từ năm 1972 tới 1983, ông làm việc cho các nhà máy điện hạt nhân của các công ty Mỹ và viện khảo cứu Institute for Energy Analysis. Từ 1983 đến nay, ông là Chủ tịch và Tổng Giám Đốc Công ty Tư vấn Nguyên tử và Môi trường PAI Corporation.

(Ghi chú: Sau khi bài được đăng ngày 22/5/2012, tác giả đã chỉnh sửa lại nhiều đoạn, đã được cập nhật vào 9h sáng 23/5/2012.)

——–

Boxitvn

Tám lý do Việt Nam sẽ có lợi nếu chính phủ hoãn xây nhà máy điện hạt nhân

Phùng Liên Đoàn

22-05-2012

Chuyên viên an toàn, môi trường và kinh tế Điện hạt nhân đã làm việc tại Mỹ 40 năm

Nước Việt Nam đang đi ngược lại xu hướng trên thế giới là phải hết sức thận trọng trong việc xây nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) vì hai lý do chính: ĐHN có rủi ro gây tai nạn phóng xạ, và ĐHN rất đắt tiền. Việc đi ngược lại xu hướng này không phải vì ViệtNamcó một nền kinh tế mạnh hoặc một đội ngũ chuyên viên ĐHN chuyên nghiệp như Nga, Nhật, Đức, Mỹ, Pháp… mà vì lãnh đạo ta có một quyết tâm chính trị rất cao và có quyền không cần tham khảo ý dân. Quí vị lãnh đạo ta biết hết, lại tin vào lời báo cáo của cấp dưới là trong tương lai ta rất thiếu điện và ĐHN thế hệ lò thứ ba rất an toàn. Ngay sau biến cố Fukushima lãnh đạo ta vẫn khẳng định mạnh mẽ hơn thủ tướng Đức và thủ tướng Nhật là Việt Nam vẫn tiến tới việc xây nhà máy ĐHN.

Tôi mong mỏi quí vị lãnh đạo tìm hiểu kỹ càng thêm về kỹ thuật và kinh tế ĐHN cũng như quí vị đã để ý rất nhiều về thể diện quốc gia và vai trò chính trị của ĐHN.

Kinh nghiệm của nhiều nước tiên tiến cho biết việc xây nhà máy ĐHN Ninh Thuận và một chuỗi 6 lò ĐHN khác như dự tính không những sẽ không thành công, mà còn làm nước ta phụ thuộc vào nước ngoài nhiều hơn, con cháu ta sẽ còn phải đi làm lao công triền miên cho thiên hạ, và người trong nước thì vẫn thiếu điện để làm ăn. Khi việc này xảy ra vào những năm 2021 – 2030 thì quí vị lãnh đạo ngày nay không còn sống nữa hoặc không còn quyền hành gì nữa. Trách nhiệm về lỗi lầm ai sẽ gánh chịu? Mới 40-70 năm trước, lãnh đạo ta đã hi sinh nhiều triệu con dân Lạc Hồng để thực hiện một niềm tin tuyệt đối là Việt Nam đi đầu đem chủ nghĩa Marx-Lenin tạo hạnh phúc cho nhân loại. Hậu quả của niềm tin đó khiến nước ta tụt hậu, dân ta nghèo hèn, và còn đang gánh chịu đau thương nhiều thế kỷ. Nay ta đã biết gì về ĐHN? Và ta còn thì giờ không để sửa sai một quyết định chính trị rất phi kinh tế phi dân chủ này?

Tôi xin liệt kê dưới đây 8 lý do lãnh đạo Việt Nam nên hoãn xây ĐHN Ninh Thuận để có thì giờ nhìn vào tình hình ĐHN trên thế giới và lắng nghe lời can gián của người dân Việt không những trong nước mà còn rải rác khắp năm châu:

(1)  ĐHN rất cần thiết cho tương lai thế giới nhưng chưa cần thiết cho Việt Nam;

(2)  Ta đã làm quyết định quan trọng xây nhà máy ĐHN dựa trên phỏng tính thô sơ về nhu cầu điện;

(3)  Phỏng đoán giá nhà máy ĐHN quá thấp, ta sẽ phải chi tiền nhiều hơn nếu không bị kiện cáo hoặc bỏ rơi;

(4)  Ta tự chuốc lấy thất bại khi ta quyết định mua/xin nhà máy ĐHN của nhiều nước và huấn luyện nhân viên bởi nhiều nước;

(5)  Việc ta dùng hơn 150 triệu USD để đào tạo nhân sự ĐHN một mặt thì không đủ, một mặt thì rất phí phạm;

(6)  Làm ĐHN là đi ngược lại với nguyên tắc cạnh tranh do Thủ Tướng tuyên bố;

(7)  Ta nên dò xét ngay một nguồn năng lượng mới dưới lòng đất của ta;

(8)  Bỏ Ninh Thuân, cộng tác với Nga xây ĐHN nổi, tạo được công ăn việc làm cho người dân, và hội nhập ĐHN đặc thù.

Tôi có tư cách gì bàn chuyện quốc gia đại sự này?

Tôi có cơ may tham gia vào các hoạt động hạt nhân của Mỹ trên 40 năm, từ những năm 1960s tới nay, kể cả việc tháo gỡ vũ khí nguyên tử, tẩy uế phóng xạ hậu quả của 50 năm chạy đua vũ khí hạt nhân, và thiết kế nhiều nhà máy ĐHN. Trong thời gian này tôi đã có mặt tại hầu hết các trung tâm nguyên tử của Mỹ, tham dự thiết kế xây dựng 6 nhà máy ĐHN và khảo sát hơn 50 nhà máy khác. Tôi đã tiếp xúc với các kỹ sư Nhật năm 1967 khi họ bắt đầu xây Fukushima Daiichi. Tôi đã học tập cùng với các kỹ sư Hàn Quốc, Đài Loan, Pakistan, Iran… khi những nước này chưa có một nhà máy ĐHN nào. Tôi đã làm việc tại United Engineers & Constructors năm 1967 khi công ty này xây dựng nhà máy Three Mile Island (TMI) tạiPennsylvania, rồi đến năm 1980 thì tôi lại khảo sát tai nạn nóng chảy TMI-2. Tôi đã từng khảo cứu hiện tượng China Syndrome (huyền thoại lò ĐHN nóng chảy tại Mỹ, chìm xuống đất và chui sang tận Tàu). Luận án tiến sĩ của tôi khảo cứu hiện tượng bình thép nặng 600 tấn của lò PWR 1000 MW bị bể, gây tai nạn nóng chảy “ghê gớm nhất”. Tôi là đồng tác giả khảo cứu WASH-1400 năm 1972-1975 là khảo cứu quan trọng nhất của Mỹ về các sự cố ghê gớm của ĐHN, dùng phương pháp rủi ro (probabilistic risk assessment) để làm luật Price Anderson bảo hiểm nhiễm xạ cho người dân. Ông Harold Denton, người được Tổng thống Jimmy Carter bổ nhiệm cứu nguy lò Three Mile Island trong cơn nguy biến tháng 3 năm 1979 là bạn của tôi tại cơ quan Định Chế ĐHN (U.S. Nuclear Regulatory Commission-USNRC) và đến năm 1995 lại là tư vấn trong công ty của tôi tại Oak Ridge, Tennessee. Tôi đã đánh cược 1 USD với ông Robert Bernero, người chuyên khảo cứu sự cố lò BWR (loại Fukushima) tại USNRC, là nhờ bài học TMI-2 Mỹ không thể có một tai nạn nóng chảy nữa tại một nhà máy nước nhẹ trước năm 2000. Tôi đã thắng cuộc; nhưng nếu tính cả tai nạnChernobylnăm 1986 (không phải loại lò nước nhẹ) và tai nạnFukushima(sau năm 2000) thì tuy không thua cuộc nhưng tôi cũng coi là thua, bởi vì tôi đã chủ quan quá lố. Tôi đã đặt giải thưởng lấy tên là Weinberg để phát 2 năm một lần tại American Nuclear Society cho một khoa học gia có tâm dùng năng lượng hạt nhân phụng sự xã hội.

Trong suốt 30 năm làm tư vấn nguyên tử tại Mỹ để sinh sống, tôi lại chuyên khá nhiều về kinh tế ĐHN so với các nguồn năng lượng khác.  Bài viết của tôi về ĐHN trình bày tại Việt Nam năm 1999 được USNRC lặp lại và kỹ sư Việt Nam tưởng là lý luận của Mỹ nên đã dùng để cổ võ cho việc xây ĐHN tại Việt Nam!

Với các kinh nghiệm thực tế trên, tôi có đôi chút hiểu biết về ĐHN và phải là người rất hăng hái trong việc xây dựng nhà máy ĐHN tại quê hương Việt Nam của tôi giống như một đồng nghiệp, ông Đinh Đức Hữu (nay đã qua đời), để ta có thể “ngang hàng” với các nước Á Châu tiên tiến như Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc,Trung Quốc.

(Xin xem phụ bản 1 phác họa quá trình làm việc của TS Phùng Liên Đoàn)

Nhưng không, với tất cả tâm tư ở tuổi 72 không vụ lợi, không tự ái, và đã nguyện đem hết tài sản của mình giúp trẻ em và người nghèo Việt Nam, tôi xin trình bày 8 lý do tại sao lãnh đạo Việt Nam nên nghĩ tới tương lai của con cháu mà hoãn việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cho tới khi quí vị tổ chức cho người dân Việt Nam bàn bạc công khai về các lợi hại của chương trình ĐHN. Nếu người dân không có quyền được tham khảo, thì tôi nghĩ họ có quyền để di chúc cho con cháu không trả nợ cho các nước bán ĐHN cho Việt Nam khi mà các lãnh đạo ngày nay không còn sống mà nhận trách nhiệm đó.

Tám lý do đó như sau.

Lý do 1: ĐHN rất cần thiết cho tương lai thế giới nhưng chưa cần thiết cho Việt Nam

Nhiều người Việt cho rằng tai nạn Fukushima năm 2011 thật là khủng khiếp, cùng với tai nạn Chernobyl năm 1986 và TMI-2 năm 1979 chứng tỏ rằng ĐHN là một quái thai khoa học kỹ thuật có hại cho loài người, cần phải dẹp bỏ. Tôi không đồng ý với lý luận dựa trên cảm tính sợ hãi nhưng không thực tế này. Tuy ĐHN thoát thai từ vũ khí hạt nhân, Fukushima và Chernobyl đã làm cả ngàn người nhiễm xạ và gây thiệt hại đất đai trên cả trăm cây số, năng lượng hạt nhân cũng đã đem lại phúc lợi cho nhiều trăm triệu người qua y học, nông nghiệp, ngư nghiệp, cùng là đóng góp 14% điện trên thế giới (1660 tỉ kWh/ năm, đáng giá 100 tỉ USD mỗi năm, và đã như vậy trên 30 năm rồi). Nó cũng giảm thiểu hơn 6 tỉ tấn khí CO2 và cả triệu tấn chất độc hại như thủy ngân, arsenic, nhôm, lưu huỳnh… mỗi năm các nhà máy đốt than đốt dầu thải ra khí quyển, một sự kiện gây đau ốm cho nhiều triệu người, khí quyển hâm nóng, bão tố to hơn, nước biển dâng cao và do đó gây đói kém cho cả tỉ người. Ta không thể đem hiểu biết và kỹ thuật nguyên tử đóng vào chai để cất đi, cũng như ta không thể dẹp bỏ kỹ thuật xe hơi hằng năm giết hơn 300.000 người và làm bị thương nhiều triệu người.

Nhưng ĐHN khó làm, khó điều hành, chỉ khả thi tại các nước giàu dùng rất nhiều năng lượng, có hạ tầng cơ sở tốt, có nhân công với văn hóa kỹ thuật và an toàn ở trình độ cao, kinh tế mạnh. Nước ViệtNamta hoàn toàn khác. Ta có chiến tranh liên miên từ nhiều thế kỷ, mới hòa bình tương đối vài chục năm, hạ tầng cơ sở còn rất yếu kém, kinh nghiệm an dân tế thế còn rất mỏng manh. Dân ta nghèo, sức thu nhập thua dân các nước tiên tiến cả chục lần (3300 USD/ capita [tính trên đầu người] so với 32.000 -37.000 USD/capita tại Hàn Quốc và Đài Loan). “Rừng vàng biển bạc” của ta chưa được khai thác khoa học đúng mức. Ta còn phải xuất khẩu lao động (thực sự là nô lệ) kiếm ngoại tệ cho ta nhập khẩu các thiết bị cần thiết. Ta nên dùng ngân sách nhỏ bé của ta nâng cao dân trí và cơm no áo ấm cho người dân trước khi phiêu lưu vào ĐHN khó làm và rất đắt mà chỉ các nước có kinh tế mạnh và người dân đã no ấm mới có thể làm nổi. Các lý luận cường điệu “tại sao không?” phần lớn dựa trên những quyết đoán nông cạn và duy ý chí.

Lý do 2: Ta đã làm quyết định quan trọng xây nhà máy ĐHN dựa trên phỏng tính thô sơ về nhu cầu điện

Ngày 27 tháng 7/2011, Thủ tướng ViệtNamký quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét tới 2030. Theo quy hoạch này, Điện lực Việt Nam (EVN) phỏng tính rằng tới năm 1920 thì Việt Nam cần 330 tỉ kWh và 1930 thì cần 693 tỉ KWh. Như vậy là chỉ 8 năm nữa, năm 2020, ta dùng một số điện ngang với Anh Quốc ngày nay (345 tỉ kWh); và năm 2030, ta dùng một số điện ngang với Đài Loan và Hàn Quốc cộng lại (229 tỉ kWh + 460 tỉ kWh = 689 tỉ kWh). Trong khi đó, GDP ngày nay của Việt Nam là 299 tỉ USD – chỉ bằng 13% GDP của Anh hoặc Hàn Quốc cộng Đài Loan (xem bảng A).

Bảng A: Vài con số GDP và điện (tài liệu CIA WorldFactbook, circa 2011)

ViệtNam

Thái Lan

Mã Lai

Đài Loan

Hàn Quốc

Anh Quốc

Đức

Nhật

GDP (tỉ USD)

299

601

447

885

1549

2.250

3.085

4.389

USD/capita

3.300

9.700

15.600

37.900

31.700

35.900

37.900

34.300

E (tỉ kWh)

109,3

139,2

117,9

229,0

460,0

344,7

545,0

860,0

E/GDP (kWh/USD)

0,366

0,232

0,264

0,259

0,297

0,153

0,177

0,196

Tỉ số dùng điện

1

0,63

0,72

0,71

0,81

0,42

0,48

0,54

.

Mặc dầu các con số trên có nhiều thành tố, ta vẫn có thể kết luận ta dùng điện rất phí phạm, tốn nhiều hơn 20-50% để sản xuất một đơn vị GDP khi so với các nước láng giềng và các nước tiên tiến. Số điện cần thiết cho năm 2020 và 2030 sẽ ít hơn khi ta học hỏi được cách dùng điện nhạy bén hơn. Rõ ràng đây là nhiệm vụ của giáo dục, của việc nâng cao dân trí, của trình độ kỹ thuật. Có người cường điệu cho rằng nhờ ĐHN ta sẽ có trình độ kỹ thuật cao hơn. Họ nên nhìn vào việc ta dùng xe Lexus, điện thoại di động, máy ảnh số… tràn lan trên khắp nẻo đường ViệtNamtrong khi ông đại sứ Nhật than phiền không công ty nào trong nước làm được chai thủy tinh theo chuẩn của rượu sake của Nhật sản xuất tại Huế! Kinh tế của ViệtNamsẽ không học hỏi được gì, hoặc chỉ học hỏi tí teo, nơi kỹ thuật ĐHN.

Chính phủ nên hoãn xây nhà máy ĐHN cho tới khi EVN và các nhà kinh tế xác định lại một cách công khai tại sao ta cần nhiều điện như trong quyết định Thủ tướng ký năm 2011.

Lý do 3: Phỏng đoán giá nhà máy ĐHN quá thấp, ta sẽ phải chi tiền nhiều hơn nếu không bị kiện cáo hoặc bỏ rơi

 Kinh nghiệm của thế giới là không có nhà máy ĐHN nào xây cất theo đúng giá dự kiến,thường sẽ đắt hơn 50% – 300%. Tôi đã theo dõi giá thành của hơn 30 nhà máy ĐHN tại Mỹ và thấy nhà máy nào cũng đắt hơn dự kiến ban đầu. Có nhiều lý do: (a) mỗi nhà máy là một sản phẩm đặc thù, phụ thuộc vào người xây, thời biểu xây, và các hãng cung cấp thiết bị và nhân sự; (b) luật lệ an toàn ngày một tăng và rắc rối, khiến cho việc xây cất phải sửa đổi, chờ đợi, tăng thêm thiết bị; (c) các hãng bán thiết bị ít khi cam đoan giá cả để còn phòng cơ hội tăng giá; (d) kiện tụng thường xảy ra trong bất cứ chương trình ĐHN nào; và (e) người cổ võ ĐHN thường dấu các cơ nguy tăng giá.

Tại Việt Nam, rủi ro giá thành tăng gấp 200%-300% hơn dự kiến là chắc chắn xảy ra, vì ta mắc phải hầu hết 5 nguyên nhân trên, mà còn mắc thêm hai nguyên nhân nữa; đó là (f) hạ tầng cơ sở của ta rất yếu (đường xá, cầu cống, cảng, vật liệu xây cất), và (g) nhân sự của ta chưa thấm nhuần văn hóa của công nghệ cao.Ta có nhiều ví dụ nhãn tiền các công trình lớn của ta đều đắt hơn dự tính mà lại không bền: nhà máy lọc dầu Dung Quất, đường dây 500 KV, đường Trường Sơn, thủy điện Lai Châu – Sơn La, xa lộ 1000 năm Thăng Long, đường hầm Thủ Thiêm…

Tiền nào của đó. Nếu rẻ thì ít tốt, ít an toàn hơn. Dù Nga có bán rẻ hơn Pháp, dù Nhật có viện trợ cho nhiều, thì nhà máy ĐHN Ninh Thuận cũng sẽ đắt hơn và xây lâu hơn dự tính, vì “đó là Việt Nam”! Ngân sách quốc gia sẽ bị vỡ nợ, không còn đủ tiền lo các vấn đề cấp bách hơn như giáo dục, y tế, quốc phòng, và cứu trợ trong trường hợp thiên tai. Chính phủ cần nhờ những nguồn độc lập đáng tin cậy tính lại cho thật kỹ và công khai giá thành và nguồn vốn xây ĐHN. Các kết quả có tính cách khoa học và thực tế sẽ giúp lãnh đạo quyết định sáng suốt hơn, thay vì “tới đâu hay nấy” theo cách hành xử thông thường tại ViệtNam.

Hầu hết các khảo sát trên thế giới đều kết luận giá thành nhà máy ĐHN là đắt hơn nhà máy đốt than, đốt khí thiên nhiên, và đập thủy điện. Nếu tính tổng thể cả nhiên liệu và điều hành thì điện từ nhà máy ĐHN chỉ kinh tế so với các dạng điện kia tại các nước tiên tiến như Nhật, Hàn, Mỹ, Pháp… Nhưng tại Việt Nam, tôi đã tính là ĐHN sẽ đắt gấp ba giá điện năm 2009, và vào năm 2020, sẽ vẫn đắt hơn điện từ đập nước, từ nhà máy đốt than và nhà máy đốt khí thiên nhiên.

Điện nào chẳng là điện. Lãnh đạo cần tìm đường dễ làm và rẻ tiền thay vì ĐHN để phục vụ người dân ViệtNamvốn đã rất nghèo và bị cúp điện kinh niên. Ta đã tuyên bố không làm bom nguyên tử, vậy thì ta càng nên tránh ĐHN rắc rối, đắt tiền, và có cơ nguy xảy ra tai nạn phóng xạ.

Lý do 4: Ta tự chuốc lấy thất bại khi ta quyết định mua/xin nhà máy ĐHN của nhiều nước và huấn luyện nhân viên bởi nhiều nước

Tại Mỹ, hãng máy bay Southwest Airline lớn mạnh và nổi tiếng làm ăn giỏi và an toàn là nhờ họ chỉ dùng một loại máy bay – Boeing 737; do đó huấn luyện phi công và nhân viên bảo trì một cách đồng nhất và có thể xoay sở dễ dàng khi có nhu cầu thay đổi chuyến bay. Các công ty lớn hơn như American Airlines, Delta Airline, United Airline… đều bị phá sản, vì nhiều lý do trong đó việc dùng nhiều loại máy bay cũng là một yếu tố quan trọng.

Vào những năm 1970-1980, các hãng điện lớn tại Mỹ như Commonwealth Edison, Duke, Tennessee Valley Authority… gặp rất nhiều khó khăn khi dùng nhiều loại nhà máy khác nhau như BWR của General Electric, PWR của Westinghouse, PWR của Babcock and Wilcox, và PWR của Combustion Engineering. Việc dùng nhiều loại lò và nhiều kiểu lớn nhỏ khác nhau khiến nhân viên phải được đào tạo đặc thù, giấy tờ kỹ thuật khác nhau giữa các nhà máy, và hệ thống an toàn khác nhau. Việc này phân tán và làm rối bời lực lượng nhân sự, khiến các nhà máy ĐHN chỉ sản xuất được 50 – 60% điện dự tính, và công ty bị thua lỗ. Ngoài ra, rủi ro có sự cố cũng rất cao. ViệtNamta đang mắc cái bệnh này, tự cho ta là “khôn” dùng nhiều kỹ thuật “hạng nhất” nhưng ta không biết là đã tự gieo cái mầm có nhiều sự cố trong tương lai. Với vài ngàn nhân viên ĐHN của ta dùng một ngoại ngữ cũng chưa thông, làm sao ta có thể đương đầu với tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Hàn và các tập huấn và luật lệ của họ cùng một lúc? Nếu họ đưa tài liệu và tập huấn ta bằng tiếng Anh thì các huấn luyện viên người Nhật, người Nga, người Hàn có thực thông mấy ngàn dữ kiện bằng tiếng Anh không? Làm sao ta có thể luân chuyển nhân viên từ nhà máy này sang nhà máy khác khi cần thiết? Khi các thiết bị từ con ốc, từ cái máy đo lường đều phải nhập khẩu, thì nhà máy ĐHN không sản xuất điện khi chờ đợi thiết bị được bay tới. Ta đã có kinh nghiệm với Dung Quất rồi, với các xe Lexus, Peugeot, Mercedes rồi, với các máy fax và điện thoại di động rồi. Ta không nên lệ thuộc nước ngoài quá nhiều về các vấn đề sinh tử như điện.

Trong chiến tranh ta có thể sử dụng tinh nhuệ mọi thứ khí giới, nhưng trong hòa bình ta không thể sử dụng tinh nhuệ nhiều loại nhà máy ĐHN. Ta không thể cường điệu “tại sao không?” cho tới khi ta học hỏi thêm về các nhu cầu 100% an toàn và 100% đáng tin cậy của nhà máy ĐHN.

Hoãn xây nhà máy ĐHN trong lúc này khi ta mới tốn vài chục triệu USD là giúp ta không tốn kém nhiều trăm triệu USD vào năm 2013-2015 và nhiều tỷ USD vào những năm 2015-2020.

Lý do 5:  Việc ta dùng hơn 150 triệu USD để đào tạo nhân sự ĐHN một mặt thì không đủ, một mặt thì rất phí phạm

Theo chương trình, Việt Nam dự định đào tạo 2400 kỹ sư, 350 thạc sĩ và tiến sĩ từ 2010 tới 2020 để phục vụ nhà máy ĐHN. Đồng thời cũng đào tạo 650 kỹ sư, 250 thạc sĩ và tiến sĩ để phục vụ các ngành liên hệ. Khoảng 10% kỹ sư và 40% thạc sĩ/tiến sĩ là được đào tạo tại ngoại quốc. Ngân sách đào tạo đã được chuẩn y năm 2010 là khoảng 150 triệu USD.

Điện nào chẳng là điện, tại sao ta lại đặc biệt ưu ái đào tạo chuyên viên ĐHN? Tại sao họ lại được học bổng và được đi nước ngoài? Tại sao lương họ lại cao hơn lương kỹ sư tại nhà máy than, nhà máy đập nước? Trong lịch sử của ta gửi người đi du học tại các nước tự do, bao nhiêu người đã trở về làm việc tại ViệtNam? Trong số người trở về ViệtNam, bao nhiêu người còn giữ nghề nghiệp được đào tạo và bao nhiêu người đổi sang nghề khác hoặc lại đi ra nước ngoài làm việc? Nếu kinh tế ViệtNamkhông phát triển mạnh thì làm sao ta giữ được người tài? Nếu ngành nghề không được tự do thì đến khi nào chính phủ không còn thất bại vì đầu tư nhân sự mà không đạt được mục đích?

Kinh nghiệm tại các nước Âu châu và Mỹ là bằng cấp thạc sĩ tiến sĩ hoàn toàn không cần thiết cho việc điều hành ĐHN và các luật lệ dịch vụ phóng xạ. Thật ra, người ta rất e ngại các người ỷ mình có bằng cấp to mà không tuân thủ luật lệ hoặc làm sái đi vì cho rằng mình biết. Vì thế, ngân sách sẽ tiết kiệm được một số tiền lớn nếu có chính sách rõ ràng là đào tạo thực tập và tinh thần tuân thủ luật lệ chứ không đào tạo thạc sĩ tiến sĩ khảo cứu.

Nhưng với một ngân sách đào tạo như vậy trong một quốc gia mà rất nhiều trường mẫu giáo và tiểu học chưa có những phương tiện học hỏi tối thiểu, chưa có nước sạch và phương tiện vệ sinh tốt, thì ta tự hỏi có nên không? Tại sao ta không đào tạo như vậy đối với các nhân tài điều hành các nhà máy thủy điện, nhiệt điện để họ nâng năng suất và tạo thêm điện ở các dạng rẻ tiền và dễ dàng hơn ĐHN? Nếu ta cũng ưu ái các nhân viên tại các nhà máy sản xuất điện khác thì việc sản xuất thêm số điện 4-10% là rất khả thi thay cho chương trình ĐHN của EVN.

Lý do 6: Làm ĐHN là đi ngược lại với nguyên tắc cạnh tranh do Thủ tướng tuyên bố

Quyết định của Thủ tướng năm 2011 nói rõ chính phủ chỉ giữ độc quyền đường dây chuyển tải điện. Vậy mà chính phủ làm ngược lại chính sách này bằng cách chấp thuận cho EVN, một công ty quốc doanh, dùng quyền thế nhà nước đi vay một số tiền rất lớn để làm ĐHN chưa chắc thành công nhưng chắc chắn toàn thể con cháu ta phải trả nợ. Nếu EVN là công ty tư thì họ có dám phiêu lưu như vậy không? Nếu chính phủ dùng số tiền đào tạo nhân viên ĐHN mà giúp cho tư nhân sản xuất điện tự do thì họ có thể dùng phương pháp dễ hơn để sản xuất 4000 MW điện vào năm 2020-2022 thay cho bốn lò ĐHN không?

Ai cũng biết không tư nhân nào, kể cả các ông tỉ phú ngoại quốc, sẽ bỏ tiền ra xây lò ĐHN cho Việt Nam vì rủi ro rất lớn về đầu tư, kỹ thuật, an toàn, và luật lệ. Ngay các hăng điện lớn của Mỹ còn phải xin chính phủ bảo đảm giùm khi họ đi vay tiền để xây ĐHN. Nếu chính phủ bỏ ra một phần số tiền dành cho ĐHN để khuyến khích tư nhân sản xuất, thì chắc chắn họ sẽ làm điện nhanh hơn và rẻ hơn ĐHN Ninh Thuận. Tôi xin đề nghị một vài phương pháp làm điện rẻ tiền hơn ĐHN:

  • Bán rẻ các bóng đèn fluorescent [huỳnh quang] để thay cho các bóng đèn nóng đỏ (incandescent). Các nước tại Úc, Mỹ, Âu đã áp dụng chương trình này từ nhiều năm. Ta chỉ tốn khoảng 500 triệu USD để thay 500 triệu bóng đèn và giúp giảm số điện dùng thắp sáng 60%, không phải xây thêm 6000 MW hay 6 lò ĐHN. Tính ra thì tiền đầu tư “không cần xây thêm” chỉ khoảng 100 USD/kW thay vì 5000 USD/kW ĐHN. Mà việc này có thể làm ngay, kết thúc trong 5 năm, chứ không phải chờ đợi 10-12 năm như xây nhà máy ĐHN.
  • Đào tạo nhiều thợ điện chuyên nghiệp để thay các dây điện nhỏ bằng các dây lớn hơn, giảm bớt phí phạm truyền tải trong thành phố từ khoảng 5-7% xuống khoảng 2-4%. Tiền đầu tư này tương đương với khoảng 2000 USD/kW thay vì 5000 USD/kW ĐHN, và còn tạo được cả ngàn công nhân điện có tay nghề và tránh trước rất nhiều nạn cháy nhà cháy chợ.
  • Tăng giá điện khi dùng quá một mức tối thiểu. Ví dụ, một gia đình chỉ cần khoảng 100 kWh mỗi tháng để thắp đèn và chạy máy móc, nhưng nếu họ đun bếp bằng điện hoặc có máy làm không khí mát, thì họ có thể phải dùng tới 400-600 kWh mỗi tháng. Nếu giá điện trên 100 kWh mỗi tháng tăng gấp đôi, trên 500 kWh mỗi tháng tăng gấp ba, thì người tiêu thụ sẽ dùng điện ít đi, và người bán điện vẫn có thu nhập khá. Chính sách này có thể tương đương với xây nhà máy điện giá 1000-2000 USD/kW. Ta lại đào tạo được một đội ngũ công nhân làm máy lạnh hiệu quả hơn, bịt kín các phòng có máy lạnh một cách khoa học để không mất khí lạnh, và lắp ráp cửa kính cách nhiệt tốt hơn (hai lớp kính thay vì một).
  • Tăng giá thu mua thủy điện lên gần giá sản xuất của nhiệt điện (ví dụ, từ 200 VND/kwh lên 1000 VND/kWh) sẽ giúp bảo trì các đập thủy điện và môi trường rừng tốt hơn, cùng là xúc tác cho người dân làm thủy điện ngay tại các sông ngòi (gọi là thủy điện với thế nước thấp). Việc này có thể tương đương với giá 500-1000 USD/kW thay vì 5000 USD của ĐHN. Ta bảo vệ môi trường, nâng cao an toàn thủy điện, và tạo được việc làm trong nước thay vì cùng tiền đó nhập khẩu điện và nhiên liệu từ nước ngoài.
  • Khuyến khích tương tự với điện gió, nhưng không trợ giá cao hơn, vì ta không nên theo xu hướng chính trị của các nước giàu “khuyến khích” dùng năng lượng tái tạo khi giá điện gió không có sức cạnh tranh. Ngay ông Obama của Mỹ đã thực tế hơn, không cổ võ cho “năng lượng tái tạo” mạnh miệng như một sinh viên nữa, mà thực tế hơn về việc dùng khí đốt thiên nhiên có được nhờ kỹ thuật mới tôi sẽ bàn dưới đây.
  • Trong mọi cơ hội trên, và các cơ hội tương tự, chính phủ nên chỉ đạo và áp dụng luật một cách nghiêm khắc nhưng công bằng, chứ không nên bắt tay làm, ngay cả qua các công ty quốc doanh là nơi dùng tiền không biết tiếc. Nhất là chính phủ nên áp dụng triệt để các luật an toàn đồng nhất cho người dân và cho môi trường, để ta không còn tệ nạn “nói bẻm mép” về việc “bảo vệ” nhưng khi thực hành thì rất luộm thuộm. Các cơ hội trên có kinh tế không thì thị trường sẽ tự giải quyết một cách tối ưu. Chính phủ sẽ tùy cơ hiệu đính chính sách một cách khôn khéo với sự đóng góp công khai của người dân.

Hoãn xây nhà máy ĐHN và thực hiện các công tác dễ dàng hơn và ít tốn kém hơn như trên sẽ có lợi cho việc xử dụng ngân sách một cách hữu hiệu, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân, tránh không nhập khẩu những gì không cần thiết, do đó kinh tế có hiệu quả hơn và người dân hạnh phúc hơn. Làm ĐHN là phiêu lưu kinh tế và chính trị. Nó làm kinh tế ta kiệt quệ, người dân không có việc làm, xã hội không ổn định và ta luôn luôn lệ thuộc nước ngoài.

Lý do 7: Ta nên dò xét ngay một nguồn năng lượng mới dưới lòng đất của ta

Trong 5-10 năm qua một hiện tượng khoa học kỹ thuật mới tại Mỹ đã làm đảo lộn chính sách năng lượng của Mỹ. Người ta dùng phương pháp khoan ngang (horizontal drilling) và phương pháp ép vỡ (fracking) đá thủy tra tại dưới sâu 500-3000 m, để khai thác dầu hỏa và hơi khí. Nước Mỹ nay sản xuất thêm được 500.000 tấn dầu mỗi ngày quanh những giếng dầu trước kia tưởng đã cạn. Quan trọng hơn, nước Mỹ dùng cách này tìm được dự trữ khí thiên nhiên có thể dùng suốt 100 năm tới. Việc này khiến cho giá khí thiên nhiên, vốn là một nhiên liệu quí hơn dầu vì dùng dễ hơn và ít ô nhiễm hơn, lại rẻ bằng 20% giá dầu tính theo đơn vị USD/kC hay USD/kWh(nhiệt). Mỹ đang có phong trào dùng khí thiên nhiên chạy 20 triệu xe vận tải lớn, và tạo điện thay cho than và dầu. Xây mới ĐHN tại Mỹ gặp rất nhiều khó khăn vì người ta có thể làm điện bằng khí đốt nhanh hơn và rẻ bằng nửa ĐHN.

Xu hướng khoan ngang và ép vỡ đá cũng đang được xử dụng tại Âu Châu và Trung Quốc. ViệtNamcần thăm dò kỹ thuật này cấp tốc, vì nó có quyết định sống còn với chính sách năng lượng của ta trong vòng 10 năm. Tốn kém chỉ ngang với việc sửa soạn xây nhà máy ĐHN (khoảng 50-100 triệu USD) và cơ may là rất lớn tìm được nhiều khí đốt; ví dụ, tại “vựa than sông Hồng” và các vùng có đá thủy tra. Việc này lại tận dụng được trí tuệ ViệtNamvốn từ xưa tới nay không được trọng bằng trí tuệ nhập khẩu.

Có người cường điệu cho rằng ĐHN dùng rất ít nhiên liệu, ta có thể khai thác mỏ uranium và tự chế các thanh uranium, hoặc ta có thể mua dự trữ các thanh uranium cho các nhà máy ĐHN của ta. Những người này chưa thấu hiểu quá trình tốn kém và khó khăn sản xuất uranium có U-235 giàu hơn thiên nhiên (3-4% thay vì 0,7%). Sau khi có uranium giàu U-235 rồi, việc chế tạo các thanh nhiên liệu cho nhà máy ĐHN lại còn cần một công trình kỹ nghệ tinh vi chỉ vài nước trên thế giới có thể làm (nếu thanh nhiên liệu làm ẩu thì phóng xạ tuôn ra sẽ rất cao, ta không điều hành được nhà máy). Giá nhiên liệu ĐHN khoảng 0,02 USD/kWh, nghĩa là khoảng 140 triệu USD mỗi năm cho một nhà máy 1000 MW. Làm sao ta có tiền mua các nhiên liệu đó dự trữ 5-10 năm?

Nếu Việt Nam có tiền bây giờ để “cam đoan” mua khí thiên nhiên của Mỹ trong 30 năm tới, thì giá khí thiên nhiên ngày nay rất rẻ và xây nhà máy đốt khí thiên nhiên chỉ mất 3 năm. Ta có thể sản xuất điện rẻ bằng 50% điện từ nhà máy ĐHN Ninh Thuận. Tôi đề nghị ta theo chiều hướng này, nhưng tìm khí thiên nhiên ngay trong nước ta thay vì “cam đoan” mua của Mỹ.

(Xin xem phụ bản 2 phác họa kỹ thuật khoan ngang và ép bể đá thủy tra)

Lý do 8: Bỏ Ninh Thuận, cộng tác với Nga xây ĐHN nổi, tạo được công ăn việc làm cho người dân, và hội nhập ĐHN đặc thù

Sau khi lắng nghe các ý kiến công khai về ĐHN, nếu ViệtNamvẫn còn muốn có kỹ nghệ ĐHN cho 30-100 năm tới, thì ta nên tìm phương pháp đặc thù có lợi cho kinh tế Việt Nam.

Một trong các phương pháp đặc thù là xây các nhà máy ĐHN nhỏ trên bè, có thể làm tại một cảng như Cam Ranh rồi kéo tới nơi có nhu cầu điện. Kỹ thuật làm ĐHN trên mặt nước hoặc dưới nước đã chín muồi vì đã thực hiện an toàn tại các tàu ngầm nguyên tử, hàng không mẫu hạm nguyên tử, tàu chở hàng Savannah, và tàu xẻ băng Lenin, và 5-6 nhà máy ĐHN nổi loại Lomonosov đang xây tại Nga. Xây lò ĐHN trên bè thì không sợ động đất. Sóng thần cũng không làm hại được lò vì sóng thần chưa hề phá vỡ các công trình to lớn có tường xi măng cốt sắt bảo vệ.  Các lò nhỏ từ 100 tới 300 MW lại rất cần thiết cho các xứ đang mở mang có nhiều bờ biển, như Nhật, Phi Luật Tân, Nam Dương, các nước Phi Châu, các nước Nam Mỹ. Việt Nam có thể điều đình với Nga xây 10 nhà máy ĐHN nổi 200 MW thay vì 2 nhà máy Ninh Thuận. Ta làm dịch vụ đóng bè, tạo công ăn việc làm cho cả chục ngàn người. Nga làm các lò từng loạt trong công xưởng, như vậy giá sẽ rẻ tính theo USD/kW. Các lò này lại có thể thiết kế chỉ thay nhiên liệu 4-5 năm một lần, thay vì 1-2 năm như các lò lớn. Khi ta neo hai nhà máy này gần các nơi cần điện như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… thì độ tin cậy luôn luôn có điện (reliability) cao hơn, sự mất điện do truyền tải đi xa cũng ít hơn.

Cơ hội này giúp Việt Nam hội nhập thế giới ĐHN một cách đặc thù, và lại có một kỹ nghệ xuất khẩu ra thế giới thay vì hoàn toàn lệ thuộc vào nhập khẩu. Nhiều chục ngàn người sẽ có công ăn việc làm từ việc xây bè và các phụ sản của lò ĐHN. Nếu lãnh đạo Việt Nam thấy cơ hội này là có lý hơn ĐHN Ninh Thuận, tôi xin xung phong làm việc không lương (dùng lương tương xứng làm học bổng cho sinh viên Việt Nam), trong 3 năm để khởi đầu kỹ nghệ tương lai này cho Việt Nam trước khi chuyển giao cho một đội ngũ lành nghề tiếp tục. Nếu Việt Nam và Nhật bỏ 30 triệu USD để khảo sát địa điểm xây nhà máy Ninh Thuận 2, thì với một số tiền tương tự tôi có thể làm việc với Nhật, với Nga gây dựng kỹ nghệ ĐHN nổi rất an toàn và có triển vọng bán ra khắp thế giới. Tôi có thể hướng dẫn giới trẻ tuổi ViệtNamhọc hỏi các kinh nghiệm và luật lệ hạt nhân để trở thành tay nghề hàng đầu về ĐHN nổi. Như vậy thì ViệtNammới có thể tự hào là tiên tiến và có khả năng cạnh tranh kinh tế với kỹ thuật đặc thù.

(Xin xem phụ bản 3, hình TS Phùng Liên Đoàn bàn luận với các khoa học gia Mỹ và Nga năm 2010 về ĐHN nổi.)

Kết luận

Trong thời buổi khó khăn về chính trị, quân sự, kinh tế và ngân sách hiện tại của đất nước, lãnh đạo có cơ hội chuyển đổi tình hình và lòng ưu ái của người dân bằng một quyết định ngoạn mục là hoãn xây nhà máy ĐHN, trưng cầu dân ý theo những ý kiến tôi đề nghị (và nhiều ý kiến khác của trí thức Việt Nam và quốc tế), để hoạch định tương lai ĐHN tại Việt Nam nói riêng, kinh tế Việt Nam nói chung, và xa hơn là tương lai 100 năm của nước Việt Nam. Sự đóng góp của quí vị là ngay bây giờ. Quí vị anh minh thì con cháu ta sau này sẽ nở mày nở mặt. Còn như tiếp tục thiển cận, chậm chạp và độc tài thì quí vị sẽ làm người dân Việt Nam luôn luôn thua kém người dân các nước khác. Quí vị đâu có muốn như thế.


P.L.Đ.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Nguồn: Boxitvn

___________________

Phụ bản 1: Quá trình làm việc của TS Phùng Liên Đoàn

Phụ bản 2: Minh họa kỹ thuật khoan ngang và ép đá dưới sâu cho nứt để lấy dầu, lấy khí thiên nhiên

Phụ bản 3: Hình TS Phùng Liên Đoàn bàn luận với các khoa học gia Mỹ và Nga năm 2010 về ĐHN nổi

Chú thích ảnh: Chụp ngày 10/11/ 2010 tại cuộc họp quốc tế của Hội American Nuclear Society 

Ngồi, từ trái qua:

TS Charles Newstead, viên chức cao cấp về nguyên tử của Bộ Ngoại giao Mỹ.

TS Phùng Liên Đoàn, Chủ tịch công ty nguyên tử và môi trường Professional Analysis, Inc.

Đứng, từ trái qua:

TS Alvin Trivelpiece, nguyên Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ về khoa học kỹ thuật, nguyên Tổng giám đốc Trung tâm Nguyên tử 5000 người Oak Ridge National Laboratory, Tennessee.

Viện sĩ Evgeniy Velikhov, TGĐ Viện Nghiên Cứu Kurchatov, Moskva. Ông Velikhov chúc Việt Nam và Nga có thể xây 1000 nhà máy ĐHN trên bè (công suất khoảng 300 MWe mỗi bè) tại bờ bể các nước đang mở mang, với sự bảo đảm an toàn và nhiên liệu bởi các cường quốc.

TS Andrew Kadak, nguyên Hội Trưởng Hội Nguyên Tử Mỹ (20.000 hội viên), bạn học của PLĐ.

Mời xem thêm:  –  Thư gửi Đại Sứ Việt Nam tại Mỹ của TS Phùng Liên Đoàn về việc Xây Nhà Máy Điện Hạt Nhân (ĐHN) Tại Việt Nam(khoahocnet.com, 26/3/2012).  –  Ý kiến chuyên gia người Mỹ gốc Việt về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (vietsciences.free.fr, 9/12/2009).

112 bình luận to “1022. Tám lý do Việt Nam sẽ có lợi nếu chính phủ hoãn xây nhà máy điện hạt nhân”

  1. phòng sạch bệnh viện

    1022. Tám lý do Việt Nam sẽ có lợi nếu chính phủ hoãn xây nhà máy điện hạt nhân « BA SÀM

  2. […] 24/05/2012 lúc 08:32 […]

  3. […] bài “1022. Tám lý do Việt Nam sẽ có lợi nếu chính phủ hoãn xây nhà máy điện hạt nhân”  Trong số 103 phản hồi, có nhiều […]

  4. […] Nguyễn Hữu Quý đã nói 23/05/2012 lúc 19:06 […]

  5. […] NHẬT BẢN VIỆN TRỢ XÂY NHÀ MÁY ĐIỆN NGUYÊN TỬ TẠI VIỆT NAM (14-05-2012);  + 1022. Tám lý do Việt Nam sẽ có lợi nếu chính phủ hoãn xây nhà máy điện hạt n… (22-05-2012); + 1031. Hãng tin Nhật Jiji Press đưa tin về bức thư của hàng trăm […]

  6. […] 24/05/2012 lúc 06:50 […]

  7. […] 24/05/2012 lúc 22:15 […]

  8. […] 1022. Tám lý do Việt Nam sẽ có lợi nếu chính phủ hoãn xây nhà máy điện hạt&nb… […]

  9. Le Hung Van said

    Đối với những người Việt Nam chưa biết rõ về thảm họa nhà máy ĐHN(điện hạt nhân) Chernobyl thì nên dành 1 chút thời gian vào trang

    http://vi.wikipedia.org/wiki/Thảm_họa_Chernobyl

    đọc để biết thêm 1 phần nào.

    Đối với nạn thiếu điện ở Việt Nam tôi thấy đã có nhiều vị nêu ra phương pháp để chúng ta giải quyết…..

    Nếu như các vị theo giỏi hàng ngày tình hình trong nước và sung quoanh Việt Nam chúng ta thì sẽ biết là xây nhà máy ĐHN trong thời điểm này hay 5 đến 10 năm tới rất là nguy hiểm cho đất nước ta. Tánh mạng người Việt Nam chúng ta đối với kẻ lạ không đáng giá nào. Ngày xưa kẻ lạ còn muốn chúng ta đánh Mỹ cho đến người Việt Nam cuối cùng. Thảm họa chất độc dam cam mãi đến hôm nay vẫn con chưa giải quyết xong. Chưa đủ để chúng ta học 1 bài học sao? Thảm họa ĐHN sẽ còn khủng kiếp hơn mấy lần. Cũng lạ thật! Nhiều người ngoại quốc kháp âu châu không có liên hệ hay họ hàng gì với chung ta, mà người ta chú ý, lo và quan tâm đến đất nước chúng ta, nhưng chính chúng ta lại muốn tự mình làm khô mình trong tương lai.

    Mong sao chúng ta sẽ không có cơ hội đặt câu hỏi “Không Ngơ…..?” này như người Ukraina, Belarus, Nga hay Nhật. Vì câu hỏi này sẽ làm cho mọi chuyện đã muộn và không quay trở lại.

  10. huy Mc said

    Bài viết rất giá trị của một chuyên gia NT giàu kinh nghiệm mà lại là người VN yêu tổ quốc muốn đóng góp xây dựng, không lý do gì mà tác giả không gửi bài này tới những nơi như QH, CP …để mọi người đọc và phân tích. Chúng ta cũng hy vọng bởi trước đây đã từng quyết định làm đường tàu cao tốc Bắc – Nam nhưng nhờ có sự cố bên Tàu xẩy ra mà stop kịp, nay tiếp đến dự án ĐNT cũng thế thì xuất hiện sự cố FUKUSIMA, có lẽ đất nước ta được trời đất ủng hộ báo cho những cái gì không nên làm chăng? Philipin đã bỏ ra vài tỷ $ làm nhà máy ĐHN dở dang phải bỏ chẳng đâu xa, còn bác gì bảo Đức và Nhật chả sợ ĐNT mà là vì họ cân bằng điện rồi em thấy hơi bị lạ?
    Còn vụ Chenobun – gần Kiep thì thôi rồi (làm gì có tin thoát ra ngoài) mà biết, nay vẫn là vùng trắng rộng lớn. Còn tiền vốn 10 -20 tỷ$ thì cũng bằng 10 – 20 con tàu Hoa sen mua về làm cảnh ấy mà.

  11. thien said

    ông làm sao hơn được ĐỈNH CAO TRÍ TUỆ của đảng ta!!!!

  12. Nhân đọc bài “Tám lý do Việt Nam sẽ có lợi nếu chính phủ hoãn xây nhà máy điện hạt nhân”,của tác giả Phùng Liên Đoàn,Chuyên viên an toàn, môi trường và kinh tế Điện hạt nhân đã làm việc tại Mỹ 40 năm.
    Tôi thấy ngoài tám lý do trên còn một lý do “thứ chín”, là trong thời gian trì hoãn xây nhà máy điện hạt nhân, biết đâu chừng khi “nền tảng toán học” của thế giới được hiệu chỉnh lại do đã bị “sai lệch” bao nhiêu thế kỷ, theo luận điểm “Sai lệch toán học” do tôi đưa ra,sẽ có người sử dụng cái toán học đúng với “tự nhiên đúng với thực tế” do tôi đưa ra đó,sẽ phát minh ra được một loại máy phát điện không cần sử dụng đến các nguồn nguyên liệu như hiện nay thì tốt biết bao?
    Nhân dịp này, tôi xin mượn diễn đàn ABS, nhờ tác giả Phùng Liên Đoàn, hay bất kỳ bạn nào có điều kiện thuận lợi, đưa giúp công trình “Sai lệch toán học” của tôi sang cho các nhà toán học của nước Mỹ nói riêng và các nước tiên tiến nói chung, xem xét và có hướng giải quyết, nhầm hiệu chỉnh lại nền tảng toán học hiện nay, để cho cái toán học hiện nay mà nhân loại đang học và sử dụng, không còn mang nặng “tính trừu tượng và tính phi thực tế”.
    Chứ còn các Cơ quan ban ngành ở VN nói chung, họ không đủ khả năng xem xét và giải quyết một công trình “Sai lệch toán học” của tôi,kể cả Hội Liên Hiệp các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Thành Phố HCM ,đã công nhận công trình “Sai lệch toán học” của tôi là “đúng và chính xác hoàn toàn”, nhưng lại không “công bố”, hay đưa ra cho các nhà toán học trên thế giới xem xét và có hướng giải quyết cụ thể, thì quả là chuyện lạ khó tin 100% ở cái đất nước mà các nhà lãnh đạo VN luôn hô hào là ưu tiên cho phát triển khoa học?
    Không tin các bạn có thể vào trang Web: http://www.dost.hochiminhcity.gov.vn/hoithisangtao_khkt/default.aspx?Source=/hoithisangtao_khkt&Category=C%C3%A1c+gi%E1%BA%A3i+ph%C3%A1p+d%E1%BB%B1+thi+qua+c%C3%A1c+n%C4%83m&ItemID=10&Mode=1

    Của Sở Khoa Học và Công Nghệ Thành Phố HCM,công trình “Sai lệch toán học” của tôi hiện còn treo ở mục 84 của trang Web đó?Nếu như bạn nào muốn bàn luận về công trình “Sai lệch toán học” của tôi,các bạn có thể liên hệ với tôi qua
    email : tranvantuan@etasme.com
    hay ĐT :0913915505 ;
    Website: etasme.com
    Nếu ở nước ngoài các bạn có thể gọi (84) 0913915505
    Thân chào,cám ơn ABS cho đăng bài này của tôi,nếu như có thể anh giúp tôi đưa công trình “Sai lệch toán học” của tôi, ra cho các nhà toán học trên thế giới xem xét và có hướng giải quyết thì tốt biết chừng nào?

    ———————————————————-
    Sáng tạo là hương hoa trong cuộc sống
    Sáng tạo luôn đi trước thời đại

  13. letrung said

    Tôi xin đưa lên đây một bài viết cũ nhưng vẫn còn tính thời sự.
    PHONG ĐIỆN.
    Ưu điểm dễ thấy nhất của phong điện là không tiêu tốn nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường như các nhà máy nhiệt điện, dễ chọn địa điểm và tiết kiệm đất xây dựng, khác hẳn với các nhà máy thủy điện chỉ có thể xây dựng gần dòng nước mạnh với những điều kiện đặc biệt và cần diện tích rất lớn cho hồ chứa nước.Các trạm phong điện có thể đặt gần nơi tiêu thụ điện, như vậy sẽ tránh được chi phí cho việc xây dựng đường dây tải điện.

    Vài nét về các máy phát phong điện

    Các máy phát điện lợi dụng sức gió (dưới đây gọi tắt là trạm phong điện) đã được sử dụng nhiều ở các nước châu Âu, Mỹ và các nước công nghiệp phát triển khác. Nước Đức đang dẫn đầu thế giới về công nghệ phong điện.

    Tới nay hầu hết vẫn là các trạm phong điện trục ngang, gồm một máy phát điện có trục quay nằm ngang, với rotor (phần quay) ở giữa, liên hệ với một tua bin 3 cánh đón gió. Máy phát điện được đặt trên một tháp cao hình côn. Trạm phát điện kiểu này mang dáng dấp những cối xay gió ở châu Âu từ những thế kỷ trước, nhưng rất thanh nhã và hiện đại.

    Các trạm phong điện trục đứng gồm một máy phát điện có trục quay thẳng đứng, rotor nằm ngoài được nối với các cánh đón gió đặt thẳng đứng. Trạm phong điện trục đứng có thể hoạt động bình đẳng với mọi hướng gió nên hiệu qủa cao hơn, lại có cấu tạo đơn giản, các bộ phận đều có kích thước không quá lớn nên vận chuyển và lắp ráp dễ dàng, độ bền cao, duy tu bảo dưỡng đơn giản. Loại này mới xuất hiện từ vài năm gần đây nhưng đã được nhiều nơi sử dụng.

    Hiện có các loại máy phát phong điện với công suất rất khác nhau, từ 1 kW tới hàng chục ngàn kW. Các trạm phong điện có thể hoạt động độc lập hoặc cũng có thể nối với mạng điện quốc gia. Các trạm độc lập cần có một bộ nạp, bộ ắc-quy và bộ đổi điện. Khi dùng không hết, điện được tích trữ vào ắc-quy. Khi không có gió sẽ sử dụng điện phát ra từ ắc-quy. Các trạm nối với mạng điện quốc gia thì không cần bộ nạp và ắc-quy.

    Các trạm phong điện có thể phát điện khi tốc độ gió từ 3 m/s (11 km/h), và tự ngừng phát điện khi tốc độ gió vượt quá 25 m/s (90 km/h). Tốc độ gió hiệu qủa từ 10 m/s tới 17 m/s, tùy theo từng thiết bị phong điện.

    Những ưu điểm của phong điện.

    Ưu điểm dễ thấy nhất của phong điện là không tiêu tốn nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường như các nhà máy nhiệt điện, dễ chọn địa điểm và tiết kiệm đất xây dựng, khác hẳn với các nhà máy thủy điện chỉ có thể xây dựng gần dòng nước mạnh với những điều kiện đặc biệt và cần diện tích rất lớn cho hồ chứa nước.

    Các trạm phong điện có thể đặt gần nơi tiêu thụ điện, như vậy sẽ tránh được chi phí cho việc xây dựng đường dây tải điện.

    Trước đây, khi công nghệ phong điện còn ít được ứng dụng, việc xây dựng một trạm phong điện rất tốn kém, chi phí cho thiết bị và xây lắp đều rất đắt nên chỉ được áp dụng trong một số trường hợp thật cần thiết. Ngày nay phong điện đã trở nên rất phổ biến, thiết bị được sản xuất hàng loạt, công nghệ lắp ráp đã hoàn thiện nên chi phí cho việc hoàn thành một trạm phong điện hiện nay chỉ bằng ¼ so với năm 1986.

    Phong điện đã trở thành một trong những giải pháp năng lượng quan trọng ở nhiều nước, và cũng rất phù hợp với điều kiện Việt nam.

    Các trạm phong điện có thể đặt ở đâu ?

    Trạm phong điện có thể đặt ở những địa điểm và vị trí khác nhau, với những giải pháp rất linh hoạt và phong phú:

    Các trạm phong điện đặt ở ven biển cho sản lượng cao hơn các trạm nội địa vì bờ biển thường có gió mạnh. Giải pháp này tiết kiệm đất xây dựng, đồng thời việc vận chuyển các cấu kiện lớn trên biển cũng thuận lợi hơn trên bộ. Giải bờ biển Việt Nam trên 3000 km có thể tạo ra công suất hàng tỷ kW phong điện.

    Những mỏm núi, những đồi hoang không sử dụng được cho công nghiệp, nông nghiệp cũng có thể đặt được trạm phong điện. Trường hợp này không cần làm trụ đỡ cao, tiết kiệm đáng kể chi phí xây dựng.

    Trên mái nhà cao tầng cũng có thể đặt trạm phong điện, dùng cho các nhu cầu trong nhà và cung cấp điện cho thành phố khi không dùng hết điện. Trạm điện này càng có ý nghĩa thiết thực khi thành phố bất ngờ bị mất điện.

    Ngay tại các khu chế xuất cũng có thể đặt các trạm phong điện. Nếu tận dụng không gian phía trên các nhà xưởng để đặt các trạm phong điện thì sẽ giảm tới mức thấp nhất diện tích đất xây dựng và chi phí làm đường dây điện.

    Điện khí hóa ngành đường sắt là xu hướng tất yếu của các nước công nghiệp. Chỉ cần đặt với khoảng cách 10 km một trạm 4800kW dọc các tuyến đường sắt đã có đủ điện năng cho tất cả các đoàn tàu ở Việt nam hiện nay. Các vùng phong điện lớn đặt gần tuyến đường sắt cũng rất thuận tiện trong việc vận chuyển và dựng lắp. Các đầu máy diesel và than đá tiêu thụ lượng nhiên liệu rất lớn và gây ô nhiễm môi trường sẽ được thay thế bằng đầu máy điện trong tương lai.

    Đặt một trạm phong điện bên cạnh các trạm bơm thủy lợi ở xa lưới điện quốc gia sẽ tránh được việc xây dựng đường dây tải điện với chi phí lớn gấp nhiều lần chi phí xây dựng một trạm phong điện. Việc bảo quản một trạm phong điện cũng đơn giản hơn việc bảo vệ đường dây tải điện rất nhiều.

    Nhà máy nước ngọt đặt cạnh những trạm phong điện là mô hình tối ưu để giải quyết việc cung cấp nước ngọt cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiết kiệm nhiên liệu và đường dây điện.

    Một trạm phong điện 4 kW có thể đủ điện cho một trạm kiểm lâm trong rừng sâu hoặc một ngọn hải đăng xa đất liền. Một trạm 10 kW đủ cho một đồn biên phòng trên núi cao, hoặc một đơn vị hải quân nơi đảo xa. Một trạm 40 kW có thể đủ cho một xã vùng cao, một đoàn thăm dò địa chất hay một khách sạn du lịch biệt lập, nơi đường dây chưa thể vươn tới được. Một nông trường cà phê hay cao su trên cao nguyên có thể xây dựng trạm phong điện hàng trăm hoặc hàng ngàn kW, vừa phục vụ đời sống công nhân, vừa cung cấp nước tưới và dùng cho xưởng chế biến sản phẩm….

    Không phải nơi nào đặt trạm phong điện cũng có hiệu quả như nhau. Để có sản lượng điện cao cần tìm đến những nơi có nhiều gió. Các vùng đất nhô ra biển và các thung lũng sông thường là những nơi có lượng gió lớn. Một vách núi cao có thể là vật cản gió nhưng cũng có thể lại tạo ra một nguồn gió mạnh thường xuyên, rất có lợi cho việc khai thác phong điện. Khi chọn địa điểm đặt trạm có thể dựa vào các số liệu thống kê của cơ quan khí tượng hoặc kinh nghiệm của nhân đân địa phương, nhưng chỉ là căn cứ sơ bộ. Lượng gió mỗi nơi còn thay đổi theo từng địa hình cụ thể và từng thời gian. Tại nơi dự định dựng trạm phong điện cần đặt các thiết bị đo gió và ghi lại tổng lượng gió hàng năm, từ đó tính ra sản lượng điện có thể khai thác, tuơng ứng với từng thiết bị phong điện. Việc này càng quan trọng hơn khi xây dựng các trạm công suất lớn hoặc các vùng phong điện tập trung.

    Gió là dạng năng lượng vô hình và mang tính ngẫu nhiên rất cao nên khi đầu tư vào lĩnh vực này cần có các số liệu thống kê đủ tin cậy. Rào cản chủ yếu đối với việc phát triển phong điện ở Việt nam chính là sự thiếu thông tin về năng lượng gió.

    Tới nay đã có một số công ty nước ngoài đến Việt nam tìm cách khai thác phong điện, nhưng vì chưa đủ những số liệu cần thiết nên cũng chưa có sự đầu tư nào đáng kể vào thị trường này. Một hãng Đức đã xây dựng tại Ấn độ hàng ngàn trạm phong điện, có cơ sở thường trực giám sát hoạt động các trạm qua hệ thống vệ tinh viễn thông, xử lý kỹ thuật ngay khi cần thiết, và hoàn toàn hài lòng về kết quả đã thu được ở Ấn độ. Hãng này cũng đã đến Việt Nam tìm thị trường nhưng chưa quyết định đầu tư, vì chưa có đủ cứ liệu để xây dựng trên quy mô lớn, còn với quy mô nhỏ thì lợi tức không đủ bù lại chi phí cho một cơ sở kỹ thuật thường trực. Một công ty khác chuẩn bị xây dựng 12 trạm phong điện với công suất 3000 kW trên huyện đảo Lý Sơn đã khẳng định công nghệ phong điện rất phù hợp với Việt Nam!

    Tính kinh tế của phong điện

    Chi phí để xây dựng một trạm phong điện gồm :

    Chi phí cho máy phát điện và các cánh đón gió chiếm phần chủ yếu. Có nhiều hãng sản xuất các thiết bị này, nhưng với giá bán và chất lượng kỹ thuật rất khác nhau.

    Chi phí cho bộ ổn áp và hòa mạng, tự động đưa dòng điện về điện áp và tần suất với mạng điện quốc gia.

    Chi phí cho ắc-quy, bộ nạp và thiết bị đổi điện từ ắc-quy trở lại điện xoay chiều. Các bộ phận này chỉ cần cho các trạm hoạt động độc lập.

    Chi phí cho phần tháp hoặc trụ đỡ tùy thuộc chiều cao trụ, trọng lượng thiết bị và các điều kiện địa chất công trình. Phần tháp có thể sản xuất tại Việt Nam để giảm chi phí. Với các trạm phong điện đặt trên nóc nhà cao (H.7) thì chi phí này hầu như không đáng kể.

    Chi phí cho việc vận chuyển tới nơi xây dựng và công việc lắp đặt trạm. Chi phí này ở Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với các nước khác, đặc biệt nếu xây dựng ở vùng ven biển, ven sông hoặc dọc theo các tuyến đường sắt.

    1) So sánh chi phí đầu tư giữa phong điện và thủy điện

    Toàn bộ chi phí cho một trạm phong điện 4800 kW khoảng 3 000 000 Euro.

    Với 500 trạm phong điện loại 4800 kW sẽ có công suất 2,4 triệu kW, bằng

    công suất nhà máy thủy điện Sơn La , tổng chi phí sẽ là :

    500 x 3 000 000 € = 1,50 tỷ Euro = 1,875 tỷ USD,

    chi phí này nhỏ hơn 2,4 tỷ USD, là dự toán xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La.

    2) Giá thành mỗi kWh

    Giá thành một kWh điện trong 10 năm đầu có thể tính như sau

    Sản lượng điện của trạm trong 1 năm là : 4800kW x 2200 giờ = 10 560 000 kWh

    (ở đây tính trạm chỉ đủ gió để hoạt động 2200 giờ – khoảng ¼ thời gian một năm)

    Một trạm 4800 kW trong 10 năm có sản lượng điện là 105 600 000 kWh

    Chi phí để xây dựng trạm là 3 000 000 €

    Chi phí duy tu bảo dưỡng trong 10 năm là : 240 000 €

    Toàn bộ chi phí trong 10 năm đầu là 3 240 000 €

    Chi phí cho 1 kWh là :

    3 240 000 : 105 600 000 = 0,031 €

    Tính ra tiền Việt Nam với tỷ giá 20 000 Đồng / 1 € :

    0,031 x 20 000 = 620 đồng / kWh

    Giá thành 1 kWh điện trong 10 năm tiếp theo:

    10 năm tiếp theo chỉ phải chi cho việc duy tu bảo dưỡng, giá thành sẽ là :

    240 000 € : 105 600 000 kWh = 0,0023 € / 1 kWh

    Tính ra tiền Việt Nam : 0,0023 x 20 000 = 46 đồng / 1 kWh

    Không công nghệ nào cung cấp điện giá rẻ như phong điện.

    3) Sau bao lâu thì thu hồi được vốn đầu tư ?

    Tính với giá điện bình quân ở Việt Nam hiện nay là 1200 đồng / 1 kWh

    tương đương 0,06 €) sau 5 năm, sản lượng điện của trạm có trị giá là :

    5 x 10 560 000 x 0,06 = 3 168 000 €

    Giá trị sản lượng này tương đương chi phí xây dựng 1 trạm 4800 kWh cùng với chi phí bảo dưỡng máy trong 5 năm. Như vậy chỉ cần 5 năm đã thu hồi toàn bộ vốn đầu tư xây dựng trạm phong điện. Sau khi đã thu hồi đủ vốn, chi phí hàng năm chỉ còn rất nhỏ so với lợi tức do trạm phong điện mang lại.

    Thời gian thu hồi vốn còn phụ thuộc các yếu tố khác liên quan tới sản lượng điện thực tế của trạm. Trên đây tính với trạm hoạt động 2200 giờ/năm. Nếu trạm chỉ hoạt động 1100 giờ/năm hoặc ít hơn thì phải trên 10 năm mới thu hồi đủ vốn. Sản lượng của trạm phong điện phụ thuộc vào lượng gió tại địa điểm đặt trạm và tính năng thiết bị. Máy phát phong điện của các nhà sản xuất khác nhau có thể cùng công suất danh định như nhau nhưng sản lượng điện rất khác nhau.

    Kinh phí, nhân lực và thời gian cho việc xây dựng phong điện

    Nhiệt điện và thủy điện thường được phát đi từ những nhà máy có công suất lớn, cần có sự đầu tư, xây dựng và quản lý của ngành điện lực Nhà nước.

    Các trạm phong điện có vốn đầu tư nhỏ hơn nhiều, dù xây dựng đơn chiếc hay hàng loạt. Một địa phương, một nhà đầu tư, một doanh nghiệp hoặc cá nhân cũng có thể sở hữu được một hoăc một số trạm phong điện, tùy theo nhu cầu và khả năng tài chính của mình. Có thể phát động một phong trào toàn dân làm phong điện. Khi đó chủ trương điện lực đi trước một bước sẽ trở thành hiện thực.

    Có thể thực hiện phong trào toàn dân làm phong điện theo những cách như sau :

    1)Nhà nước cho phép các địa phương, các ngành, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hoặc cá nhân được quyền xây dựng và sở hữu một số trạm phong điện, tùy theo nhu cầu và khả năng tài chính của mình. Chủ sở hữu được quyền sử dụng sản lượng điện sản xuất ra hoặc bán cho ngành điện lực qua lưới điện quốc gia. Hiện đang còn một khoảng cách lớn giữa cung và cầu về điện năng ở nước ta. Khu vực điện lực do tư nhân sở hữu chỉ góp phần rút ngắn khoảng cách này, nhưng không thể trở thành nhân tố cạnh tranh với ngành điện Nhà nước. Hơn nữa thông qua việc thu mua điện của các trạm phong điện tư nhân và phân phối lại qua mạng điện quốc gia, ngành điện Nhà nước còn thu được một khoản kinh phí đáng kể.

    2)Ngành điện vận động các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hoặc cá nhân đóng trước từ 1 tới 5 năm tiền điện, và cam kết sau này người đóng tiền trước sẽ được giảm giá điện theo một tỷ lệ đáng kể, trong một thời gian tùy theo số tiền đóng trước. Đây là một cách huy động vốn để xây dựng phong điện. Chỉ cần số tiền điện 5 năm đã huy động được, có thể đủ kinh phí để xây dựng số trạm phong điện có sản lượng tương ứng với nhu cầu của người ứng tiền. Việc cam kết giảm giá điện sẽ làm cho các doanh nghiệp yên tâm khi ứng tiền trước, trong tình hình giá dầu khí và các loại nhiên liệu tăng liên tục từ nhiều năm nay. Sau khi xây dựng xong, ngành điện có thể bán trạm phong điện để có vốn làm các trạm khác.

    3)Việc xây dưng các trung tâm phong điện lớn với hình thức công ty cổ phần, bán cổ phiếu chứng khoán… chắc chắn sẽ được hưởng ứng mạnh mẽ khi mọi người thấy được hiệu quả rất cao của việc đầu tư vào phong điện.

    Một đội xây lắp từ 30 người có thể cất dựng được một trạm phong điện trục ngang, từ 5 người có thể hoàn thành một trạm phong điện trục đứng. Việc kiểm tra các thông số kỹ thuật và bảo dưỡng cần thực hiện định kỳ, với trạm phong điện trục ngang mỗi tháng một lần, với trạm trục đứng chỉ cần mỗi năm một lần. Không ngành sản xuất nào cần ít nhân công như phong điện. Tuy nhiên việc xây dựng hàng loạt trạm phong điện trên cả nước sẽ tạo thêm việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.

    Toàn bộ việc lắp dựng một trạm phong điện trục đứng 40 kW có thể hoàn thành trong 3 ngày, kể từ khi làm móng, dựng cột, lắp máy tới khi nghiệm thu và đưa vào hoạt động. Việc thi công các trạm phong điện trục ngang cần từ 15 tới 45 ngày, tùy theo loại trạm phong điện, chiều cao tháp và các điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn nơi xây dựng. Không nhà máy điện nào có thể xây dựng nhanh như phong điện.

    Để xây dựng một nhà máy thủy điện cần có sự chuẩn bị rất lâu từ trước. Riêng các việc điều tra, quy hoạch, chọn phương án… có thể kéo dài hàng chục năm. Đối với phong điện cũng cần thực hiện những bước này, nhưng nhanh hơn. Sau một thời gian sử dụng, nếu cần có thể rời trạm tới nơi khác. Nếu là trạm phong điện công suất nhỏ thì việc di chuyển càng không mấy khó khăn.

    Sau khi gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thử thách lớn. Để vượt qua được những thử thách đó cần có một nền công nghiệp điện năng phát triển. Xây dựng phong điện là một giải pháp hiện thực, có hiệu quả cao, có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu điện năng của cả nước.

    Phong điện còn có thể phát huy tác dụng to lớn trong sự nghiệp tăng cường an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các vùng sâu, vùng xa, công cuộc xóa đói giảm nghèo, và tạo thêm việc làm cho hàng triệu người lao động ở mọi nơi, trong mọi lĩnh vực hoạt động của đất nước.

    Phong điện thực sự là môt kho báu vô tận ngay trước mắt. Tiền vốn là chìa khóa kho báu đã nằm trong tay các doanh nhân. Kho báu đang chờ người mở !

    • Bạn Letrung ạ,đọc bài viết phân tích về phong điện của bạn rất hay và bổ ích,tôi nhớ cách đây hàng chục năm,tôi có dịp tham dự buổi nói chuyện của Giáo Sư Chu Phạm Ngọc Sơn,lúc đó còn đang là đại biểu quốc hội,trình bày về kế hoạch xây dựng thủy điện Sơn la vừa được quốc hội thông qua,rất tốn kém và lại rất nguy hiểm,một khi có sự cố xảy ra.Tôi có thử đề xuất trong buổi nói chuyện của GS CPNS, về phương pháp dùng “phong điện” như giải pháp mà bạn vừa nêu ra,mặc dù tôi không có đủ cơ sở phân tích cụ thể như bạn,nhưng cũng không được sự quan tâm về đề xuất đó.
      Nhưng theo tôi thì phương pháp dùng phong điện ở nước ta, mặc dù thuận lợi nhưng không phải bất cứ đâu cũng điều sử dụng được phong điện,vì muốn xây dựng các tổ máy sử dụng “phong điện”, chỉ thích hợp ở những nơi có trử lượng gió hàng năm tương đối ổn định và đủ mạnh, để các trạm phong điện phát huy hết công suất hoạt động,vì vậy nếu như bạn cho rằng:
      Trích:
      Xây dựng phong điện là một giải pháp hiện thực, có hiệu quả cao, có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu điện năng của cả nước.
      ————————————————
      Theo tôi hiện thực thì có thể, nhưng để đạt được “hiệu quả cao” thì còn phải xem lại trử lượng gió phân bổ hàng năm, trong các miền, từ đồng bằng cho đến các miền núi, có đủ mạnh để chúng ta phát huy tính ưu điểm của phong điện hay chưa?Vì như bạn cũng biết, nếu như nước ta có trử lượng gió đủ để phát huy mạnh phương pháp “phong điện”, mà không cần đến các nguồn năng lượng khác, thì những nhà đầu tư các nước tiên tiến, họ đã mạnh dạn bắt tay hợp tác với nước ta để phát huy thế mạnh của “phong điện” rồi bạn ạ?Vì vậy nếu như bạn cho rằng “phong điện có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu điện năng của cả nước”,thì theo hiểu biết của cá nhân tôi thì phương pháp “phong điện”, chưa thể thay thế tính vượt trội của các nguồn năng lượng khác hiện nay đâu bạn ạ?
      Theo tôi thì với phương pháp “phong điện” hiện nay các nước tiên tiến khác đang dùng, cũng chỉ có tác dụng hổ trợ phần nào nhu cầu sử dụng điện, song song với các nguồn năng lượng khác mà thôi.Vì vậy theo tôi nếu đem “phong điện” áp dụng vào VN,cũng chỉ hổ trợ phần nào nhu cầu năng lượng điện hiện nay cho đất nước VN của chúng ta thôi, chứ chưa thể đáp ứng được nhu cầu điện năng của cả nước như lời bạn nói đâu bạn ạ?
      Theo tôi một mặt chúng ta thử phát huy phương pháp “phong điện”,một mặt chúng ta dùng phương pháp khác, là sử dụng năng lượng “địa nhiệt” trong lòng đất, mà (Prince Piero Ginori Conti đã thí nghiệm máy phát điện địa nhiệt vào ngày 4 tháng 7 năm 1904 ở một cách đồng khô ở Larderello, Ý).Hiện nay đã có một số nước phát triển, thành công dự án thử nghiệm đã được hoàn thành gần đây, như ở Landau-Pfalz, Đức, và các dự án khác đang trong giai đoạn xây dựng ở Soultz-sous-Forêts, Pháp và Cooper Basin, Úc.Những phương pháp này rất an toàn và hạn chế gây ra ô nhiểm môi trường.
      Vậy thì tại sao VN chúng ta không nghĩ đến nguồn năng lượng “địa nhiêt”, còn đang tiềm ẩn trong lòng đất của chúng ta,nếu như giải quyết được bài toán năng lượng “địa nhiệt” đó thì tạm thời trong tương lai chúng ta không phải lo bị thiếu điện.
      Tôi nghĩ những phương pháp này các nhà khoa học VN của chúng ta cũng đã nghĩ đến, nhưng giữa cách nghĩ và cách làm của các nhà khoa học và lãnh đạo VN, khi nào và chừng nào mới thực hiện được những phương pháp đó, theo tôi còn tùy thuộc vào cái tâm và cái tầm, của các vị đó đối với đất nước như thế nào mà thôi?
      Cám ơn bạn đã có một bài viết về “phong điện” hay và bổ ích,chào bạn

  14. văn lâm said

    Bài viết của ông Đoàn có nhiều điểm đáng chú ý,tuy nhiên ở đoạn cuối ông này khuyên Việt nam nên làm điện hạt nhân nổi thì tôi thấy lời khuyên này phủ nhận những gì ông Đoàn đã nêu trong bài và hơn nữa còn hơi hướng vận động cổ xúy cho những nhà tư bản đang mời chào điện hạt nhân nổi.
    Nếu nói về chuyện an ninh,an toàn thì điện hạt nhân nổi đâu có hơn điện hạt nhân trên bờ,bằng chứng đã có bao vụ tai nạn của các tầu ngầm nguyên tử xảy ra trên thế giới rồi đó.
    Ai cũng biết trong giai đoạn mà cung cầu điện còn bấp bênh ,chưa đạt ngưỡng tương đối cân bằng thì đất nước nào muốn phát triển kinh tế nhanh cũng cần tới điện hạt nhân.Hiện Nhật ,Đức và một số nước phát triển khác đang có kế hoạch từ bỏ điện hạt nhân không phaỈ VÌ HỌ SỢ ĐIỆN HẠT NHÂN MÀ CHÍNH VÌ HỌ ĐÃ ĐẠT NGƯỠNG TƯƠNG ĐỐI CÂN BẰNG CUNG CẦU NĂNG LƯỢNG. Còn ở Việt nam ai cũng biết chúng ta đang trong giai đoạn tích tụ các nguồn lực,giai đoạn tăng tốc kinh tế với tốc độ phát triển cao,cung cầu năng lượng còn mất cân đối nên cũng giống như Nhật,Đức hay Mỹ trước đây,chúng ta buộc phải nghĩ đến điện hạt nhân bên cạnh những phương thức,biện pháp cân đối năng lượng khác.Khi đạt được sự cân đối năng lượng cần thiết,chúng ta cũng sẽ làm như họ là đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân.

  15. […] nguồn anhbasam.wordpress.com […]

  16. Trần Quốc said

    Chính phủ nên mời ông PLĐ và một số chuyên gia thực thụ trong ngành ĐHN ở hải ngoại tham gia Hội Đồng Tư Vấn cho CP về ĐHN. Chức năng nhiệm vụ quyền hạn Hội Đồng cần rõ ràng.
    Kinh nghiệm thực tế nhiều năm qua cho thấy không phải lúc nào cũng xây dựng những nhà máy s/x có quy mô công suất lớn là hay.Nhiều nhà máy có quy mô nhỏ nhiều khi lại hay trên nhiều phương diện.
    Đề xuất của ông PLĐ về ĐHN nổi rất đáng quan tâm.

    • Cái chính phủ này không cần những người tài.Đại loại toàn những người như NTD ấy mà.Cần gì người tài. Ông NTD rất sợ ông Tụy, ông Doanh, ông A, và nhiều các ông khác …Bác Đoàn nói thế chứ họ không nghe đâu.Nghe thì mất ghế à ?Cả một lũ sâu bọ!…Mất mẹ nó một đời người nữa vào đấy rồi !

  17. Mr.gia said

    Rất trân trọng ,bài viết vừa có lương tri vừa có lượng trí cao.cảmơn bác Đoàn.nhưng có lẽ chẳng ai đọc họ còn đang say với phần trăm lại quả .mấy tay quậy viện hán nôm hôm vừa rồi còn có phần cơ mà bởi vậy quyết tâm làm thôi

  18. he he ... said

    các thế hệ sau cứ trách triều đình nhà nguyễn không nghe góp ý của NGuyễn trường Tộ ..con cháu mình chẳng cần mất nhiều thời gian như vậy cũng thấy xót xa về nhưng can gián của các nhà khoa học tâm huyết không được lưu tâm ?

  19. Ha Cam said

    Cảm ơn bác Phùng Liên Đoàn
    Đã làm rõ chuyện an toàn hạt nhân.
    Bài viết thật rất có tâm.
    Trí tuệ siêu việt vuợt tầm thời gian.
    Rất mong Nhà nước của dân
    Lắng nghe ý kiến để dân được nhờ.
    Xin đừng vô cảm ,thờ ơ
    Dẫn đưa dân Việt đến bờ diệt vong!
    Chỉ vì cái dại chơi ngông
    Bơi ra biển lớn mà không rõ bờ.

  20. Nguyễn Hữu Quý said

    Khen về nội dung bài viết thì đã có nhiều người khen, về phần mình, tôi thấy rằng: Bài viết không chỉ của một con người có tấm lòng, mà còn rất thông hiểu về ĐHN, và với nhiều giải pháp đưa ra rất thiết thực.

    Đọc bài của bác NMĐHN tại Ninh Thuận để những ai còn chưa phân định rõ giữa việc phản đối hay đồng ý xây dựng NMĐHN có thêm thông tin và cơ sở để tự quyết định ý kiến của mình khi nói về NMĐHN tại Ninh Thuận; và tôi là một trong số này. Theo đó, tôi đồng ý với bác Phùng Liên Đoàn là không nên đầu tư NMĐHN tại Ninh Thuận.

    Tôi dự đoán rằng, sẽ có đến 90% số người đọc bài này ủng hộ cách đặt vấn đề của bài viết và các giải pháp mà tác giả đưa ra, ngay cả khi người đọc có kiến thức phổ thông bình thường nhất.

    Điều tâm đắc nhất từ bài viết mà tôi cảm nhận được là:

    – Lý do thứ 8 được bác Phùng Liên Đoàn đưa ra đã giải được bài toán thiếu điện với tính chất rất đặc thù, rất phù hợp với điều kiện của nước ta (xét trên nhiều phương diện). Hơn thế, tác giả còn có đủ khả năng về chuyên môn và tâm huyết để thực hiện; trong nội dung này, đoạn trích sau đây thể hiện điều đó:

    Nếu Việt Nam và Nhật bỏ 30 triệu USD để khảo sát địa điểm xây nhà máy Ninh Thuận 2, thì với một số tiền tương tự tôi có thể làm việc với Nhật, với Nga gây dựng kỹ nghệ ĐHN nổi rất an toàn và có triển vọng bán ra khắp thế giới. Tôi có thể hướng dẫn giới trẻ tuổi Việt Nam học hỏi các kinh nghiệm và luật lệ hạt nhân để trở thành tay nghề hàng đầu về ĐHN nổi. Như vậy thì Việt Nam mới có thể tự hào là tiên tiến và có khả năng cạnh tranh kinh tế với kỹ thuật đặc thù.

    – Ngoài bác Phùng Liên Đoàn, tôi tin rằng ở nước ta còn có nhiều người giỏi về ĐHN (không chỉ đang ở trong nước mà tất cả người Việt Nam đang ở nước ngoài), và vì vậy, nếu lãnh đạo ở cấp cao nhất mà thật sự có tâm, có tấm lòng với đất nước…, thì tôi tin rằng, các vị ấy sẽ nghe theo lời đề nghị này của tác giả và tổ chức gặp mặt các chuyên gia này trong thời gian tới. Ngược lại, chỉ có những cái “đầu đất” mới bỏ qua những ý kiến tâm huyết và giải pháp như thế này.

    (khi đọc lại nội dung viết nháp này trước khi comment, tôi nhớ đã đọc ở đâu đó, một bài viết có nội dung đại ý rằng: Sau đại bại trong chiến tranh thế giới thứ II, để xây dựng lại nước Nhật đổ nát, khi được Mỹ tài trợ 6 tỷ Đô la, thì Bộ Ngoại thương Nhật Bản đã chi ra 1/3 tổng ngân sách của Bộ để trả lương cho các chuyên gia nước ngoài, nhằm học hỏi kỹ nghệ của nước ngoài; và kết quả là, sau một thời gian ngắn (chỉ khoảng mấy năm), kinh tế và khoa học công nghệ của Nhật liên tục phát triển và chỉ đứng sau Mỹ trong suốt 30 năm như mọi người đã biết; Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bằng tầm nhìn lớn, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã kêu gọi được rất nhiều Việt Kiều về nước tham gia kháng chiến, trong đó có Trần Đại Nghĩa, và sự cống hiến của Viện sỹ Trần Đại Nghĩa như thế nào cho dân tộc thì mọi người cũng đã biết…; Lãnh đạo nước ta hiện nay đã có trên 10 năm “học tập và làm theo..”, thì lần này “làm thật” xem sao?!; trong khi tác giả Phùng Liên Đoàn và cộng sự của bác đã sẵn sàng!).

    – Để tồn tại, người Việt Nam chắc chắn sẽ tìm ra một hướng đi phù hợp với xu thế thời đại, bởi vì hàng ngàn năm nay vẫn thế (không như thế thì đã là một tỉnh trực thuộc Tàu từ lâu rồi!); vì vậy, hy vọng những người lãnh đạo còn đủ sáng suốt để nhận ra, vì như bác Phùng Liên Đoàn đã nói:

    “ Sự đóng góp của quí vị là ngay bây giờ. Quí vị anh minh thi con cháu ta sau này sẽ nở mày nở mặt. Còn như tiếp tục thiển cận, chậm chạp và độc tài thì quí vị sẽ làm người Việt Nam luôn luôn thua kém người dân các nước kahcs. Quí vị đâu có muốn thế.
    Một

    Kính chúc bác Phùng Liên Đoàn sức khỏe, rất mong rằng bác sẽ có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho đất nước.

    Gửi đến bác lời chào kính trọng!

    23.5.2012

  21. Nguyễn said

    Trông bác Đoàn đứng bên mấy thằng tây mà hãnh diện cho người Việt mình, mặt mũi chúng đâu có “sáng” hơn bác. Nhưng ta thì hay “sính ngoại” dữ lắm. Bác hổng thấy ” đài truyền hình VN” thì gọi là VTV (chắc là Vietnam television, thì phải). “Tổng thu nhập quốc dân” thì mấy nguyên thủ quốc gia của chúng ta gọi là “gi-đi-pi”. Cho nên, hổng ai nghe bác đâu, dẫu bài viết của bác rất tâm huyết, trí tuệ, và nhất là rất khúc chiết. Tui là dân thường (hổng sáng suốt bằng “băng” gọi là thương binh to tiếng tại viện Hán Nôm đâu) nhưng cũng hiểu ngay ĐHN là gì. Chúc bác sức khỏe.

  22. người VIỆT NAM said

    bài viết của 1 chuyên gia về nhà máy ĐHN quá sâu sắc, đầy nhiệt huyết và trách nhiệm với dân tộc. Nhưng tôi đồ rằng nếu chỉ đăng trên trang anh BS thì cũng khó tới TBT, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng chính phủ. Vì tôi tin những vị này chắc không bao giờ vào trang thông tin được coi là lề trái. Mà có ai đó mang đến cho các vị đó xem thì chắc gì các vị đó đã đọc 1 cách nghiêm túc, vì trước nay làm kinh tế các vị chỉ thường hạ quyết tâm chính trị mà thôi. Và biết đâu đó đằng sau những quyết định này lại là “lợi ích nhóm”

    BS: Lạ là nhiều bà con ta cứ nghĩ là kiến nghị, khuyến nghị này nọ cứ phải TBT, TT, CT, … ngó tới thì mới “đã”. Vẫn là cái thói quen “nhìn lên”, không nhìn xuống dân, kể cả những cán bộ, đảng viên bình thường, chính là những người rất cần biết, hiểu sự thật thông qua những kiến nghị này.

    Chính phần vì cứ có lối nghĩ đó, nên nhiều người dễ thối chí, hoặc phản ứng cực đoan, nóng vội. Đã là “dân trí” thì cứ phải “từ từ thì khoai nó mới nhừ.

    Khi dân trí cao hơn, ắt có người lãnh đạo tử tế hơn … bây giờ.

    • BL said

      A3 biết quá rõ , còn lạ gì tư duy số đông ở xứ ta, những người hiểu biết vốn ko phải số đông lại liên kết với nhau rời rạc còn những người còn lại thì ngược lại.

  23. Kính gửi ông Ng. Ph. Trọng và các ông lãnh đạo , các quan phụ mẫu thời ba – coòng ở BaĐình : Các ông có thể giầu sang như vua chúa ngày xưa, các ông cứ việc thờ bao nhiêu chữ vàng bao nhiêu chữ bạc,các ông có thể cai quản nhân dân chúng tôi bao nhiêu năm nữa, các ông độc quyền cai trị đất nước này thêm một thế kỷ nữa, vân vân và v.v…
    Nhưng các ông hãy nghe lời vàng ngọc của Bác Phùng Liên Đoàn, đình chỉ việc xây dựng ĐHN lại (như nhà máy ĐHN NINH THUẬN ) !Trước mắt hoãn lại như lời Cụ Đoàn trong bài viết trên đây !Vì đây là một mầm họa hủy diệt dân tộc VN đã bị chết quá nhiều rồi !

    • Phùng Tương Toàn said

      Phùng Liên Đoàn là một nhà khoa học, được ươm mầm và này nở ở Hoa Kỳ, ông có tiếng tăm trong giới khoa học Thế Giới. Mặc dù là vậy, nhưng với trí tuệ đảng ta, sức mấy mà các cụ nghe ! . .. . nghe ông này mà húp cháo à ? các cứ nhìn vào cái khu nhà sinh thái của bí thư tỉnh Hải Dương mà xem ! mấy ổng mà làm theo lương”tâm” thì những khối tài sản ấy đâu có gom tụ lại được như thế, mà nó đi tứ lung tung, nào là nhà trẻ, trường học, bệnh viện, đừơng xá, cầu cống .. .

  24. ThucQuyen said

    Có bác đặt câu hỏi:

    Nhưng tôi chỉ thắc mắc là tại sao cỡ 10 năm trước các nhà khoa học không vận động phản đối hoăc làm một cái gì đó để gây chú ý? Nước gần đến chân rồi mới nhảy ? Hay là bản chất của người Việt mình cứ đủng đỉnh, kệ đời.
    Bởi vì là một người dân tôi vẫn nghĩ trước sau điện hạt nhân sẽ là hiện thực, với sự tuyên truyền trên báo đài cũng phải đến gần 10 năm trước

    Xin trả lời:
    Các nhà khoa học đã lên tiếng từ lâu rồi , thí dụ như GS Nguyễn Khắc Nhẫn (Nguyên Cố vấn Nha kinh tế, dự báo, chiến lược EDF Paris,GS Viện kinh tế, chính sách năng lượng Grenoble, GS Trường Đại học Bách khoa Grenoble.) đã bền bỉ giải thích, khuyên bảo VN từ cả chục năm nay không nên đi vào tử lộ ĐHN mà phải đầu tư vào năng lượng tái tạo.

    Vấn đề của VN là ngành báo chí trong nước không có tự do và trình độ để đăng những ý kiến có giá trị.
    Vấn đề là trí thức VN cả trong và ngoài nước chỉ co cụm trong hạnh phúc cá nhân mà không có khả năng
    nhìn thấy tương lai sống còn của dân tộc.
    Vấn đề là người dân nghèo trong nước không có đủ cơm ăn áo mặc hàng ngày cho con,kẻ đi lao động ở
    nước ngòai thì sống cuộc đời nô lệ mù tịt chẳng tiếp xúc được với nền văn minh quốc tế, thì làm sao hiểu được
    cái thảm họa ĐHN sẽ đem tới cho mình và cả những thế hệ tiếp nối?

    Dù sao trễ còn hơn không. Mong thay những gì xảy tới với TS Nguyễn Xuân Diện càng làm cho mọi người
    thức tỉnh, tỏ rõ thái độ và không để cho cái ÁC và cái NGU tiêu diệt cả dân tộc VN.

    • Quy said

      Hoàn toàn ủng hộ với ý kiến của chị Thục Quyên! Những đấu tranh của GS Nguyễn Khắc Nhẫn bền bỉ như sóng dưới đáy sông, tiếc là dân trí VN còn quá thấp để quan tâm đến những gì quan trọng đang thực sự xảy ra quanh mình. Có lẽ Việt Nam chỉ kêu la tán loạn khi có … sóng thần thôi.

  25. Hạ Trắng said

    Em “ăn” tiền của đối tác cung cấp phân bón giả.
    Thưa các bác, em cũng biết là rất không nên dùng phân bón giả nhưng em trót đã “ăn” của người ta rồi, bảo em ngưng làm sao bây giờ ? Có cách nào giúp em ngưng được không ?

  26. KTS Trần Thanh Vân said

    Tôi đề nghị Anh Ba Sàm “treo” chuyên đề này dài dài lên cổng chính của trang mạng TTXVH để mỗi sáng, ai vào cũng đọc được một thông tin gì mới, ngõ hầu làm phấn chấn lòng những “Người Việt Nam Yêu Nước Thương Dân”. Tôi hy vọng sẽ đến lúc các “Các đ/c lãnh đạo kính yêu của chúng ta” sẽ đọc và sẽ quan tâm đến trí tuệ và nhiệt tâm của người Việt ở hải ngoại và ở trong nước đang cố gắng mọi mặt đóng góp lời hay ý đẹp của họ cho hạnh phúc và sự yên bình của người dân Việt.
    Tôi rất thích đọc cái lợi thứ 7 về năng lượng bí mật đang được dấu kín trong lòng đất của TS Phùng Liên Đoàn và tôi cũng rât thích thú với câu chuyện rất hồn nhiên của một nhóm người tình cờ gặp nhau trên Comments nói về phát triển các “cây” “con” nhằm xoá đói giảm nghèo và mang lại những niềm vui bình dị nho nhỏ cho người dân

    • Kính chị Vân,

      Cảm ơn chi đã động viên và ủng hộ chuyện ” cây và con ” của nhóm Moringa Happy.
      Em là người Thiên Chúa Giáo, Chúa bảo, chỉ có ai có tâm hồn hồn nhiên như con trẻ mới được vào nước Trời , em nghe sướng quá cho nên em cảm ơn chị thêm một lần nữa.
      Thằng con lớn của em tên là Nguyễn Chứng Nhân, KTS, hiện đang sống và làm việc ở Việt Nam. Cháu học 6 năm và sau đó làm việc ở Mỹ 4 năm nữa , em bảo nó , “ở Mỹ có nhiều người giỏi quá, con về Việt Nam đi đem cái học, cái kinh nghiệm và cái đam mê của con góp một tay xây dưng đất nước cho tươi đẹp , nhưng tuyệt đối là không được adua, nịnh bợ, toa rập kéo bè kéo phái làm bậy, phạm vào những điều đó thì đừng nhìn mặt bố”. Sau 4 năm làm việc ở VN trông nó già đi trước tuổi, nó nói ” cai nghiêm lệnh của bố làm chúng con khó sống, không được gì”, em bảo nó ” mày còn đòi được gì nữa? có được thằng con kháu khỉnh khoe đầy trên facebook, còn vợ chồng đi đâu cũng không phải cúi mặt là nhất rồi!’

      Chị nghĩ em nói có đúng không ?
      Chị là KTS đáng kính , em gởi nó cho chị , khi nào rãnh chị gọi , hướng dẫn và răn đe nó, cảm ơn chị trước.
      Em xin dừng ở đây, không dám làm mât chỗ của ĐHN và của anhbasam.
      Nếu có thể được xin chị cho địa chỉ Email và số điên thoại để tiện liên hệ.

      Nguyễn thành Hà
      Email : Laoha47@yahoo.com

  27. Bài viết sâu sắc, chuyên môn cao! “Vừa có tầm lại vừa có TÂM! Không chê vào đâu được! Tôi bị thuyết phục hoàn toan với lượng tri thức và lập luận trong sáng, đầy ắp trí tuệ của Ông – Một người con Việt Nam…Chỉ tiếc “Người ta’ sẽ không chịu nghe thôi! Bowie bây giờ “Người ta” toàn làm theo cảm hứng tức thời chứ cần gì nghĩ đến con cháu mai sau! Vả lại dù biết thất bại, thậm chí người ta đã biết thất bại rồi (có nghĩa là TS không phải lo về những hậu quả của DHN nếu có gây ra…) Vì không bao giò hoàn thành cả! “Người ta” biết như vậy, nhưng phải làm cho”oai, kêu” và “Dân ta” nghe thấy “sướng”. Đồng thời với hàng loạt dự án, đề án chồng chéo, mơ màng, không đồng bộ và càng lộn xọn càng tốt…kinh phí sẽ chảy lung tung nhưng lại có”định hướng” dồn vào “những cái túi” nào đó… ha ha ha! Có trời mới hiểu cung cách làm việc của “Người ta”! Chắc TS khó hiểu lắm ha! Vì TS là người của nước phát triển, tư duy mạch lạc, rõ ràng, nhung đây là tư duy làm ăn của những người “ấy ấy chúng ta” sâu, cay, nhiều ẩn ý lắm! Dự án sẽ không dừng lại đâu… vì họ biết chắc sẽ thất bại thảm hại. Nhưng sao họ vẫn quyết làm cho lấy được với những lí do thuyết phục của máy bà “hàng tôm, hàng cá” với dân? Mọi người hãy xem lại hàng loạt dự án sụp đổ từ trước đến nay rồi cùng trả lời nha! Cảm ơn TS! Cảm ơn tấm lòng của NGƯỜI CON ĐẤT VIỆT!

    • Cùng lắm là thí vài con “TỐT” như đã làm thôi! Và nhưng con “Tôt” ấy ở tù như đi “nghỉ mát” ấy mà! Mọi thứ sẽ đươc “sắp xếp” an toàn! Cuối cùng sẽ “hạ cánh an toàn” và rồi mọi thứ sẽ được “sôm tụ an toàn” hết. TS khỏi trăn trở ha! “Ở TA NÓ THẾ”!

    • Mỗi lần tìm hiểu nguyên nhân thiếu điện…tôi thấy bọn họ toàn đổ lỗi cho dân – ý thức hoang phí. Thật đau lòng! Đi ra nước ngoài Tôi thấy họ “hoang phí hơn người VN ta gấp nhiều lần!” mà họ có than thiếu điện đâu! Dân VN lấy đây ra tiền mà hoang phí? Vì đại bộ phận dân chúng “rất nghèo”! – Trừ một số thành phần “không phải là dân”. Phải tiết kiệm từng đồng. Xem truyền hình, con cái học bài cũng phải “có kế hoạch về điện”. Thế mà lấy lí do ấy bọn họ đổ thừa và tăng giá điện liên tục… Tiền lời thì chúng không đưa vào để đầu tư cho quản lí, cho nâng cấp phương tiện kỹ thuật, máy móc, trùng tu…Chúng đem chia chác, biếu xén, quà cáp, đầu tư ngoài luồng thua lộ lung tung! Cái thất thoát ở đây là do quy trình quản lí kém và hạ tầng kỹ thuật lạc hậu… Nhung chúng nó vẫn thích để như vậy…”Kinh Tế Vn” mà! Có hư, hỏng, lạc hậu thì mới có ” dự án, đề án” sửa chữa, xây mới, làm mới, mua mới… mà thật ra đó là “phá theo kiểu mới!”. Mới có công ăn việc làm, “tỷ lệ thất nghiệp thấp”…Mói có nhiều người “Tự nhiên giàu!”…

  28. Thành Chung said

    Chúng ta là một lũ tham lam cạnh một lũ ngu ngốc và một bọn hèn ………..

  29. Khách said

    Tác giả thiếu sót khi so sánh tỉ số E/GDP (kWh/USD) của Anh và VN hiện nay mà không so sánh lúc Anh còn nghèo ( USD/capita bằng VN hiện nay là 3300 ) thì tỉ số E/GDP (kWh/USD) của Anh là bao nhiêu bởi vì khi càng giàu thì hiệu suất sử dụng điện càng tốt hơn. VN hiện nay nghèo nên hệ số sử dụng điện kém hơn nên so sánh với nước giàu như Anh hiện nay là khập khiễng .

  30. Nhan said

    Một bài viết hay tâm huyết và đầy trách nhiệm! Rất kính phục bác Phùng Liên Đoàn.
    “Ta còn phải xuất khẩu lao động (thực sự là nô lệ) kiếm ngoại tệ cho ta nhập khẩu các thiết bị cần thiết. Ta nên dùng ngân sách nhỏ bé của ta nâng cao dân trí và cơm no áo ấm cho người dân trước khi phiêu lưu vào ĐHN …”
    Lãnh đạo hãy “vì dân” dừng dự án điện hạt nhân ở Việt Nam trước khi quá muộn!

  31. Dân NinhThuân. said

    Một bài viết quá hay và tâm huyết!
    Mong sao mấy vị đương quyền VN hãy dừng lại dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuân quê hương yêu dấu của chúng ta !
    Rất mong, cac vi lãnh đạo nen tham khảo, xem xét ý kiến đóng góp: “Dân biết, Dân bàn…” mà quý vị đã đề ra./.

  32. Phản đối điện hạt nhân said

    Tác giả có sai sót về lỗi đánh máy ở đây: “phỏng tính rằng tới năm 1920 thì Việt Nam cần 330 tỉ kWh và 1930 thì cần 693 tỉ KWh.” trong đoạn “Lý do 2”.

  33. Cảm ơn TS Đoàn về bài viết rất thuyết phục.
    Mong là họ vẫn còn chút xíu lương tâm để biết quay đầu lại.

  34. Đại_úy said

    Ngô TT tuy đã đi xa nhưng Ngài vẫn không bỏ Đất nước đau thương và bội bạc !

  35. Tuan nguyen said

    hy vọng những người giúp việc cho thủ tướng nhà mình đủ cam đảm đem bài viết này cho thủ tướng đọc. và cũng hy vọng ổng hiểu được ý nghĩa bài viết.

  36. montaukmosquito said

    Sau khi đọc xong bài phân tích của bác Phùng, em ủng hộ chính phủ làm điện hột nhơn . Lý do: Có chiều hướng thành công như chủ nghĩa Mác . Tới luôn đi chính phủ và Đảng “ta” ơi!

  37. anhhungqt said

    Bài viết phân tích 8 nguyên nhân mà Việt nam hiện nay chưa nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân của nhà khoa học hạt nhân Phùng Liên Đoàn rất thực tiễn và dễ hiểu ngay cả những người không có chuyên môn về điện hạt nhân. Nhân dân Việt nam rất trân trọng tấm lòng vì đất nước và dân tộc của nhà khoa học điện hạt nhân Phùng Liên Đoàn cũng như tất cả những khoa học gia người Việt trên khắp thế giới. Tuy nhiên những lời khuyên chân thực và thực tiễn này sẽ không bao giờ được giới lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt nam quan tâm đến. Vì sao thì mọi người có lẽ đã quá rõ. Giới khoa học gia Việt nam ở trong nước cũng như trên toàn cầu hãy cùng nhân dân Việt nam áp lực mạnh mẽ bắt buộc giới lãnh đạo đảng và nhà nước Việt nam phải ngừng ngay việc khảo sát và xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh thuận. Sự cố sau này nếu xảy ra ở điện hạt nhân Ninh Thuận không những ảnh hưởng nặng nề cho môi trường và nhân mạng ở Việt nam mà còn ảnh hưởng đến Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện, Philippine…nói chung là gần như cả vùng Đông Nam Á. Vì vậy giới nhân sĩ , khoa học gia người Việt hãy gửi thư vận động các nước Đông Nam Á dùng áp lực buộc giới lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt nam hãy ngưng việc xây dựng “lợi bất cập hại” này lại. Vì là nhà nước độc đảng toàn trị coi ý kiến của dân không ra gì nhưng không thể không bị áp lực trước ý kiến của các nước xung quanh.

  38. Nguyen Khanh Trong said

    Tôi và các thân hữu tình cờ đọc bài viết có thể nói là rất tâm huyết của TS Phùng Liên đoàn, phân tích lợi, hại về làm điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Chúng tôi, những công dân VN đang học tập, làm việc ở trong nước bày tỏ sự tán thành và chân thành cảm ơn TS ! Rất mong, lãnh đạo các cấp của đảng CS và chính phủ VN trân trọng tham khảo, xem xét ý kiến đóng góp xây dựng của TS Phùng Liên Đoàn trên tinh thần : “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra” mà quý vị đã đề ra./.

  39. nemo said

    Vấn đề cốt lõi đối với những nhà lãnh đạo VN là : Vượt qua nỗi sợ hãi !

  40. ĐHN said

    Như vậy là tác giả không lo về an tòan hạt nhân (Lý do 1) như hầu hết các bác khác trên diễn đàn này mà chỉ cho là ĐHN chưa thích hợp cho VN hiện nay.

  41. ngoi dai said

    Đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta mang hình chữ S, chỉ có chiều dài chứ không có bề rộng. Lỡ ngộ, nhà máy điện hạt nhận bị nổ như ở Nhật hay Liên Xô (cũ), phạm vi bị phóng xạ bao trùm hàng trăm m2, sẽ vĩnh viễn cắt đất nước ra nhiều khúc. Vâng, lúc đó người dân Bắc -Nam mãi mãi xa cách nhau. Nghĩ thấy khủng khiếp quá!

  42. Phan said

    Đáng tiếc, ở Việt Nam các vị lãnh đạo không có thời gian xem các bài báo như thế này. Các vị đó quyết dựa trên lời “tâu” của đội ngũ giúp việc, mà cái đội này thì hổ lốn, cả tâm và tài đều chưa đến tầm, chưa kể bị các nhóm lợi ích chi phối. Còn tại diễn đàn quốc hội, các vị có bàn thì bàn, chứ những vấn đề như thế này đã được BCT quyết định cả rồi.

  43. […] 1022. Tám lý do Việt Nam sẽ có lợi nếu chính phủ hoãn xây nhà máy điện hạt&nb… […]

  44. BL said

    Cám ơn bác Phùng và từng câu chữ của bác thật quý giá biết bao.

  45. Khách trọ said

    Đố bác BS có anh “thương binh nặng” nào biết đọc bài này chưa?

    BS: Chắc chắn chưa, vì các anh đó chỉ quan tâm tới … “cờ lốc” thôi.

  46. Khách said

    Nếu xét về tính khoa học thì bài viết chưa thể hiện tính lô gic, chặt chẽ. Tiêu đề là 8 cái lợi nhưng phân tích từng vấn đề thì không ăn nhập gì với chủ đề. Mà chẳng qua là tác giả chỉ nêu ra những khó khăn khi làm ĐHN mà thôi.Mà khó khăn thì làm bất cứ điều gì cũng khó khăn.

    • Trần Quốc Anh said

      Hãy đọc kỹ nội dung bài viết rồi hãy nói, tác giả không nói rằng không thể làm được mà nói rằng không nên làm với các điều kiện hiện nay của Việt Nam

    • Đại_úy said

      0 điểm … về chỗ !

  47. Trần Quốc Anh said

    Tôi là một kỹ sư đang làm việc cho EVN, chuyên môn của tôi là về kỹ thuật điện nên thực lòng, về điện hạt nhân tôi hoàn toàn không có trình độ để bàn đến. Tuy nhiên trong những lý do mà bác Đoàn nêu ra, những lý do 2,3,4,5,6 là hoàn toàn đúng với thực tế hiện nay của EVN :
    Hầu như tất cả các công trình do EVN làm chủ đầu tư, từ các trạm biến áp truyền tải cho đến nhà máy điện, công trình nào cũng bị kéo dài thời gian, chất lượng xây dựng có vấn đề, chi phí xây dựng gia tăng.
    EVN sử dụng công nghệ từ rất nhiều nước, ví dụ rơ le bảo vệ hệ thống điện và hệ thống điều khiển tự động sử dụng công nghệ từ Mỹ (SEL, GE), Pháp (Micom), Đức (Siemens), Thụy Điển (ABB), Nhật (Toshiba), Trung Quốc (NARI). Hâu quả là cho đến nay thực tế xảy ra hoàn toàn đúng với điều bác Đoàn nêu ra trong lý do 4.
    Rất mong các nhà lãnh đạo Việt nam hãy ráng lắng nghe các chuyên gia kỹ thuật, đừng dùng ý chí chính trị để quyết định mọi việc của đất nước mà hậu quả sẽ gây thiệt hại khôn lường.

    • Nguyễn Quang Tình said

      Hậu qủa thì đã nhãn tiền rồi. . . . Vụ ngọt hóa tứ giác Long Xuyên, bao nhiêu tâm huyết của các nhà khoa học và những tâm huyết ấy .. . thê thảm, người thì bị đuổi việc, bị bạc đã .. . đường dây 500kw . . . ôi kể ra vô vàn thứ.
      Các cụ nhà ta, chỉ cần cái oách thôi, chứ thiệt hại, có Dân lo ! khi dân số mới có 45 triệu, ta đã đánh đuổi Pháp – Mỹ rùi, giờ 90 triệu, nợ QG mấy trăm, mấy ngàn tỷ là kí đinh gì ? chuyện nhỏ !!!

  48. said

    Hãy dừng lại dự án điện hạt nhân ở Việt Nam, quê hương yêu dấu của chúng ta !

  49. Như Không said

    Nghe đâu chính phủ Mỹ cũng ủng hộ chính sách ĐHN của Việt Nam, cho dù đi ngược lại xu hướng thế giới. Có thể có ý đồ quân sự đằng sau dự án ĐHN chăng???

    • CCB said

      Tôi cũng có suy nghĩ như bạn , đằng sau vấn đề ĐHN còn có ý đồ QS-CT. Có lẽ một lần nữa VN lại được lịch sử chọn làm nơi đối đầu giữ các cường quốc.Tôi hình dung thế này , Mỹ và các nước ĐNA muốn ảnh hưởng đến phương Bắc ( TQ, Nga) thì con đường tốt nhật là qua VN và ngược lại TQ, Nga muốn bành trướng xuống Đông nam Á thì con đường tốt nhất cũng là qua VN (Điều này đã được minh chứng qua CT VN).Sau chiến tranh lạnh về bề ngoài thì mọi xung đột đối đầu tưởng như đã qua song trên thực tế vẫn gay gắt cụ thể là mối quan hệ Nga ,TQ ,Mỹ gần đây.Nay các nước lớn đều ủng hộ ĐHN ở VN chẳng khác gì họ đặt một quả bom nguyên tử trên mặt trận chiến lược này mà lại không bị ràng buộc bởi bất kỳ hiệp ước nào kể cả IAEA và khi cần thì BUM như TRERNOBUN.

      • Như Không said

        Việc này tương tự như tình hình ở Trung Đông, nước Israel là đồng minh chiến lược của USA, nghe đâu cũng được trang bị vũ khí hạt nhân để khống chế các nước Trung Đông cứng đầu, không chịu thần phục, nhất là nước Iran. E rằng VN là con bài chiến lược của Mỹ và đồng minh để giảm áp lực từ phương Bắc???

  50. Le Hung Van said

    Sau tai nạn Tchernobyl năm 1986 Ý đã tắt hoàn toàn 4 nhà máy điện hạt nhân. Áo đã xây sông vào năm 1978 nhưng cuối cùng không có đem vào hoạt động, vì trưng cầu dân ý. Thụy Sĩ đến năm 2030 tắt hết 3 lò điện hạt nhân. Kế tiếp Bỉ, Đức, Pháp, Nhật … tắt dần những lò điện hạt nhân. Tại Sao?????? Câu trả lời rõ ràng trước mắt. Bằng chứng Tchernobyl, Fukushima….. Phi xây gần sông cuối cùng đã hoãn vào năm 1986. Kuba đã phải hoãn vì chi phí quá cao không đủ khả năng…..

    Việt Nam chúng ta có phải cần xây nhà máy điện hạt nhân không??? Không!!
    Vã lại tình hình trong nước và xung quanh Việt Nam hiện tại không cho phép chúng ta xây nhà máy điện hạt nhân này….

    Nếu không thì trong tương lai sẽ có “Bom Lạ” phái hoại như ngày hôm nay có tàu lạ quấy nhiễu trên Biển Đông, thì sẽ làm khổ dân ta. Sau tai họa nhà máy điện hạt nhân chi phí sẽ tăng lên đến mấy tỷ Dollar. Đất đai bị nhiễm đọc chất phóng xạ 20 000 năm vẫn bỏ hoang không khai thác được. Đấy là chưa kể đến tính mạng của người dân. Mong rằng chính quyện Việt Nam hôm nay thương dân??!! vì dân??!! suy nghĩ lại.

  51. Hung Saigon said

    Tôi đề nghị anh Ba Sàm tổ chức trưng cầu ý dân về việc xây dựng ĐHN ở Ninh Thuận

  52. Nguyễn Duy Vinh (TS Cơ Khí Động Học, Canada) said

    Trong bài viết tôi đóng góp trước đây được đăng ở bô xít online về đề tài DHN, tôi có đưa ra 3 tiêu chuẩn (và cũng là 3 câu hỏi) và theo tôi bất cứ một dự án nào về DHN nào cũng phải có câu trả lời chắc chắn về 3 câu hỏi này, dù nhỏ cách mấy (từ 200 MW đến 300 MW và nổi trên nước như TS Phùng Liên Đoàn đề nghị) và tôi xin chép lại những câu hỏi này dưới đây :
    1, Giá cả : tốn kém (costs) trong việc xây và xử dụng cũng như việc tháo gỡ (sau 40 năm) những lò điện hạt nhân rất lớn, lớn hơn gấp bội tốn kém trong việc dùng những kỹ thuật phát điện hiện tại dùng thủy điện hoặc than hay dầu khí. Việc xây cất hai nhà máy ở Ninh Thuận có thể lên đến 20 tỉ đồng đô la Mỹ (USD) theo nhiều bài viết về đề tài này. Nếu tôi là nghị viên quốc hội, tôi sẽ có một câu hỏi như sau cho chính phủ Việt Nam : nước Việt Nam chúng ta trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn và vật giá leo thang hiện tại, liệu có đủ sức bảo đảm việc chi phí một số tiền khổng lồ như thế cho việc dùng điện hạt nhân không ? Xin chính phủ cho biết sẽ lấy tiền từ đâu ra, vay mượn như thế nào ?
    2. An toàn : đây tôi không nói về an ninh quốc phòng hay an ninh quốc gia, mà đây chính là vấn đề an toàn (safety) về môi sinh và sức khỏe của người dân trong việc sử dụng điện hạt nhân. Từ cách chuyên chở an toàn nhiên liệu nguyên tử đến các nhà máy cho đến việc đương đầu khẩn cấp khi có những thiên tai như động đất và thủy triều tsunami, và đó là không kể đến trường hợp có chiến tranh và có nước “lạ” muốn tấn công Việt Nam với dã tâm chú trọng vào việc đánh phá các nhà máy điện hạt nhân. Câu hỏi ở đây : nước Việt Nam chúng ta trong hoàn cảnh thiếu thốn về nhân lực chuyên môn (skilled technicians) cũng như về hạ tầng cơ sở (bệnh viện đầy đủ, có bác sĩ chuyên môn, đường xá tốt, có trường đào tạo chuyên viên v.v…), liệu có đủ sức bảo đảm việc tung ra những phương sách cấp cứu khẩn cấp để đối phó với những vấn đề an toàn môi sinh và sức khỏe của người dân cũng như để đáp ứng với những thảm họa như thiên tai và chiến tranh khi chất phóng xạ nguyên tử thoát ra ?
    Và một việc nữa cũng động đến việc an toàn của người dân là :
    3. Việc “chôn cất an toàn” những nhiên liệu phế thải có tính chất phóng xạ cao (radioactive wastes) tức là những nhiên liệu còn lại sau khi được “dùng” trong lò điện hạt nhân. Việc “chôn cất an toàn” này là một bài toán nan giải hiện nay trên toàn cầu và cho tới nay chưa có một đáp số khẳng định. Đó cũng là lý do tại sao một số các quốc gia đã xử dụng năng lượng nguyên tử đang gấp rút rời bỏ nó vì số lượng rác phóng xạ cất giữ trong những hầm tạm đang đe dọa trở thành nguy cơ. Câu hỏi ở đây : nước Việt Nam chúng ta trong hoàn cảnh đất hẹp người đông, liệu có đủ sức bảo đảm việc cất giữ an toàn những chất liệu phóng xạ phế thải từ các lò điện hạt nhân cho tới ngày thế giới tìm được giải pháp thích đáng ?
    Tôi hy vọng đề tài xây lò điện hạt nhân này sẽ được bàn cãi nhiều hơn trong và ngoài nước để người dân bình thường có thể đạt được sự hiểu biết tối thiểu về việc xử dụng điện hạt nhân tại Việt Nam. Và tôi nghĩ những buổi điều trần hay những bàn tròn chung quanh đề tài này sẽ giúp nhà nước Việt Nam lấy quyết định trong tinh thần hiểu biết và trách nhiệm, hầu tránh mang tiếng về sau này với hậu thế là đã có một quyết định sai lầm về một công nghiệp có khả năng đưa đến một thảm họa lớn và lâu dài cho dân tộc.

  53. Trần Thi Vân said

    Mổi công trình, mỗi dự án đều có phần trăm đút lót, tham những, càng to thì cáng nhiều, Ở VN nguời ta nói tới trên 50% lọt vào tay tham-quan, mà chất lượng lại tồi. Thí dụ điển hình là đường cao tốc Saigon-Long Thành-Dầu Dây (Ở Mỹ 8 triêu USD/km ,ỏ VN 12-14 Triêu USD /km ).
    Vì thế các đại công trình được sáng tác: Điện HN, Xe lửa cao tốc, Sân Bay Quốc Tế Long Thành, Đường cao tốc, Vinashin…
    Hãy tinh táo trước những lời hoa-mỹ.

  54. Ngô Đức Thọ said

    Tôi Ngô Đức Thọ làm công tác nghiên cứu di sản Hán Nôm. Tôi chỉ có trình độ phổ thông như các công dân bình thường khác, nhưng tôi chăm chú theo dõi và hoan nghênh các bài viết sớm nhất của anh trước đây đã đăng trên BoxitVN. Cảm phục sự kiên trì, điềm đạm của anh, một lòng chân thành chỉ vì lợi ích của đất nước chứ không vì bất cứ điều nhỏ nhen nào khác.Nếu nói đất nước cần một sự phản biện, góp ý chân thành của một nhà khoa học đúng chuyên môn có trình độ cao, thì bức thư 8 điều VN không nên làm điện hạt nhân của anh đấy!
    Đó là bức thư bằng vàng ròng vàng khối, phải đánh đổi hơn 50 kinh nghiệm trong ngành điện hạt nhân ở quốc gia tiên tiến nhất thế giới mới có được bức thư 8 điểm của anh! Thế nhưng, tôi không dám tin mấy rằng bài viết tâm huyết này sẽ được người có trách nhiệm liếc đến. Buồn qúa anh ạ, nhưng dù sao vẫn cần gắng thêm lần cuối cùng: Chân thành mong anh kiên nhẫn tự cầm bút mực viết tay một bức thư gửi đến người đứng đầu Nhà nước VN (là ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) để xem có hồi âm gì không?
    Chúc anh vui mạnh và tiếp tục có nhiều thành tựu.
    Ngô Đức Thọ (Hà Nội)

  55. DANOAN said

    Ý KIẾN CỦA CÁC CHUYÊN GIA ĐIỆN HẠT NHÂN RẤT ĐÚNG, NHƯNG KHÔNG CẦN ÁP DỤNG THEO. Ý KIẾN CỦA 14 ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ RẤT SAI, NHƯNG CẦN CHẤP HÀNH , VÌ 14 BỘ NÃO ẤY CÓ SÚNG HẬU THUẪN.
    ” mà vì lãnh đạo ta có một quyết tâm chính trị rất cao và có quyền không cần tham khảo ý dân. ” KẺ NÀO ĐÃ SÁNG LẬP RA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM NĂM 1930 ĐỂ ĐẢNG ẤY CÓ QUYỀN KHÔNG CẦN THAM KHẢO Ý DÂN ? LÔI CỔ HẮN RA!

    • Hai Lú said

      Dạ thưa cụ Phùng, cụ chỉ mới nói đến cái lợi cho nhân dân Việt Nam thôi ạ, còn lợi quyền của mấy thằng “đầy tớ” thì cụ để đâu ạ? Đất nước này trong tay chúng nó đấy ạ, và chúng cháu tin rằng với mấy chục tỷ đô la đi vay ấy, ít ra cũng phải mươi phần trăm chảy vào túi mấy thằng đầy tớ mất dạy này rồi, vì thế không hoãn cái sự sung sướng ấy lại được đâu cụ ạ. Kính cụ.

  56. Kính Anh Đoàn,
    Tôi tên Nguyễn Thành Hà, 60 tuổi hiện ở Florida, Đọc bài viết của anh,rồi đọc thư gởi đại sư Phillipin của gần 70 trí thức trong ngoài nước trên anhbasam, tôi mừng lắm vì càng ngày càng có nhiều trí thức và tâm huyết, những người có tấm lòng quan tâm với vận mệnh đất nước, với thân phận dân tộc, thân phận của người dân đen.
    Trong bài viết anh có nhắc đến đồng nghiệp của anh, anh Đinh Đức Hữu, tôi không biết anh ĐĐH nhưng lại biết hầu hết dự án ĐHN và những dự án anh Hữu làm tại Việt Nam, và những kết quả, hậu quả của nó, nhưng thôi,vì anh Hữu đã mất, tôi xin phép không bàn tới.
    Gần 7 năm nay tôi đi đi về Việt Nam như đi chợ, với khả năng hạn hẹp của mình, tôi đi tìm ” cây gì, con gì” để trồng để nuôi giúp cải thiện đời sống cho người nông dân và người có thu nhập thấp trong lúc chờ đợi nhà nước tìm một lối ra cho kinh tế nông thôn và cho người có thu nhập thấp, Ở Việt Nam,công việc chính của tôi là phát triển và cổ động bà con nuôi con tôm “rồng”( Procambarus Clakki) và trồng cây chùm ngây (Moringa Oleifera), bà con ở đây gọi tôi là lão-Hà-tôm-rồng lão-Hà-chùm-ngây , Tôi kiên định và cố gắng dữ lắm, nhưng khó lắm, thú thiệt với anh là cho đến nay vẫn chưa kết quả gì nhiều.

    Hầu hết bạn bè và những người thân thì miệt thị tôi là “Hà dở hơi ” và ” Hà cõi trên”, đơn giản là tôi làm ăn ở VN nhưng kiên quyết không chung chi, không thỏa hiệp, và không biện minh ” vì đó là Việt Nam “!

    Tôi không có khả năng và trình độ để làm nhưng chuyện lớn, nhưng nếu anh được mời về Việt Nam và làm cái gì có ích cho người dân, đặc biệt là dân nghèo, anh hú thằng em này một tiếng, tôi chắc là tôi còn có thể sử dụng cho một số công việc.

    Hôm qua tôi đưa thằng cháu nôi, 11 tháng tuổi; đi cùng với con dâu tôi và bà ngoại nó về Viêt Nam , trên đường free-way đến phi trường, tôi nói vơi chị sui tôi, người Hà nội, từng là đảng viên, là tôi thèm được thấy một hệ thống free-way như vầy chạy từ Nam đến Bắc và chạy đến các tỉnh thành trước khi tôi chết, chị cười, vừa xoa đầu thằng cháu ngoại đang bú vừa nói ‘ hy vọng là đến đời nó thì được’!

    buồn quá phải không anh ?

    Anh bảo trọng.

    • cecile said

      Kinh anh Hà,
      Tôi là 1 phu nu, trong những chuyên vê VN tôi nhân thây dân ta quá thiếu thưc phẩm, thiêu rau, thiếu thit, thiếu sữa ,,, vì dân quá đông mà nông nghiêp quá lac hâu. Tôi rất đau lòng, nhất là cho dân nghèo và mong mõi làm đươc cái gì đó. Tôi có môt vài anh ban cũng cùng nguyên vong nhưng chúng tôi không biết cu thể về cach thức và khả năng han hep….
      Nay nghe anh nuôi tôm, trồng cây …. tôi rất vui, xuất thân tôi cũng ngành sinh vât, nhưng bỏ nghề đã lâu, nên nếu anh cần thêm môt tay tôi hết sức hân hanh gop phần

      • Thế là vui , cảm ơn anh Đoàn , qua bài viết của anh , mà tôi gặp được chị Cecile.
        Cảm ơn tấm lòng của chị Cecile, tôi không biết bắt đàu từ đâu, nhưng tôi đang ở Florida, Chị có thể liên hệ vơi tôi qua địa Email; laoha47@yahoo.com , chúng ta sẽ nói chuyện nhiêu hơn.

        • Hai Lúa said

          Xin các bác cho Hai lúa ké một chân với nhé….
          Lúa thì không kinh nghiệm như các bác, kiến thức có hạn, chuyên môn học cái “bé tí” bên trong cây con thôi, nhưng có lòng, nghe nói vụ cây con là lúa ham lắm. Mong có dịp hầu chuyện và học hỏi kinh nghiệm từ các bác.
          Nếu bác Hà, Bác Cecile đồng ý thì reply cho Hai Lúa qua cái topic này…. Cảm ơn các bác nhiều nhiều.
          “Ta về ta tắm ao ta
          Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”
          Hổng biết tắm xong có bị ghẻ hông nữa??????

          • nguyen said

            Đươc thế còn gì bằng, chúng ta sẽ liên lac với anh Hà qua dia chi trên.

          • Hai Lúa thân ,
            Hoan Nghenh Hoan nghênh !
            Mình nói chuyện cây & con không ăn nhập gì với điện hạt nhân của bác Đoàn và chiếm chỗ của anhbasam e không tiện lắm, bạn có thể viết Email cho laoha : laoha47@yahoo.com
            Laoha tui không ngờ được phản hồi vui như vầy . Bạn Hai Lúa và các anh chị có thể tạm vào 2 cái website : http://www.caychumngay.vnhttp://www.thuysan.com để biết laoha đang làm gì ở VN . .

            Laoha tôi hoan nghênh với tất cả các bạn có tấm lòng với dân nghèo và đất nước Việt.

            Tôi tin rằng có rất nhiều cán bộ đảng viên trăn trở với tình hình đát nước.
            Tôi tin rằng có hàng triệu trái tim Việt còn đau cái đau của dân mình
            Và tôi tin một cách chắc chắn rằng đất nước Việt mình rồi sẽ khá, dân mình sẽ no đủ , sẽ không bị nước lớn ăn hiếp, nước nhỏ khi nhờn.

            Thành thật xin lỗi anhbasam và bác Đoàn.

          • Thanh said

            Xin hoan nghênh tất cả các bác: bác Đoàn, bác Hà, bác Lúa, chị Cecile…Đất nước trông cậy rất nhiều vào các bác. Còn tôi thì già rồi, chỉ biết cổ vũ cho các bác và cố gắng nói cho con cháu biết những thông tin rất có ích lợi này mỗi khi có dịp. Trân trọng.

  57. thuong binh- Trại Mỗ said

    Tôi chỉ hiểu sơ sơ về nguyên lí hoạt đông của ĐHN ,nhưng qua bài này cũng biết thêm nhiều điều thú vị.Một bài viết hay thú vị,người đọc trình độ không cao có thể hiểu phần nào.Tôi thích nhất cái dự án ĐHN nổi,vừa kinh tế vừa an toàn
    Nhưng rất tiếc,đau lòng nói rằng ,mọi tâm huyết ,bức thư ngỏ này của nhà khoa học Phùng liên Đoàn sẽ bị nhưng kẻ lãnh đạo VN vứt vào sọt rác không thương tiếc vì
    Chúng đã bỏ bao công sức,mưu đồ để vẽ ra 1 bức tranh ảm đạm về thiếu điện trong 1,2 thập kỉ tới,qua đó chúng mới có cớ bằng mọi giá phải xây ĐHN.quyền lực trong tay chúng,lên kiểu gì dự án cũng được thông qua Lợi nhuân,tiền bẩn sẽ chui vào túi chúng khi có dự án-khi điều tra thăm dò- khi cho người đi học quản lí,sử dụng ĐHN- ăn nặng nhất là khi kí hợp đồng mua Lò ,thiết bị dây chuyền ( vì có ai ngoài chúng đứng ra tổ chức quân Xanh,quân Đỏ ,thay đổi vài dấu chấm,dấ phẩy trong hợp đồng kinh tế là ra khối tiền rôi) ờ Mỉ giá thành sau khi hoàn thành thường tăng từ 50-300 %.thì tỷ lệ đó ở VN sẽ là 500-3000%,
    Hàng ngũ lãnh đạo VN thăng chức thường sẽ là CÔCA-5 C ( con ông cháu cha-con cháu các cụ cả ) sau đó sẽ là mua quan,bán chức,rất nhiều lãnh đạo VN xuất thân từ Dốt ” chuyên tu ” Ngu ” tại chức ” lên VN gần 40 năm Thống nhất,vẫn lặn ngụp trong vũng ao Đông nam á mà thôi Báo chí đưa tin rất rầm rộ ,năm trước Vật lí thi quốc tế VN đứng thứ 2 ,năm nay thi Toán QT đứng thứ 1……. nhưng thử hỏi số học sinh đoạt giải QT đó ,bây giờ có bao nhiêu % ở nước ngoài ( có 1 số thành công nhất định) % còn ở lại VN ,có làm đúng chuyên môn không,có công trình KH nào đang trên diễn đàn QT không.Tôi không biết Lê bá khánh Trình giải nhất Toán quốc tế giờ làm gì,ở đâu.Giáo sư Châu nếu ở VN bon chen liệu có được cả Thế giới biết tiếng như hôm nay không…..
    Nói chung bảo dừng dự án ĐHN là điều không thể ,vì rất nhiều kẻ sẽ mất cơ hội kiếm tiền ngàn năm có 1 này.
    Cảm giác chưa bao giờ trong hàng ngũ LĐVN tỷ lệ người bị Điếc-Lác-Ngáo ngơ nhiều như bây giờ
    Giá như trong hàng ngũ LD chỉ cần 30-40% có tâm huyết như Tác giả thì VN đã ” sánh vai với các cường quốc 5 châu trên Thế giới ” chứ không phải Sun Soe Khúm núm Rụt cổ rùa bên cạnh anh bạn ” 4-16 ” như bây giờ

  58. Kiên Thành said

    Rất mong các nhân sĩ, trí thức Việt đồng lòng gửi tâm thư kèm theo bài này đến Quốc hội và 14 vị trong BCT kẻo các vị này không thể nhận được bài viết vô cùng quý giá này của TS Phùng Liên Đoàn, do bị đám trợ lý bưng bít rất gắt gao.

    • ChúngTớ Chỉ Yêu Đô La said

      “đỉnh cao trí tuệ loài người” biết chứ sao lại không , nhưng không làm thì “ăn, uống” thế quái nào được.
      “Áp phe” ĐHN kỳ này trúng ít nhất nửa tỷ Đô chứ đâu có ít!

    • nguyen said

      Vâng, bài viết rõ ràng minh bach vây mà không chiu nghe chăng

  59. Vytnt said

    Many thanks !

  60. Nguyễn Minh said

    Tôi biết TS Đoàn này lâu lắm rồi, các nhà khoa học Mỹ gọi bác là Nhà bác học Hoa kỳ, chức danh này ở Mỹ rất hiếm, người Châu á ít khi đạt được. Tôi là 1 kỹ sư sống tại SG nhưng làm việc cho những Tập đoàn chuyên về năng lượng của Úc + TQ, trong những lần trò chuyện với các chuyên gia Úc, họ vẫn nói VN không nên làm điện hạt nhân, họ có nêu ra nhiều vấn đề mà VN chưa thể làm được căn cứ vào các yếu tố Khoa học, và KT tại VN. Trong đó có 1 chuyên gia Úc nói rằng TQ rất mong VN xây nhà máy ĐHN vì TQ có cơ hội hù dọa VN nhiều hơn… “tụi bay không nghe lời tao thì nhà máy ĐHN của mày nổ đó, ai chứ TQ dám làm lắm chứ, và TQ sẽ chối phăng trước dư luận QT, chỉ có người dân VN là lãnh đủ từ Bắc chí nam+ Lào + Campuchia + Thái + Miến với 8 lò ĐHN này…”
    Bác Đoàn dù ở Mỹ nhưng bác là người yêu nước , tôi nghĩ chỉ 1 bài viết này bác phải tốn nhiều công sức. Cảm phục trước tấm chân tình đối với QG.
    Làm sao để người dân VN đọc được bài này mà không bị Đ & NN kết tội thế lực thù địch, phản động vv…
    Tôi sẽ Copy bài này để gởi cho bạn bè tôi.

  61. Kien Tran said

    Anh o My lau qua roi nen khg hieu tinh hinh VN nua roi. Anh viet cai gi cung hay cung dung het, chi sai mot cai RAT QUAN TRONG: Lam nhu anh noi LAY CAI GI MA AN????(Quan Chuc chinh phu).

  62. Lê Thiện Ý said

    “Điếc không sợ súng, túng hoá liều”.Bọn vô học, đầu óc không quá ngọn cỏ thì nào có tầm nhìn xa; bọn cơ hội lợi dụng điểm yếu cuả lãnh đạo “dốt học làm sang” vẽ vời để ăn chia, chẳng cần biết hậu quả. Chỉ nhân dân và đất nước là “lãnh đủ” !

  63. Nhật said

    Đọc bài này của một chất xám Nam Việt Nam
    Lại đau lòng thật sự khi nghĩ tới bao nhiêu chất xám đã táng mạng ngoài biển Đông.

  64. Ha Le said

    Vô cùng cám ơn bác Phùng Liên Đoàn!

  65. Hà Văn Thịnh said

    Cách đây mấy năm, tôi có bài viết trong đó nói rằng ước gì Việt Nam có nhiều người như bác Phùng Liên Đoàn. Qua bài viết này, một lần nữa xin cảm ơn bác và xin Trời, Phật phù hộ để lãnh đạo Việt Nam tỉnh táo và bớt tham lam một lần. Ít nhất, chỉ lần này thôi, bằng cách dừng chương trình ĐHN Ninh Thuận tốn kém và vô cùng nhiều hệ lụy, cũng phúc tổ cho con cháu Lạc Hồng rồi…

    • anhhungqt said

      Lợi ích cá nhân trong vụ vay 10 tỷ usd làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận lớn lắm đó. Bác Thịnh không thấy chúng nó còn thuê cả đám côn đồ “thương binh nặng” tới Viện Hán Nôm quậy phá và ép buộc tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện phải gỡ bỏ bức thư ngỏ của các nhà trí thức Việt nam gửi cho chính phủ Nhật về vấn đề điện hạt nhân.Đồng thời 2 tờ báo QQĐND và Cựu chiến binh đã đăng bài vu cáo nhân viên viện Hán Nôm đã hành hung “thương binh nặng” chỉ vì “các thương binh nặng vì ủng hộ chủ trương đúng đắn ” của đảng và nhà nước về xây dựng điện hạt nhân. Như vật thì làm sao bác lại hy vọng lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt nam …tỉnh táo và bớt tham lam một phần. Ôi , sao mà tôi thương cho giới trí thức Việt nam hiện nay quá đi. Luôn luôn hăng hái chỉ ra những cái sai cho đảng và nhà nước cộng sản để rồi một số thì bị tống vào ngục tù, một số lại ca điệp khúc HY VỌNG đảng và nhà nước sữa chữa và rồi lại…THẤT VỌNG.

  66. Hoàng Xuân Phú said

    Một bài viết tuyệt vời của một chuyên gia lão luyện!!!
    Tất cả những người liên quan đến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam (Quốc hội, Bộ chính trị, TƯ ĐCSVN, Chính phủ, Bộ KH&CN, các nhà chuyên môn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử…) nên nghiên cứu kỹ bài này.
    Cảm ơn TS Phùng Liên Đoàn!
    Cảm ơn BS đã đăng bài này!

  67. Chủ nghĩa Mác Lê làm thui chột chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc đi. Giờ quan chức chỉ có tiền và tiền thôi!

    Trí thức lớn của VN quá ít, và lại già…phần lớn đã bị tiêu diệt qua chính sách thời chiến, siết bao tử bằng tem phiếu….số còn lại trong hệ thống chính trị chẳng ai dũng cảm lên tiếng.

    Nhìn bộ chính trị toàn mấy ông bên tuyên giáo, học Mác Lê là phát chán rồi. Ngay bộ Thông Tin và Truyền Thông thì ông Bộ Trưởng cũng bên Tuyên GIáo thì đủ hiểu chán cỡ nào.

    Tinh hoa để phục vụ sự tồn tại và cai trị của ĐCS chứ không phải ĐCS sinh ra mục đích để tìm nhân tài xây dựng đất nước, quốc gia

  68. Quốc Hội bắt đầu khai mạc từ hôm qua!

    Thực sự muốn gây chú ý tại thì chỉ có biểu tình thôi, Hôm qua, đi làm qua Lặng HCM tôi đã thấy 2 dân oan can đảm giăng khẩu hiệu, khách Tây (du lịch) đi qua có chụp hình.

    Nhưng tôi chỉ thắc mắc là tại sao cỡ 10 năm trước các nhà khoa học không vận động phản đối huặc làm một cái gì đó để gây chú ý? Nước gần đến chân rồi mới nhảy ? Hay là bản chất của người Việt mình cứ đủng đỉnh, kệ đời.

    Bởi vì là một người dân tôi vẫn nghĩ trước sau điện hạt nhân sẽ là hiện thực, với sự tuyên truyền trên báo đài cũng phải đến gần 10 năm trước

  69. Tưởng Cán said

    Cám ơn bác Phùng!!!
    Bác viết rất thuyết phục nhưng trên giả định bài viết của bác đến với đại chúng.
    Tất cả các ý của bác có một chút hiện thực nếu Thủ Tướng VN đương nhiệm đọc được sẽ mua hoàn toàn công nghệ của Nga hoặc Mỹ.Có nghĩa là có Nga,Mỹ “bảo kê”.Giá trị của việc yên tâm sống gần anh bạn quá mạnh có ý nghĩa rất lớn ngay cả khi phải trả giá đắt.

  70. Hoa said

    Bài viết này mọi đại biểu quốc hội nên tham khảo vì rất thuyết phục.

  71. Người dân việt said

    Bài rất thuyết phục ,của một người đã trực tiếp làm việc trong ngành điện hạt nhân lâu năm,nhiều ý tưởng hay và mới .Lãnh đạo VN cùng với các “chuyên viên tư vấn” của họ nên nghiên cứu kỹ những đề xuất của ông Đoàn. Nên gửi thẳng bài này cho những người liên quan(Chính phủ,EVN,Bộ KHCNMT,Viện NLNT VN…)

  72. Người Sông Tiền said

    Cần thiết cho 14 vị trong BCT đọc bài của TS Phùng Liên Đoàn về ĐHN, ngay cả các vị “chỉ đạo” nhóm “thương binh nặng” đã hành hung và bao vây Viện Hán Nôm của TS Nguyễn Xuân Diện, nên đọc bài này mới mở mắt phần nào. Chỉ bằng cách đó mới mong thay đổi được cái đầu của 14 vị trong BCT đang khát… dự án để tham nhũng cú chót

  73. tvst said

    Kho qua’. Cai nha nuoc nay da ban re tuong lai cua con chau tu lau roi. Chung no biet ca day!

  74. leanvi said

    Hoan nghênh Basam đã đưa một thông tin quan trọng – Giải pháp cứu nguy cho VN trước nguy cơ của một quyết định phản dân chủ của TTg CPVN và Nhóm lợi ích về Xây dựng các Nhà máy Điện nguyên tử tại VN. Như chuyên gia Phùng Liên Đoàn đã phân tích từ những trải nghiệm cả cuộc đời của mình , 40 năm trong ngành năng lượng Điện nguyên tử tại Mỹ , Quốc gia hàng đầu về ĐNT trên TG.
    Thiết nghĩ, Basam & Boxit VN nên thông báo rộng hơn trước dư luận và khẩn trương tổ chức diễn đàn/hội thảo chuyên về văn hóa, nhận thức xã hội sử dụng/tiêu dùng ĐNT tại VN.
    Tôi là người đã từng sống và làm việc ở Đông Âu 25 năm, đúng vào thời điểm xảy ra sụ cố Chernobyl, thảm họa ĐNT gây hậu quả cho tới ngày nay, sau 26 năm vẫn còn ô nhiễm phóng xạ. Lúc đó, chính quyền Soviet bưng bít thông tin và chỉ đạo các nước XHCN thông báo, rằng sự cố không có gì gây ảnh hưởng đến đời sống và môi trường cả. Sau dó, những năm 1989-1990, khi các nước CS Đông Âu sụp đổ và “Cháy nhà ra mật chuột”. Các chính quyền dân chủ mới lên thay CQ CS, họ lập tức phanh phui và tố cáo những đoạn băng tư liệu bưng bít của truyên hình TƯ các nước về những lời tuyên bố sai sự thật – “An toàn, không có ô nhiễm và nguy hiểm từ Chernobyl”. Đó là bộ mặt thật của các chế độ chuyên chính vô sản, mị dân, độc quyền về thông tin, tự ý đánh lừa dư luận (kiểu như ngày mất của HCM ở VN). Ngày nay, các nước CS vẫn dùng vũ khí lỗi thời đó hòng giữ ghế để tồn tại tới giờ phút này. Riêng tôi nghĩ rằng, ý thức và sản phẩm con người VN ngày nay (làm nhà nhà nghiêng, làm đường lún, làm cầu cầu sập…) không thể đáp ứng với kỹ thuật và công nghệ siêu cao vê ĐNT chuẩn mực thế giới được. Các trung tâm ĐNT có thể hiện đại nhất thế giới nhưng trước những thiên tai như sóng thần, động đất, liệu có tồn tại không? Có phép mầu nào để chống lại Ông Trời?
    Và, nguy hại hơn hết là một vùng đất thiêng liêng cùng với nền văn hóa dân tộc Chăm sẽ vĩnh viễn bị xóa sổ.
    ** Đây là lĩnh vực vừa hẹp, vừa sâu đối với trình độ dân trí hiện nay, thậm chí ngay cả giới khoa học vật lý nguyên tử VN cũng trong trạng thái mò mẫm vì VN chưa có thực tiễn. Cho nên đòi hỏi có nhiều thông tin đa chiều, đặc biệt là những phân tích, đánh giá và dự báo của các chuyên gia hàng đầu với những trải nghiệm thì các vấn đề đưa ra mới được giải quyết thấu đáo. Vấn đề hệ trọng là hậu quả của nó sẽ là sự hủy diệt con người và môi trường sau hàng chục thế hệ.
    Kính!

  75. binhve said

    Qua bài này, người đọc mới hiểu được ngọn ngành về ĐHN. Những chứng lý của Ts Phùng Liên Đoàn trong khi phân tích ĐHN tại Việt Nam hiện nay thật thuyết phục. Hy vọng chính phủ VN sẽ tỉnh giấc mộng hạt nhân khi đọc bài viết này

  76. huy Mc said

    Các bác dân thông cảm, bọn em cũng hiểu như các bác nói, nó (ĐHN) nguy hiểm lắm, dưng mà khó nói quá các bác thông ….. cảm.
    Dự án nào có vốn vay lớn zạy để mà đáo nợ để mà tăng trưởng GDP và có % để ……..Hì hì hì. Còn khi nó chạy ra điện được chắc bọn em cũng cao chạy xa bay rồi …. thậm chí lên sao hỏa.

  77. Dân lành said

    Kẻ “chỉ đạo” Thương Binh cần xem bài này mới đúng!

  78. said

    bác ĐOÀN tuy ở MỸ như lòng vẫn hướng về cố quốc , Tư mỗ thật đáng phục vạn lần

  79. said

    bác ĐOÀN viết rất hay .như họ làm theo bác thì làm sao tham nhũng được

  80. ntd said

    cac bac “thuon binh hang nang” nho doc bai nay nhe
    1

    • labang said

      Kẻ “chỉ đạo thương binh” đã đọc bài này rồi nhưng sao Bác Đoàn viết khó hiểu quá. Tôi thấy cả bài của Bác viết không có gợi ý % hoa hồng nào ? . Kẻ “chỉ đạo thương binh” chắc không làm được. Mong Bác Đoàn thông cảm !

  81. ntd said

    bai viet qua xuat sac!

  82. Đoàn nam Sinh said

    Tôi tán thành cách lập luận của anh, ta có thể khác, có thể hơn, tại sao không ?

  83. Thành said

    Một bà viết quá hay và tâm huyết!
    Mong sao mấy vị đương quyền ở VN đọc và vì tương lai của dân Việt Nam!

    • Dân Việt said

      Mong mấy vị đương quyền ở VN đọc và vì tương lai của dân Việt Nam, thì cứ hãy đợi đấy.
      Bài này phân tích thì rất hay, nhưng còn một điều tác giả của bài viết vẫn chưa thấy đó là “cái mất” chỉ một cái mất này thôi cũng đủ để đánh đổ 4 cái được kia, đó là nếu ngưng dự án này thì các Cụ sẽ mất một cơ hội chấm mút, mà xà xẻo dịp này thì quả là chẳng ít.

Gửi phản hồi cho ĐHN Hủy trả lời